Giá gas tăng liên tục, và mới đây nhất vào ngày 9/10, hy vọng giảm giá xăng dầu của người tiêu dùng lại bị dập tắt một cách phũ phàng với quan điểm “cứng rắn” của ngành “nếu không sử dụng công cụ bình ổn giá thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng chứ không giảm!”. Trong bối cảnh như vậy, động thái từ chối tăng giá của một loạt DN bán lẻ mới đây đã phần nào duy trì niềm tin vốn đang khá leo lét của người tiêu dung về thị trường, về giá cả…
Sau khi Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị Chính phủ về việc vào cuối tháng 9/2012 liên quan đến chuyện nên có sự thận trọng, cân nhắc trong điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ và có bước đi thận trọng cả về thời điểm, mức độ. Cụ thể, Ủy ban này cho rằng trong tháng 10/2012, tạm thời chưa điều chỉnh tăng giá để củng cố tâm lý thị trường.
Trên thị trường xuất hiện những diễn biến… lạ. Hàng loạt siêu thị như Co.opmart, BigC, Citimart, Maximark… ngay lập tức đưa ra lời từ chối trước hàng trăm đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp hàng cho bốn nhóm hàng: thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ, hoá mỹ phẩm và hàng gia dụng, với mức tăng từ 5-15% từ đầu tháng 10/2012
Tất nhiên, lý do từ chối với đề nghị tăng giá này cũng mỗi đơn vị một kiểu, mỗi nhà một cách. Ví như, Co.opmart thì do vẫn còn một trữ lượng lớn các mặt hàng thiết yếu, nếu tăng giá mà không hợp lý thì đương nhiên sẽ không được chấp nhận. Đồng thời, hệ thống siêu thị này sẽ thuyết phục nhà cung cấp có chính sách cùng chia sẻ với người tiêu dùng, song song đó áp dụng tăng giá theo lộ trình. Tương tự, Citimart, BigC… cũng khẳng định sẽ không có bất kỳ đợt tăng giá nào vào đầu tháng 10 tại hệ thống của họ.
Nói lời từ chối cũng là cái quyền, cái lý của người tiêu dùng, của nhà phân phối (ảnh ktdt)
Tuy nhiên, phải thấy rõ một điều rằng, có thể xuất phát từ nhiều lý do nhưng hầu hết ý kiến các nhà kinh doanh siêu thị đều gặp nhau ở một điểm: kinh doanh đang ở giai đoạn khó khăn, tăng giá sẽ khó bán hàng.
Vốn là những người gần gũi với đời sống thực tế của người tiêu dùng, những nhà bán lẻ quá hiểu đời sống khó khăn và sức mua đã kiệt quệ như thế nào. Trong bối cảnh nan giải này, nếu cứ mù quáng tăng giá thì biết đâu sẽ “già néo đứt dây”, người tiêu dùng có thể quay lưng, thậm chí tẩy chay hệ thống siêu thị. Mà xét đến cùng, chính là họ chứ ai khác mới là người nuôi sống hệ thống bán lẻ, thiếu “bầu sữa” này, siêu thị sống ra sao?
Không chỉ từ chối tăng giá, các siêu thị đều có động thái nuôi dưỡng sức mua của người tiêu dùng bằng các đợt khuyến mãi mới ngay tháng 10: Co.op mart giảm giá đến 40% cho 500 sản phẩm thuộc nhóm hoá mỹ phẩm, đồ dùng, hàng may mặc… , Lottemart giảm giá 49% hơn 300 sản phẩm hàng tiêu dùng thường xuyên; BigC tổ chức đợt khuyến mãi giảm giá 50% cho 2.000 mặt hàng hoá mỹ phẩm và 500 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu…
Cổ nhân vẫn bảo “Đề nghị không phải là tội lỗi, từ chối không phải là khiếm nhã”. Dĩ nhiên, khi gửi kiến đề nghị tăng giá các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ, hoá mỹ phẩm và hàng gia dụng… tới các siêu thị, các nhà cung ứng cũng có cái lý, cái quyền của họ. Nào là chi phí điện, gas nhiên nguyên liệu đều tăng, tiền thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh tăng, phí vận chuyển tăng, nhân công càng ngày càng đắt đỏ… quả là những cái lý rất… có lý. Xem ra thật sự khó từ chối.
Nhưng rõ ràng, nói lời từ chối cũng là cái quyền, cái lý của người tiêu dùng, của nhà phân phối. Và trong hoàn cảnh này, cần phải dành nhiều tráng pháo tay để tưởng thưởng cho sự dũng cảm của các nhà phân phối, bán lẻ. Vì quyền lợi và cuộc sống của người tiêu dùng (và của chính họ) những đơn vị này đã biết nói KHÔNG trước những đề nghị và cả áp lực tăng giá của bạn hang để đứng về phía các “thượng đế”.
Tất nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm, tuyên bố hùng hồn thì đơn giản nhưng cam kết lâu dài mới khó. Nhưng nhìn chung, đông đảo dư luận đều hoan nghênh quyết định từ chối tăng giá để “khoan sức mua” cho người tiêu dùng và cho rằng, đây là một quyết định khôn ngoan và có tầm nhìn của các nhà bán lẻ, nhất là trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn như thời điểm hiện tại.
Theo Vietnamnet