Khi người ta già không đều - Tạp chí Đẹp

Khi người ta già không đều

DELETED

Khi cô hoa hậu hỏi một cụ tỷ phú bao nhiêu tuổi để quyết định sửa túi nâng khăn, và hình dung ra cái ngày không lâu nữa cô ôm gọn cái gia sản kếch sù, sống vương giả bên người mình yêu, thì biết đâu, khi cô đã hết duyên và cạn mọi ham muốn cụ vẫn sờ sờ ra đó. Bởi cô mới biết cái tuổi thời gian mà chưa biết tuổi sinh học của cụ.

Tuổi, tuổi và… tuổi

Trong những đặc trưng để nhận biết một con người trên bất cứ thứ giấy tờ nào cũng có một thông số luôn luôn biến động nhưng chẳng bao giờ vắng mặt, ấy là tuổi. Tuổi tác cho biết một người đã xế chiều hay còn son trẻ, “đang xoan” hay “đã toan về già”…

Phòng tổ chức quan tâm đến tuổi của một cán bộ trước khi đề bạt để cân nhắc xem còn sử dụng được tài năng này trong bao lâu nữa. Các vị “phó” ghi nhớ tuổi của “sếp” trưởng để nuôi hy vọng một ngày nào mình được ngồi vào chiếc ghế béo bở của ông ta…

Thế nhưng bạn đừng nghĩ người ta chỉ có một loại tuổi. Các nhà khoa học đưa ra nhiều khái niệm về tuổi để đánh giá một con người. Cứ tạm kể thế này thôi: tuổi thời gian, tuổi sinh học, tuổi tâm lý, tuổi trí tuệ, tuổi chức năng…

Tuổi thời gian (chronological age) căn cứ vào ngày sinh chỉ cung cấp cho ta một khái niệm rất trung tính, dùng như một con số thống kê, nói lên những tính chất chung chung về một con người, vì khi cùng tuổi người ta vẫn có thể khác nhau ghê gớm.

Tuổi sinh học (biological age) thể hiện của tuổi từng bộ phận trong cơ thể dựa trên chất lượng sinh học hiện tại của các tế bào và các mô của bộ phận đó khi so sánh với những giá trị quy định làm chuẩn mực. Tuổi này phụ thuộc vào sự trưởng thành sinh học và các ảnh hưởng bên ngoài.

Tuổi tâm lý (psycholigical age) được tính theo khả năng thích nghi của một cá nhân, theo những cách ứng xử khách quan và quan niệm của cá nhân phù hợp như thế nào với thời đại. Nó phản ánh những kinh nghiệm sống, sự từng trải của một người, nói cách khác, nó là sự chín mùi của tâm lý.

Tuổi trí tuệ (mental age) chỉ ra sự thông minh, khả năng nhạy bén, phản ứng linh hoạt trước một tình huống, sự suy nghĩ logic so sánh với chuẩn mực quy định tương ứng với lứa tuổi. Một dạng thể hiện của nó là thương số IQ quen thuộc.

Còn tuổi chức năng (functional age) là một “âm mưu” tổng hợp mọi loại tuổi kể trên thành một, còn gọi là tuổi thực (real age) phản ánh đầy đủ nhất tuổi của một người, bất chấp người đó có tuổi thời gian là bao nhiêu. Nếu bằng cách nào đó tính được tuổi này, thì nó chính là thực chất để đánh giá một con người, mà tuổi thời gian chỉ là hình thức. Nó có thể trùng với tuổi thời gian, có thể thấp hơn hoặc cao hơn, tùy người.

Trong khi người ta còn lúng túng trong việc tính tuổi chức năng như thế nào, thì suy cho cùng chỉ hai loại tuổi trong số đó là tuổi thời gian và tuổi sinh học là quan trọng hơn cả.

Tuổi thời gian và tuổi sinh học ít khi là một

Tuổi thời gian là tuổi thường dùng nhất, dù theo âm lịch và dương lịch có khác nhau chút xíu, gọi nôm na là tuổi ta và tuổi tây. Anh “ta” tính xuê xoa, đại khái, tính tuổi theo năm chứ không theo tháng, và vừa ra đời, các bà mụ đã cho một tuổi rồi (mà có lẽ cũng có lý, vì cái bào thai, được tạo ra từ 9 tháng trước cơ mà, nó chỉ “chưa muốn” ra hít thở khí trời mà thôi).

Anh “tây” chi ly hơn. Nếu chưa qua sinh nhật, chưa được tính thêm tuổi. Cho nên, đôi khi “thằng cò” Việt rõ ràng đẻ sau “cái hĩm” Tây, nhưng lại hơn “cái hĩm” Tây đến 2 tuổi. Sự khác biệt ấy chẳng đáng nói làm gì.

Tuổi thời gian thường được người xưa quy ước mỗi cuộc đời là 100 năm. Cho nên cụ Nguyễn Du mới bắt đầu Truyện Kiều bằng câu “Trăm năm trong cõi người ta”, cụ Nguyễn Công Trứ mới than “Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy”… Nếu bạn thấy bác nông dân bảo: “Cụ tôi trăm tuổi vào năm Kỷ Mão, vừa thọ sáu mươi” mà bắt bẻ “Mới sáu mươi, sao đã trăm tuổi?” thì người ta sẽ cười cho bạn đấy, rằng không hiểu khái niệm “trăm tuổi” đồng nghĩa với khái niệm “qua đời”.

Tuổi thời gian trung tính ở chỗ, không phải ai chừng ấy tuổi cũng già như nhau, yếu như nhau, lú lẫn như nhau và từ biệt cõi trần gian vào cùng một lúc. Đó chính là sai lầm của cô hoa hậu khi tình nguyện nâng khăn sửa túi cho cụ tỷ phú xấp xỉ bát tuần.

Biết đâu, nhờ những thành tựu của y học, với liệu pháp hocmon, 30 năm sau, khi cô đã hết duyên và cạn mọi ham muốn thì cụ vẫn… phây phây, móm mém tâm sự “Phướng phì phướng phập, phưng phông phướng phằng phúc phương phì”…
Vì lý do ấy, người ta mới đề cập đến tuổi sinh học, xác định bằng các số đo cụ thể từng bộ phận trong số lục phủ ngũ tạng, xương cốt, cái răng cái tóc… của một con người.

Tuổi thời gian và tuổi sinh học khác nhau thế nào?

Tuổi sinh học có thể trùng khớp với tuổi thời gian, có thể ít hoặc nhiều hơn. Trong phòng thí nghiệm thụ tinh nhân tạo nọ, người ta đã lấy tinh trùng của một nhà bác học cho thụ tinh trong ống nghiệm với trứng của một người mẫu chân dài thành phôi, nhưng chưa có ai đặt hàng, nên phải bảo quản trong môi trường nitơ đông lạnh. Ba năm sau, mới có một cặp vợ chồng vô sinh đến xin mua. Ghép phôi vào tử cung người vợ, chín tháng sau, một cô bé ra đời. Vậy là tuổi sinh học của cô bé nhiều hơn tuổi thời gian của cô là 3 tuổi.

Thời xưa, các Hoàng đế có tam cung lục viện. Khi tuyển các thanh niên hầu hạ mình trong cung cấm, để bảo đảm an toàn tuyệt đối, hoàng đế bèn cắt bỏ tinh hoàn của họ để khỏi lẹo tẹo với các cung tần mỹ nữ. Mất “nhà máy sản xuất tinh trùng và hocmon nam”, đảm bảo sự tổng hợp các protein cho cơ thể, những vị hoạn quan này già đi nhanh chóng: mặt chảy xệ, tác phong đờ đẫn, chậm chạp, mí mắt sụp xuống, người béo phị và không sống được lâu. Họ là những người có tuổi thời gian thấp nhưng tuổi sinh học lại rất cao.

Nếu như 2.300 năm trước, Tần Thủy Hoàng cử các thuật sĩ đi khắp nơi tìm thuốc “cải lão hoàn đồng” – nói theo ngôn ngữ của y học ngày nay là thuốc để kéo lùi tuổi sinh học – mà chẳng thành công thì ngày nay với nhiều khám phá mới, người ta hoàn toàn có thể làm tuổi sinh học tăng chậm đi, hoặc đứng nguyên, thậm chí lùi hẳn lại.

Và như vậy, tuổi sinh học lúc này thấp hơn tuổi thời gian. Một bằng chứng là cô đào xi-nê lừng lẫy một thời là Elizabeth Taylor với 8 đời chồng mà năm ngoái khi đã 78 tuổi, cô (đúng ra phải gọi là cụ) còn lên xe hoa cùng người chồng thứ 8 là Jason Winters, kém cô 28 tuổi. Chắc chắn rằng tuổi sinh học của cô nhỏ hơn tuổi thời gian khá nhiều.

Xem như thể tuổi sinh học mới là tuổi quan trọng. Nó quyết định trạng thái sức khỏe (thể chất và tinh thần) cũng như tuổi thọ của một người cụ thể.
Tìm cách cưỡng lại thiên nhiên để làm tuổi sinh học tăng chậm lại (hãy đặt mục tiêu khiêm tốn như thế) là một trong những hướng nghiên cứu của ngành Lão khoa.

 
 Người sáng lập tạp chí Playboy Hugh Hefner (82 tuổi) cùng 3 cô bạn gái tóc vàng trẻ trung Holly Madison, Bridget Marquardt và Kendra Wilkinson (từ trái qua).


Già không đều

Khi thấy cụ H. 76 tuổi còn cưới cô V. mỡ màng mới ngoài 20, thiên hạ mỉa mai “già còn chơi trống bỏi”. Vậy mà vài tháng sau (cụ còn “ăn cơm trước kẻng” kiểu sinh viên nữa, trời ạ!), cô thôn nữ ấy sinh cho cụ một cậu con trai bụ bẫm giống cụ như đổ khuôn mà chẳng cần sự “viện trợ không hoàn lại” của một gã trai tơ nào (cụ “quản lý” chặt thế cơ mà!).

Báo chí mấy tháng trước sôi nổi đăng tin: một cụ bà xấp xỉ 80 ở phố Bát Sứ, Hà Nội 10 năm nay đã treo “biển yêu” ngoài cửa, thông báo tìm bạn tình, với điều kiện chàng phải cao to, đẹp trai, nằm trong độ tuổi 25-30 và thật chung thủy, ghê chưa! 10 năm cụ đã trải qua 10 cuộc tình mà chưa gặp được người nào ưng ý để sống đến đầu bạc răng long, (vì hiện tại đầu cụ chưa bạc, răng cụ chưa long).

Một cô phóng viên tò mò hỏi, với cụ cái “chuyện ấy” nó ra làm sao, cụ không nói, mà chỉ trả lời bằng nụ cười… bẽn lẽn của một cô dâu mới. Thiên hạ vốn lắm chuyện, người thì dè bỉu là đú đởn, người thì chê bai là rửng mỡ, nhưng cũng không ít người phải vòng tay mà… bái phục!

Chẳng phải ngày nay mới thế. Trong ca dao cổ Việt Nam có câu: “Bà già đã tám mươi tư, Ngồi bên cửa sổ biên thư kén chồng” cũng nói về hiện tượng xã hội này.
Trong tiểu thuyết chưởng “Võ lâm ngũ bá” của Kim Dung tiên sinh, có nhân vật Châu Bá Thông, được giới giang hồ đặt cho nickname là Lão ngoan đồng (câu bé già) chỉ vì ông ta võ nghệ cực siêu (đương nhiên!), tuổi đã cao mà vẫn ngây thơ, nghịch ngợm, thật thà, trong sáng như một đứa trẻ.

Giải thích thế nào đây? Mấy nhà báo khôi hài, bảo đó là những người “già không đều”.
Nhưng thực ra, hiện tượng “già không đều” không phải là một lời đùa cợt mà là chuyện khoa học nghiêm túc. Hầu như ai cũng vậy. Người ta chỉ khác nhau ở chỗ bộ phận nào già nua, bộ phận nào trẻ trung mà thôi. Đó là một kết luận dựa trên sự phân tích hiệu năng sinh học của các cơ quan trong cơ thể để tính tuổi sinh học.

Tính tuổi sinh học

Mỗi cơ quan già theo một cách. Các cơ quan khác nhau – dù trong cùng một cơ thể – có độ già khác nhau đã đành, nhưng ở nhiều cụ chân phải và chân trái, tuy đồng niên đồng tuế đồng tịch đồng sàng đồng chức năng mà thường mạnh yếu khác nhau, huống hồ tim so với phổi, răng so với dạ dày, não so với… đầu gối.

Có bao nhiêu cơ quan thì có bấy nhiêu chuẩn để tính tuổi. Xin đơn cử vài thí dụ đơn giản nhất:

– Tính tuổi của tim: Khi đo huyết áp, con số thứ nhất (thường giữa 100 và 200) là áp suât tâm thu (áp suất tại động mạch khi tim đẩy máu ra) nói lên tuổi của trái tim bạn.
Nếu nó là 120, nó có tuổi giữa 20 và 30
130 – – – – 30 và 40
140 – – – – 40 và 50
150 – – – – 50 và 60 v.v…

– Tính tuổi của phổi: Bạn hít thật sâu rồi nín nhịn, không thở ra và xác định thời gian bằng phút (hoặc giây) thì từ con số đó suy ra tuổi của phổi bạn.

Nếu bạn nín thở được trên 2 ph 30 gy trở lên, nó có tuổi giữa 20 và 30
từ 2 ph đến 2 ph 30 gy – – – – 30 và 40
từ 1 ph 30gy đến 2 ph – – – – 40 và 50
từ 1 ph đến 1 ph 30 gy – – – – 50 và 60
từ 30 gy đến 1 ph – – – – 60 và 70
dưới 1 ph – – – trên 70 v.v…

– Tính tuổi cơ bắp: Nằm ngửa, hai chân thẳng và hai tay để dọc theo thân. Chân có thể được đè một vật nặng làm đối trọng. Bạn giữ nguyên vị trí của chân và tay, ngồi dậy rồi nằm xuống liên tục, thật nhanh.

Nếu trong 1 phút, bạn làm được: 45 đến 50 lần, cơ bắp của bạn có tuổi giữa 20 và 30 40 đến 45 lần, – – – – – – – 30 và 40
35 đến 40 lần, – – – – – – – 40 và 50
25 đến 35 lần, – – – – – – – 50 và 60
20 đến 25 lần, – – – – – – – 60 và 70
15 đến 20 lần – – – – – – trên 70 rồi.

– Tính tuổi tinh thần: Đếm lùi từ 100, bớt đi 6 hoặc 7, ví dụ 100, 94, 88, 82… hoặc 100, 93, 86, 79… cho đến 0 và nhìn đồng hồ. Nếu bạn cần dưới 20 giây, tuổi trí tuệ của bạn là dưới 40, nếu cần 25 giây vì phải ngẫm nghĩ, tuổi trí tuệ của bạn là từ 40 đến 60 rồi đấy.

Thực ra bài kiểm tra còn phức tạp hơn nhiều và có thể xác định tuổi của tất cả các bộ phận, nhưng với ví dụ này, bạn cũng hình dung ra tuổi sinh học của mình là bao nhiêu. Nhiều khi, phổi rất trẻ, nhưng xương lại già, dạ dày bình thường những tim lại yếu.

Tuổi sinh học (mà chính xác hơn phải là “tuổi chức năng” song các nhà y học chưa thống nhất được cách tính tuổi này) phản ảnh thực chất của cơ thể bạn. Bạn có thể có tuổi thời gian là 40 nhưng tuổi sinh học là 53 (tức là có cơ thể của người 53), và thật may mắn nếu ngược lại. Tuổi thọ của bạn phụ thuộc vào tuổi sinh học, đâu phải phụ thuộc tuổi thời gian. Tất nhiên khi tuổi thời gian tăng thì tuổi sinh học cũng tăng nhưng không tỷ lệ thuận.

Tăng tuổi sinh học là ước mơ ngàn đời

Biết tuổi sinh học rất có lợi, hiểu được mặt mạnh, mặt yếu của cơ thể để phát huy hoặc bồi bổ, duy trì bằng những biện pháp của y học hiện đại. Thường, tuổi sinh học bị giảm là do bệnh tật hoặc sự thoái hoá ở một bộ phận nào đó của cơ thể dưới tác động của những thói quen xấu (nghiện thuốc lá, nghiện rượu, ít vận động và nhiều nhà khoa học còn khẳng định một nguyên nhân nữa là lười sinh hoạt tình dục) hoặc do tác động bên ngoài (do vi trùng, vi khuẩn, môi trường ô nhiễm…)

Để khỏe mạnh và sống lâu, các cơ quan của cơ thể phải hoạt động đồng bộ, nghĩa là chúng cần phải có độ tuổi sinh học na ná như nhau, bởi giống như một cỗ máy, một chi tiết yếu có thể làm cho máy chạy trục trặc hoặc dừng hẳn. Cần phải biết, bộ phận nào, cơ quan nào yếu để “vực” nó lên cho bằng chị bằng em. Khi đó, tuổi sinh học của toàn cơ thể mới có ý nghĩa.

Người ta tăng tuổi sinh học, trước hết bằng cách sống lành mạnh, và cơ quan nào yếu cần được bồi bổ, chỉnh sửa ngay lập tức, không để đến khi phát thành bệnh mới tìm cách chữa trị. Ăn uống cũng là một liệu pháp. Có những loại thực phẩm bổ cho não, bổ cho mắt, bổ cho xương, bổ cho gan…

Gần đây, các nhà y học ngày càng hiểu rõ tuổi sinh học phụ thuộc rất nhiều vào hocmon, đặc biệt là hocmon giới tính. Đó là testosteron ở nam giới, oestrogen và progesteron ở nữ giới. Thông thường khi bước vào tuổi 40, sự tiết hocmon giới tính bắt đầu giảm, quá trình lão hóa của cơ thể xuất hiện và tăng dần theo tuổi thời gian.

Hoạt động chức năng của các cơ quan nội tạng bước vào thời kỳ suy thoái, ảnh hưởng mạnh đến sinh lực. Xương trở nên giòn hơn, dễ gãy hơn. Dự trữ glycogen, tạo ra năng lượng cần thiết để cơ bắp hoạt động, giảm đi. Thịt nhão ra. Những nhánh liên kết quanh tế bào thần kinh bị xoá dần, dẫn đến sự suy giảm trí nhớ và trí tuệ…

Tại các nước tiên tiến, người ta đã áp dụng “hocmon liệu pháp” để kéo dài tuổi sinh học khiến con người giữ được lâu thời thanh xuân, tuổi cao nhưng cơ thể vẫn mạnh khỏe và trí tuệ vẫn minh mẫn. Từ đó đã kéo dài được tuổi làm việc của con người, tăng cường sự đóng góp cho xã hội của họ. Số người có tuổi thọ cao trên thế giới, như ta thấy, ngày một nhiều lên.

100 năm không phải là giới hạn của cuộc đời, mà theo dự báo, vào cuối thế kỷ XXI, nó sẽ phải là 120 năm hay hơn nữa.


Bảo Châu

Thực hiện: depweb

14/10/2008, 16:55