Khám phá thủy cung - Tạp chí Đẹp

Khám phá thủy cung

DELETED

Giữa cái nắng hè oi ả, đùa giỡn với sóng biển là mơ ước của bất cứ ai. Đắm mình trong làn nước trong xanh dưới độ sâu vài chục mét dưới đáy biển, khám phá sự kỳ thú của thủy cung mới là điều bạn thực sự khao khát. Sự hấp dẫn này cũng tương tự như thưởng thức một “ly kem mát lạnh” so với một “ly nước” trong ngày hè vậy!

Khái niệm du lịch lặn (dive tourism) đã trở nên phố biến ở các nước trên thế giới và đặc biệt các nước thuộc khu vực biển Đông Á như Australia, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… Những nước này được coi là tập trung nhiều rạn san hô nhất, chiếm khoảng hơn 1/3 tổng số các rạn san hô trên thế giới.

Cùng với xu thế du lịch toàn cầu, du lịch “khám phá thủy cung” dần trở nên mạnh mẽ và được coi là hình thức du lịch gây ít rủi ro với khách hàng nhất, đồng thời đem lại sự hài lòng cho họ ở mức cao nhất là 90-95%. Khách du lịch lặn biển cũng được coi là “những vị khách thân thiện”. Chỉ với một đôi chân vịt, mặt nạ thở, ống thở và lặn sâu xuống biển… họ có một chuyến chu du thú vị và ngoạn mục mà không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có điều kiện nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên sau những gì họ đã khám phá và trải nghiệm.

Ngành công nghiệp… lặn

Tương tự như golf – một môn chơi thời thượng và mang tính thử thách cao, lặn cũng là một thú chơi khá tốn kém và phù hợp với những ai ưa thích mạo hiểm. Sựå hấp dẫn của nó đã biến du lịch lặn trở thành một ngành công nghiệp, kéo theo sự ra đời của hàng loạt các trung tâm huấn luyện lặn, các khu nghỉ dưỡng lặn (dive resort), các công ty du lịch thiết kế tour lặn…

Việt Nam cũng là nước thuộc vùng biển Đông Á, nhưng du lịch lặn phát triển muộn hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay lặn biển được coi là ngành du lịch chính trong du lịch sinh thái ở Việt Nam. Khởi đầu cho loại hình du lịch lặn có thể có thể kể đến Trung tâm lặn biển Việt Nam (Vinadive), tiền thân là Orca Club thành lập từ năm 1997 ở Nha Trang, Khánh Hòa với 100% vốn nhà nước điều hành bởi công ty du lịch Viettravel.

Để có thể lặn, bạn không nhất thiết phải biết bơi. Nhưng nếu biết bơi và khả năng bơi giỏi sẽ giúp bạn dễ dàng trở thành một thợ lặn chuyên nghiệp. Lặn cũng đòi hỏi người tham gia phải có sức khỏe tốt, không bị các bệnh về tim mạch, hô hấp, nếu không sẽ không thích nghi được sự thay đổi đột ngột của áp suất, nhiệt độ giữa trên bờ và dưới nước… dẫn đến tình trạng ngộp thở, sặc nước, đau tai…

Khám phá thủy cung kỳ thú

Dù đã từng chiêm ngưỡng các loài sinh vật biển qua tranh ảnh, nhưng bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ thú của thủy cung với các loài san hô muôn hình vạn trạng và các loài cá cảnh sặc sỡ. Các vùng biển Việt Nam có hệ sinh thái biển phong phú (đã tổ chức du lịch lặn) như Phan Rang, Phan Thiết, Côn Đảo, Hạ Long, Phú Quốc, Hòn Mun… Trong đó Hòn Mun (Nha Trang) là điểm lặn được yêu thích nhất, được công nhận là Khu bảo tồn đa dạng sinh học biển đầu tiên ở Việt Nam, mang vẻ đẹp nguyên sơ của vô số rạn san hô tựa như bức bình phong khổng lồ bao quanh thành phố Nha Trang.

Hiện nay, Hòn Mun là nơi trú ngụ của 350 loài san hô cứng và mềm, chiếm 40% san hô trên thế giới và vô số loài cá cảnh biển đặc thù.
Dưới độ sâu 6-8 mét, bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của nhiều loại san hô như san hô mềm, san hô sừng nai, san hô bàn, tảo, hải quỳ,… và hàng trăm loại cá cảnh sặc sỡ sinh động như cá mao tiên, cá thiên thần, cá nàng đào, cá bướm… đang cùng bơi lượn bên mình. Thi thoảng bạn còn gặp những loại cá to như cá đuối, cá heo, rùa biển… trên đường lặn.

Vào ban đêm, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy những chú bạch tuộc to bằng chiếc nón lá, những loài cá lạ sống về đêm phải dùng đèn để quan sát… Nếu đi xa hơn chút nữa, khu vực Hòn Nóc sẽ là điểm lặn thích hợp cho những khách lặn chuyên nghiệp và thích phiêu lưu. Dưới độ sâu 18m mới thực sự là thám hiểm, sẽ không còn cảnh đẹp của san hô, nhưng lại có nhiều hang động cho du khách tha hồ khám phá. Có những hang sâu 10-15m là nơi trú ngụ của vô số các loài cá sống về đêm. Đặc biệt du khách có thể gặp những đàn cá lớn, như cá mập voi to lớn nhưng vô cùng hiền lành…

Một, hai, ba… ta cùng lặn!

Rất có thể bạn sẽ cảm thấy e ngại khi nhìn thấy những thiết bị lặn cồng kềnh, và choáng ngợp trước sự bao la của biển nếu bạn là người lặn biển lần đầu tiên. Đừng lo ngại vì trước khi lặn thực sự, bạn sẽ tham gia một khóa huấn luyện trên tàu và trên bờ biển để làm quen với các kỹ năng sử dụng các trang thiết bị lặn, các ký hiệu giao tiếp dưới nước, các kỹ năng cân bằng cơ thể cơ bản khi xuống độ sâu nhất định… Hơn nữa, luôn có một hướng dẫn viên lặn cùng bạn trong suốt hành trình dưới thủy cung. Bạn sẽ mất đi cảm giác lo sợ mà thay vào đó là sự an tâm, thích thú, thậm chí đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi một thế giới mới lạ và huyền bí dưới đại dương hiện ra trước mắt.

Một khóa học lặn từ 2 ngày đến 3 tháng tùy theo kiểu lặn như Lặn có chứng chỉ (Certificated Dive), Lặn không có chứng chỉ (Non-Certificated Dive), Lặn không bình hơi (Snorkeling), và Lặn có bình hơi (Scuba Dive). Mỗi kiểu lặn lại có những cấp độ khác nhau. Tùy theo từng cấp độ mà Trung tâm lặn sẽ có những tiêu chuẩn về độ sâu, thời gian và kỹ năng tương ứng để đảm bảo đem đến cho bạn sự thoải mái và an toàn nhất.

Sau tour lặn, bạn cảm thấy yêu thích môn này và muốn trở thành một thợ lặn chuyên nghiệp? Các khóa đào tạo ngắn hạn luôn sẵn sàng để giúp bạn có được chứng chỉ lặn biển quốc tế. Các khóa học này sẽ do các huấn luyện viên chính thức của các Hiệp hội danh tiếng trên thế giới như PADI, SSI, SDI… trực tiếp giảng dạy với nhiều ngôn ngữ khác nhau, đảm bảo trong thời gian ngắn nhất ban có thể nắm vững và trở thành những vận động viên chuyên nghiệp được công nhận trên toàn thế giới.

Nguyên tắc an toàn khi đi lặn biển
(Áp dụng cho lặn biển giải trí (recreational diving)

Kể cả khi bạn đã có chứng chỉ lặn và có thể lặn thành thạo, bạn vẫn cần phải trải qua một thời gian luyện tập ngắn (tổi thiểu 30 phút) trước khi lặn thực sự. Các trung tâm lặn sẽ quy định độ sâu, thời gian lặn tương ứng với kinh nghiệm và khả năng của bạn. Nếu là lặn giải trí và bạn là người lặn lần đầu, độ sâu và thời gian tối đa quy định thường là 6-8m trong khoảng 30-45 phút/ca lặn.
Ngoài việc luyện tập, bạn cần lưu ý đến những nguyên tắc sau để đảm bảo có một chuyến du lịch lặn an toàn:

* Nên
– Tập luyện kỹ lưỡng trước khi lặn
– Vẽ sơ đồ đường lặn, và lặn theo sơ đồ đó
– Biết trước độ sâu và mức thủy triều khi lặn
– Lặn cùng bạn lặn
– Làm quen với môi trường nước và sự nguy hiểm (có thể xảy ra) của chúng. Hãy tìm hiểu đặc tính của cá, san hô và các sinh vật biển.
– Đảm bảo đường lặn (dưới đáy biển và trên mặt biển) không có vật cản nào
– Tập trung khi lặn, không phân tâm hay lo lắng
– Để đầu thẳng, cánh tay sải rộng, bàn tay phẳng và mũi bàn tay chụm hướng lên trên
– Đảm bảo các thiết bị lặn ở điều kiện tốt.
– Thở đều và thư giãn

* * Không nên
– Lặn khi tâm lý chưa thoải mái.
– Lặn quá giới hạn quy định bởi đồng hồ đo độ sâu hoặc máy tính lặn.
– Lặn ở hang động, vì những nơi này thường rất nguy hiểm và chỉ nên thực hiện khi bạn được huấn luyện về lặn kỹ lưỡng và có thiết bị lặn ở điều kiện tốt.
– Bay trong vòng 24 tiếng sau khi lặn
– Bay với thời gian 12 tiếng sau khi lặn, thậm chí trên máy bay được điều áp.

* * * Không được
– Nín thở khi bơi lên. Bạn luôn phải bơi lên chậm rãi và thở đều
– Sợ sệt, hoảng loạn khi lặn
– Lặn một mình
– Uống rượu khi lặn
– Lặn khi đang sử dụng thuốc (trừ khi có sự chỉ dẫn của bác sĩ)
– Lặn khi đang có vấn đề về sức khỏe (tim mạch, cao huyết áp…)

Những câu hỏi thường gặp khi lặn biển

Vấn đề phổ biến nhất khi lặn bằng bình hơi là gì?
Là sự thay đổi áp suất dẫn đến đau tai giữa. Áp suất thay đổi trong khoảng không khí giữa tai và mặt nạ dưỡng khí khi bạn đột ngột lặn sâu hơn.

Các vết cắt, xước và các chấn thương nhẹ ở cánh tay và chân có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc với các loài cá và sinh biển khác, hay một vài loài san hô hoặc những thanh kim loại sắc nhọn từ những vật đắm dưới đáy biển hoặc từ cần câu cá.

Nguy hiểm gì có thể xảy ra khi tôi lặn bằng bình hơi?
– Đau tai giữa: Triệu chứng này có thể xảy ra khi thay đổi áp suất, gây nên hiện tượng chóng mặt và mất khả năng thính giác.
– Tức ngực: Hiện tượng này xảy ra khi bạn thở không đều trong lúc bơi ngược lên trên mặt nước, hoặc đôi khi là do sự nhiễm trùng đường hô hấp. Triệu chứng thường là đau ngực, kèm theo khó thở.
– Tắc nghẽn động mạch: Đây là hiện tượng bọt nước tràn vào huyết quản và đi lên não. Triệu chứng là da bị tê, người mệt mỏi, có thể dẫn đến bất tỉnh.
– Mệt mỏi: Tình trạng này xảy ra trong lúc bơi lên và bơi lên mặt nước. Khi khí nitơ bị trữ trong các mô của cơ thể và tạo bọt trong máu, bọt này có thể phá hủy rất nhiều mô trong cơ thể và ngăn chặn sự lưu thông của các mạch máu.

Tôi phải làm gì trong trường hợp khẩn cấp?
– Nếu bạn cảm thấy lúng túng và sợ sệt khi lặn, hãy tìm cách thư giãn và tránh nghĩ đến những phiền toái. Bạn cũng có thể yêu cầu hướng dẫn viên và bạn lặn giúp đỡ.
– Nếu bạn mệt mỏi hoặc cảm thấy đau nhức sau khi lặn, hãy đến trạm cấp cứu gần nhất ngay lập tức.
– Nếu bạn hoặc một trong những người bạn lặn của bạn gặp tai nạn trong khi lặn, hãy gọi số điện thoại cấp cứu của trung tâm lặn biển tổ chức tour cho bạn. Các nhân viên lặn cứu hộ, hướng dẫn viên lặn được trang bị kỹ năng sơ cấp cứu ở trên tàu sẽ có mặt 24/24 để trả lời thắc mác của bạn và ứng cứu kịp thời khi cần thiết.

Tôi được bảo hiểm như thế nào?
– Bạn có thể yêu cầu được bảo hiểm bởi Divers Alert Network (DAN) với mức độ đền bù tùy thuộc vào mức phí bảo hiểm bạn đã đóng (mức phí thường rất cao và thích hợp cho người lặn chuyên nghiệp ở các điểm lặn hiểm trở)
– Tuy nhiên, nếu là lặn giải trí và thời gian lặn ngắn, bạn chỉ cần yêu cầu được bảo hiểm thân thể với phí bảo hiểm nhỏ đã bao gồm trong tour lặn biển do trung tâm lặn tổ chức hoặc trong tour có bao gồm lặn biển do công ty du lịch tổ chức.
– Ví dụ: Tham gia tour lặn biển với Vinadive, bạn được bảo hiểm thân thể của Bảo Minh với mức đền bù là 10 triệu đồng/ca (phí đã bao gồm trong chi phí tour lặn biển)

 


  Phương Vũ

Thực hiện: depweb

29/08/2008, 18:02