Kế hoạch chặt 6.700 cây xanh: “Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới rõ” - Tạp chí Đẹp

Kế hoạch chặt 6.700 cây xanh: “Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới rõ”

Hậu Trường

Việc thực hiện thay thế hàng loạt cây xanh đang tạo bóng mát, cũng như “điều hòa” không khí trên các tuyến phố, chỉ trong khoảng thời gian ngắn đã vấp phải phản ứng dữ dội của người dân, cũng như các nhà khoa học, chuyên gia bảo tồn trên cả nước.

Phố Nguyễn Chí Thanh thực sự trở thành một đại công trường khi hàng trăm cây xanh đủ loại như xà cừ, hoa sữa bị chặt hạ thay thế bằng giống cây khác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước sức ép dư luận, ngày 20/3/2015 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chính thức chỉ đạo dừng việc chặt hạ cây xanh tại Hà Nội. Quyết định này đã phần nào đáp ứng tức thời nguyện vọng gìn giữ một đô thị xanh, thế nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều điều đáng để bàn đằng sau bản Đề án.

Tại buổi Tọa đàm “Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” diễn ra chiều 23/3, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, cho rằng việc chặt hạ hàng loạt cây xanh tại Hà Nội là quyết định sai lầm, cần phải truy cứu trách nhiệm những người ký quyết định và thực thi chủ trương này.

Không những thế, “các thông tin Hà Nội cung cấp cũng rất mơ hồ. Đơn cử như, Hà Nội bảo chặt cây không phải là một chiến dịch nhưng trên mạng, người ta nói chặt cây còn nhanh hơn cả lâm tặc. Hà Nội còn nói mới chặt 500 cây nhưng tôi nghe là chặt 2.000 cây rồi. Vậy tôi nghĩ Thanh tra Chính phủ vào cuộc sẽ rõ,” ông Dũng nói.
Album


Cận cảnh kho gỗ khổng lồ của Thủ đô sau khi bị đốn hạ

Sau khi bị đốn hạ, gỗ cây đô thị sẽ được vận chuyển về các kho gỗ có nhiều địa điểm tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)

Trước thông tin trên, ông Dũng đề nghị việc thanh tra không phải là việc của Hà Nội. “Theo tôi, Thủ đô không phải chỉ là của riêng Hà Nội mà là của cả nước. Vì vậy, việc thanh tra này phải do Thủ tướng quyết định,” giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp cho rằng, việc chặt cây ở Hà Nội vừa qua là vấn đề nóng bỏng. “Bản thân tôi rất bức xúc, tôi có cảm giác những năm vừa qua Hà Nội mở một chiến dịch tàn phá cây xanh ở Hà Nội. Có hàng cây có tuổi thọ gần trăm năm cũng bị chặt đi rồi.”

Theo ông Đăng, lãnh đạo Hà Nội nói việc thay thế cây là do nhà tài trợ nôn nóng, việc thực hiện vội vã, nhưng nói như vậy là chưa thấy được tác hại của việc chặt cây đối với xã hội, môi trường, niềm tin của người dân.

“Theo tôi, sai lầm này xuất phát ngay từ việc xây dựng đề án, người duyệt đề án, một đề án không có cơ sở khoa học và cơ sở thực hiện, không có cơ sở pháp lý. Lãnh đạo Hà Nội dũng cảm thì phải xin lỗi người dân vì làm việc này phản khoa hoc và không hợp với lòng dân,” ông Đăng chia sẻ.

Cũng theo ông Đăng, việc chặt hàng loạt cây xanh tại các tuyến phố, như đường Nguyễn Trãi không chỉ làm mất đi thảm xanh, mà còn là hành động vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. “Với cách làm này, người Hà Nội sẽ còn phải chịu sống ô nhiễm dài dài.”

Ở một góc độ khác, ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng phản ứng gay gắt: “Thảm sát cây như vậy là việc làm không đúng đắn, bởi có những cây là nhân chứng lịch sử, chẳng khác gì một vụ Mỹ Lai về cây cối.”

Ông Liêm cũng khẳng định, việc quy hoạch là đúng, nhưng không phải cứ quy hoạch đô thị là phá, là chặt bừa được. Thêm vào đó, việc quản lý cây đô thị cũng phải có trách nhiệm giải trình, minh bạch. “Có như vậy, việc chặt cây mới thỏa lòng dân,” ông nhấn mạnh.

Theo: Mai Huyền/Vietnamplus

Thực hiện: depweb

23/03/2015, 20:54