Hôn nhân như mới yêu - Tạp chí Đẹp

Hôn nhân như mới yêu

Sống

Do quan niệm ấy, các cặp hôn phối xem nhau như kẻ “ắt có và đủ” (thấy đủ không thì cũng còn tùy) của nhau, nghiễm nhiên tồn tại dưới cùng một mái nhà, đi làm đi ăn, sinh con đẻ cái một cách… hồn nhiên và ít khi nghĩ đến nhau như người mình từng yêu, từng thề sống thề chết để được yêu, từng cưới hỏi đàng hoàng, suy nghĩ chín chắn. Vợ chồng dần dà đánh mất ý nghĩa thiêng liêng của sự gắn bó, còn đôi nào mê “Tam quốc” thì thậm chí “vợ chồng như áo quần”, là người ngoài không ruột thịt, có thể thải bỏ, thay đổi.

Bởi thế, đa số những người trẻ hôm nay sợ hôn nhân. Sợ, chẳng phải vì sẽ ràng buộc trách nhiệm hay cơm áo gạo tiền đầu tắt mặt tối, chẳng phải vì bị dọa sẽ phải cắm mặt vào chậu giặt hay mớ xoong nồi; sợ, là vì dễ thấy sự lãng mạn vơi đi rất nhanh từ các cặp phối ngẫu. Không còn thiết tha, không còn xót xa, như tôi viết trong bài “Tàn phai”, là viễn cảnh làm ngán ngại những kẻ độc thân trước thềm hôn nhân.

Ít có những đôi vợ chồng còn giữ được niềm đam mê, sự tươi mới, cách cư xử hòa nhã, lịch thiệp, thân ái và chân thành với nhau như hồi chưa cưới.

Vì sao?

Thì như tôi đã viết ở trên, do quan niệm Á Đông hằn vào tâm trí, coi vợ chồng là mối quan hệ mang tính nghĩa vụ (với gia đình họ hàng hai bên, với chòm xóm, với bạn bè chung, với con cái). Mà đã là nghĩa vụ thì chỉ có một lựa chọn là thi hành. Làm tốt, không bỏ bê trách nhiệm, thì nhà êm cửa ấm; làm không tốt, sẽ gánh chịu trách cứ, la mắng, ghét bỏ từ gia đình họ hàng. Chỉ chăm chăm thực hiện nghĩa vụ, còn lấy đâu ra thời gian và tâm trí để nghĩ những điều ngọt ngào, nói những lời lãng mạn! Người vợ, người chồng sẽ biến thành hai cỗ máy kiếm tiền (mà có khi còn coi đó là tiêu chuẩn đáng biểu dương), giao tiếp với nhau theo thói quen, theo phản xạ như hai bánh răng lăn khớp vào nhau, nói với nhau những lời tối thiểu vì thật ra có còn sức đâu nữa để mà nói khi cả ngày bận mưu sinh. Người vợ, người chồng già đi bên nhau, nhủ thầm mình may mắn khi không phải ly dị, khi con cái mạnh khỏe ngoan ngoãn, vậy là hết một đời, xong một thế hệ.

Những đôi vợ chồng thậm chí còn thống nhất với nhau một thỏa ước bất thành văn: ai cũng phải ráng mà khỏe mạnh. Không cho phép ốm! Không được than vãn! Vì thế, ngay lúc ốm mệt cũng không muốn nói ra, và cái sự giấu giếm tự lo một mình ấy còn được gắn huy chương nhẫn nhịn, biết chịu đựng. Trong khi đó, lúc yêu nhau, người này nhăn mặt là người kia đã luống cuống, người này chưa kịp than người kia đã đoán ý mà chiều. Lấy nhau rồi, cử chỉ hành vi cao đẹp dạo nào tự động biến mất. Cũng chẳng ai rỗi hơi ở đó mà nhắc “thuở ban đầu lưu luyến”, vậy là xem như bình thường.

Bình thường đến mức tầm thường.

Âu cũng do chúng ta có ít thời gian quá.

***

Giữ được không khí lãng mạn trong hôn nhân đến nhiều năm về sau, đó là một thành tích không dễ lập.

Bạn phải đối mặt với hai rào cản: một, là sự trêu đùa của người ngoài trước những cử chỉ lời nói lãng mạn; hai, là quỹ thời gian của bạn đã dành hết cho mưu sinh và các trách nhiệm gia đình. Vậy thì những người (thiểu số) giữ được lửa ấm, được sự nồng nàn và thái độ mềm mỏng, dịu ngọt trong hôn nhân đã phải vượt qua hai rào cản đó.

Nhưng trên hết thảy là tự ý thức. Khi ý thức được việc gì là quan trọng, ta sẽ dành ưu tiên cho nó. Việc duy trì, củng cố, bồi đắp, nuôi lớn khối tình cảm vợ chồng cần được coi trọng và ưu tiên. Bởi vì nó là nền tảng của một gia đình hạnh phúc.

Mà đã hạnh phúc, thì đâu có kể chi chuyện thị phi, đâu có ngại mất thì giờ.

Khi yêu nhau, người ta đã mong được sống bên nhau đến thế nào?

Người ta đã phải chống lại những gì – thái độ phản đối của gia đình, người yêu cũ quay lại, tình trạng nghèo khó hoặc ốm đau của một trong hai người, vân vân – để có được hôn nhân? Căn cứ vào đấy, hôn nhân là tòa lâu đài xây bằng mồ hôi nước mắt (có thể có cả máu) của hai cá nhân, là tác phẩm chung của hai người yêu nhau. Sao ta lại không quý trọng tác phẩm của chính ta?

Biết quý trọng hôn nhân thì mới dẫn đến quý trọng người phối ngẫu. Quý trọng, mới biết cách chăm sóc, nâng niu. Quý trọng, mới đủ ngọt ngào cho nhau dù ngày hôm ấy có mệt mỏi bực tức vì công việc đến mấy. Quý trọng, thì mới giữ được hôn nhân như mới.

Như mới yêu.

Bài: Quốc Bảo

Nếu bạn đang có những khúc mắc trong cuộc sống gia đình, hãy gửi tâm sự tới Đẹp Online. Biết đâu bạn sẽ có được những tư vấn gỡ rối hữu ích cho bản thân mình.

 

Thực hiện: depweb

06/05/2013, 15:33