Tôi chả mấy khi ngó đến mấy cái gameshow hát hò, uốn éo của VTV ngoại trừ “Ai là triệu phú” và “Đừng để tiền rơi” vì nó là trò có dính dáng đến tiền và đôi khi học mót được tí kiến thức. Nhưng công bằng mà nói “Gương mặt thân quen” là cái gameshow đỡ nhàm và nhảm hơn cả.
Số đầu tiên, có liếc mắt qua thấy xuất hiện mặt anh chàng Hoài Lâm, nghe nói là con nuôi của vị giám khảo Hoài Linh tui cũng thấy hơi kỳ kỳ nhưng kệ. Nó là gameshow mà. Suốt mấy tháng giời, chả thấy ai lên tiếng về cái vụ này cho đến khi tuần trước anh ta làm giang hồ dậy sóng bằng màn đóng giả cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đến đêm trước, khi Hoài Lâm đoạt giải nhất thì giang hồ bắt đầu nhao lên chửi: Con ông cháu cha nên được giải.
Ô hay, đã chửi thì chửi ngay từ đầu đi, sao đợi đến lúc Hoài Lâm đoạt giải rồi mới chửi? Giả sử tuần trước thằng Dư con nhà bà Luận không trầm trồ vì màn hát xẩm và giả sử Hoài Lâm đêm trước không đoạt giải chắc chả ai thèm nói gì? Hóa ra Hoài Lâm bị chửi là vì được khen, bị chửi vì đã dám đoạt giải nhất???
Cái thói GATO (ghen ăn tức ở – PV) của một số dân Việt thành trọng bệnh rồi.
Sáng ra đọc báo thấy thật lạ khi chiến thắng thuyết phục của Hoài Lâm như vậy mà vẫn có người nói ra nói vào là mua giải!!! Sợ thật…
Dưới góc nhìn của một khán giả có chuyên môn về diễn xuất và dưới góc độ của một nghệ sỹ cũng hay biểu diễn bắt chước người khác, Dr. Thành hoàn toàn bái phục tài năng và sự nghiêm túc cũng như tính tập trung cao độ của Hoài Lâm trong từng tiết mục. Phải nói là xuất chúng!
Hiện nay tôi nhận thấy có một trào lưu mang tên “không vừa lòng cái gì hết” và nó cực kỳ nguy hiểm! Sao chúng ta không nhìn vào điểm tích cực của một vấn đề mà cứ luôn “vạch lấu tìm sa” làm gì không biết! Khi người ta làm được một điều gì hay, ta nên đón nhận nó với thái độ tích cực và khuyến khích họ làm tốt hơn. Chỉ trích luôn là hành động triệt tiêu năng lượng và sự sáng tạo của người khác. Vậy thì làm sao có cái hay để mình được tiếp nhận nữa….
Dù ai nói gì thì nói, với tôi, Hoài Lâm xứng đáng hơn chữ “xứng đáng”!!!
Cố lên em nhé…
Hoài Lâm trong đêm chung kết (Ảnh: TTD)
So với các chương trình gameshow khác, “Gương mặt thân quen” làm được một thứ mà trước giờ ít chương trình nào làm được, đó là số thứ hai thu hút khán giả tốt hơn số trước.
Điều này nếu ai có quan tâm và coi chương trình năm ngoái, cũng như các kênh báo chí thì sẽ đều biết được. Chương trình năm nay thành tâm điểm truyền thông và giành được sự quan tâm cực kỳ lớn từ tất cả mọi người. Đỉnh điểm là giá quảng cáo cho 30 giây là 390 triệu, cao nhất từ trước đến giờ cho các gameshow cùng loại.
Tạo nên sự thành công của chương trình, dĩ nhiên không ai khác là nhờ vào chất lượng các thí sinh, cũng như các chiêu trò truyền thông mà mọi người đã được chứng kiến như câu nói của Mỹ Linh gây ra khẩu chiến, ẩn số Hoài Lâm, mới đây nhất là cái tên Cao Hữu Thiên.
Quay lại chuyện Hoài Lâm, việc cho Hoài Lâm chọn cố nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang để hóa thân, trình diễn “Tiếng trống Mê Linh” là một quyết định không thể khôn hơn của hai cha con.
1. Các bạn chắc còn nhớ hiện tượng Phương Mỹ Chi chứ, như trong “Khóc giữa Sài Gòn” tôi viết, khi tất cả mọi người đang bị bủa vây bởi những giá trị ngoại lai, những bài hát đệm tiếng Anh, tiếng Tây, có cả thể loại nhạc bẩn thỉu của Yanbi, thì người gìn giữ, phát huy cái quốc hồn, quốc túy sẽ được tặng danh “Anh hùng”. Điều này đã đúng khi Lâm hóa thân thành cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, và lần này lại đúng tiếp.
2. Trong cả 6 tiết mục, 5 người kia hóa thân thành những nhân vật còn sống, chỉ có Lâm hóa thân thành một cố nghệ sĩ, và sự xúc động của khán giả, của những nghệ sĩ có mặt hôm đó đã tăng thêm tính thành công cho Lâm. Nói luôn là tôi đã chảy nước mắt khi nghe Lâm hát.
3. Lâm đã hát gần đủ các thể loại, từ dân ca, nhạc trẻ, nhạc xưa, nhạc mới, cho tới hát xẩm, thì dĩ nhiên còn môn cải lương là môn cuối cùng để mọi người công nhận Lâm đa tài.
4. Giọng Lâm là giọng dân ca, thế nên khi chuyển qua cải lương thì cũng dễ dàng hơn so với các thể loại khác.
5. Với tình hình căng thẳng của đất nước hiện tại, phần diễn của Lâm càng được nhiều điểm cộng từ mọi người.
Đó là những thứ làm nên Hoài Lâm của đêm chung kết, và đây là chiến thắng hoàn toàn hợp lý của Lâm, cũng như của chương trình “Gương mặt thân quen”.
Nhưng, đằng sau đó vẫn còn một hạt sạn mang tên Cao Hữu Thiên.
Mọi người bức xúc vụ Cao Hữu Thiên cũng đúng, nhưng nguyên nhân chính của chuyện này có lẽ là để “đính” vào đầu người xem một cái tên, và một câu chuyện để bàn tán ở giai đoạn hậu chương trình, giúp chương trình sống lâu hơn khi kết thúc, đồng thời, để đưa mọi người đến với cái tên Cao Hữu Thiên.
Sở dĩ có chuyện này, tôi nghĩ cũng là vì Hoài Linh đang cần phải tạo ra một “thế hệ tiếp nối” cho mình. Về tuổi tác, ai rồi cũng sẽ phải già, phải xuống sắc, Hoài Linh trước đây từng thịnh nhờ các vai hài giả gái, nay đã hạn chế và chuyển sang các vai ông già lớn tuổi. Về chất lượng diễn, các mảng miếng của Hoài Linh ít nhiều đã trở nên quen thuộc với khán giả. Chưa kể các bộ phim Hoài Linh diễn đã không còn nhiều sức hút như trước đây, các chương trình liveshow cũng đang mất dần, sân khấu “Nụ cười mới” cũng thưa thớt lịch diễn.
Vậy thì, khi bản thân mình gần đến giai đoạn thoái trào, cần phải tìm cho mình một người đi tiếp. Hoài Lâm là một người kế thừa xứng đáng, ít nhất là với những gì Lâm thể hiện ở “Gương mặt thân quen”, còn Cao Hữu Thiên thì… vụ này Hoài Linh làm hơi lố tay, nhưng cũng giúp mọi người hiểu là trong thế giới giải trí cũng tồn tại quy luật “con ông cháu cha”.
Dù sao, cũng là chúc cho chương trình thành công tốt đẹp.
Nên chăng thiết lập một công thức mới cho việc truyền thông cho các dự án xã hội bao gồm: Độ phủ của sóng truyền hình, format hấp dẫn của các show thực tế, sự thăng hoa của nghệ sĩ và lồng ghép thông điệp của các vấn đề thời đại.
L.H (tổng hợp)