Haute Couture và những huyền thoại

Đứa con của dân phớt Ăng lê

Haute Couture ra đời ở Paris với một cái tên đậm chất Pháp. Nhưng ít ai biết cha đẻ của nó lại là Charles Frederick Worth, một thợ may gốc London đã vượt biển Manche để lập nghiệp ở chốn hội ngộ của giới thượng lưu, Paris. Thực ra thời vua Louis XIV, Paris đã nổi tiếng khắp châu Âu bởi những bộ váy, kiểu tóc cầu kỳ rườm rà, tốn kém trong các buổi dạ tiệc của giới quý tộc. Thế nhưng phải đến giữa thế kỷ 19, khi Charles Frederick Worth, để phân biệt houte couture với những dòng thời trang khác, đã lập Liên đoàn Couture Paris, thì khái niệm Haute Couture mới thực sự xuất hiện.

Từ đó, nhắc đến Haute Couture là nhắc đến những khe khắt, cầu kỳ và tỉ mẩn đến ngoa ngoắt. Đã là Haute Couture thì phải được thực hiện hoàn toàn thủ công. Ban đầu Liên đoàn Couture Paris yêu cầu một năm sẽ có hai mùa Haute Couture là Xuân Hè và Thu Đông. Mỗi bộ sưu tập phải có 50 mẫu trang phục ban ngày và dạ hội. BST đó phải được trình diễn bởi ít nhất ba người mẫu trước sự chứng kiến của 800 nhà báo và giới chuyên môn. Sự khắt khe trên khó đáp ứng đến mức sau này, người ta buộc phải giảm con số 50 xuống thành 25. Sở dĩ vậy là bởi may một chiếc Haute Couture ngốn không dưới 150 giờ lao động (thậm chí nhiều hơn nữa) của các thợ thủ công hàng đầu Paris. Theo Jacqueline Mercier một thợ may hàng đầu trong xưởng may Haute Couture của Chanel, thì có những BST tiêu tốn đến 10.000 giờ lao động.

Charles Frederick Worth

Khi một chiếc váy được tạo nên từ một quá trình của cầu kì và nghiêm ngặt, ban đầu là phác thảo trên giấy, sau đó may thử trên vải toile trước khi may thật trên vải flou (vải mềm) và taileur (vải cứng), với vài trăm, thậm chí cả nghìn giờ lao động, thì Haute Couture chỉ có thể là lãnh địa của các nhà thiết kế tài ba. Đấy là chưa kể, Haute Couture luôn được coi là chốn để họ thể hiện những giấc mơ nghệ thuật. Bởi thế Haute Couture có một danh sách dài những nhà thiết kế danh tiếng và không ít trong số đó đã tạo nên những cuộc cách mạng thời trang. Đó là Jean Patou, Paul Poiret, Lanvin, Chanel, Balenciaga, Dior, Yves Saint Laurent, Christian Lacroix, Jean Paul Gaultier, Karl Lagerfiel, John Galliano…

Dành cho giới thượng lưu

Giữa bốn người phụ nữ nổi tiếng giàu có Cason Thrash (phu nhân một ông trùm giàu mỏ và khí gaz vùng Texas), Suzane Sapertein (người phụ nữ quyền lực của Vanity Fair, vợ một ông trùm tài chính Mỹ), Angelique Hennessy (cô công chúa nhà Hennessy) và Daphne Guinness (hậu duệ nhà Guinness) luôn tồn tại một mẫu số chung, đó là tình yêu và đam mê với những bộ váy Haute Couture. Cason Thrash vốn là một khách hàng đặc biệt của Christian Lacroix. Suzane Sapertein sẵn sàng chi cả tới trăm ngàn đô cho một chiếc váy Suzane Sapertein hiệu Chanel. Angelique Hennessy dẫu trẻ tuổi nhưng luôn được Karl Lagerfiel ưu tiên hàng đầu. Còn những chiếc váy Haute Couture của Daphne Guinness không chỉ được đem ra đấu giá ở Christie’s mà người phụ nữ xa xỉ này đã mở hẳn một triển lãm để trưng bày tủ đồ Houte Couture của mình.

 

Chỉ cần nhìn vào những bộ váy chòm chem tới cả chục ngàn đô, thậm chí hơn trăm ngàn Mỹ kim của Chanel (còn nhãn hiệu đã chia tay Haute Couture, Christian Lacroix có những chiếc váy giá không dưới 150.000 đô) thì rõ ràng khách hàng của Houte Couture phải có gia sản lớn cỡ nào. Bản thân Houte Couture cũng chẳng cần có đội ngũ marketing bởi chính khách hàng của họ đã là những nhà marketing thiên tài cho những nhãn hiệu họ yêu thích.

Sheetal Mafatlal, thượng khách đến từ xứ Ấn của Valentino đã giới thiệu cho niềm tự hào của đất Ý một vị khách hàng tiềm năng. Vị khách hàng mới này còn giúp Valentino mở boutique đầu tiên ở Ấn Độ. Charlotte, con gái công chúa Caroline của công quốc Monaco, lại được truyền niềm đam mê Haute Couture hiệu Chanel từ bà mẹ sành điệu. Rena Sindi chọn Christian Lacroix thiết kế bộ váy cưới độc bản bởi mẹ cô quý bà Nada Kirdar là vị khách thân thiết của nhãn hiệu này.

Theo Sành điệu


From the same category