Haute Couture = hội chợ phù hoa

Đến hẹn lại lên, Tuần Lễ Thời Trang Paris Haute Couture Thu Đông 2013 đang diễn ra tại “kinh đô ánh sáng” và là chủ đề “nóng” trên khắp các mặt báo. Từ những tin bài cập nhật các bộ sưu tập với những thiết kế ấn tượng của các nhà mẫu nổi tiếng, những bộ đồ mà các “ngôi sao” khoác trên mình khi tới tham dự sự kiện, những khoảnh khắc đẹp hay những hình ảnh thời trang bên lề… tất cả đều hấp dẫn giới mộ điệu.

Vậy  Haute Couture là gì? Tại sao khi nghe nhắc tới hai từ ấy, những người yêu thời trang đều không giấu được sự ngưỡng mộ và kính nể. Có thật sự đó là một thế giới xa hoa đầy lôi cuốn và ám ảnh, là nơi những giấc mơ không bao giờ chết, nơi những hoài bão và sức sáng tạo được thỏa sức bay bổng và phiêu linh, cùng với tài năng và những cống hiến, hy sinh không mệt mỏi…

 

Haute Couture là gì?

Haute Couture là danh từ Pháp ngữ, với “Couture” được hiểu là may đo cao cấp, tinh tế, chuyên biệt, và “Haute” là sang trọng, thượng lưu. Hiểu một cách vắn tắt, cụm từ “haute-couture” có nghĩa là thời trang cao cấp. Với ý nghĩa đó, ngay từ khi xuất hiện vào thế kỉ 19 tại Pháp, “haute-couture” là lựa chọn của những quý bà, quý cô giàu có, thường đến những tiệm may lớn, chọn lựa chất liệu vải, thiết kế trang phục phù hợp với vóc dáng và được cắt may bởi những người thợ lành nghề. Vì chỉ dành cho một số ít đối tượng trong xã hội, nên yêu cầu về chất liệu, kiểu cách trang phục, kĩ thuật và tay nghề của thợ may được đòi hỏi cực kì gắt gao. Đó là lý do khiến cho haute-couture trở thành tính từ đại diện cho sự xa hoa, đẳng cấp không gì sánh bằng.

Ngày nay, để được sánh vai với các thương hiệu đình đám trong dòng thời trang cao cấp này, một nhà mẫu phải đáp ứng được những tiêu chuẩn của Bộ Công thương Pháp và Hiệp hội Thời Trang Haute-Couture. Theo đó, họ phải đáp ứng 3 tiêu chuẩn:

– Có khả năng thiết kế theo những đơn hàng chuyên biệt, gồm cả trang phục và phụ kiện, phục vụ cho những khách hàng cá nhân;

– Có một xưởng may tại Paris với ít nhất 20 nghệ nhân lành nghề;

– Và cuối cùng, mỗi năm họ phải ra mắt hai bộ sưu tập định kì, vào tháng 1 và tháng 7. Trong đó, mỗi bộ sưu tập phải bao gồm cả những thiết kế ứng dụng mặc hàng ngày và những bộ đầm dạ tiệc.

“Les petite mains”

Thuật ngữ “Les petite mains” trong tiếng Pháp có nghĩa là những bàn tay nhỏ, ý nói đến mỗi sản phẩm thời trang thuộc dòng haute-couture đều được làm thủ công, bởi những nghệ nhân có tay nghề cao. Những người thợ miệt mài, với đôi bàn tay khéo léo cùng con mắt thẩm mỹ tinh tế, làm ra những sản phẩm hoàn hảo đến từng chi tiết. Thường những nghệ nhân này rất trung thành với một thương hiệu, họ dành toàn bộ cuộc đời để đóng góp cho một nhà mẫu, thổi hồn sáng tạo vào trong mỗi thiết kế.

 

Cái giá của nó không thể “bình dân”

Tất nhiên, một sản phẩm được thiết kế “đo ni đóng giày” cho bạn, một thành quả của bao nhiêu thợ thủ công lành nghề, mất hàng trăm tiếng đồng hồ để hoàn thiện, cái giá của nó không thể “bình dân”. Một thiết kế trang phục ứng dụng mặc ban ngày thuộc dòng haute-couture thường có giá dao động khoảng 8.000 bảng Anh (tương đương khoảng 254.000.000VND); chưa nói tới những “tác phẩm” cầu kì, mất tới 700 giờ đồng hồ để hoàn thiện bởi hàng trăm nghệ nhân, làm từ chất liệu vải cao cấp cùng những điểm nhấn bằng pha lê, đá quý hay thậm chí là kim cương.

Đối tượng khách hàng 

Đối tượng khách hàng ngày nay của dòng sản phẩm thời trang cao cấp này cũng không còn bó hẹp trong phạm vi của “kinh đô ánh sáng” nữa, mà mở rộng trên phạm vi toàn thế giới. Những khách hàng từ Nga, Mỹ, Trung Quốc hay thậm chí là Trung Đông, với tiềm lực tài chính dồi dào và có nhu cầu lớn đối với những sản phẩm cao cấp. Phần lớn khách hàng đều không có thời gian để tham gia những show trình diễn ra mắt các bộ sưu tập của các nhà mẫu tham gia vào sân chơi haute-couture. Họ thường theo dõi các buổi trình diễn qua video sau đó, chọn ra những mẫu mình thích và liên hệ trực tiếp với bộ phận bán hàng.

 

Những “ông lớn” của haute-couture 

Sau sự ra đi của “ông lớn” Yves Saint Laurent vào năm 2002, Chanel, Christian Dior, Elie Saab, Jean-Paul Gaultier vẫn là những cái tên chủ chốt trong các mùa haute-couture. Bên cạnh đó, những thương hiệu cung cấp chất liệu chính cho dòng thời trang này cũng được giới trong nghề chú ý như Lemarié (lông), Lesage (thêu và phụ liệu), Massaro (giày), Causse (găng tay)…

 

Lợi nhuận 

Nói đến haute-couture, lợi nhuận thu được của các nhà mẫu cũng là một trong những yếu tố đáng quan tâm. Tuy sản phẩm có những cái giá “trên trời”, nhưng thực tế, lợi nhuận thu được từ dòng sản phẩm cao cấp này lại rất ít, thậm chí, đôi khi còn không thu lại được khoản đầu tư. Những thiết kế từ các tên tuổi đắt giá, chi phí khổng lồ để thực hiện cùng với một lượng khách hàng khiêm tốn (khoảng 2.000 khách nữ trên toàn cầu) là những lý do mà trong 60 năm qua, ngày càng nhiều thương hiệu lớn rút khỏi “sân chơi” phù hoa này. Tuy nhiên, haute-couture vẫn là một cụm từ đầy ám ảnh và lôi cuốn với không ít người. Với các nhà thiết kế, đó là nơi để họ “cháy” hết mình cùng với sức sáng tạo, những giấc mơ, những hoài bão. Còn với công chúng yêu thời trang, đó thực sự là một “hội chợ phù hoa”, một thế giới lộng lẫy, xa hoa và có sức hấp dẫn không thể cưỡng lại.

 

Ilf 

Tổng hợp từ vogue, telegraph

Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin và sự kiện diễn ra xung quanh lĩnh vực này? Vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết chia sẻ những thông tin và sự kiện nóng hổi đó. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. Mọi thông tin xin gửi về e-mail: thoitrang@dep.com.vn

 

 


From the same category