Hàng giả, nguy hiểm thật - Tạp chí Đẹp

Hàng giả, nguy hiểm thật

DELETED
Loại trừ khả năng “cầm nhầm” hàng giả vì không biết, vài lý do khác khiến bạn dù biết tỏng tong chúng là hàng kém chất lượng nhưng vẫn “nhắm mắt đưa chân” là: không cưỡng lại sự cám dỗ từ vẻ bề ngoài rất thật và giá cả rẻ hơn 2-3 lần, nghĩ rằng chúng không gây ảnh hưởng xấu… Đến khi “chiếc gậy” đập trúng “lưng” bạn mới thốt lên câu “ biết vậy không dùng hàng dỏm” thì đã muộn.

Hàng nào cũng có thể giả

Nhiều người nghĩ rằng chỉ có những mặt hàng hiệu xa xỉ như nước hoa, mỹ phẩm, quần áo… mới bị nhái. Điều này không đúng. Thực tế, tất cả những vật dụng, thực phẩm xung quanh bạn đều có thể có “phiên bản kém chất lượng” ngay khi hàng chính hãng vừa cho ra mắt. Thử dạo một vòng quanh nhà mình, bạn có thể liệt kê danh sách các đồ đạc nhiều khả năng là hàng giả.

– Tại phòng khách: Tivi, đầu máy DVD, máy tính, quạt bàn… bạn có chắc chúng có chất lượng như trong tờ giấy bảo hành? Rất có thể chúng sẽ hư chỉ sau vài tháng “tậu” về.

– Trong nhà bếp: Các loại gia vị, thực phẩm đóng gói, nước giải khát… là những loại rất dễ bị giả mạo mà không phải bà nội trợ nào cũng đủ tinh tường để nhận biết.

– Mỹ phẩm, đồ chơi: Liếc thử trên bàn trang điểm, rất có thể bạn đã bị vẻ ngoài “lung linh” của những chai nước hoa và mỹ phẩm đánh lừa. Nhiều lần bạn ưu tư nhìn qua góc thú nhồi bông, xe hơi, súng, kiếm rực rỡ màu xanh đỏ tím vàng, liệu con có bị nguy hiểm khi chơi những loại đồ nhựa kém chất lượng đó? Chưa hết đâu, nếu kém tinh ý, ngay cả một vài loại thuốc bạn để trong tủ thuốc gia đình cũng giả nốt.

 

Khi quyết định tậu một món đồ, mọi người thường hí hửng khi mua được “của hời” mà xem nhẹ đến những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra. Tương ứng với mỗi sản phẩm giả đều là những hậu quả tùy theo mức độ. Nếu như quần áo, túi xách, giày dép giả… gây phiền phức lắm cũng chỉ là dễ đứt, dễ hỏng, gây kích ứng da thì có những vật dụng kém chất lượng khác có thể gây hậu quả không hề nhỏ đến sức khỏe của bạn. Đơn cử vài trường hợp như:

– Đồ chơi giả thường làm bằng nhựa kém chất lượng, chưa qua xử lý nên có khả năng nhiễm các loại độc tố kim loại. Chất liệu sợi nhựa (tóc giả búp bê), vải sợi, bông của thú nhồi bông có thể gây kích ứng mũi hoặc dễ bắt lửa nếu là hàng kém chất lượng.

– Có lẽ bạn chẳng còn lạ gì về những nguy hiểm tiềm ẩn có trong mỹ phẩm giả như: Trong mascara và chì vẽ mắt, chân mày, son môi có hắc ín, sudan có khả năng gây ung thư. Các chất DEA, TEA quá mức quy định trong các loại kem dưỡng, sữa tắm, dầu gội nhái… ngoài việc gây kích ứng còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến gan, thận.

 – Kính giả có nguy cơ gây hại mắt rất cao. Độ chống tia UV không tốt của kính giả có thể làm giảm thị lực, thậm chí tổn thương võng mạc. Tròng kính cho thấy hình ảnh méo mó khiến cho người đeo thường có cảm giác chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu… Ngoài ra, chất liệu của gọng kính có thể gây kích ứng da. Đây là một trong những loại sản phẩm thật giả khó lường nhất trên thị trường.

– Nguy hiểm sẽ là hiển nhiên nếu bạn uống phải thuốc giả. Các loại thuốc nhái, thuốc giả không chỉ không có tác dụng chữa bệnh mà còn có thể gây hại đến sức khỏe.

– Khả năng đe dọa đến tính mạng của các vật dụng giả như thuốc, lốp xe, phanh, ổ cắm, dây điện, bình gas giả… là điều không cần bàn cãi.

 

Tự bảo vệ mình

Nguyên tắc đầu tiên cần nắm trước khi mua một sản phẩm là: “Hãy kiểm tra kỹ để chắc chắn rằng đó không phải là sản phẩm giả”. Bạn nên ghi nhớ ở một vài khía cạnh sau:

– Nhận biết cảm quan về sản phẩm: Điều này đòi hỏi bạn phải quan sát và sờ nắn kỹ sản phẩm một chút. Bao bì của các sản phẩm thật thường được nghiên cứu và hoàn thiện khi lưu hành ở thị trường. Đây là điểm khác biệt với hàng giả. Do đó, bạn nên kiểm tra rõ bao bì của hàng hóa xem có mắc các lỗi về chính tả hoặc in ấn như bị nhòe, mờ, màu in phối lem xấu, gấp mép hay không. Tiếp đến, hãy kiểm tra phần nhãn (phần hiển thị thông tin về nhà sản xuất, xuất xứ, các thông số về sản phẩm như: số đăng ký, giấy phép nhập khẩu, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng…).

– Giá cả: Nên cản trọng với chiêu “hạ giá”. Ngoài khả năng đồ hiệu giảm giá do có lỗi, sản phẩm được bán với giá rẻ hơn nhiều có khả năng là hàng giả, hàng nhái. Vì sản phẩm giả không mất chi phí nghiên cứu, quảng bá, kiểm định chất lượng, đóng thuế, kèm theo việc gian lận trong khâu sản xuất với thành phần, linh kiện giả hay kém chất lượng nên giá rẻ hơn là điều dễ hiểu. Ngoài ra, cần biết thêm là, hàng có giá cao chưa hẳn là hàng thật.

– Điểm bán hàng: Nếu có ý định mua hàng qua các trang trực tuyến, bạn cần phải tăng cường cảnh giác gấp đôi. Vì bạn không thể sờ tận tay, nhìn tận mắt để kiểm định. Bạn nên đến các cửa hàng chính hãng, showroom của nhãn hiệu để đảm bảo mua hàng tốt.

Nếu còn nghi ngờ về chất lượng, xuất xứ của hàng, bạn có thể liên hệ với nhà sản xuất hoặc hiệp hội chống hàng giả để xin tư vấn về cách phân biệt hàng thật đối với những sảnh phẩm có giá trị cao hay có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Theo Sức khỏe

Thực hiện: depweb

02/08/2012, 16:59