Grammy 55: Bức tranh thuần Mỹ - Tạp chí Đẹp

Grammy 55: Bức tranh thuần Mỹ

DELETED

Những bất ngờ thú vị

Ngay sau khi đề cử Grammy năm nay được công bố, sự việc được nhiều tờ báo đưa tin là nhà quản lý Scooter Braun đã công khai chỉ trích giải thưởng này vì không dành cho Justin Bieber bất cứ đề cử nào mặc dù năm qua anh chàng ca sĩ đang nổi như cồn này cũng có một album thành công. Xét trên phương diện nào đó quả thực cũng có ít nhiều bất công cho Justin. Bởi những đồng nghiệp cùng trang lứa với cậu như Taylor Swift hay thậm chí Carly Rae Jepsen còn lọt vào đề cử. Nhưng cuộc “càn quét” giải thưởng của Justin năm qua đã có những gặt hái đáng kể và đó đều là những giải thưởng chủ yếu hướng tới đối tượng khán giả của cậu – những cô cậu tuổi teen.

 

Carly Rae Jepsen vượt mặt cả Justin Bieber để có tên trong danh sách đề cử Grammy chỉ vài tháng sau khi album của cô được phát hành 

Không có Justin Bieber và cũng không có Psy (như không ít tờ báo lá cải Anh, Mỹ đồn đoán), Grammy vẫn không thiếu hơi thở của thị trường âm nhạc năm qua. Họ vẫn dành đất cho những nhân tố nổi bật như Carly Rae Jepsen, Gotye. Người ta thấy các nhóm nhạc rock chiếm ưu thế trong đề cử năm nay. Nhưng nhìn lại thị trường, quả thực dấu ấn của rock cũng rất nổi bật. Bruce Springsteen đại diện cho sự trở lại của những cựu trào như Rolling Stone hay Black Sabbath. Muse, Coldplay hay Fun đều là những nhóm nhạc giữ được phong độ tốt hoặc có những sản phẩm mới đứng vững trên các bảng xếp hạng như Billboard.

Fun – nhóm nhạc gây ấn tượng chỉ với một album và ca khúc “We are young” trong năm qua

Tất nhiên, Grammy cũng khéo léo pha thêm một chút bất ngờ gây thú vị cho giới phê bình. Đó là sự xuất hiện của Kelly Clarkson với ca khúc “Stronger” (“What doesn’t kill you”) trong hạng mục Ca khúc nhạc pop xuất sắc nhất và Ghi âm của năm. Hay cô gái trẻ Elle Varner trong hạng mục Ca khúc R’N’B của năm với bài “Refill” mặc dù bài hát này chắc chắn không thể được phát nhiều trên các kênh truyền hình và phát thanh như “How we do” (“Party”) của Rita Ora hay “Super bass” của Nicki Minaj.

Tôn vinh “đặc sản” Mỹ

Nhìn vào những đề cử của Grammy năm nay thấy toàn cảnh công nghiệp âm nhạc phương Tây hiện lên với đầy đủ những nét đậm nhạt. Từ teen pop với Carly Rae Jensen hay Katy Perry, country pop với Taylor Swift, âm nhạc da màu với các đại diện như Jay Z, Kanye West, Rihanna, âm nhạc mang màu sắc dân gian như Lumineers hay Alabama Shakes, Mumford & Sons còn rock thì có rất nhiều đại diện… Tất cả đã tạo nên bức tranh toàn cảnh âm nhạc thuần Mỹ.

 

Bố già hip hop Jay Z 

Những cái tên mà đa số đều mới chỉ xuất hiện trên thị trường vài năm cho thấy nền công nghiệp âm nhạc phương Tây vẫn là một cỗ máy trơn tru. Nó vẫn liên tục tạo ra những lớp nghệ sĩ mới trên mọi thể loại và đáp ứng được mọi nhu cầu, tầng mức nghe. Nhưng cũng không khó nhận thấy thông điệp tôn vinh những gì được coi là “đặc sản” âm nhạc Mỹ của các chuyên gia Grammy.

Ngay từ khi album “Blunderbuss” của Jack White ra mắt, giới chuyên môn đã đánh giá nó rất cao nhưng đa số đều dự đoán nó chỉ có thể xuất hiện trong đề cử Grammy chứ khó có cơ hội ở các giải thưởng có tính giải trí cao như MTV Awards hay AMA. Chất nhạc pha trộn blues, folk và rock với lối chơi rất lập dị của thủ lĩnh nhóm White Stripes một thời đình đám, hợp tai với những ai muốn tìm kiếm thứ âm nhạc có tính chất tìm tòi, thách thức và có phần bảo thủ hơn là thứ rock nhàn nhạt kiểu Linkin Park hay bão hòa như Green Day.

Cũng giống như vậy, cặp nghệ sĩ The Black Keys vốn đã được coi là những tài năng nổi bật của indie rock mấy năm qua. Họ làm việc với một hiệu quả đáng nể với 7 album liên tục trong vòng 10 năm. Ba album gần đây nhất đều được đánh giá rất cao. Và 6 đề cử Grammy năm nay là một thành tích đáng nể. Nhưng âm nhạc của The Black Keys cũng không hề dễ tiếp nhận, đặc biệt với khán giả bên ngoài nước Mỹ.

Grammy lần thứ 55 là sự lên ngôi của nhạc rock với 6 đề cử cho nhóm The Black Keys

Định vị một “đường ray”

Đôi khi người ta thấy Grammy còn làm công việc của một người dẫn đường về thị hiếu và thị trường. Những dấu mốc như Norah Jones năm 2006, album “River” của đại thụ Herbie Hancock, chiến thắng bất ngờ của cô gái jazz Esperanza Spalding và mới đây nhất là 6 giải thưởng của Adele năm ngoái. Giải thưởng Grammy khẳng định được uy tín của nó chính bởi những phát hiện và khẳng định có thể bất ngờ nhưng không thể tranh cãi đối với những sản phẩm và nghệ sĩ theo đuổi thứ âm nhạc thực sự để nghe. Grammy năm nay có Alabama Shakes, Frank Ocean hay Fun – những nghệ sĩ mới không có vẻ ngoài bắt mắt hay thứ nhạc “thị trường” mà dám dấn thân vào những con đường thách thức. “Grammy đang định vị những cái tên sẽ giữ cho âm nhạc đại chúng phương Tây không lệch khỏi đường ray trong tương lai gần,” nhà phê bình David Fricke của tờ Rolling Stone nhận xét.

Lễ trao giải Grammy lần thứ 55 sẽ diễn ra vào đêm 10/2/2013. Đó vẫn luôn là một sự kiện âm nhạc quan trọng trong năm với những màn trình diễn hoành tráng và những cung bậc cảm xúc của kẻ thua người thắng. “We are young” của nhóm Fun là một trong những ca khúc phổ biến năm qua, cũng là ca khúc nằm trong đề cử Ca khúc của năm. Khi mà nền công nghiệp âm nhạc phương Tây đang tỏ ra nặng nề và già cỗi tới mức để một anh chàng K-pop ở tít châu Á “qua mặt” thì dường như thông điệp “Chúng ta trẻ tuổi!” vừa là sự đòi hỏi làm mới nhưng cũng là sự hi vọng đặt lên những nhân tố rất mới và nhiều tiềm năng như Fun.

Bài: Độc Cầm


Thực hiện: depweb

02/01/2013, 14:38