Gốm và thời trang - Tạp chí Đẹp

Gốm và thời trang

Thời Trang

Và một lần nữa, với bộ sưu tập giày gốm dành riêng cho DFS11, người nghệ nhân đầy lòng đam mê này tiếp tục đánh một dấu mốc mới cho mối “lương duyên” giữa gốm và thời trang.

Có vẻ như ông thường tập trung vào dòng gốm nghệ thuật hơn?

– Đúng vậy, tôi là người làm gốm có ý tưởng, chứ không phải làm gốm để phục vụ tiêu dùng. Cũng như cái tên thương hiệu “Hồn đất Việt”, nó hàm chứa ý nghĩa sâu xa về sự gắn kết giữa thiên – địa – nhân. Mỗi sản phẩm gốm đều là sự kết tinh của cả ba yếu tố đó và đều chuyển tải sự đam mê, tình yêu nghề của người nghệ nhân. Có như thế thành quả mình làm ra mới được mọi người đón nhận.

Mỗi sản phẩm của tôi đều có một câu chuyện, một số phận. Mọi thứ đều phải được lên kế hoạch. Ví dụ, đôi bình gốm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội hay những đôi giày gốm làm riêng cho DFS.

Đắp nổi hoa văn, ám họa và kỹ thuật pha màu men đã làm nên tên tuổi của ông, có thể coi những kỹ thuật đó thuộc về “bản quyền” của ông?

– Thực tế, đắp nổi hoa văn, ám họa và pha màu men đều là những kỹ thuật truyền thống trong nghề gốm ở khắp mọi nơi trên thế giới. Bất kỳ người thợ nào cũng sử dụng những kỹ thuật này trong chế tác gốm. Vẫn là đất sét, cao lanh, vẫn là cách thêm oxit kim loại vào men truyền thống – loại men trắng (ví dụ, muốn có màu xanh thì thêm oxit đồng, muốn có màu nâu thì thêm oxit sắt,…) hoặc kỹ thuật chồng màu để ra được các loại men màu, nhưng để đạt đến mức độ ma quái, kỳ diệu thì không phải ai cũng đạt được. Những cái này đòi hỏi phải có hiểu biết và kinh nghiệm. Cho nên nói đúng ra thì tôi không phải người nắm “bản quyền” mà chỉ là người đã chạm tới kỹ thuật làm gốm ở mức mỗi đồ gốm tôi làm ra đều có dấu ấn riêng.

Vậy dấu ấn cho loại men màu của ông là gì?

– Một bức ảnh đen trắng vẫn toát ra vẻ đẹp vì có sắc độ, có chiều sâu. Giống như cách sử dụng ánh sáng của nghệ thuật nhiếp ảnh, các sản phẩm gốm của tôi không đơn thuần chỉ một màu, mà có chỗ sâu, chỗ nổi do biết vận dụng kỹ thuật pha chế nguyên liệu. Chỉ cần tăng hay giảm một sắc độ là đã có một gam màu mới, người thợ giỏi là người biết tính toán chính xác tỉ lệ màu sắc.

Để đạt được những thành công như ngày nay, đối với ông, sự sáng tạo hay kinh nghiệm là yếu tố hàng đầu?

– Tôi đánh giá sáng tạo là yếu tố tiên quyết, không có sáng tạo thì không có cái gọi là gốm nghệ thuật. Không theo nghề kiểu cha truyền con nối mà là người có kiến thức mỹ thuật (ông từng tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật – PV), nên tôi hiểu rõ về cái đẹp, cấu trúc, bố cục và màu sắc. Dĩ nhiên, kinh nghiệm truyền thống theo kiểu cha truyền con nối cũng là một hướng làm nghề nhưng nó giới hạn sự sáng tạo. Chỉ có sáng tạo, đi tắt đón đầu, tìm ra những cái mới bằng sự hiểu biết, tình yêu, đam mê, thì mới tạo ra sản phẩm mang hơi thở truyền thống nhưng lại thực sự đương đại. Và tôi đã làm được điều đó, với sản phẩm giày gốm. Bản chất là gốm, nó mang hồn vía quê hương nhưng lại đạt được những tiêu chí rất cao, rất hiện đại.

Điều gì đã đưa ông đến với DFS10? Có phải là “Đam mê” như tên chương trình DFS10?

– (Cười) Khởi đầu là một… đơn đặt hàng, một lời mời. Việc tôi tham gia DFS10 là hoàn toàn ngẫu hứng, không hề có cam kết, ràng buộc nào. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, dĩ nhiên, phải có đam mê thì tôi mới có thể hoàn thành 2 đôi giày trong thời gian đúng 1 tháng và kết quả thì như bạn thấy. Trên con đường nghệ thuật, tôi và ê kíp DFS đã gặp nhau ở mục đích vươn tới cái đẹp.

Tại sao lại là giày mà không phải một sản phẩm thời trang khác, như túi xách chẳng hạn?

– Bản thân giày đã có một hình khối đẹp với những đường cong ở mũi và gót giày, nên người nghệ nhân gốm chỉ cần thêm vào những họa tiết, hoa văn là đã có một tác phẩm hoàn hảo.

 

Những đôi giày trong DFS11 sẽ có gì khác với những đôi giày của DFS10, thưa ông?

– Trước tiên, phải nói đến số lượng. Nếu ở DFS10 chỉ có 2 đôi, thì con số này đã lên đến 12 chiếc khác nhau trong DFS11. Có thời gian chuẩn bị lâu hơn, nên ngoài sự phong phú về số lượng, thì các thiết kế cũng tinh xảo hơn – có sự kết hợp của kén với các chất liệu sen khô, tơ tằm, có cả những họa tiết rồng thời Nguyễn lẫn những dây hoa nhỏ tinh tế. Tôi còn dự định thực hiện sự kết hợp giữa gốm và bạc để… gây sốc cho giới nghệ nhân Hà thành. Người nghệ nhân bạc sẽ phải mất hàng tháng để kéo từng sợi bạc mỏng và nạm lên từng chiếc giày gốm. Ý tưởng này của tôi âu cũng là để tri ân mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, mọi thứ đã không thành vì điều kiện thời gian.

Ông nói mỗi tác phẩm đều có câu chuyện riêng. Vậy câu chuyện của những chiếc giày này là gì? Nói cách khác, những đôi giày mang đến thông điệp gì (gắn kết với chủ đề “Sự khởi đầu của cái Đẹp”) hay đơn giản chỉ là cuộc dạo chơi của gốm bên cạnh sàn diễn thời trang?

– Khi làm những sản phẩm này, tôi cũng nhận được sự tư vấn của ê kíp sản xuất DFS. Dĩ nhiên, nó có sự gắn kết theo một kịch bản xuyên suốt chương trình. Tuy nhiên, cao hơn cả, sản phẩm gốm vẫn có những nét đẹp riêng, thể hiện sự sáng tạo, linh hồn, tinh thần riêng. Có thể xem 12 chiếc giày như sự khởi đầu cho cái đẹp riêng của gốm – cái đẹp kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đánh dấu cho mối “lương duyên” giữa gốm với thời trang.

Bài: Kiều Diễm
Ảnh: Hello Hellos

Thực hiện: depweb

02/01/2013, 15:52