Gọi quản lý, YouTube cắn tay tôi... - Tạp chí Đẹp

Gọi quản lý, YouTube cắn tay tôi…

Review

Khi Charlie cắn tay cậu anh sàn sàn trứng gà trứng vịt với mình, cậu thậm chí còn thấy thú vị. Sự thú vị của cậu chàng còn chưa biết nói này tăng dần khi tiếng ông anh kêu đau từ ôi ôi be bé chuyển thành oai oái to hơn rồi nức nở, “Em Charlie cắn tay con”. Những video clip như “Charlie bit my finger” là một sản phẩm không khó tìm trên YouTube. Nó mang dấu ấn cá nhân cả về cách thức hình thành và mỹ cảm về sự thú vị trong cuộc sống, ý muốn chia sẻ với cộng đồng sự thú vị ấy đã nhận được lượng view khủng. Điều này, cách nào đó, gần như tương đồng với hai hiện tượng YouTube ở Việt Nam gần đây là “Căn hộ số 69” và “người nông dân hát” Lệ Rơi. 

YouTube

Nhưng “Căn hộ số 69” và Lệ Rơi với hàng triệu người xem lại đang gây tranh cãi. Tranh cãi về giá trị thẩm mỹ. Tranh cãi cả về đạo đức. Trong mạch tranh luận đó, có lo lắng giá trị đảo lộn khi Lệ Rơi được mời hát có cát-sê như ca sĩ xịn, và “hình như” đang bị lợi dụng. Có cả lo lắng khi những ám chỉ tình dục “dung tục, phản cảm” trong “Căn hộ số 69” khiến nhiều người khoái chí. Phụ huynh, quản lý văn hóa bị đánh động về nguy cơ băng hoại giá trị. Nguy cơ càng có vẻ lớn hơn do YouTube dường như quá tự do, quá rộng rãi. Nó đã khó cấm dựa trên luật hiện hành trong nước, lại còn quá dễ tiếp cận với cộng đồng. Mạng xã hội mà.

Giả sử, để bảo vệ đạo đức cao quý và thẩm mỹ sang trọng, khi cấm Lệ Rơi hát, cũng như phạt xong nhóm “Căn hộ số 69” thì điều gì sẽ xảy ra?

Càng phạt càng… ra nước

Nhạc sĩ Nguyễn Cường không liên quan, song thường có cách trả lời kiểu của mình, trong những buổi tối vui ca cùng bè bạn. Những tối như thế, ông Cường hát lại bài hát của mình. Không phải cả bài mà chỉ một câu, hát đến chục lần, không lần nào giống lần nào. Nhạc sĩ có một câu hát nổi tiếng trong bài “Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuột”: “Có cái nắng có cái gió có nỗi nhớ không mang tên, không mang tên người ơi”. Nổi tiếng còn hơn chính bài hát. Không hẳn vì hay mà vì chất dân gian trong đó lộng gió quá. Cũng vì thế, bài hát có một phiên bản dân gian bên bàn bia hơi: “Có cái nắng có cái gió mà không có cái đó thì sống với nhau làm gì/Có cái nắng có cái gió mà có cả cái đó sống với nhau trọn đời”. Nguyễn Cường thì lại thích phiên bản: “Có cái nắng có cái gió có cái đó, em không cho, em không cho thì xin”. Plong Thiết cũng thích phiên bản này, mỗi khi hát lại nheo nheo mắt và lắc lắc cái đầu tóc xoăn. “Ác nhất là có người hát thành có cái nắng, có cái gió, có cái đó, em không cho em không cho thì mua”, nhạc sĩ Nguyễn Cường nói rồi cười vang, không chút xấu hổ vì câu nhạc chế. Chất dân gian nó là thế. 
Làm sao để chặn được mạch của những phiên bản dân gian. Dù chất nắng gió của cà phê trong bài hát Nguyễn Cường đã được đổi thành điều gì đó rất khác, rất phồn thực. Hát “a dua” những phiên bản xuyên tạc chính mình, Nguyễn Cường cho thấy mình đã hiểu không thể chặn mạch “dị bản” của quần chúng yêu văn nghệ.

Cả “Căn hộ số 69”, Lệ Rơi lẫn những câu hát chế từ sáng tác Nguyễn Cường đều đậm chất dân gian. Nó mang tinh thần hóm hỉnh, lạc quan, tính thích đùa giỡn thậm chí cợt nhả, để rồi lan truyền trong khung cảnh không chính thống. Chẳng phải qua sách vở, cũng không cần truyền hình. Không gian cho dòng chảy văn hóa dân gian thường tự do, cởi mở, lắm dị bản và thời nào cũng có. Cũng câu chuyện hình ảnh dung tục, tạo liên tưởng tới chuyện giới tính, “Căn hộ số 69” là một phiên bản khác của các câu đố tục giảng thanh, “càng chơi càng ra nước” là đánh cờ, “cơ quan quan trọng của phụ nữ” là Hội liên hiệp phụ nữ. Điều này vốn khó tìm thấy ở những sản phẩm “dòng chính thống”.

Trên không gian văn hóa dân gian với kỹ thuật hiện đại là YouTube, “Căn hộ số 69” đã nhận được nhiều mách nước. Chẳng hạn, sao không up lên mạng từ một server nước ngoài. Là kẻ đi sau, những sản phẩm online khác chắc chắn cũng sẽ tính toán kỹ hơn về hình thức, để lách luật uyển chuyển hơn khi “chào” YouTube. Như thế, rõ ràng, tinh thần càng đánh càng ra nước, càng cấm càng… ra nước, ra chiêu là có thật. 

YouTube

Tháo gỡ chuyện khó đỡ

Hồi tháng 3 vừa qua, Đoàn Thanh niên thực hiện, đặt nhiều hy vọng vào một dự án cộng đồng có tên “Thành ngữ thanh niên chuẩn”. Theo đó, sẽ có một bộ ảnh kèm theo thành ngữ, nhằm chuyển tải thông điệp “Sống đẹp – Sống có ích” đến với các bạn thanh niên một cách nhẹ nhàng, trẻ trung. Các thông điệp đó, được kỳ vọng sẽ được giới trẻ yêu thích, ghi nhớ, dần trở thành các câu nói cửa miệng của thanh niên. Báo Tiền phong khi đó dẫn lời một thủ lĩnh thanh niên cho thấy mong muốn các thành ngữ mới của dự án này sẽ “thay cho những câu nói vô bổ, thậm chí là tiêu cực, có hại như ‘Sát thủ đầu mưng mủ’ mà giới trẻ đang dùng”. 
Bộ ảnh kèm thành ngữ đó khi ra đời có 20 tấm. “Tâm trong dù bẻ cong vẫn thẳng” thể hiện người thanh niên mặt tươi tỉnh, bị kẻ xấu 1, kẻ xấu 2 đu bám vẫn đứng nghiêm. “Hãy hết lòng với những người hết hơi” vẽ một thanh niên lưng đeo bình ôxy đỡ người bị ngất, trên lưng anh này có cặp cánh thiên thần nho nhỏ. Còn nhiều câu nữa kiểu: “Gặp dối trá quyết không tha”, “Sống trung thực dù đời cơ cực”, “Gặp khó đừng có kêu ca”… Hãy trả lời, bạn có biết về dự án hay không, có nhớ những câu thành ngữ đó hay không. Người trẻ sẽ chọn đạo đức sáng ngời, có ích hay sự “vô bổ, tiêu cực” của “Sát thủ đầu mưng mủ”? Câu trả lời là cả “tâm trong” lẫn “hết lòng” đã không đủ độ hóm cần thiết khi phải cõng những thông điệp to lớn, với những bức hình không đủ độ bất ngờ. 
Có một bí mật ở đây. Thầy giáo trẻ – hotboy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chính là người đã viết những thành ngữ kiểu “tâm trong” cho dự án của Đoàn Thanh niên. Dự án đã thất bại về sức lan tỏa, trong khi đó “kênh” tư vấn của thầy trên YouTube qua các clip lại được giới trẻ say mê phát điên. Thậm chí còn xuất hiện cả hội “Tê liệt hoàn toàn trước thầy Khắc Hiếu”. Thầy tư vấn nhiều điều, qua các đoạn video ngắn, có các diễn viên nghiệp dư trẻ tham gia vì yêu mến. Làm thế nào để hiểu Bộ luật tình yêu – để tránh yêu nhau rồi quay clip “giết người cướp môi”. Làm thế nào khi rơi vào cảnh “Bị chàng đòi ấy”… Hàng trăm ngàn lượt xem. Chính thầy cũng phải công nhận dù có đi tư vấn, nói chuyện kỹ năng miệt mài trong 10 năm cũng không thể đạt được số người tiếp cận kỹ năng đó. Thế mà với “Tâm trong dù bẻ cong vẫn thẳng”, nói thẳng ra, thầy đã thất bại.
Thầy Hiếu dù giỏi giang đã không thể có cái nhìn nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, tư duy hóm hỉnh của Thành Phong “đầu mưng mủ”. Nói để thấy những ngã rẽ khác nhau cần kỹ năng sâu khác nhau mà không phải ai cũng đáp ứng. Muốn có thứ kỹ năng ấy, người ta cần môi trường để rèn luyện, cũng như cần môi trường để “thử” dư luận – điều không thể coi thường. Nó giống như việc một nhà báo nổi tiếng của tờ Sài Gòn Tiếp thị trước đây vẫn đăng những bài bình luận “khó” của mình trước trên trang cá nhân để thử phản ứng.  
Vì thế, nếu cứ “ừ thì thôi bất chấp, cấm nhau đi”, siết chặt các sản phẩm văn hóa trên YouTube, sẽ có một dòng chảy văn hóa văn nghệ bị chặn. Trong dòng chảy đó, có những người nửa chuyên nghiệp đang muốn bước chân vào chuyên nghiệp. YouTube cho họ cơ hội “chạm ngõ” nghề nghiệp ao ước, cũng cho họ cả cơ hội để đo lòng khán giả. Nhóm còn lại, chỉ hát để hát, diễn để diễn, và điều đó có sao? Quyền được hát, được diễn có khác gì quyền mưu cầu hạnh phúc.

Cấm xong rồi, cơ hội cho những ước mơ làm nghệ sĩ trên YouTube mất nhiều. Những ước mơ ấy sẽ phải đi theo một con đường hành chính – thành lập, trình, duyệt tác phẩm. Con đường hành chính, dù rắc rối, nếu chỉ mất thời gian và tiền bạc, cũng không đáng ngại. Cái ngại là việc duyệt tác phẩm có thể đi vào ngõ cụt. Có thể đường dây kể chuyện bị đứt của “Đường đua” khi ra rạp đã mách nghệ sĩ điều đó. Trong khi phim Việt còn chưa có bộ quy tắc phân định độ tuổi cụ thể, cú lách của “Bi, đừng sợ” như một chỉ dẫn khôn khéo, thì YouTube rõ là một vườn ươm.

YouTube

Nỗi sợ quên mình

Nếu nói không cần phải lo trước nhạc rác, phim rác trên YouTube sẽ là dối lòng. Song, cũng không nhất thiết phải lo đến mức la hoảng trước một sản phẩm tuy chán với mình nhưng hay với người khác, thiếu đạo đức với ta nhưng lại cũng bình thường thôi trong mắt nhiều người do khoảng cách thế hệ. Một mực đặt trách nhiệm “siết” lên vai nhà quản lý tuy đúng lương tâm nhưng khi quá tay lại trở thành thiếu trách nhiệm. Vì, ai sẽ thay chính mình trong việc tự chọn, tự quyết định xem hay không xem một bộ phim. Và trên thực tế, người ta xem hoặc không xem phim vì công việc, vì sở thích chứ ai nói vì đạo đức. Do đó, mấu chốt vẫn là tạo dựng thẩm mỹ cho người xem – một công việc phải làm nhiều năm ròng.
Ở Việt Nam, chuẩn mực thẩm mỹ chính thống (qua giải thưởng, qua báo chí) lắm khi làm người ta phân vân. Ngày đạo diễn Đặng Nhật Minh làm phim “Thương nhớ đồng quê”, ngay lập tức người Nhật mê đắm, thậm chí bỏ kinh phí giúp ông làm hậu kỳ. Phim cũng có những câu thoại chưa nuột, nhưng tinh thần chung là yêu thương nông thôn, nông dân đến say đắm pha xót xa. Sau này cũng có khi người ta được xem “Thương nhớ đồng quê” trên truyền hình quốc gia vào giờ vàng trong ngày nghỉ cuối tuần. Nhưng thời điểm mới ra mắt mới thật truân chuyên, phim bị đánh giá có cái nhìn lệch lạc về nông thôn. Đặng Nhật Minh nhận giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất liên hoan phim, nhưng phim trắng giải. Nhưng người xem, với ông Minh cũng đã rất công bằng. Thời gian qua đi, người ta càng hiểu cá tính nghệ thuật của ông hơn qua câu chuyện đồng quê thương nhớ. Sau này, ông Minh nói nửa đùa nửa thật, tôi được nuôi con khỏe dạy con ngoan mà con tôi không được bé khỏe bé đẹp. Có lẽ, cái thiếu của nhiều đánh giá ngày ấy không chỉ ở tầm nhìn vấn đề, mà còn vì thiếu đi sự bao dung với những góc nhìn khác mình. 
Vì thế, khi sợ hãi những liều thuốc (có thể độc) trên mạng xã hội, cũng đừng quên… chính mình. Cũng đừng quên thời gian. Nếu đã xem “Thương nhớ đồng quê”, xem cảnh phim trong đó cả làng quây lại tụ tập bên chiếc ti vi phập phù truyền hình cuộc thi hoa hậu, thì sẽ thấy cuộc sống tinh thần nông thôn cô quạnh thế nào. Thì việc anh Hậu muốn trở thành Lệ Rơi cũng là để cho anh, cho những nông dân như anh thêm chút âm nhạc vào đời sống. Và khi sex trở thành từ khóa tìm kiếm nóng nhất ở Việt Nam, thì việc nói với nhau về thủ dâm – điều hơn 80% thanh niên làm trong đời – chắc chắn rất cần thiết. Hiểu như thế để khi gặp các hiện tượng như vậy, tự mình hiểu nó, đặt nó đúng chỗ, để không tự rơi vào cảnh chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ.
Bởi ầm ĩ, nhiều khi vô thưởng vô phạt. Nhưng có lúc, nó trái với quy luật phát triển. Hồi còn sống, kịch tác gia Lưu Quang Vũ vẫn tâm tình với bạn bè, ông không phân chia tốt xấu, chỉ chia thành hai loại người thúc đẩy và kéo lùi phát triển mà thôi.

Nói cho cùng, cũng chẳng việc gì phải sợ mình sẽ bị YouTube cắn tay. 

Bài: Trinh Nguyễn

logo

>>> Có thể bạn quan tâm: Khán giả hiện nay gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tập trung vào bất cứ thứ gì đòi hỏi sự chú ý trong một khoảng thời gian dài, và các phim tham gia Cannes năm nay ẩn chứa khá nhiều suy nghĩ về vấn đề này. 

Thực hiện: depweb

08/08/2014, 17:45