Giới tính của cảm xúc - Tạp chí Đẹp

Giới tính của cảm xúc

DELETED

Để nói về sự khác nhau giữa đàn ông và đàn bà, người ta ví von “đàn ông là sao Hỏa, đàn bà là sao Kim”. Hai giới giống nhau thì nhiều mà khác nhau cũng không ít. Những cơ quan trong cơ thể có thể rất khác nhau (đặc biệt là não và cơ quan truyền giống) nhưng đa số (tim, gan, thận…) lại giống nhau, thậm chí có thể “lắp ráp” lẫn cho nhau. Còn những thứ vô hình như cảm xúc của họ có gì khác nhau không, liệu cảm xúc có giới tính?

Chàng và nàng đi chung xe. Nàng bỗng nói: “Anh có muốn dừng lại, uống một chút gì đó không nhỉ?”. Chàng trả lời: “Không, em ạ. Anh không thấy khát”. Mặt nàng xị ra, dấu hiệu của sự hờn dỗi. Đến lúc này, chàng đã hiểu, đến một tiệm giải khát ven đường, chàng ghé xe vào.

“Đàn bà thật phức tạp. Sao cô ấy không nói thẳng ra lại đi hỏi mình?” chàng nghĩ. Còn nàng, nàng than phiền “Sao anh ấy chậm hiểu thế không biết. Chẳng “tế nhị” một tý nào”.

Chuyện nhỏ thôi, nhưng nó nói lên: Tính tình, tư duy, ham muốn, thái độ… đều có những dấu ấn của giới tính. Cảm xúc cũng vậy.

Cảm xúc qua những con số thống kê

Người phương Đông nói: ở con người – chung cho cả hai giới – có “thất tình”. Bảy thứ tình cảm ấy là hỉ (vui vẻ), nộ (giận dữ), ai (buồn bã), lạc (sung sướng), ái (yêu thích), ố (chán ghét), dục (ham muốn). Nhưng người phương Tây chỉ phân biệt có sáu thứ, là vui vẻ, giận dữ, buồn rầu, sợ hãi (hay ghê tởm), ngạc nhiên.

Phân biệt thế nào không quan trọng, chỉ cần biết đó là những cảm xúc chi phối mọi hoạt động tinh thần của con người. Nếu xét về mặt sinh lý học, dựa trên việc đo nhịp tim thì số mạch đập trong một đơn vị thời gian, nó tăng khi giận dữ, sợ hãi, buồn rầu, ham muốn, nó hạ khi vui vẻ, chán ghét, ngạc nhiên… và chính những cảm xúc cũng làm cuộc sống của người đàn ông khác với đàn bà. Khoảng cách về sự khác biệt càng trở nên lớn hơn khi xuất phát từ cảm xúc để đến tính cách và biến thành hành động.

Sự khác biệt về nam tính và nữ tính thể hiện ngay ở những tháng đầu đời, dù lúc này, đứa trẻ chưa hề có ý thức. Nhận thức của bố mẹ trước tiếng khóc của chúng cũng khác nhau. Khi thằng cu nhè, tiếng khóc có vẻ gay gắt, bố mẹ thường nghĩ rằng nó giận dỗi, và cũng thường khó làm cu cậu nín lặng hơn, trong khi cái hĩm khóc “êm dịu” hơn, họ lại nghĩ rằng cô nàng bực mình gì đó, chỉ cần vài lời nói, vài động tác âu yếm, cái hĩm đã nín và tỏ vẻ hài lòng.

Lớn lên chút nữa, sự khác biệt về cảm xúc giữa hai giới ngày càng nhiều. Khi đi học, phe quần đùi thích hoạt động, chạy theo “một cách vô lý” để tranh nhau đá trái bưởi héo, ham chơi game bạo lực thì phe nơ hồng đã biết ngắm vuốt, chat với bạn bè những câu chuyện riêng tư.

Đến tuổi yêu đương, theo điều tra 91% các cô thiếu nữ ở nước Anh cho rằng đã không yêu thì thôi, yêu là phải sống hết mình trong khi đó các chàng trai, thật buồn, chỉ 67% nghĩ thế. Một cuộc điều tra khác cho thấy phụ nữ bao giờ cũng nồng nàn hơn vì “66% phụ nữ yêu điên cuồng trong vòng tay người bạn tình mà chỉ 33% nam giới có cảm xúc như vậy”. Nhưng “tiếng sét ái tình” thăm viếng người đàn ông nhiều hơn, vì trung bình trong đời, người đàn ông yêu 4, 5 lần, trong khi phụ nữ chỉ có 3.

Cơn giận của họ rất khác. Trước một sự việc bất công dù không liên quan đến mình, cơn giận dữ ở chàng thanh niên có thể bùng phát, biến thành hành động “anh hùng tiếng đã gọi rằng” để sau đó lãnh đủ, không phải đầu cũng phải tai, trong khi cô thiếu nữ thường dửng dưng, “không phải việc mình” và tự an ủi “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Cứ 5 người đàn ông “cả giận mất khôn” mới có 1 phụ nữ không làm chủ được hành vi của mình. Trong đời, chỉ thấy ông Trương Phi, mà đố ai tìm được bà Trương Phi đấy.

Sự đam mê ở hai giới hoàn toàn không phải là một. Trong cuộc sống vợ chồng, ở Cựu lục địa – tuy đã được giải phóng về bình đẳng giới từ lâu – mà vẫn còn tới 84% các bà vợ chấp nhận chăn gối để làm vui lòng chồng, chỉ 4% là chủ động tìm nguồn khoái lạc, trong khi 80% đàn ông “hành sự” là vì nhu cầu của bản thân mình và chỉ 18% là “chiều vợ”.

Trong những điều ham mê của đàn ông, có sự ham ăn. Các cô gái Pháp, khi đi chơi với người tình, 26% thấy hạnh phúc và xúc động đến nỗi ăn mất ngon (hoặc hoặc triệt tiêu hẳn “tâm hồn ăn uống”) thì chàng trai bên cạnh họ chỉ 4% có cảm giác này, vì với các chàng, yêu và ăn là hai lĩnh vực hoàn toàn không “quen biết” nhau.

Phụ nữ dễ xúc động nên nước mắt là bạn đồng hành của họ. Bà vợ có thể thút thít khi nghe một câu chuyện lâm ly hoàn toàn bịa đặt, thì ông chồng cười khẩy, rằng đó chỉ là chuyện ngớ ngẩn, tức cười. Thống kê cho thấy phụ nữ châu Âu khóc nhiều hơn đàn ông 5 lần và 32% sẵn sàng nức nở nơi công cộng và chỉ 16% đàn ông là dám khóc trước mặt mọi người.

Có những điều về tâm lý nếu không qua số liệu, người ta dễ hiểu lầm. Chẳng hạn những ai nghĩ rằng đàn ông rộng lượng dễ tha thứ và dễ quên, còn đàn bà ngược lại, hẹp hòi, nhớ lâu thì sẽ rất ngạc nhiên trước cuộc điều tra của giáo sư tâm lý Alain Fournier (ĐH Paris) với kết quả là đàn ông “thù dai” hơn phụ nữ nhiều.

Trả lời câu hỏi “Anh (hay chị) sẽ làm gì sau 3 năm gặp lại kẻ thù cũ?”, 99% phụ nữ sẵn sàng cho qua, nhưng 75% bậc mày râu trả lời “quân tử báo thù 10 năm chưa muộn” hoặc “nên đánh kẻ thù bằng đúng cái cách mà kẻ thù đã đánh ta”. Bảo nam giới nhiều nghị lực hơn cũng chưa chắc đã đúng.

Trên đây là những bản điều tra để phân biệt từ cảm xúc đến hành động ở nam và nữ. Nó chứng minh sự khác biệt là khá nhiều. Và như vậy, cảm xúc mang giới tính rõ rệt.

Vì sao cảm xúc có giới tính

Năm 2001, trong một cuộc điều tra rất rộng rãi về cảm xúc theo giới, 90% người Mỹ cho rằng, phụ nữ bao giờ cũng sống tình cảm hơn nam giới và dường như đó cũng là ý kiến chung của mọi dân tộc. Nữ “tình cảm” hơn, cũng có nghĩa là những cảm xúc của họ như yêu thương, gần gũi, thông cảm, chia sẻ chẳng hạn luôn luôn ở mức độ cao hơn nam giới. Sự thực có như vậy không?

GS Tâm lý học Ann Kring cùng đồng nghiệp đã tiến hành những nghiên cứu kỹ lưỡng: Cho nam và nữ cùng xem những đoạn phim chia làm năm thể loại với những câu chuyện điển hình gây ra những cảm xúc buồn, vui, sợ hãi, giận dữ và trung tính. Họ chụp ảnh cộng hưởng từ để theo dõi hoạt động của những bộ phận trên não, đo hàm lượng hocmon tiết vào máu và quay phim những biểu hiện trên nét mặt của những người tham gia thí nghiệm.

Nhiều kết luận đã được rút ra. Có những nguyên nhân do giới tính quy định (mà liên quan chủ yếu là não và hocmon), nhưng cũng có những nguyên nhân mang tính bề ngoài, không phải là bản chất.

Thuộc loại không bản chất, mức độ của cảm xúc giống nhau nhưng cách thể hiện khác nhau khiến người ta hiểu lầm là cảm xúc theo giới tính khác nhau. Chẳng hạn, do cách giáo dục của gia đình (thuở nhỏ, khi cậu bé ngã, mẹ khích lệ “Đấy, nó có thèm khóc đâu. Đúng là con trai mẹ!”) cũng như quan niệm xã hội (“Ông ta tha thứ tất.

Đàn ông có khác!”) cho nên nam giới dược “giáo dục” là bản chất của mình phải là thế. Họ không hề than van và giỏi che giấu khi có những nỗi đau tinh thần và cơ thể, dù người ta đã chứng minh, đàn ông chịu đau nào có hơn gì phụ nữ. Hoặc cái ý thức con gái là phải dịu dàng (công – dung – ngôn – hạnh) mà các bà mẹ “nhồi nhét” vào đầu óc cô con gái rượu khiến các cô biết kiềm chế sự giận dữ và do vậy, con trai dễ nổi nóng hơn con gái đến 3 lần.

Mặt khác, do trải nghiệm trong cuộc sống, muốn được chiều chuộng, các cô thiếu nữ thích õng ẹo, nói ngược với lòng mình, làm các chàng trai chẳng biết thế nào mà lần. Bởi thế mới giận dỗi anh người yêu quá “tồ” (Em bảo anh đi đi/ Sao anh không ở lại?/ Em bảo anh đừng nói/ Sao anh cứ lặng im?). Cuối cùng, các chàng phải rút ra kết luận “Đừng tin những lời con gái nói”. Rõ ràng là để “diễn dịch” các cảm xúc, con trai và con gái nhiều khi không cùng một ngôn ngữ rồi.

Cũng như vậy, nhiều nhà tâm lý cho rằng chưa chắc con gái đã “tình cảm” hơn mà chẳng qua là họ thể hiện giỏi hơn mà thôi. Nói chung, con cái nhìn vào cách thể hiện cảm xúc của cha mẹ để tìm sự hướng dẫn trong cách ứng xử tương lai. Theo quan điểm này, sự khác nhau về cảm xúc giữa nam và nữ mang tính xã hội chứ không mang tính sinh học.

Sự khác biệt do sinh học thần kinh

Sự khác biệt về cơ cấu bộ não nam nữ người ta đã biết từ lâu. Ví dụ bán cầu não phải của nam phát triển hơn bán cầu não trái, vì đây là bán cầu chỉ huy óc trừu tượng, tính toán, suy tư. Trong khi đó, bán cầu não trái của nữ điều khiển khả năng vận dụng ngôn ngữ lại phát triển hơn. Do vậy con trai thường giỏi toán hơn và con gái thì học ngoại ngữ nhanh nhạy hơn, con trai thì trầm tư hơn, con gái lại lắm mồm và hay ăn vặt.

Sự khác biệt này ảnh hưởng chủ yếu đến cảm xúc. Những cảm nhận, những thông tin gây xúc động từ bên ngoài đưa vào, qua hạch hạnh nhân (amygdala) chuyển lên não, nó sẽ được phân phối về hai bán cầu não một cách khác nhau theo “thế mạnh” của mỗi giới. Khi được các khu vực khác nhau trên não xử lý, cùng một tác động nhưng ở giới này nó được khuếch đại lên, ở giới kia bị thu nhỏ lại và vì thế trở nên khác nhau và ảnh hưởng của giới tính thể hiện ở chỗ đó.

Chẳng hạn, trước một tình huống hãi hùng, nam hay nữ đều xuất hiện cảm giác sợ hãi nhưng khi về đến bán cầu não phải, thiên về lý trí, não nam giới lập tức đánh giá được nó ở mức độ nguy hiểm nào nên nỗi sợ có thể giảm đi, không đến mức kinh hoàng như ở nữ giới. Con chuột, con rắn, con nhện, con đỉa… đâu có thể gây nỗi khủng khiếp đến mức đứng tim…

Tác động của hocmon

Cái cảm xúc “bỗng dưng muốn khóc” ở nữ giới, như đã nói, cao gấp 5 lần nam giới là điển hình của tác động của hocmon. Hocmon prolactin do tuyến lệ sản sinh để chỉ huy việc tiết nước mắt ở phụ nữ luôn luôn có hàm lượng cao khiến các bà lúc nào cũng sẵn sàng sướt mướt và người phụ nữ nào không mau nước mắt sẽ bị chê cười là vô cảm, thiếu nữ tính.

Chàng trai bị “lừa” (do liên hệ bản thân), tưởng rằng nàng khóc có nghĩa là cực kỳ đau khổ nên chàng hết lòng chiều chuộng, đến khi tỉnh ra “chuyện đó cũng thường thôi” thì đã muộn, bởi trở thành thói quen rồi.

Hocmon oxytoxin liên quan đến sự hình thành mối quan hệ đầy lãng mạn giữa đôi uyên ương và ở một số loài vật, nó hình thành tình mẫu tử. Ở loài người, các thụ quan tiếp nhận oxytoxin nằm ở vùng não giàu thụ quan tiếp nhận dopamin, là đầu mút thần kinh sẵn sàng đáp ứng sự giải phóng oxytoxin.

Ở loài chuột đồng Bắc Mỹ, các thụ quan oxytoxin bao phủ lên thụ quan dopamin và sự có mặt của oxytoxin trong não đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành “lòng chung thủy” của cặp vợ chồng loài gặm nhấm có tập tính “một vợ một chồng” này. Phụ nữ có vẻ chung thủy hơn nam giới được xác định là ở họ, hàm lượng oxytoxin “nhỉnh” hơn chút đỉnh.

Từ lâu, người ta đã chứng minh mối liên quan giữa hocmon giới tính với một số tính chất đặc trưng nhất của giới. Ví dụ hocmon nam testosteron không chỉ là tác giả của hình dáng bên ngoài của một người đàn ông mà còn là tác giả của sự luộm thuộm, xuề xòa, nôn nóng, ưa mạo hiểm. liều lĩnh, hiếu chiến… của con cháu Adam.

Cũng tương tự, hocmon nữ là progesteron và estrogen là nguồn gốc của sự mềm mại, khéo tay, kiên nhẫn, nhẹ dạ, hay ăn vặt của những hậu duệ Eva. Nhưng cũng đừng quên là trong nhiều trường hợp, các cụ thường bảo “Đàn ông nông nổi giếng khơi, Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Đó là sự đúc kết trong cả triệu năm phát triển của nhân loại.

“Ôi, việc gì phải nghiên cứu, chứng minh bằng khoa học này nọ, rằng cảm xúc cũng có giới tính cho mất thì giờ” – các nhà phê bình nghệ thuật cười chế giễu – “Các tác phẩm văn học nghệ thuật là con đẻ của cảm xúc chứ gì?

Chúng tôi ấy à, với những sáng tạo nào xuất phát từ trái tim, từ những cảm xúc chân thành dù một bài thơ, một bức họa, một cuốn phim của một nữ thi sĩ, nữ họa sĩ, nữ đạo diễn… chúng tôi lập tức đều ngửi thấy “mùi đàn bà” trong đó. Điều ấy chẳng nói lên cảm xúc có giới tính hay sao?


Bảo Châu

Thực hiện: depweb

19/11/2008, 16:54