Vị trí Fashion Stylist nằm ở đâu?
Ở Việt Nam, Fashion Stylist hay còn gọi là Người tạo Phong cách đã không còn xa lạ trong công nghiệp thời trang và trở thành công việc thời thượng, đặc biệt đối với giới trẻ. Nhắc đến Fashion Stylist, người ta thường liên tưởng những hình ảnh hào nhoáng hay những con người chỉ có mỗi việc… chưng diện, chụp hình và mua sắm. Điều này không sai, nhưng những người quan tâm đến thời trang có ai không làm những việc đó? Vậy khi mọi người đều hợp mốt, vị trí của Fashion Stylist nằm ở đâu?
Có lẽ chưa khi nào thời trang lại được ưu ái và quan tâm đến thế. Từ “stylist” xuất hiện nhan nhản trên các tạp chí, video ca nhạc, các chương trình truyền hình, website thời trang hay cả trong câu chuyện hàng ngày. Nhiều người được gọi là Fashion Stylist lắm, nhưng nhất vẫn là trên thế giới mạng. Chỉ cần vài bộ quần áo hợp thời, chút trang điểm và dăm ba tấm hình, tức khắc chữ Stylist đặt cạnh cái tên “tây tây” được viết xuống như để khẳng định mình là “Người tạo phong cách” vì mình là “Người có phong cách”.
Những danh hiệu tự phong
Thế nhưng ai cũng biết mạng internet vốn là lãnh địa của những danh hiệu… tự phong. Đi cùng với thời đại số hóa là sự bùng nổ của các diễn đàn, blog hay website cũng như các cuộc thi thời trang online. Người ta có quyền tự do tuyệt đối để tìm kiếm và tiếp nhận cũng như chia sẻ và phát tán thông tin trên toàn cầu. Từ đó khái niệm Fashion Stylist bị méo mó và sai lệch một cách dễ dãi. Ai ai cũng là Stylist. Nhiều người còn nhầm lẫn Stylist thành Stylish. Không rõ họ yêu thích và cập nhật về thời trang nhiều đến đâu, nhưng quan điểm của họ thực sự hời hợt và quá mơ hồ.
Đương nhiên phải phân biệt rõ ràng giữa niềm đam mê và sự a dua trong thời trang. Đã có rất nhiều hoạt động giao lưu, cuộc thi cũng như sự kiện được tổ chức và trở thành dịp để giới trẻ có thể thực sự thể hiện cá tính thời trang và phong cách của mình. Ngày 7/10 vừa qua, một lễ hội Cosplay sôi động và ấn tượng đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là hoạt động văn hóa xuất phát từ Nhật Bản, nhưng đặc biệt thu hút được sự quan tâm và yêu thích của giới trẻ Việt. Lễ hội đặc sắc và độc đáo này là dịp để các Cosplayers tạo hình giống như các nhân vật hoạt hình và truyện tranh yêu thích. Bên cạnh đó, các bạn còn thể hiện tính cách nhân vật và sức sáng tạo của mình. Trào lưu hay xu hướng nào rồi cũng sẽ qua đi, nhưng những hoạt động văn hóa như thế sẽ thể hiện sự đam mê và phong cách của cả một thế hệ.
Quyền được phán đâu là đẹp, đâu là xấu luôn thực sự đáng thèm muốn và theo đuổi, đối với những người gọi mình là Người tạo Phong cách
Fashion Stylist thực sự là ai?
Khi tôi cầm tấm bằng thời trang về nước và quyết định đi theo con đường làm Fashion Stylist, có người bạn đã nói: “Ra đường thấy nam thanh nữ tú ăn mặc đẹp quá, nhìn ai cũng cứ như bước ra từ tạp chí thời trang. Từ đầu tới chân đều hàng hiệu, mở miệng thì toàn nói chuyện runway với makeup ở tận đâu. Thế này thì ai cần mình tạo phong cách cho đây?”. Tôi hiểu băn khoăn của bạn tôi. Cô ấy nghĩ rằng giờ đây bất cứ ai cũng có thể lên mạng hay đọc tạp chí để cập nhật các xu hướng, bộ sưu tập mới từ nhiều kinh đô thời trang trên thế giới và đi theo những phong cách ấy. Vậy đối với giới trẻ ngày càng nhạy bén và hiểu biết về thời trang, và sự bão hòa của các trào lưu, tích cực có, tiêu cực có, Fashion Stylist rồi sẽ đi đến đâu?
Không khó để thấy nhiều tín đồ thời trang trẻ liên tục cập nhật và kết hợp tủ quần áo của mình theo “xu hướng Bazzar hay Vogue”, chụp hình đăng lên blog cá nhân và được mọi người bình luận “trông bạn thật phong cách”. Rồi bỗng nhiên họ khẳng định rằng mình là một Fashion Stylist. Trào lưu này thực chất rất đáng được ủng hộ khi mà nó thể hiện cá tính và sự yêu thích thời trang. Nhưng đây lại là tư tưởng lệch lạc về nghề tạo phong cách. Một Fashion Stylist không chỉ yêu thích thời trang. Họ tạo ra thời trang.
Thực tế chân dung một Fashion Stylist không dừng lại ở khuôn mặt lạnh lùng đeo kính mát, áo khoác lông, tregging da, giày gót cao 15cm, túi hàng hiệu lủng lẳng ngoắc khuỷu tay; và tốt hơn cả là cầm theo ly cà phê Starbucks như nhiều show truyền hình và phim điện ảnh vẫn thể hiện. Đồng ý rằng làm Fashion Stylist là bạn đi bán phong cách và nếu bản thân bạn không tự làm mình đẹp thì chẳng ai tin bạn sẽ làm người ta đẹp. Nhưng hãy thử hình dung việc khiêng những giá quần áo lớn, trèo lên nóc nhà hay đi bộ dăm bảy cây số với trigging và đôi giày 15cm ấy.
Đương nhiên phải phân biệt rõ ràng giữa niềm đam mê và sự a-dua trong thời trang
Khẩu chiến và scandal
Tháng 9 vừa qua, ở Tuần lễ Thời trang New York, nổ ra một cuộc chiến chưa từng có giữa những nhân vật quyền lực nhất làng thời trang thế giới. Cathy Horyn – chuyên gia phê bình thời trang, vốn nổi tiếng với những bình luận thiếu tích cực, dẫn đến việc bị “cấm cửa” tại nhiều show của các NTK lớn, viết về đêm diễn của Oscar De La Renta trên tờ New York Times. Cathy so sánh NTK lừng danh này với “chiếc bánh hotdog”.
Oscar sau đó đã mua trọn một trang giấy trên tờ Womens Wear Daily gọi Cathy là “chiếc bánh sandwich” và khuyên bà nên tập trung vào phê bình chuyên môn thay vì bới móc cá nhân. Như đổ thêm dầu vào lửa, Lady Gaga – người từng tỏ thái độ không vui về “sự khắc nghiệt của Cathy” trên V Magazine vào tháng 9/2011 – viết trên Twitter của mình ủng hộ phản pháo của Oscar De La Renta. Ngôi sao nhạc pop sau đó nhận được lời nhắn “hãy cư xử như người trưởng thành” từ phía Art Ortenberg – bạn trai lâu năm của Cathy. Cô nàng bốc lửa quyết định đáp trả bằng phần nhạc nền từ đầu tới cuối show của NTK Mugler với lời lẽ có phần bậy bạ phản đối cặp đôi này.
Thế nhưng tại sao các NTK lại tự ái đến vậy trước những lời phê bình? Chẳng phải công việc của các nhà thẩm định phong cách hay phê bình thời trang là… phê bình hay sao? Liz Jones – Biên tập viên tờ Marie Claire, chia sẻ rằng thời trang không giống như điện ảnh, chính trị hay thể thao. Dù chỉ một ghế trống hay một lời nhận xét thiếu tích cực cũng là điều xúc phạm lớn. Quyền được phán đâu là đẹp, đâu là xấu luôn thực sự đáng thèm muốn và theo đuổi, đối vối những người gọi mình là Người tạo Phong cách.
Gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện scandal liên quan đến Fashion Stylist, hay phong cách của một số cá nhân. Từ những “nghi án copy” cho đến “thể hiện phản cảm”, ngàn lẻ một tình cảnh khác nhau. Hầu hết đều bị công chúng phán xét rằng “bắt chước Tây một cách thô thiển”. Oan hay không lại là cả một câu chuyện khác. Thế nhưng qua đó có thể thấy đối với nghề Fashion Stylist, ngoài những vất vả trong công việc còn có nhiều cám dỗ và ảo tưởng trong thế giới thời trang và giải trí, mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua.
Tôi từng may mắn có dịp làm việc cùng với Nhiếp ảnh gia người Anh Kate Bellm trong buổi chụp bộ sưu tập Hè 2012 của nhãn hiệu giày cao cấp Rupert Sanderson ở một nhà hát cổ ngoại ô London. Suốt một ngày chụp, chúng tôi loay hoay tạo dáng cho người mẫu ở những bối cảnh khá khắc nghiệt. Khi quá lạnh, khi quá chật, khi quá bí và thiếu không khí, khi lại tạo dáng cho người mẫu thăng bằng trên bàn cao bằng… hai đầu gối. Rồi tôi còn chạy qua gần chục khu phố để tìm mua một hộp cắm sạc pin. Vất vả thế nhưng hình ảnh cuối cùng đẹp lạ và tự nhiên đến mức cảm thấy mọi mệt mỏi và khó khăn đều xứng đáng.
Dù thời trang có bùng nổ đến mấy, các xu hướng có được phổ biến dễ dàng đến mấy thì một Fashion Stylist thực thụ cũng sẽ vượt qua mọi quy luật đào thải để trụ lại với nghề.
Theo f