“Fashion Rockstars” – Rock on!

Fashion Rockstars

Thế giới thời trang luôn cần những điều phá cách, điên khùng, cũng như những nhân tố có bản lĩnh, đam mê cùng phong thái bất cần.

Đón xem bài viết cùng chủ đề:

“Không tầm thường”

 

Các mẫu thiết kế giày Fashion Rockstars 

Thiết kế giày của Nicholas Kirkwood 

Versace – Cha đẻ của những siêu sao catwalk

Những người yêu thời trang không thể không nhớ buổi trình diễn Thu Đông 1991/1992 của Versace. Trên nền nhạc “Freedom! ’90” của ca sỹ George Michael, Christy Turlington, Naomi Campbell, Cindy Crawford, Linda Evangelista… vừa sải bước đi trên sàn catwalk, vừa mấp máy môi và đung đưa theo điệu nhạc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thời trang, những người mẫu catwalk vô danh (vốn là điểm chung của các show thời trang lúc bấy giờ) được thay bằng các tên tuổi sáng giá nhất; và không ai khác, chính Gianni Versace đã biến buổi trình diễn của mình thành một ngày hội của rock ‘n’ roll, nơi những người mẫu hàng đầu được tự do, thoải mái phô diễn những bộ trang phục gợi cảm một cách hứng khởi và đầy kịch tính.

Các mẫu thiết kế giày Fashion Rockstars

Gianni Versace chào đón công nương Diana vào năm 1985 tại Ý 

Ngay từ khi mới thành lập vào năm 1978, phong cách “rock-star” của Versace đã được thể hiện rõ ràng với những “từ khóa” “daring, plunging, revealing” (táo bạo, cổ khoét sâu, lộ liễu). Thương hiệu 25 năm tuổi này gắn với sự phô trương mạnh mẽ, vẻ đẹp hào quang Âu châu và thái độ rockstar gợi cảm tuyệt đối. Gianni không làm những trang phục mang tính tối giản hay dị thường; mục tiêu của ông rất rõ ràng: tạo ra các thiết kế để những ngôi sao hạng A mặc trên thảm đỏ hay tới các buổi tiệc tùng đẳng cấp trên những chiếc du thuyền hạng sang bên bờ biển Địa Trung Hải.

Gianni Versace trong một show diễn của Versace tại Los Angeles, Mỹ năm 1991 

Cái chết đột ngột của Gianni vào năm 1997 là một mất mát lớn đối với tất cả những người yêu quý ông nói riêng, và giới mộ điệu thời trang nói chung. Người ta đã quá quen với các show thời trang của ông – nơi bữa tiệc được bắt đầu với những người nổi tiếng, những người mẫu hàng đầu, nơi các diễn viên và ca sỹ nhạc rock như Prince, Bruce Springsteen, Tina Turner, Bon Jovi và thậm chí là công nương Diana khoác lên mình trang phục Versace. Nhưng cô em gái tóc vàng Donatella Versace đã xuất sắc kế thừa sự nghiệp của anh trai. Không những thế, bà đã thổi vào thương hiệu một hơi thở hiện đại và thời thượng. Vẻ đẹp của sự gợi cảm, trẻ trung tiếp tục là cảm hứng bất tận của Versace, khi tháng 7 vừa rồi, chính Naomi Campell đã có một phần mở màn và kết thúc vô cùng ấn tượng tại buổi trình diễn Couture Thu Đông của Versace. Hông đánh nhẹ, tóc hất tung, ánh mắt gợi tình, Naomi mang đến cho sàn catwalk một dòng năng lượng căng tràn.

4 siêu mẫu Linda Evangelista, Cindy Crawford, Naomi CampbellChristy Turlington cùng xuất hiện trên sàn diễn của Gianni Versace năm 1991 

Hai anh em nhà Versace đã song hành cùng những ngôi sao lớn như Angelina Jolie, Catherine Zeta Jones, Penelope Cruz, Beyoncé Knowles trên thảm đỏ, và trở thành NTK thành công nhất trên thảm đỏ Oscar với 36 trang phục trong vòng 15 năm.

Pucci – Tôn thờ đôi chân phụ nữ

Các mẫu thiết kế giày Fashion Rockstars 

Một trong những thiết kế cho tour lưu diễn “Ms. Carter” của Beyoncé.

Peter Dundas được chỉ định giữ vai trò Giám đốc Sáng tạo của Emilio Pucci vào tháng 10/2008, sau khi kết thúc 2 năm đảm nhiệm vị trí tương tự tại nhà Emanuel Ungaro. Người ta nói Peter Dundas là một trong những NTK có triển vọng nhất vào thời điểm đó. Trước Peter Dundas, Emilio Pucci được lèo lái bởi NTK người Anh Matthew Williamson với phong cách quyến rũ đậm tính du mục dựa trên những mẫu họa tiết gắn liền với lịch sử phát triển của thương hiệu. Nhắc lại một chút về người sáng lập, Emilio Pucci là một trong những NTK tiên phong trong việc vượt qua giới hạn, đưa phong cách sống vào thời trang. Người phụ nữ trong trang phục của ông luôn toát ra một vẻ lạc quan yêu đời và nữ tính, gợi cảm, quyến rũ. Họa tiết ông sáng tạo ra như những tác phẩm nghệ thuật được thể hiện trên những trang phục làm đẹp cho phụ nữ trong nhiều thập kỷ. Tất cả những NTK tiếp quản vị trí Giám đốc Sáng tạo sau này đều tuân thủ theo các quy định của nhà Pucci, lưu giữ giá trị di sản trong những họa tiết độc đáo này.

Các mẫu thiết kế giày Fashion Rockstars 

Những họa tiết màu độc đáo truyền thống của Emilio PucciBST Xuân Hè 2005 được thực hiện bởi Christian Lacroix.

Trước khi về Emilio Pucci, Peter Dundas từng làm việc cho những nhà mốt tên tuổi ở Pháp và Ý như Christian Lacroix, Jean Paul Gaultier, Roberto Cavalli Emanuel Ungaro. Anh nói về thời theo học tại trường Parsons ở New York: “Ngày nào cũng vậy, tôi dành hàng tiếng đồng hồ để ngồi vẽ người mẫu ở trường, điều này đã thắp lên nỗi ám ảnh trong tôi về cơ thể người phụ nữ. Tới nay, tôi vẫn luôn tôn thờ cơ thể phụ nữ với những đường cắt, màu sắc và họa tiết hoa văn.” Chỉ trong thời gian ngắn, Peter Dundas đã mang đến một luồng sinh lực mới trẻ trung cho thương hiệu Ý 63 năm tuổi này. Những sáng tạo của anh khai thác được vẻ xa hoa lãng mạn của phong cách sống ở châu Âu những năm 1960 đồng thời nhắc đến sự quyến rũ dường như đang dần biến mất trong thế giới thời trang. Peter Dundas thừa nhận rằng: “Có điều gì đó rất quyến rũ với những chiếc đầm ngắn. Tôi yêu những đôi chân, rất rất yêu là đằng khác!”

BST Emilio Pucci Thu Đông 2013-14  

BST Emilio Pucci Thu Đông 2013/2014 được thực hiện bởi Peter Dundas.

Ngay khi mới về với Pucci, Peter Dundas đã hiểu rằng: thương hiệu này không chỉ gói gọn trong những chiếc đầm maxi với họa tiết nhiều màu sắc mà nó còn mang trong mình một tư tưởng nổi loạn rất trẻ trung. Đó là sự sang trọng mà không cổ lỗ, xa xỉ mà không phù phiếm, và một chút gì đấy rất “rock ‘n’ roll” mà không quá lộ liễu. Anh nói rằng những BST của mình chịu ảnh hưởng bởi sự ngẫu hứng và bản năng. Nàng thơ trong sáng tạo của Peter Dundas là bạn gái của những ngôi sao nhạc rock như Anita Pallenberg và Marianne Faithfull. Một trong những ngôi sao lớn hay mặc đồ của Pucci được thiết kế bởi Peter Dundas là nữ diễn viên Gwyneth Paltrow (vợ của thủ lĩnh nhóm alternative rock Coldplay, Chris Martin). Cô đã từng gây chấn động với chiếc đầm dài tay trắng tinh khôi với đường xẻ cực kỳ táo bạo của Pucci trong buổi ra mắt phim “Country Song” năm 2010. Nhìn phía trước, chiếc đầm này tưởng chừng như rất an toàn và chừng mực nhưng phía sau là một khoảng lưng vô cùng gợi cảm với đường xẻ từ hông tới gót chân, hai vạt được “níu” lại bằng sợi dây mảnh mai. Mới đây, Beyoncé đã đặt hàng Peter Dundas thiết kế một số trang phục cho chuyến lưu diễn “Ms. Carter” của mình. Anh đã dựa trên những mẫu thiết kế Thu Đông 2013/2014 Beyoncé lựa chọn và chỉnh sửa theo yêu cầu của cô để phù hợp với hình ảnh một “rock goddess” (nữ hoàng nhạc rock) trên sân khấu.

NTK Peter Dundas 

NTK Peter Dundas cùng nữ diễn viên Amber Heard tại sự kiện MET Gala 2013 “PUNK: Chaos to Couture” – Thiết kế đầm trắng nổi tiếng của Peter Dundas thực hiện cho nữ diễn viên Gwyneth Paltrow trong buổi ra mắt phim “Country Song” năm 2010.
 

Balmain – Từ “Jolie Madame” đến “trashy glam”

Được khai sinh bởi Pierre Balmain, một trong những nhà mốt haute couture cùng thời với Cristobal Balenciaga, Christian Dior…, Balmain đã trải qua rất nhiều thăng trầm để thành công như ngày hôm nay. Nhắc đến Balmain là nói đến những chiếc áo khoác đính kim sa lấp lánh độn vai, những chiếc quần jeans bạc phếch, những chiếc áo phông rách có giá tới 2.000 USD.

Sau Thế chiến thứ 2, Pierre Balmain mở cửa hiệu đồ couture của mình tại Rue Francois 1er ở Paris. Người phụ nữ trong thiết kế của Balmain trút bỏ vết tích cuối cùng của thời kỳ chiến tranh khó khăn với sự vô lo và quyến rũ, báo hiệu sự trở lại của những thiết kế sang trọng, kỳ công trong những chi tiết đính thủ công. Pierre Balmain đã từng được mệnh danh là “ông hoàng của thời trang Pháp” với những khách hàng danh tiếng như Ava Gardner, Brigitte Bardot hay đệ nhất phu nhân Nicaragua Hope Portocarrero. Khách hàng thân thuộc nhất của ông là Hoàng hậu Thái Lan Sirikit.

Pierre Balmain cùng công chúa Thái Lan Sirikit 

Pierre Balmain cùng công chúa Thái Lan Sirikit tại một buổi giới thiệu BST Haute Couture năm 1960 

Năm 1982 khi Pierre Balmain qua đời, “cánh tay phải” của ông là Erik Mortensen kế nhiệm với trọng trách duy trì những giá trị mà người sáng lập đã tạo ra. Mortensen chứng tỏ sự xuất sắc của mình khi nhận được giải thưởng Haute Couture Golden Thimble của Pháp cho bộ sưu tập Thu Đông 1983/1984. Tháng 1/1993, NTK nổi tiếng người Mỹ Oscar de la Renta thực hiện BST Haute Couture đầu tiên cho Pierre Balmain. Ông là NTK Mỹ đầu tiên đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo cho một nhà mốt couture tại Paris. Ông đã mang đến sự mới mẻ tươi trẻ cho nhà Pierre Balmain, đồng thời vẫn giữ nguyên được những mã màu, sự uyển chuyển trong các thiết kế và tinh thần quý phái của “Jolie Madame” (một quý bà vui vẻ). Sau 10 năm làm việc tại Pierre Balmain, Oscar de la Renta rút về New York tập trung xây dựng thương hiệu của mình và kể từ đây Pierre Balmain bắt đầu có dấu hiệu suy sụp. Người kế nhiệm Laurent Mercier đã ngay lập tức phải bỏ đi sau khi BST đầu tiên của anh ra mắt bị chê bai thậm tệ. Doanh số bán của Balmain trong năm 2004 giảm một cách thảm hại từ 16,7 triệu bảng Anh trong năm trước xuống còn 7,7 triệu bảng Anh.

BST Balmain Thu Đông 2010-11  

BST Balmain Thu Đông 2010/2011.

Mọi việc có vẻ khả quan hơn khi Christophe Decarnin đảm nhiệm vị trí Giám đốc Sáng tạo nhà Balmain vào năm 2005. Anh đã mang đến hình ảnh mới mẻ cho Balmain, với những chiếc váy… ngắn dần qua từng BST, những chiếc quần da bóng lộn ôm sát và ánh kim sa luôn lấp lánh như quả cầu disco. Chưa bao giờ thiên hạ phát cuồng lên với những thiết kế rách rưới đắt tiền đến vậy. Đó là phong cách “trashy glam” mang thái độ đầy thách thức nhưng vẫn thật quyến rũ. Những người mẫu trong trang phục Balmain được thiết kế bởi Christophe Decarnin sải bước mạnh mẽ và tự tin dưới ánh đèn catwalk như những ngôi sao nhạc rock thực thụ và “âm lượng” phát ra từ trang phục của anh đã chinh phục được các khách hàng khó tính của Balmain. Trong năm 2009, doanh số bán của Balmain đã tăng 74% so với năm trước, ngay cả khi vẫn có những nhà phê bình không đánh giá cao những gì anh đã làm bởi nó khác xa phong cách Pierre Balmain. Cùng với sự giúp đỡ của stylist Emmanuelle Alt (nay là tổng biên tập Vogue Paris), Christophe Decarnin đã tạo nên hiện tượng “Balmainia” (cuồng Balmain) với sức ảnh hưởng lan tỏa rộng rãi.

BST Balmain Xuân Hè 2010  

BST Balmain Xuân Hè 2010 .


Tuy nhiên, những bản nhạc rock hoành tráng của Christophe Decarnin tại Balmain cũng đã đi đến hồi kết khi anh đột ngột biến mất vào tháng 1/2011 và BST Thu Đông 2011/2012 không thể hoàn thiện nếu không có sự góp sức của những cộng sự và trợ lý của anh tại Balmain. Christophe Decarnin đã phải nhập viện để điều trị tâm lý vì kiệt sức và trầm cảm. Các trợ lý của anh cũng dần nghỉ việc bởi họ không còn biết mình phải làm gì sau khi Christophe ra đi.

Tháng 4/2011, Olivier Rousteing, một gương mặt lạ lẫm được xướng danh làm người thay thế. Anh từng làm việc cho Roberto Cavalli dưới sự dẫn dắt của Peter Dundas và bắt đầu làm việc cho Balmain từ năm 2009 với BST dành cho nữ. NTK sinh năm 1986 này cũng phải chịu không ít sức ép cũng như những hoài nghi mà dư luận đặt ra.

NTK Christophe Decarnin  

NTK Christophe Decarnin.

“Sẽ không còn những chiếc áo phông rách rưới”, Olivier Rousteing khẳng định, ngay cả khi anh rất thích phong cách rock ‘n’ roll mà Christophe Decarnin đã mang đến cho nhà mốt lâu đời này. Bên cạnh đó, anh cũng muốn khám phá thêm những giá trị cốt lõi của tên tuổi Pierre Balmain. Những sáng tạo của Olivier có thể được gọi là sự điều chỉnh rất tinh tế giữa Christophe Balmain và nhà sáng lập Pierre Balmain, vẫn còn những vẻ lộng lẫy (glam) nhưng sẽ thôi rách rưới (trashy). Điều này không có nghĩa Balmain sẽ thôi không “rock” nữa mà là những bản “rock ballad”, lãng mạn hơn, dịu dàng hơn nhưng vẫn luôn ấn tượng.


Tuấn Anh
Quỳnh Anh

Bạn am hiểu về thời trang, đam mê cập nhật và tìm hiểu những thông tin xung quanh các bộ sưu tập mới nhất, vậy thì còn chần chừ gì mà không gửi ngay cho chúng tôi những bài viết chia sẻ cảm nhận của bạn về các bộ sưu tập. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn. Mọi thông tin xin gửi tại đây.


From the same category