Đồng hồ của lính thuỷ đánh bộ

Quá khứ huy hoàng


Suốt hơn một thế kỉ qua, Ulysse Nardin vẫn trung thành với hình ảnh chiếc mỏ neo trên logo của nhãn hiệu. Dân sành đồng hồ ngầm ví Ulysse Nardin với những ngọn hải đăng. 150 năm qua, Ulysse Nardin đã trở thành nhãn hiệu đồng hồ phục vụ cho hải quân của hơn 50 quốc gia. Thế giới có khoảng 4504 giấy chứng nhận cho những cỗ máy đo thời gian hàng hải thì Ulysse Nardin đã sở hữu đến 4334. Với đất nước Thuỵ Sỹ, Ulysse Nardin là một di sản. Với ngành công nghiệp đồng hồ, Ulysse Nardin đồng nghĩa với sức sáng tạo và những cuộc cách tân để tạo ra những chiếc đồng hồ chưa-từng-có.

Có lẽ bởi vậy mà mặc dù đã 167 tuổi nhưng sự nghiệt ngã của thời gian chẳng thể khiến Ulysse Nardin bị lãng quên bởi lớp bụi mờ. Ngược lại, dòng chảy của thời gian càng tạo thêm cho Ulysse Nardin những giá trị của sự vĩnh hằng. Cũng giống như những nhãn hiệu đòng hồ nổi danh của vùng Locle, thủ phủ của ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sĩ, câu chuyện của Ulysse Nardin gắn liền với hai chữ đam mê. Cha đẻ của nó không ai khác chính là Ulysse Nardin, con trai của Leonard Frederic Nardin – một thợ đồng hồ tiếng tăm ở Locle. Khi Leonard Frederic Nardin phát hiện tài năng thiên bẩm của con trai mình đã gửi gắm cậu cho người bạn Frederic William Dubois – một thợ đồng hồ nổi danh bậc nhất thời đó và cũng là người tiên phong trong những nghiên cứu về đồng hồ cho người đi biển.

 

Năm 21 tuổi, với khối kiến thức và sự uyên bác về những cỗ máy đếm thời gian, Ulysse Nardin quyết định tạo một xưởng chế tác cho riêng mình. Đó là năm 1846. Những năm đầu tiên, cái tên Ulysse Nardin gần như vô danh ở Locle. Nhưng đến năm 1860, nhờ phát hiện một bộ phận điều chỉnh thiên văn, những chiếc đồng hồ của Ulysse Nardin bước vào một kỉ nguyên mới. Tiếng tăm về sự chính xác của những chiếc đồng hồ hiệu Ulysse Nardin không chỉ lừng lẫy khắp Locle mà còn vượt Đại Tây Dương, khuấy đảo khắp tân lục địa. Tiếp bước thành công, năm 1862, Ulysse Nardin mang những chiếc đồng hồ do ông chế tác tham dự Triển lãm quốc tế tại London và giành giải vàng. Ulysse Nardin trở thành nhãn hiệu đồng hồ bỏ túi số một thế giới.

Sẽ không quá khi nói, ở dòng họ Nardin, hậu sinh khả uý. Bởi khi Ulysse Nardin qua đời, con trai ông là Paul-David khi đó cũng mới 21 tuổi, không những thay cha đảm đương mà còn đưa nhãn hiệu Ulysse Nardin bước vào giai đoạn hưng thịnh nhất. Không chỉ kế thừa những nghiên cứu về những chiếc đồng hồ dành cho người đi biển từ thời cha, Paul-David còn phát triển nó lên một tầm cao mới và mang nó đến những cuộc triển lãm toàn cầu tại Paris và Chicago quảng bá. Như một hiệu ứng tức thì, sự chính xác, những tính năng chưa từng có cho những người đi biển đã đưa cái tên Ulysse Nardin trở thành lựa chọn hàng đầu cho ngành hải quân.

Ulysse Nardin của hiện tại


Câu chuyện của Ulysse Nardin ở thời hiện tại được doanh nhân Rolf W. Schnyder – chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh đồng hồ – viết tiếp sau thương vụ mua lại Ulysse Nardin năm 1983. Cũng năm này, như một thiên định, Rolf W. Schnyder tình cờ gặp Ludwig Oechslin – một nhà khoa học, giáo sư sử học, nghệ nhân đồng hồ tiếng tăm. Những tương đồng đã đưa cả hai gắn kết với Ulysse Nardin và quyết tâm đưa nhãn hiệu này trở lại thời hoàng kim.

Ulysse Nardin đã bước sang một kỉ nguyên mới, bắt kịp thời cuộc nhờ những chiến lược kinh doanh nhanh nhạy của Rolf W. Schnyder. Trong khi giáo sư Ludwig Oechslin vận dụng một cách triệu để kho kiến thức uyên bác của mình sau cả chục năm trời nghiên cứu chiếc đồng hồ được thực hiện năm 1725 cho nữ công tước Dorothea Famese von Pfalz – Neuburg – chiếc đồng hồ hiển thị một cách rất đặc biệt thông số về mặt trời và mặt trăng ở các chu kỳ và vị trí khác nhau – để Ulysse Nardin cho ra đời bộ sưu tập Trilogy of Time với ba kiệt tác.

Đầu tiên là Astrolabium Galileo Galilei trình làng năm 1985 và được đặt theo tên nhà thiên văn học Galigeo với thiết bị Astrolabium có chức năng hiển thị trời địa phương, giờ của mặt trời, quỹ đạo, nhật thực, mặt trăng cũng như vị trí của các ngôi sao lớn. Nhanh chóng, những cách tân và sự mới mẻ của nó tạo một tiếng vang khiến cả những tay chơi đồng hồ sành sỏi nhất cũng phải choáng ngợp. Guinness đã ghi danh chiếc đồng hồ này là đồng hồ chức năng nhất thế giới năm 1989. Năm 1988, Ludwig Oechslin tiếp tục tạo tiếng vang cho Ulysse Nardin khi giới thiệu chiếc Planetarium Copernicus, đặt theo tên nhà thiên văn học Copernicus. Và năm 1992 là chiếc Telurium Johannes Kepler đặt theo tên nhà thiên văn học Johannes Kepler.

 

Cỗ máy Ulysse Nardin bắt đầu vận hành với những cuộc cách tân trơn tru và bài bản. Những kiệt tác như Trilogy of Time, Calendrier Perpetuelle Freak, Moonstruck … lần lượt trình làng rồi chinh phục ngay cả những tay chơi sành sỏi nhất. Một kỉ nguyên mới đang mở ra với Ulysse Nardin và ánh hào quang của quá khứ đang được hậu bối viết tiếp.

Hoàng Lâm (theo Sành điệu)


From the same category