Đỗ Nhật Nam - “Nụ cười là… chiếc cột thu lôi” - Tạp chí Đẹp

Đỗ Nhật Nam – “Nụ cười là… chiếc cột thu lôi”

Giải Trí

Người sở hữu những giấc mơ khác thường

 
Những con người tràn đầy năng lượng trên các chặng đường chinh phục đỉnh cao phía trước, bằng niềm tin vượt lên trên thử thách. Họ chính là khách mời đặc biệt xông đất Đẹp, số Xuân 2015. 

Đẹp tin rằng, nếu có một ước mơ ĐẸP, đồng nghĩa sẽ khởi đầu một tương lai ĐẸP. Bởi ước mơ nào thì tương lai đó!

Đọc thêm:
Võ Thị Mỹ Linh – Những câu trả lời sau bão tuyết
– Remi Camus: “Tôi không có thời gian để mắc sai lầm”
– Những người của màu hồng và xám

“Nhưng, đôi khi vẫn nhớ nhà trào nước mắt”

“Bạn có thể viết lên một câu chuyện, tại sao không bắt đầu câu chuyện bằng một nụ cười” – Nhật Nam đã kết thúc bài thuyết trình về nụ cười của mình tại sân khấu tedxkids@smu 2014 – một sự kiện thường niên được tổ chức do TED, ở Texas Hoa Kỳ như thế, bằng phong thái đầy tự tin vào dịp Halloween vừa qua. Nam là diễn giả nhỏ tuổi, đại diện cho Châu Á xuất hiện trong sự kiện lần này.

Còn bây giờ, cậu bé 13 tuổi, nặng gần bốn chục kí lô, đã xa nhà gần 4 tháng đang nô nức đón năm mới, ở một nơi “Em không có người thân nào, nhưng lại may mắn gặp được những người cưu mang mình, như thể người thân”. Nam bảo thế và cho biết, em đang đón năm mới cùng một gia đình người Mỹ. Chàng trai đứng tên dịch giả cuốn sách từ khi lên 7 tuổi Đỗ Nhật Nam đã rời gia đình ở Việt Nam, một mình đến Mỹ, chinh phục được giấc mơ từ khi lên 8 của mình. Nam hiện đang học tại trường THPT Saint Paul Lutheran (Saint Paul Lutheran high school) tại Texas, Mỹ.

Trò chuyện với Nam qua skype, em luôn gửi cho người viết những hình mặt cười, rồi bảo: “Em là người hay cười lắm. Chị cũng thế đi nhé, hãy cười lên để cuộc sống nhẹ nhàng”.

Cái mầm cây đâm chồi bên cửa sổ sáng mai, cái mầm cây chỉ nhỏ tí như đầu ngón tay út, đã dạy cho Nam hiểu rằng, để có thể vươn thành những tán lá rộng, thì phải có một sức sống mãnh liệt.
Từ một cậu bé quấn quýt gia đình, Nam tự lập nơi đất khách. Hiện em ở cùng một cô (chú) thành viên trong tổ chức về du học. Ở đây, mọi sinh hoạt cá nhân Nam tự lo liệu. Vì luôn chuẩn bị cho việc con sẽ đi xa mình vào một ngày nào đó, bố mẹ đã trang bị kĩ năng tự lập cho Nam từ sớm. Dạy con cách tự lo mọi sinh hoạt từ nhỏ, không để con ỷ lại vào người lớn là cách chị Điệp và anh Thảo đã cùng con lớn lên. “Em hoàn toàn thoải mái với cuộc sống tự lập. Em đã được mẹ hướng dẫn những kĩ năng này từ rất lâu như giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, tự chuẩn bị đồ ăn… nên không thấy khó khăn gì cả”, lời của cậu chàng 13 tuổi.

Nhưng tự lập không có nghĩa Nam “bình thản” trong nỗi nhớ, khi mới cách xa mẹ cha, gia đình và bè bạn. Nam bảo: “Rất nhớ cái thơm với râu ria lởm chởm của bố; nhớ bàn tay của mẹ ôm ấp, vỗ về, xoa đầu, an ủi em mỗi khi buồn”. Nam còn kể thêm, “Em nhiều lúc nhớ đến trào nước mắt một trong những điều thân quen đó”.

Nhưng rồi cái mầm cây đâm chồi bên cửa sổ sáng mai, cái mầm cây chỉ nhỏ tí như đầu ngón tay út, đã dạy cho Nam hiểu rằng, để có thể vươn thành những tán lá rộng, thì phải có một sức sống mãnh liệt. Và Nam “vin vào mầm cây” để khỏa lấp nỗi nhớ trong mình. Câu chuyện Nam kể trong bài thuyết trình về nụ cười trên sân khấu hội nghị TED mới đây, thực ra là một câu chuyện có thật, trong những ngày đầu Nam đến Mỹ.

“Sẽ ở lại Mỹ đến khi chinh phục xong giấc mơ”

Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều là giảng viên, nhà nghiên cứu tại trường Đại học Quốc gia, Hà Nội, Nam được nuôi lớn bởi những câu chuyện “Nhị thập tứ hiếu”, bằng những bài thơ cả nhà viết tặng nhau. Từ rất nhỏ, khoảng khi học lớp 2, Nam đã bắt đầu mơ đến Mỹ để học tập. Ước mơ của Nam lớn dần dưới sự động viên của bố mẹ. Đến năm lớp 7, Nam bảo, khi “điều kiện đã chín muồi”, em đã lén bố mẹ làm hồ sơ ứng tuyển. Trải qua công cuộc khá gian nan vì có nhiều thủ tục giấy tờ rắc rối, nhưng Nam đã đạt được ước mơ của mình, khi trung tuần tháng 8/2014, em chính thức đến Mỹ, trong một chương trình học bổng dành cho các học sinh nước ngoài, theo học một ngôi trường tư thục tại bang Texas. Hỏi Nam thích điều gì nhất ở Mỹ, em cho rằng, Mỹ là đất nước coi trọng tự do cá nhân nhưng vẫn quan tâm đến tính gắn kết tập thể. “Bạn hoàn toàn có thể thể hiện cái tôi của mình nhưng nếu muốn thành công, bạn phải biết cách làm việc nhóm”, nghe Nam nói, ít người nghĩ đó là một cậu bé “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Chị Hồ Điệp, mẹ Nam cũng chia sẻ, việc chinh phục “giấc mơ Mỹ” là do Nam tự làm, dưới sự trợ giúp của các cô chú trong một tổ chức giáo dục. “Từ nhỏ Nam đã mơ được học ở những trường đại học danh tiếng của Mỹ. Chúng tôi luôn khuyến khích, tạo ra các trò chơi, mà ở đó, Nam được là sinh viên, thậm chí là giáo sư của các trường đại học ấy”, chị Điệp kể. Thế nhưng giờ, lại là một ước mơ khác: “Hiện giờ, ước mơ của em là trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu về não bộ”. Nam cho rằng, tất cả những điều em làm được, mặc dù không lớn, nhưng đó là do có quyết tâm cộng với sự khuyến khích của bố mẹ. “Ở mỗi giai đoạn, em tự đặt ra những mục tiêu cho mình và tìm cách để đạt được mục tiêu đó”, Nam nói. Trong nhà Nam, mọi người luôn ngồi với nhau, hỏi nhau xem ai định làm việc gì, và làm cách nào để thực hiện việc đó.

Nhật Nam và các đại biểu tại sân khấu tedxkids@smu 2014

Khi để con xa nhà ở tuổi còn nhỏ, bố mẹ cũng có một thách thức tâm lý không nhỏ, nhưng Nam đã cố gắng thuyết phục để họ yên tâm. “Bây giờ, Nam đã chứng tỏ những điều mình thuyết phục hoàn toàn đáng tin tưởng. Nam đã hòa nhập nhanh với cuộc sống mới, nỗ lực thể hiện bản thân ở một môi trường hoàn toàn xa lạ”, chị Điệp nói.

Nam sinh năm 2001, đúng năm đầu tiên của thiên niên kỉ mới. Nam cho rằng, sự khởi đầu ấy gợi cho em nghĩ đến những điều mới mẻ, những thành tựu vượt bậc trong thế kỉ này. Và Nam mong mình sẽ nằm trong số những điều đó.

Trong thư gửi con, bố Nam viết: “Cái thằng con trai tồ tẹt của bố đã vượt xa cả bố về độ tự tin, sự mạnh dạn, lưu loát và luôn đủ bản lĩnh làm chủ các cuộc chơi”. Nhưng Nam phản biện: “Em không tồ tẹt đâu, em biết nhiều điều mà bố em tưởng còn đang là bí mật đấy. Nhưng mà em hậu đậu!”

Nam vẫn còn nhỏ, sau mỗi câu trả lời em vẫn cười hihi rồi không quên dán một nhãn mặt cười rộng ngoác. Hỏi Nam về sự “khác thường” so với bạn cùng trang lứa, Nam bảo, điểm “khác thường” dễ nhìn thấy nhất là mình nặng cân hơn các bạn, rồi Nam lại cười hihi.

Nhật Nam và bố

Cậu bé hay cười, như lời bố em từng viết: “Mỗi lúc con đi học, đi chơi về, lúc con học bài, xem phim… hay chỉ là khi con ở trong bếp với mẹ, nhà mình lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười của con. Nó làm tim bố mềm dịu lại, làm gió bão tan trong tích tắc, làm mưa nhẹ hạt dịu dàng cho bố mỗi khi đường xa gánh mỏi…”. Nụ cười của Nam được bố ví như chiếc cột thu lôi. “Bằng khả năng đặc biệt của mình, nó thu vào đó những buồn nản, mệt mỏi, những nỗi lo sợ, những cơn giận dữ, những điều phiền trách, nóng nảy.” Và bây giờ, một mình ở phương trời xa, Nam bảo em vẫn luôn cười. “Nụ cười giúp em đi xuyên qua những khó khăn, khi một mình phải đối mặt hàng ngày…”

Đỗ Nhật Nam đã tới Mỹ từ ngày 15/8/2014, và “em sẽ ở lại đây đến khi nào chinh phục xong giấc mơ của mình” – Nam nói.

Nhật Nam chụp cùng hai chuyên gia FDI bên lề Hội nghị Nha khoa Quốc tế tại Ấn Độ

– Đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi của trường ĐH Cambridge: Starter, Movers, Flyers ( 15/15) (năm học lớp 1)
– Thi TOEIC đạt 940/990 điểm (năm học lớp 2)
– Thi TOEFL ITP đạt 617 điểm (năm học lớp 2)
– Thi TOEFL IBT đạt 107 điểm (năm học lớp 4)
– Thi IELTS đạt 8.0 với điểm reading tuyệt đối: 9.0 (năm học lớp 5)
– Đạt vô số giải thưởng tại các cuộc thi tiếng Anh, hùng biện trong nước và quốc tế
– Những cuốn sách đã dịch: “Mặt trời mọc, mặt trời lặn”, “Nạp điện”, “Tôi tư duy, tôi thành đạt”, “Sống đẳng cấp”. Những cuốn sách đã viết: “Tớ đã học tiếng Anh như thế nào”, “Những con chữ biết hát”, “Bố mẹ đã cưa đổ tớ”…
– Hai lần được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam: Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất
– Trở thành Tổng biên tập danh dự Creative Melange (tờ báo dành cho lứa tuổi học sinh của Đông Nam Á) ở tuổi 13

 Bài: Thục Khôi

logo

Thực hiện: depweb

07/01/2015, 16:13