Mẹ Đỗ Nhật Nam gửi lời đến phụ nữ trẻ "thôi đừng cố tìm nhặt mặt nạ đàn ông" - Tạp chí Đẹp

Mẹ Đỗ Nhật Nam gửi lời đến phụ nữ trẻ “thôi đừng cố tìm nhặt mặt nạ đàn ông”

Sống

Những ngày qua, câu chuyện “nhặt mặt nạ đàn ông ở khoa sản” được chị em chia sẻ rầm rộ. Chỉ là câu chuyện dịch nhưng những gì viết ra thì rất giống, rất giống ở Việt Nam.

Nghĩa là trong khi người vợ đang quằn quại đau đớn lâm bồn thì các ông bố ở ngoài chủ yếu… chơi game. Khi đứa bé chào đời, mọi người ( bố và bà nội) bế ẵm, ôm ấp, chụp ảnh con để mẹ nằm đau đớn chơ vơ. Lại nữa nhiều trường hợp khi bác sỹ nói tiêm thuốc giảm đau rồi sinh mổ có thể gây ảnh hưởng cho đứa bé thì ( lại) bố và bà nội can ngăn dùng.

Rất ít có ông bố nào hỏi về cảm giác đau của vợ, cầm tay vợ, thơm lên má thậm chí là nhỏ nước mắt xót thương.

Và vì thế, theo bài viết, có lẽ không phải hôn nhân mà phòng đẻ mới là nấm mồ chôn tình yêu. Tôi đọc mà thương phụ nữ quá. Rất nhiều người nói với tôi: Em sinh con gì cũng thích nhưng em vẫn sợ đẻ con gái thì rồi lại khổ, nào sinh nở nào phận con gái “biết nơi nao đục trong”.

Nhưng tôi lại tự an ủi, cũng không chắc trong số những người đàn ông chơi game ở phòng chờ là không thương vợ. Không chắc những người không muốn cho vợ dùng giảm đau là không xót xa vợ vì lúc đó họ chỉ đơn giản nghĩ rằng sinh mệnh bé bỏng cần được ưu tiên hơn.

Đàn ông và đàn bà khác nhau. Cách thể hiện tình thương cũng khác nhau.

Nếu bạn trẻ nào vì những bài viết như vậy, khi lấy chồng cũng tìm kiếm một người đàn ông biết hỏi han dịu dàng khi mình ốm, mình đau, mình cô đơn, mình bế tắc… chắc khó lắm.

1
Chị Phan Hồ Điệp được cộng đồng phụ nữ hiện đại rất yêu quý và ngưỡng mộ bởi cách dạy con khoa học và những quan điểm thú vị.

Hồi tôi mới sinh Nam, hồi đó buồn vì xa nhà, tôi có hay theo dõi page của một chị. Chị hay nói về nữ quyền. Hay động viên chị em phải “vùng lên”. Chị còn chỉ ra những biểu hiện nào của đàn ông là gia trưởng, là không thể chấp nhận được. Tôi càng đọc càng bị stress, nghĩ trời ơi, sao mình khổ quá vậy trời. Lấy ai không lấy, nhằm đúng ông gia trưởng.

Rồi tôi áp dụng tới lui. Từ những việc nhỏ nhất thể hiện “nữ quyền” như là người cầm… cái điều khiển ti vi và chuyển kênh. Cũng thấy có ít nhiều tác dụng nhưng bản thân thì mãi chẳng hết buồn.

Bởi, tôi vẫn không thấy đúng người đàn ông như chị ấy miêu tả.

Một lần Nam ốm tôi đưa con đi viện. Bác sỹ nói Nam cần nằm viện. Tôi ôm con khóc nấc. Nhật Bản mùa đông trời rét căm căm. Hai mẹ con lếch thếch đi về nhà chuẩn bị đồ. Vừa mở cửa, trông thấy bố Nam. tôi òa lên khóc, nói anh ơi, con ốm nặng phải vào viện này. Cứ tưởng bố Nam sẽ an ủi, động viên, ai dè trợn mắt quát: Vào viện thì làm sao. Khóc gì mà khóc. Có thế thôi mà khóc. Hâm à!

Tôi uất lặng. Cảm giác có ai đó vừa kéo tấm rèm chắn ngang giữa mình và bố Nam tưởng vĩnh viễn không bao giờ mở ra nữa. Tôi nín khóc vào phòng thu dọn đồ. Lúc đó cảm thấy bình tĩnh lắm. Đêm đó, tôi ôm con sang phòng bên nằm ngủ. Vẫn trong tâm trạng uất nghẹn.

Nửa đêm khó ngủ, tôi tỉnh dậy bước ra ngoài. Và ở ngưỡng cửa ra vào, tôi thấy bố Nam đang ngồi phịch dưới đất trong thông thốc gió lạnh, gục mặt khóc. Giây phút ấy, tôi hiểu, đôi khi có những người họ không nghĩ như là nói. Rồi cuộc sống gia đình khiến tôi điểu chỉnh dần. Hiểu rằng nữ quyền không đến từ việc giành lấy cái điều khiển. Đôi khi nó đến từ sự mềm mại.

Tất nhiên vẫn nhiều khi ức ngang xương.

Kể chuyện đó để các bạn thấy, nếu mình cứ áp dụng cứng nhắc một “hình mẫu” nào đó, một phương pháp nào đó, có khi cuộc sống bạn còn nặng nề hơn.

Nếu bạn cứ nghĩ là nhất định khi mình sinh nở, chồng sẽ dịu dàng cúi xuống và nói: Em ơi, anh đây này, em đừng lo nhé. Chắc cũng hiếm lắm.

Nếu bạn mong ngày nào chồng cũng thủ thỉ: Anh yêu em! Chắc cũng xa vời lắm.

Tôi không phải AQ nhưng tôi nghĩ nếu bạn hy vọng thay đổi tính xấu của người vợ/ người chồng mình, khả năng gần như không thể. Chỉ có bạn thay đổi bạn để thích nghi với điều đó mà thôi. ( tất nhiên những điều liên quan đến nhân cách như thói vũ phu, chửi bới hạ nhục, đánh đập bỏ bê con cái… chẳng hạn thì sẽ không thể chấp nhận).

Giờ tôi không theo dõi page nào nữa (chắc cũng quá tuổi rồi), đọc lời khuyên nào đó về cách đối xử với chồng, với nhà chồng, thấy thú vị thì cũng note lại nhưng rồi… lại quên. Giờ tức thì nói, muốn gì thì nói, cần góp ý gì thì nói và luôn biết không có ai hoàn hảo.

Giờ thì hiểu rằng, rất ít đàn ông (Việt Nam) khi lớn lên được mẹ hoặc nhà trường chỉ rằng: ngày đến tháng phụ nữ thường khó chịu, mỗi cơn đau sinh nở bằng người ta bẻ xương sườn, khi sinh xong phải khâu sống tầng sinh môn, máu me, kim chỉ, tóe loe. Rằng cái đau về thể chất thì nhanh qua (nên các bà mới thường hay quên, mới hay nói: Ngày xưa mẹ đẻ dễ ợt à) nhưng cái khốn khổ về tinh thần thì ở lại rất lâu…

Nên tôi cũng thông cảm cho đàn ông lắm (đôi khi vì họ chưa biết chứ không cố tình).

2

Nên giờ tôi chẳng làm gì cao xa chỉ tập trung dạy con trai những điều nhỏ nhất, rằng con nhất định phải thương và biết thể hiện tình thương với người cùng con đi suốt cuộc đời. Đàn ông có tài giỏi đến mấy cũng cần có một gia đình. Mẹ không ở mãi bên con. Hạnh phúc hay không là do con cư xử với bạn đời. Thi thoảng ngày nghỉ, vợ chồng con cái đến chơi ngồi đọc sách uống trà với bố mẹ rồi về. Các cụ nói “Yêu nhau rào giậu cho kín” là có cái lý của nó.

Đấy, chỉ thế thôi. Còn lại tùy duyên.

Phụ nữ đừng vội thấy mấy bài nói về điểm xấu của đàn ông hoặc kể chuyện “chồng người ta” thì tag chồng vào ngầm bảo: Anh đọc đi rồi sửa mình đi nhé.Tôi tin hầu hết các ông chồng hoặc là đọc lướt qua rồi quên hoặc cười mủm mỉm thậm chí có ông nổi khùng.

Vì đàn ông khác với phụ nữ.

Thực hiện: depweb

26/09/2017, 14:08