Dịu dàng như cỏ - Tạp chí Đẹp

Dịu dàng như cỏ

DELETED

Nhà tôi ở trên lưng chừng đồi, từ cổng đến nhà thoai thoải con dốc nhỏ. Những bậc đá trắng viền cỏ xanh, lấm tấm hoa tím. Ở xứ này, hoa muguet tím nở bất cứ nơi nào có cỏ…
 
 Thầy Rudolph rất thích cỏ. Mỗi lần tôi đàn, thầy cứ nhìn mông lung ra bãi cỏ xanh. “Hình như nhìn cỏ tôi nghe rõ tiếng đàn của em hơn”, thầy bảo thế.
 
 Khi gặp tôi lần đầu, thầy không nói dịu dàng như thế, mặt thầy đăm chiêu, nghiêm nghị. Nghe đồn thầy Rudolph S. nổi tiếng khó tính. Thấy tôi vừa ngồi xuống chiếc ghế trước mặt, thầy bảo, với một nụ cười cao ngạo lướt rất nhanh sau hàng ria mép màu hạt dẻ:
 
 – Algélique Stuttgart đã ngồi ở đấy.
 
 Tôi tự nhiên thấy tủi thân. Tôi không muốn mình bị so sánh với bất cứ ai. Suýt chút nữa tôi đã xách đàn lên, ra khỏi phòng… Nhưng tôi không thể. Tôi đã ước ao được làm học trò ông bao lâu rồi.
 
  Algélique Stuttgart là học trò cũ của Rudolph, nay là cầm thủ nổi danh, lưu diễn khắp châu Âu. Danh tiếng của cô học trò đã làm danh tiếng của ông thầy thêm lừng lẫy. Biết bao nhiêu người muốn học với Rudolph, chắc gì hôm nay ông chịu nhận tôi.
 
 Rudolph bảo tôi đàn thử.
 
 – Thưa thầy, bài gì ạ.
 
 – Bất cứ bài gì – Ông nói, mắt nhìn ra đám cỏ xanh.
 
 Tôi đàn bài “Carulli” cung Mi trưởng.
 
 Tay tôi run. Giống như hồi nhỏ, khi tôi mới tập đàn. Hồi đó… Mười ba tuổi, Tết xong, tôi đập con heo đất, dồn tất cả tiền lì xì trong đó để học ghita… Nhưng số tiền bé nhỏ chỉ đủ cho tôi học hết bài “Carulli” cung Mi trưởng.
 
 Suốt những năm tháng khó khăn sau đó, tôi vẫn đàn đi đàn lại bài tập ấy không biết chán.

Ngày nhận lời cầu hôn của Cường, tôi giao hẹn: “Qua bên đó anh phải cho em đi học đàn”. Anh hứa. Năm này qua năm khác, anh quên. Không thể trách Cường, cuộc sống bận rộn quá. Cường không để cho tôi phải thiếu thứ gì dù là nhỏ nhặt nhất.
 
  Mười năm qua, hai vợ chồng đã có một trong những ngôi nhà đẹp nhất thành phố này. Phía sau nhà là ruộng nho mênh mông, những lúc buồn tôi lách qua cổng sau lang thang giữa những lùm nho chín.
 
 Nhà càng rộng thì những khoảng trống càng mênh mông, nhất là những ngày dài Cường đi vắng. Năm ba mươi chín tuổi, tôi mắc bệnh choáng, có lần té êm ru trong vườn nho sau nhà, nằm lịm luôn vài giờ mới tỉnh.
 
 Khi bác sĩ biết rằng có những lần suốt tuần tôi không nói một lời với ai, ông khuyên Cường hãy tạo điều kiện cho tôi có một niềm vui. Lúc ấy, Cường nhớ lại lời hứa ngày hai đứa mới lấy nhau. “Anh xin lỗi. Anh bận quá!”, Cường thật tình hối hận. Còn tôi chẳng bao giờ trách được anh.
 
 Buổi học đầu tiên, mặt thầy Rudolph cứ cau lại, chăm chú nghe từng tiếng đàn vụng về. Bỗng Rudolph cầm lấy tay tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là khẽ rụt lại, nhưng rồi lại để yên. Tôi hiểu: tay kia ông ta cầm một cái dũa.
 
 Ông bắt đầu dũa móng hai ngón trỏ và ngón giữa. “Phải tạo móng tay theo một form riêng, có chiều dài độ 2 – 3mm thì âm thanh mới trong và vang được”. Rudolph bảo, mặt vẫn đăm chiêu. Cảm giác một người đàn ông lạ nắm lấy tay mình làm những ngón tay tôi tự nhiên cứng lại. Rudolph bỗng nói:
 
 – Algélique Stuttgart không có bàn tay đẹp như thế này, nhưng những ngón tay cô ấy mềm dẻo và bén nhạy đến kỳ lạ.
 
 Tôi bất giác đỏ mặt. Tôi biết từ giờ phút này, tôi sẽ thành nạn nhân của Rudolph, ông sẽ tra tấn tôi mãi mãi với cái điệp khúc về cô học trò cũ lừng danh. Bỗng nhiên, giữa lúc hết sức phật lòng, một tình cảm kỳ lạ chợt nổi lên thật mạnh mẽ: tôi nhất định phải vượt qua Stuttgart, phải thay thế Stuttgart trong tâm tưởng ông thầy!
 
 Ở trường, mỗi lần học, Rudolph chỉ dạy tôi 40 phút. Về nhà, tôi tập mỗi ngày 4 giờ. Thời gian đầu, mấy ngón tay tôi sưng vù, đau đớn. Cường kêu:
 
 – Anh cho em tập là để em khỏe, không phải để liệt giường đâu nhé.
 
 Tôi cười. Tay đau nhưng mặt rất tươi! Từ khi trở lại với cây đàn, tôi biết cái cảm giác khi người ta có một niềm say mê. Đấy là tâm trạng hưng phấn của một người đang đi tới, không phải là ấn tượng quẩn quanh buồn tẻ của đời người.
 
 Về sau tôi đã biết nhiều hơn về Algélique Stuttgart. Tôi biết rằng thầy Rudolph đã yêu cô ấy, khi Algélique còn ngồi trên chiếc ghế mỗi buổi học tôi vẫn ngồi.
 
 Một lần cùng Cường đến thăm nhà thầy, tôi thấy ảnh của Algélique, hồi ấy khuôn mặt còn ngây thơ nhưng một ý chí mạnh mẽ đã lộ rõ nơi ánh mắt và đôi lông mày đen nhánh.

Tài năng của cô ta ngày càng lớn lên, cho đến khi cô vượt xa thầy, rồi cô rời lớp học ra đi, nhưng dấu ấn của cô để lại trong Rudolph thì còn mãi, như một ám ảnh. Các học trò của Rudolph ngưỡng mộ thầy, còn thầy thì lại ngưỡng mộ Algélique.
 
 Từ đó khuôn mặt của Algélique luôn hiện ra trước mắt tôi. Tất nhiên giờ đây cô ấy không còn thơ ngây như trong bức ảnh, giờ đây ít nhất Algélique cũng đã xấp xỉ tuổi tôi bây giờ: ba mươi chín tuổi, cái tuổi mùa thu chín ửng của nhan sắc. Khi cô đã thành danh thì tôi vẫn còn phải nắn nót từng nốt nhạc, khả năng đuổi kịp Algélique thật là xa vời.
 
 Thật ra, lần đầu bị Rudolph tra tấn với cái tên Algélique, tim tôi tràn ngập nỗi hiếu thắng đàn bà muốn xóa nhòa cô ta; nhưng sau một năm học, cảm giác tị hiềm con nít kia đã biến mất. Hình như đó chính là hiệu quả của âm nhạc: món quà mà Rudolph đem đến cho tôi trong trẻo quá, một điều gì đó lấp lánh như pha lê, khi đã thấm sâu vào tâm hồn sẽ khiến ta chỉ biết cho đi chứ không muốn chiếm cứ và tranh đoạt bao giờ.
 
  Khi ngồi đàn, phong thái Rudolph thật trầm tĩnh, thật đẹp; khi đó, ông không bị Algélique ám ảnh, và tôi cũng vậy.
 
 Hôm nay, Rudolph dạy tôi một đoạn trong bài “Praludium” của Bach. Ông bảo tôi: bản này rất trừu tượng, khi đánh chỉ nghĩ đến âm thanh thôi. Vậy mà sao tôi cứ tưởng tượng ra tiếng chim hót nơi lùm cây hiên sau hiên nhà… Nắng thì cứ trong ngần trên cây cỏ…
 
 Tôi nhắm mắt, tưởng mình vừa thức dậy sớm mai, tưởng đang ở trong ấm áp của gối chăn… Khi Rudolph đàn xong tôi nói cảm giác của mình, thầy chỉ cười: “Em đúng là rất nhạy cảm!”
 
 Hình như đó là lần thứ nhất thầy mỉm cười, sau hơn một năm dạy tôi học. Hôm nay thầy không nhắc đến Algélique…
 
 “Rudolph… Em tặng thầy nhân ngày 20 tháng 11…” “Cái gì?” Rudolph ngạc nhiên. “Dạ, 20 tháng 11, đó là ngày thầy giáo Việt Nam”. Rudolph nhìn tôi ngẩn người, rồi khi nghe đến mấy tiếng “ngày thầy giáo Việt Nam” ông vội đứng dậy, nghiêng mình tỏ vẻ nghiêm cẩn. Tôi đặt vào tay ông cái hũ mứt nho xinh xắn – tôi đã hái nho còn sót lại trong ruộng nho sau nhà, những trái sót lại đó bao giờ cũng ngọt và thơm đến nỗi đêm nằm nghe gió thoảng từ vườn sau tôi không sao ngủ được.
 
 “Tự tay em làm đấy. Khi thầy ăn, thầy sẽ thấy khác hẳn những hộp mứt ngoài siêu thị”. Rudolph nhìn tôi… ngạc nhiên, cảm động… và bật cười. Đó là lần thứ hai tôi thấy nụ cười trên khuôn mặt ông.
 
 Từ khi thành danh Algélique chưa hề về thăm thầy. Tôi không hiểu Rudolph nghĩ gì về chuyện đó. Hai chữ bận rộn lúc nào cũng choáng ngợp trong cuộc đời những con người ở châu Âu này, càng tài giỏi, danh tiếng lại càng bận rộn, cho nên câu chuyện Đại tướng Carnot về thăm thầy cũ nơi cái làng bé nhỏ xa xưa tuy là tác phẩm của người Âu châu, nhưng giờ đây chính họ cũng chẳng còn nhớ nữa.
 
 Tôi nhủ thầm: thầy Rudolph thật đáng quý mến, giá mà tôi nổi tiếng như Algélique, năm nào tôi cũng sẽ đến thăm thầy, sẽ đem cho thầy những hũ mứt ngon như thế này.
 
 Cuối tháng, Cường đem cho tôi một niềm vui bất ngờ.
 
 – Hai mươi tháng 9 này, sứ quán tổ chức một đêm văn nghệ kỷ niệm hai mươi năm quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Người ta mời em hát… Anh nghĩ là em sẽ thích…
 
 Thoạt đầu tôi hơi ngần ngừ. Tôi nghĩ thầm, người ta mời mình vì biết đến chút tài mọn của mình, hay chỉ vì tôi là vợ của Cường, một người có thế lực trong giới Việt kiều ở đây? Tôi hỏi ý Rudolph, thầy bảo:
 
 – Biểu diễn lần đầu ở một đêm tiếp tân ngoại giao, một cơ hội không dễ có… Algélique trước đây đã khởi đầu sự nghiệp từ một quán trà nhỏ xíu ở ngoại ô!
 Một lời của thầy đã thay đổi hẳn suy nghĩ của tôi.
 
 – Vâng, nếu em hát, em muốn nhờ thầy…
 
 Tôi hơi run. Xưa nay thầy chỉ soạn hòa âm và phối khí cho những ca sĩ nổi tiếng. Những người đáng được ngưỡng mộ. Còn tôi? Chỉ là một con chim mới ra ràng.
 
  Không ngờ thầy cười rất mộc mạc: “Nếu tôi giúp em, em sẽ cho lại tôi gì nào? Thêm một hũ mứt nho nữa nhé!” Tôi reo lên vì vui sướng, tôi sẵn sàng hái hết tất cả nho còn sót lại trong ruộng nho sau nhà để làm mứt, nếu ông muốn…
 
 Tôi chọn bài “Bèo dạt mây trôi” và một ca khúc soạn theo nhạc của Napoleon Coste, một bài Baccarolle nhịp 3/8. Khi tập đàn bài này, tôi thường bị thầy nhắc nhở:
 
  “Đánh nhanh nhanh và mạnh mẽ hơn một chút, vì đây là chèo thuyền gondola trên sông Venice chứ không phải là mấy cô gái Huế chèo thuyền trên sông Hương đâu nhé!”. Bây giờ phải hát, tôi đã cố gắng nhưng vẫn thấy thiếu một chút gì đó… Hai thầy trò tập trong nửa tháng trời… Tôi hỏi Rudolph:
 
 – Hôm ấy thầy tới với em cho em vững tâm hơn, thầy nhé?”
 
 Rudolph nhìn tôi với vẻ trách cứ:
 
 – Học trò tôi chưa ai phải yêu cầu tôi như vậy bao giờ. Một người khi bước lên bục diễn phải biết tin ở chính mình.
 
 Tôi im lặng, hơi buồn. Tôi biết nếu mình vấp ngã trên bục diễn thì thầy cũng chẳng thể nào cứu được. Nhưng ai ngoài Rudolph có thể chia sẻ với tôi niềm vui được hát?
 
 Gần đến đêm hội diễn, hai thầy trò đang ngồi dượt lại bài “Bèo dạt mây trôi” thì một người đàn bà trẻ bước vào, trong chiếc áo lông.
 
 “Algélique Stuttgart!” Rudolph kêu lên, như bị chớp giật. Algélique cười, ôm lấy Rudolph mà hôn chụt vào má, rồi quay qua ôm tôi. “Rudolph! Đêm hai mươi tháng chín em sẽ diễn tại Nhà hát lớn thành phố. Em sẽ gửi giấy mời cho thầy!”
 
 Rudolph đứng ngây người nhìn cô học trò cũ, nỗi sung sướng làm ông bàng hoàng. Algélique nhắc lại: “Thầy đến nhé?” đến mấy lần, ông mới nhớ đến trả lời:
 
 – Được Algélique Stuttgart mời là một vinh dự lớn.
 
 Algélique cười vang. Tiếng cười phóng khoáng, tự tin của một người đàn bà thành đạt.
 
 Và thế là đêm hai mươi tháng chín, tôi sẽ hát ở sứ quán, không có Rudolph.
 
 Cường lái xe đưa tôi đến, anh nhận thấy rõ vẻ bất an của tôi. “Nếu em thấy ngại quá, anh có thể nói với ban tổ chức…” “Không sao. Em làm được!” Tôi vừa bước ra khỏi xe vừa bảo Cường.
 
 “Vâng, em sẽ làm được, tôi biết mà”. Rudolph đến bên tôi. Tôi giật mình. Ông đang từ trên thềm bước xuống, trong bộ lễ phục đen.
 
 Rudolph nghĩ sao mà lại bỏ qua lời mời của Algélique Stuttgart? Rút từ trong túi một ngọn lá, Rudolph đưa cho tôi:
 
 – Em ăn ngọn lá này vào, giọng sẽ thanh hơn!
 
 Tôi ngửa tay ra, nhưng ông chỉ ngắt cho tôi một nửa, một nửa bỏ lại vào túi áo. Chiếc lá lấp ló trên túi áo smoking quá nhỏ, tôi đưa tay sửa lại cho ông… “Nửa chiếc lá này là phần tôi. Tôi sẽ hát với em bài “Baccarolle”!”.
 
 Tôi nghẹn không nói gì được. Cường vừa cất xong xe, lên thềm, đứng cạnh tôi, anh cảm ơn Rudolph và lấy khăn tay chặm mắt tôi. “Đừng khóc chứ, chì kẻ mắt sẽ trôi mất”.
 
 Tôi bước ra dưới ánh đèn. Dưới kia là chồng tôi, bạn bè tôi, những người thân thương của tôi ở thành phố này. Tôi hát chưa bao giờ say như thế…
 
 Rudolph đệm đàn, tiếng đàn của Rudolph như nâng đỡ, chở che tiếng hát tôi. Bèo dạt mây trôi, bài hát về nỗi niềm ly biệt mà bất cứ người Việt xa quê nào cũng đã trải qua, ít nhất một lần trong đời!
 
 Khi Rudolph cùng tôi hát xong bài “Baccarolle”, mọi người ùa đến cụng ly, có người xúc động: “Un très beau Duo!” (Một đôi quá đẹp!).
 
 Qua những giọt nước mắt long lanh, tôi thấy Cường đến cụng ly với Rudolph. Khi đó quá vui sướng nên tôi chẳng kịp nghĩ tại sao Cường lại có thể lịch sự và điềm tĩnh đến thế. “Em không ngờ thầy Rudolph có thể hy sinh cho em như vậy”. Tôi nói với Cường, ngực vẫn còn phập phồng xúc động. Cường chăm chú lái xe, khẽ mỉm cười:
 
 – Không phải là hy sinh… Chỉ là một sự chọn lựa.
 
 – Nhưng em chẳng là cái gì so với Algélique.
 
 Cường cho xe rẽ qua khúc quanh. Anh nói, mắt vẫn nhìn trước mặt:
 
 – Em cứ tưởng thế thôi. Tài năng và danh vọng có thể làm người ta ngưỡng mộ, nhưng sự chân thành mới làm người ta thương yêu và xúc động.
 
 Tôi ngạc nhiên nhìn Cường, suy nghĩ xem anh muốn nói gì. “Em? Ý anh muốn nói em rất chân thành với Rudolph?”
 
 – Em luôn chân thành với bất cứ ai – Cường nói, anh quàng một tay qua vai tôi. Xe lướt qua một quãng đường nhiều cây xanh, có một loài hoa nào đó đang tỏa hương thoang thoảng trong đêm tối.
 
 Tôi làm rất nhiều mứt nho, trữ thật nhiều dâu tây trong tủ lạnh… Chủ nhật, có thời gian ở nhà, Cường mới nhìn thấy gia tài mứt và hoa quả của tôi. Anh kêu: “Em làm gì thế, định mở cửa hàng bán của ngọt à?” Khi tôi nhắc anh, chủ nhật tuần sau là lễ kỷ niệm thành hôn của hai đứa, anh áy náy vì quả thật bận quá, đã quên khuấy đi.
 
 Xoa nhẹ vào lưng tôi, Cường nói như chuộc lỗi:
 
 – Mình sẽ tổ chức ngày kỷ niệm lần này thật linh đình.
 
 Tôi nấu rất nhiều món ăn. Nhìn những thứ mình đã chuẩn bị đang nằm trên bệ bếp, tôi ngạc nhiên thấy món mứt màu đỏ tím cứ nổi bật lên trong những chiếc hũ thủy tinh xinh xắn. Sao chúng đẹp và hấp dẫn đến thế, có phải là tôi đã dành cho chúng nhiều âu yếm nhất trong khi chế biến?
 
 Rudolph đến muộn nhất trong hơn hai mươi khách mời. Bao giờ ông cũng đi một mình, rất cô đơn, như đa số những người châu Âu… Ông đem đến tặng Cường và tôi hai bông hồng đỏ. Tôi chưa bao giờ thấy hai bông hồng nào lớn và tươi thắm như thế, cuống hoa dài đến hơn một mét.
 
 Tôi cầm hai bông hoa, lòng lâng lâng vui. “Hôm nay, thầy lại hát với em bài “Baccarolle” thầy nhé?” Rudolph thoáng mỉm cười:
 
 – Ô, hôm nay thì không, em ạ!
 
 Tôi sực nhớ ra. Hôm nay tôi phải đứng cạnh Cường, trong khi anh đọc thơ tặng bạn bè. Anh đã bảo tôi anh sẽ đọc một bài thơ của Kalih Gibran. Khi nghe anh nói bỗng tôi choáng, kêu lên:
 
 – Đừng! Đừng đọc thơ Gibran, anh!
 
 Tôi nhớ ngày trước đã có lần đọc được một tập thơ của Gibran, nhan đề là Uyên ương gãy cánh.
 
 Tôi sợ cái tên Gibran sẽ là điềm không may trong ngày kỷ niệm này. Nhưng Cường phì cười bảo tôi, Gibran không phải chỉ có một bài thơ đó, hôm nay cũng là Gibran nhưng là một bài thơ về hạnh phúc. Tôi đứng cạnh Cường, anh ôm tôi một tay, tay kia cầm cốc rượu; bài thơ quả là hay, khi Cường đọc xong ai nấy lặng đi với ánh mắt tán thưởng.
 
 Quay lại, tôi thấy Rudolph đang nhìn. Một cái nhìn kiên khổ và chịu đựng vô bờ bến. Tôi rùng mình, nhớ lại cảm giác khi mới vào học, ngày ngày phải chịu tra tấn với cái tên Algélique Stuttgart. Chắc khi ấy ánh mắt tôi cũng chỉ chịu đựng bằng một phần ngàn ánh mắt ông bây giờ.
 
 Tiệc tàn. Trên hành lang, ông đi lướt qua tôi. Tôi muốn nói gì đó với ông, nhưng không hiểu sao tôi run, không thể.
 
 Có một giới hạn gì đó, mà tôi đã vượt qua và giờ đây, tôi hoảng hốt tìm cách quay về.
 
 Suốt đêm tôi trăn trở không nhắm mắt được. Ánh mắt của Rudolph cứ hiện ra, thật trớ trêu, tôi thấy mình có lỗi, đêm nay là đêm kỷ niệm thành hôn giữa tôi và Cường, lẽ ra tôi không nên nghĩ đến ai ngoài anh.
 
 Nhưng ánh mắt Rudolph là một ám ảnh, không phải tôi muốn nghĩ đến nó, nó tự ý đi vào trong tâm thức tôi, mạnh mẽ, không thể xua đi được, nó làm lòng tôi thấy xót, thần kinh tôi không thể nào dịu xuống. Cường vuốt ve tôi, cơ thể anh trùm lên tôi như muốn sưởi ấm. Tôi bất động, lẽ ra bổn phận tôi là phải phối hợp nhịp nhàng âu yếm với anh lúc này, nhưng tôi không thể.
 
 Cường nhận biết, anh buông tôi ra, nhẹ nhàng:
 
 – Suốt ngày em lo lắng cho bữa tiệc, em mệt rồi.
 
 Tôi bật khóc. “Em xin lỗi”. Cường thoáng thở dài: “Em không có lỗi gì cả”. Tôi cảm thấy biết ơn anh. Tôi cố nằm im cho anh ngủ. Mãi đến gần sáng tôi mới thiếp đi, giấc ngủ mệt mỏi đầy mộng mị. Khi tôi tỉnh dậy, Cường đã đi làm, anh tự lo buổi ăn sáng. Tôi áy náy, không biết anh có ăn đủ suất ăn thường ngày không?
 
 Rudolph mà tôi gặp ở lớp học hai hôm sau đó là một Rudolph khác, với vẻ mặt đăm chiêu lầm lì còn hơn thời tôi mới vào học.
 
 Tuy vậy khi tôi bước vào, một vẻ sáng ngời chợt lướt qua, và chắc tôi cũng thế, lòng tôi nhẹ đi, lâng lâng khi bước vào phòng tập. Dự định của tôi là làm một CD, tôi hát và Rudolph đàn, CD này sẽ là quà Giáng sinh dành cho bạn bè nên hai thầy trò phải ráo riết tập và thu. Rudolph hỏi tôi sao buổi học trước vắng mặt. Tôi nói tôi lại bị choáng, té êm ru trong phòng khách hơn một giờ mới tỉnh.
 
 Ngày trước vì ngất lịm trong ruộng nho mà bác sĩ khuyên tôi nên đi học. Còn bây giờ?… Rudolph nhìn tôi, vẻ mặt ông lo lắng quá làm tôi nao lòng. “Thầy ơi, em không sao đâu, em phải làm xong CD này đã rồi có chết thì mới chết”. Rudolph nhìn tôi:
 
 – Vậy tôi sẽ làm thêm CD nữa cho em… Và làm thêm nữa, thêm nữa, để em không kịp chết.
 
 Tôi hát bài “Nguyệt cầm” của Cung Tiến, lời bài hát đã dịch ra tiếng Anh cho Rudolph hiểu. Tôi muốn dắt Rudolph vào thế giới phương Đông của tôi… Bài hát lên cao, cao chót vót, tôi lạc giọng. “Thầy ơi, hát tông C thôi, tông C hợp giọng em hơn”. Rudolph lắc lầu:
 
 – Hát tông E hay hơn, đàn theo cũng phóng khoáng hơn.
 
 – Không mà… tôi nằn nì. Thấy tôi rơm rớm nước mắt , Rudolph đành nhượng bộ:
 
 – Được rồi, được rồi, mình hát tông C nha!
 
 Rudolph đưa bàn tay xoa nhẹ trên tóc tôi như thể vò đầu một đứa trẻ. Mở cặp, Rudolph lại đưa cho tôi một chiếc lá – chiếc lá thanh giọng đã góp phần giúp tôi thành công trong đêm biểu diễn ở sứ quán.
 
  “Thầy ơi, đây là lá gì?”. “Đấy là lá sauge, chỉ có ở xứ này mà thôi. Em à, sau này khi tôi không còn ở gần em nữa, em hãy nhớ là phải nâng giọng mình lên, đừng bắt bài hát phải khom mình xuống em nhé.”
 
 Sauge, nghĩa là từ bi. Ôi tên lá hay quá! Tôi nhớ tới lời hát của Trịnh Công Sơn “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”. Làm sao tôi dịch nổi trọn vẹn câu hát để chia sẻ với Rudolph? Cầm ngọn lá trong tay, tôi hỏi thầy:
 
 – Thầy ơi, thầy cho em nhiều quá, biết lấy gì trả ơn thầy đây?
 
 Rudolph cười:
 
 – Cho em mắc nợ đó.
 
 Tôi đặt nắm lá vào túi áo trước ngực. Nơi ấm nhất của lồng ngực tôi… Thầy đã cho tôi nhiều quá, âm nhạc, thành tựu, niềm vui trong cuộc sống! Tôi ngập ngừng nói với thầy, người Việt Nam tin rằng người ta có nhiều kiếp, có những món nợ lớn quá không trả được trong kiếp này thì sẽ phải trả ở kiếp sau.
 
 – Người phương Tây chúng tôi lại không tin có kiếp sau… Sao lại không thể sống trọn đời mình ở kiếp này?
 
 Rudolph hỏi và cúi xuống bên tôi, cúi xuống rất gần đến nỗi tôi cảm thấy hơi thở của ông trên má mình.
 
 Tôi run, cúi gằm mặt xuống, chân tôi cũng run cầm cập, gót giày rung nhẹ lách cách trên sàn. Tôi biết trái tim tôi mỏng manh và dễ vỡ lắm. Tôi biết mình phải đóng hộp nó lại. “Vì người phương Đông tin rằng cái gì đầy quá thì sẽ vơi, thầy ạ!” Tim tôi đập muốn vỡ lồng ngực, nhưng Rudolph đã như chợt tỉnh, ngẩng lên, đi vòng về phía bên kia, ngồi vào chiếc ghế của thầy.
 
 Thầy là một thầy giáo mẫu mực, tôi biết mà. Bỗng nhiên tôi thấy mình càng quý, càng thương thầy nhiều hơn! Bỗng tôi la lên, máu dồn hết về tim: Rudolph cầm đàn, mặt đanh lại, đấm mạnh vào tim đàn. Những sợi dây đứt phựt tung lên một hợp âm thất thanh.
 
 Mặt tôi không còn một giọt máu. Rudolph vốn là người điềm tĩnh. Ngay lúc này ông cũng điềm tĩnh, cầm lấy áo khoác, đi thẳng xuống thềm.
 
 Tôi cầm lấy cây đàn. Cây đàn bị thương nằm trong tay tôi, dường như vẫn còn rung những nốt trầm đau đớn.
 
 Tôi ngồi lặng một lúc lâu. Lúc xuống thềm tôi thấy Cường đậu xe trước lớp.
 
 “Sao anh đi làm về sớm thế?” Tôi ngạc nhiên.
 
 Cường ôn tồn:
 
 – Rudolph điện cho anh đến đón em… Ông ấy bảo đã xin chuyển sang dạy ở Paris, phải đi gấp nên không kịp báo là không thể dạy tiếp cho em được.
 
 Vẻ mặt Cường thật khó tả. Thấy vẻ mặt thất thần của tôi, dù không nói ra chắc anh cũng đoán được ít nhiều rồi. Cường với tay cài dây an toàn cho tôi. Không giữ mình được, tôi òa khóc. Tôi biết, từ đây không bao giờ được sống giờ phút thần tiên với những bản đàn của Bach nữa.
 
 Cường cho xe chạy theo hướng về nhà, anh nhẹ nhàng bảo:

 – Nín đi em. Chuyện gì rồi cũng sẽ qua… Thầy Rudolph là người tốt, thầy sẽ nhớ vợ chồng mình rất nhiều.
 
 Qua những con đường quanh co, xe chúng tôi đã về đến nhà. Ngôi nhà nho nhỏ đầy hoa tím…

 Với rất nhiều cỏ trên dốc đồi xanh.
 

Thực hiện: depweb

09/05/2007, 10:28