Bởi nhắc đến Dior là nhắc đến những cuộc cách tân vượt thời gian để tái sinh cơ thể người phụ nữ, trao cho họ sự quyến rũ, nét kiêu kỳ và đem vào tủ đồ của họ những thứ kinh điển như New Look hay Bar Tailleur.
… Và Christian Dior đã tạo ra đàn bà
Tôi sẽ bắt đầu bài viết bằng chữ “nếu”. Nếu không có Christian Dior, tin chắc, cuốn biên niên sử của ngành thời trang sẽ thiếu đi rất rất nhiều những cột mốc đặc biệt quan trọng mà tâm điểm là những cuộc cách tân để tái sinh cơ thể người phụ nữ. Nếu không có Christian Dior, Paris chưa chắc đã tìm lại vị thế và quyền lực hàng đầu trong ngành thời trang cao cấp sau thế chiến thứ hai. Còn với phái đẹp, nếu không có Christian Dior, họ sẽ là người thiệt thòi hơn cả bởi chẳng thể biết thế nào là vẻ nữ tính mang tinh thần Christian Dior, thế nào là sự thần kì của New Look, thế nào là sự quyến rũ đầy mê mệt của Bar Tailleur…
Năm 1905, khi Coco Chanel đang bước những bước đầu tiên khẳng định quan điểm táo bạo của mình thì ở Granville, tạo hóa tiếp tục ban tặng dải đất hình lục lăng một thiên tài mang tên Christian Dior. Không biết có phải các thiên sứ đưa Christian Dior xuống trần gian để cải tổ và tái thiết lại ngành thời trang – vốn đang ngột ngạt bởi những luật lệ hà khắc và sự túng quẫn do chiến tranh – vào một quỹ đạo mới hay không nhưng trong cuốn Bách khoa toàn thư có kể một giai thoại thú vị về Dior. Năm 1919, khi Christian Dior 14 tuổi, một lần đi hội chợ, có bà thầy bói khi nhìn những đường chỉ tay của Christian Dior đã phán: “Phụ nữ sẽ phải cảm ơn cháu rất nhiều. Và cũng chính nhờ họ mà cháu thành danh”.
Thế nhưng thời trang vẫn phải đợi đến năm 1946 để đón nhận một kỷ nguyên mới, nhờ cuộc gặp định mệnh giữa Christian Dior và ông vua ngành vải sợi Pháp Marcel Boussac. Bằng sự nhạy cảm của một thương nhân tầm cỡ, Marcel Boussac ngay lập tức nhận ra tài năng và những tư tưởng lớn của Christian Dior và không ngần ngại đầu tư hàng triệu franc để Christian Dior thành lập một nhà mốt cho riêng mình. 1 năm sau đó, khi cả châu Âu vẫn đang chìm trong đống đổ nát từ cuộc đại chiến thế giới lần hai và thời trang Paris gần như giậm chân tại chỗ, thì tại tổng hành dinh ở số 30 Montaigne, Christian Dior đã khiến làng thời trang không thể không sững sờ bởi những mới mẻ trong bộ sưu tập đầu tiên của mình.
BST Xuân Hè 1957 ấy gồm hai dòng trang phục Corolle và Huit với mục đích tái sinh cơ thể người phụ nữ để họ đẹp như những bông hoa đua sắc trong khu vườn tuổi thơ của ông ở Granville. Bởi theo ông lúc đó, phụ nữ luôn phải khoác lên mình những bộ trang phục đơn điệu và tẻ ngắt với áo chemise hay vest vai vuông, thậm chí sự thiếu thốn của thời hậu chiến khiến phái đẹp phải mặc trang phục cắt may từ vải dành may trang phục của các ông chồng. Nhưng hình ảnh bó buộc và cũ mèm được thay bằng sự tươi mới. Nét thanh lịch, quý phái của phụ nữ Paris được tái sinh với bờ vai tròn, vòng eo quyến rũ và khuôn ngực đầy đặn. Thế nên, ngay khi ngắm những bộ trang phục đầu tiên, Carmel Snow, tổng biên tập tờ Harper’s Bazaar đã phải thốt lên: “Thật là những kiểu mẫu mới” (it’s such a New Look) và viết: “Christian Dior đã cải hóa thời trang, giống như cái cách mà taxi Marne đã cứu nước Pháp”.
Đúng như lời tiên đoán của bà thầy bói năm xưa, Christian Dior trở thành cái tên được mọi phụ nữ nhắc đến và ngợi ca. Những thiết kế của ông thay đổi cả nền thời trang đang u ám lúc đó. Christian Dior trở thành lựa chọn số một của những biểu tượng phong cách như Olivia de Havilland, Rita Hayworth, Marilyn Monroe, Lauren Bacall… Thậm chí Marlene Dietrich chỉ mặc trang phục do Christian Dior thiết kế và luôn gửi một thông điệp “Không Dior, không Dietrich” đến các nhà sản xuất phim.
Tháng 10/1957, 11 năm sau những cuộc đại cải tổ nền công nghiệp thời trang và đưa Paris trở lại vị thế kinh đô thời trang số một thế giới cùng vô số trang phục thanh lịch, nữ tính, quý phái và sang trọng cho phái đẹp, Christian Dior qua đời tại Ý. Khi ngành thời trang đón nhận tin buồn này, rất nhiều người đã nghẹn ngào trong tiếng nấc: “Christian Dior đã hoàn thiện sứ mệnh và Chúa gọi ông về để may váy cho các thiên thần”.
Những hậu bối tài năng
Sau những mất mát, “thánh” Yves Saint Laurent nhanh chóng lấy lại thăng bằng và sự tỏa sáng cho ngôi nhà số 30 Montaigne với bộ sưu tập dáng chữ A bắt mắt. Kế sau huyền thoại Yves Saint Laurent, Marc Bohan rồi Gianfranco Ferré trở thành những cái tên chèo lái thương hiệu Dior. Năm 1997, thương hiệu Dior đón nhận một cột mốc quan trọng khác nữa trong lịch sử của mình với sự xuất hiện của đứa-trẻ-hư-hỏng-của-thời-trang John Galliano. John Galliano gia nhập đế chế Dior theo lời gợi ý của người đàn bà quyền lực Anna Wintour. Và mặc dù scandal Gallianogate đã để lại dấu ấn không mấy tốt đẹp về nhà thiết kế tài ba người Anh này nhưng sẽ không ngoa khi nói, John Galliano là hậu bối kế thừa và phát huy những tinh hoa và đưa những giá trị của Christian Dior trở nên bất biến với thời gian.
John Galliano đảm nhiệm vai trò nhạc trưởng cho Dior trong suốt 15 năm và đây cũng là khoảng thời gian nhãn hiệu Dior được thời trang nhắc đến nhiều nhất và được lòng giới thời thượng nhất. Trong 15 năm đó, John Galliano liên tục tìm đến lớp ADN của nhãn hiệu nhưng chẳng mùa mốt nào thời trang không ngợi ca những sáng tạo, những luồng gió mới pha chút kỳ quặc của người Anh mà nhà thiết kế này thổi vào những giá trị kinh điển của Dior.
Kỷ nguyên của Raf Simons
Mới đảm nhiệm cương vị Giám đốc sáng tạo chưa lâu nhưng Raf Simons đang đưa Dior bước sang một trang mới. Đấy là một điều mà không ai có thể phủ nhận sau những bộ sưu tập mà nhà thiết kế người Bỉ này thể hiện trong hai mùa mốt gần đây. Tất nhiên, Dior thời Raf Simons vẫn tuyệt đối trung thành với những giá trị mà người sáng lập để lại nhưng thổi vào đó những cái nhìn mới mẻ và rất thời cuộc.
Raf Simons là một nhân vật thiên về trường phái tối giản. Thế nên, không lấy gì làm lạ khi nhà thiết kế 44 tuổi này lồng ghép những giá trị bất biến của Dior với triết lý của sự tối giản và lối tư duy ứng dụng. Thế nên, kỷ nguyên của Raf Simons là một hình ảnh gần như trái ngược hoàn toàn với 15 năm trước đó của John Galliano. Vẫn là vest Bar Tailleur, vẫn là New Look, vẫn là những gam màu pastel mà Christian Dior mê đắm thuở trước… nhưng những thiết kế của Dior không cầu kỳ một cách ngoa ngoắt như thời John Galliano. Nó mang tinh thần của chủ nghĩa ứng dụng, dễ mặc, gần gũi nhưng đặc biệt vẫn duy trì những giá trị cốt lõi của Dior, nghĩa là vẫn rất nữ tính, gợi cảm và quý phái.
Một Dior mới mẻ trong những mẫu thiết kế mang tư duy tối giản của Raf Simons ở BST Xuân Hè 2013
Dior đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên lên ngôi của thời trang ứng dụng. Và tin chắc rằng, Raf Simons sẽ còn đưa Dior tiến xa hơn những gì mà thời trang đang thấy.
(theo Sành điệu)