Đinh Trần Tuấn Linh: “Tôi sợ bị đánh tráo con trong viện, sợ con không có đủ lông mày,...” - Tạp chí Đẹp

Đinh Trần Tuấn Linh: “Tôi sợ bị đánh tráo con trong viện, sợ con không có đủ lông mày,…”

Men's Talk
Bố: Đinh Trần Tuấn Linh
Con: bé Popo (hơn 1 tuổi)

– Một Lê Bích hài hước trên mạng, một Tuấn Linh đa tài ngoài đời thật. Vậy còn ở phiên bản làm bố, anh là người như thế nào?

– Tôi là một ông bố có gần hai năm kinh nghiệm. Thành thạo các kỹ năng với sữa: pha sữa, lắc sữa, trữ đông, làm ấm, đo nhiệt độ sữa bằng ngón giữa,.. Sơ lược các kỹ năng với bỉm: bóc bỉm, xé bỉm, chọn cỡ bỉm, thanh lý bỉm sau sử dụng,… Biết bế và dỗ dành bé ngủ ngoan không hờn dỗi, cũng như mẹ bé, thường thì dỗ bé khó hơn, nhưng dỗ mẹ bé tốn kém hơn. Am hiểu các loại nhạc thiếu nhi, đồ chơi an toàn, biết đọc thành phần dinh dưỡng trên bao bì đồ ăn. Với ngôn ngữ là tiếng trẻ con thì ở mức giao tiếp được. Yêu hòa bình, ghét đồ vật sắc cạnh, chịu được cắn cào vẽ lên người và tiếng khóc liên tục trong 2 tiếng. Rất mong nhận được thêm công việc làm bố nữa.

dinhtrantuanlinh_7
“Tôi là một ông bố có gần hai năm kinh nghiệm. Thành thạo các kỹ năng với sữa: pha sữa, lắc sữa, trữ đông, làm ấm, đo nhiệt độ sữa bằng ngón giữa.” – Tuấn Linh.

 – Còn khác biệt rõ nhất giữa Tuấn Linh trước và sau khi có con?

– Về thẩm mỹ là thái độ khi nhìn nữ sinh mặc váy ngắn. Lúc trước nhìn váy, không quan tâm đến tuổi, bây giờ phải kiểm tra xem qua 18 chưa, xong mới bắt đầu quan tâm đến váy. Mảng âm nhạc, tôi thuộc lòng 300 bài hát thiếu nhi. Còn giải trí, chỗ đông vui trở thành chỗ không hút thuốc và có khu vui chơi cho trẻ.

– Trở thành bố ở tuổi U40, hẳn anh tích góp không ít kinh nghiệm từ bạn bè để thoát nỗi sợ chăm con mới chào đời như những ông bố trẻ?

“Với tôi, nỗi sợ bắt đầu khi con chưa chào đời. Tôi cứ nơm nớp sợ sẽ bị đánh tráo con trong viện, để từ đó bắt đầu một câu chuyện lâm ly như phim truyền hình. Hay liệu con mình có bị dị tật? Có đủ lông mày không?…” – Tuấn Linh

– Thật ra, dù ở tuổi nào, lần đầu làm bố đều lóng ngóng như nhau. Với tôi, nỗi sợ bắt đầu khi con chưa chào đời. Tôi cứ nơm nớp sợ sẽ bị đánh tráo con trong viện, để từ đó bắt đầu một câu chuyện lâm ly như phim truyền hình. Hay liệu con mình có bị dị tật? Có đủ lông mày không?… 

Đến khi bé mới sinh thì nỗi lo lại chuyển ngay sang hướng khác. Lần đầu tiên trong đời, tôi tìm được niềm vui của việc lo cân đo đong đếm: cân con mỗi tuần, đo chiều dài ngón tay xem nó giống ai, đong từng ml sữa. Và nhất là kỹ năng đếm, đếm xem ngày hôm nay con ị chưa, phân màu gì rồi lập cả thời gian biểu.

Có con rồi, sợ nhất có lẽ không phải là nỗi sợ mơ hồ chuyện gì sẽ xảy ra, mà sợ nhất là điều không xảy ra. Con không ăn. Sợ. Con không nghịch. Sợ. Con không mọc tóc, mọc răng. Sợ. Con không đi tè 2 ngày. Vô cùng sợ. Con không cười với mình. Sợ chết khiếp.

Buồn cười nhất là khi con mới chào đời, hai vợ chồng cứ 3 phút lại phải sờ mũi kiểm tra xem em bé có thở không. Phải nghe tiếng thở của con mới yên tâm mà ngủ tiếp.

dinhtrantuanlinh_2
“Thật ra, dù ở tuổi nào, lần đầu làm bố đều lóng ngóng như nhau.” – Tuấn Linh.

 – Khi con lớn hơn một chút, anh sợ vì điều gì?

– Cảm giác sợ nhất là khi con bắt đầu tập bò rồi tập đi. Tôi nhận ra, từ lúc này, những bước chân sẽ chỉ đưa con đi xa dần xa dần mình mà bản thân không có cách nào nghịch lại. Làm cha mẹ là quá trình chứng kiến con tuột dần ra khỏi vòng tay mình. Chứng kiến con lớn lên thì hạnh phúc, đồng nghĩa với việc con dần xa mình thì rất đáng sợ.

Đầu tiên là mình đặt đâu con nằm đấy. Sau đấy, con bò ra khỏi cái giường. Bắt đầu bước lẫm chẫm ra khỏi phòng riêng. Chạy ra đầu ngõ chơi. Đi học mẫu giáo ở trường gần nhà. Học tiểu học ở trường xa hơn. Học trung học ở trường xa hơn. Đại học ở nơi rất xa…

dinhtrantuanlinh_4
“Cảm giác sợ nhất là khi con bắt đầu tập bò rồi tập đi. Tôi nhận ra, từ lúc này, những bước chân sẽ chỉ đưa con đi xa dần xa dần mình mà bản thân không có cách nào nghịch lại.” – Tuấn Linh.

– Có lúc nào đó, anh tưởng tượng, khi con mình trưởng thành, còn mình trở thành một ông lão, thì nỗi sợ khi đó là gì? 

– Con gái lớn lên có bạn trai, nghe bạn trai hơn nghe bố, chuyện ấy bình thường. Con gái lớn lên có bạn gái, thậm chí chuyện ấy cũng có thể “bình thường”. Nhưng nỗi sợ lớn nhất khi con trưởng thành là sẽ không còn giao tiếp, thậm chí liên lạc được với con, giống như lão già ngồi xe lăn bất lực gào lên với một cái núi băng mà không hề có tiếng nào vọng lại.

“Nỗi sợ lớn nhất khi con trưởng thành là sẽ không còn giao tiếp, thậm chí liên lạc được với con, giống như lão già ngồi xe lăn bất lực gào lên với một cái núi băng mà không hề có tiếng nào vọng lại.” – Tuấn Linh

– Nhưng song hành với nỗi sợ, làm bố vẫn có những niềm hạnh phúc?

– Bây giờ ngẫm lại, từ khi có con, tôi thấy mình hạnh phúc vì những điều giản đơn. Lúc ngủ nghe tiếng con thở đều sau một cơn hờn khóc. Nhìn con ăn nhiều hơn chơi nhiều hơn sau một cơn sốt. Thấy con học được kỹ năng mới sau mỗi đợt khủng hoảng tuổi. Hay lén cho con uống tí trà, nhấp chút bia, ăn mực nướng lúc mẹ và bà ngoại không để ý. Dù không thích so sánh, nhưng vẫn ngầm vênh váo khi thấy con mình có bất kỳ điều gì vượt trội so với mặt bằng chung. Nếu không có gì hơn, thì phải tưởng tượng ra. Ví dụ nó khóc to hơn các bạn cùng tuổi, nín nhanh hơn và làm cả xóm điếc tai hơn.

dinhtrantuanlinh_3
“Bây giờ ngẫm lại, từ khi có con, tôi thấy mình hạnh phúc vì những điều giản đơn.” – Tuấn Linh.

– Có khoảnh khắc nào của con khiến anh bật khóc?

– Tôi thường hay nghĩ khi em bé ra đời, nó chợt nhận ra thế giới này quả thực rộng lớn và có quá nhiều thứ từ nay em sẽ bị bắt làm, em bé bèn cất khóc tiếng khóc đầu tiên. 

Còn tôi cũng thế, khi con ra đời, cũng là một người bố ra đời, tôi chợt nhận ra, thôi rồi từ nay tôi phải làm một người đàn ông đầy đủ chức năng. Tôi bèn rơm rớm nước mắt và run run nhắn tin cho ba tôi: “Ba ơi, hôm nay con làm cha, con bắt đầu hiểu ba rồi”. Tin nhắn trả lời: “Còn lâu, ba đi làm ông nội đây.”

“Nếu có một đặc quyền cho Ngày của Bố thì tôi chỉ mong mình có đủ thời gian và không gian để yên tâm, yên thân tích cực lao động tăng gia sản xuất thêm vài em bé nữa.” – Tuấn Linh

– Sau tất cả, với anh, làm bố có đáng sợ? 

– Bản thân việc làm bố đã là đi giữa hai con đường, một bên là hy vọng, bên kia là nỗi sợ. Nhưng những nỗi sợ có được sau khi làm cha thường là những nỗi sợ tích cực, nỗi sợ rõ rệt về sức ép thời gian, nỗi sợ cảnh tỉnh, nỗi sợ thúc đẩy giúp những ông bố bà mẹ có thêm một cơ hội để làm mới, trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình, đặng còn xứng đáng với con trẻ. Giống như các cụ hay nói: “Sinh con rồi mới sinh cha”.

dinhtrantuanlinh_1
“Bản thân việc làm bố đã là đi giữa hai con đường, một bên là hy vọng, bên kia là nỗi sợ.” – Tuấn Linh.

– Nếu có một đặc quyền dành riêng cho mình trong “Ngày của Cha”, anh muốn điều đó là gì?

– Có đủ thời gian và không gian để yên tâm, yên thân tích cực lao động tăng gia sản xuất thêm vài em bé nữa.

– Cám ơn những chia sẻ thú vị của anh!

                                                        Chuyên đề: NỖI SỢ CỦA BỐ
Đối với đàn ông, trên đời này có vô vàn nỗi sợ, như sợ trễ giờ làm, sợ tắc đường, sợ bị (vợ) cấm không cho xem World Cup hay sợ không vào được Facebook để “chém gió”… Nhưng có lẽ những điều đó cũng không bằng nỗi sợ khi các anh bắt đầu một chương mới trong cuộc đời mình – làm bố với những ám ảnh từ chuyện bỉm sữa cho đến trọng trách nuôi dạy con cái.
Nhân Ngày của Cha, mời bạn cùng Đẹp làm một cuộc hành trình để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: liệu rằng làm bố có thật sự đáng sợ?
Đọc thêm:
Đạo diễn Lê Thanh Sơn: “Tôi không ngại nếu con gái yêu người gần bằng tuổi tôi”
Phan Hiển: “Trước đây tôi sợ làm bố lắm…”
Đinh Trần Tuấn Linh: “Tôi sợ bị đánh tráo con trong viện, sợ con không có đủ lông mày,…”
Minh Hoàng: “Tôi sợ con mình trở thành người đàn bà xương rồng”
Anh Tú: “Các ‘ông con rể’ sau này nên sống tốt và yêu thương con gái tôi, nếu không là mệt mỏi với ông bố vợ này đấy!”
Trình Tuấn: “Đối với nhiều người, tôi là kẻ phản diện trong hành trình nuôi con”

 

Thực hiện: depweb

16/06/2018, 15:10