Điệp luyến hoa và website cổ thi - Tạp chí Đẹp

Điệp luyến hoa và website cổ thi

DELETED

Trong một đêm mưa rỉ rách của Hà Nội mùa thu, tôi chợt nhớ đến câu thơ “Tịch mịch u trái lý/ Chung tiêu thính vũ thanh/…” trong bài Thính Vũ của Nguyễn Trãi.

Sẵn đang dạo trên Net, tôi thử tìm bài thơ đó trong Google. Kết quả dẫn tôi đến một website thật lạ mang tên Thi Viện. Và bài thơ tôi cần tìm có đầy đủ cả chữ Hán, Nôm và Việt nằm trong Thi Viện- một website cá nhân của Đào Trung Kiên. 

Tìm cổ thi ở đâu?

Cổ thi như một thứ tài sản văn hoá vô giá của người Á Đông, giờ đây, những người đọc được chữ Hán, chữ Nôm dần ít đi. Và có một người say mê cổ thi đến nỗi trong máy tính của “hắn”, ngoài những tư liệu phục vụ cho việc học tập về Tin, về Điện, về Tự động hoá, ngoài những công thức, những con số khô khan, lại còn có rất nhiều bài thơ cổ do hắn sưu tầm được. 

Kiên đã từng tham gia một số diễn đàn về cổ thi, nhưng hắn không thỏa mãn khi thấy chúng ít tính linh hoạt trong việc lưu trữ và tìm kiếm dữ liệu thơ cổ. Và Kiên đã tự mày mò, dựng lên cho mình một website không đơn giản chỉ là diễn đàn, mà phần chính của nó là nơi tìm đến của những thành viên yêu thơ cổ.

Họ sẽ tự post các bài thơ cổ quý giá mà họ sưu tầm được, và chia sẻ thứ tài sản hiếm có ấy của mình với những người cùng quan tâm hay cùng sở thích cổ thi với mình.

Nếu xét về cổ thi, Thi Viện (http://annonymous.online.fr/Thivien/) hiện là trang lưu trữ đầy đủ nhất, cả cổ thi Việt Nam, Trung Quốc, và Nhật Bản, tất cả đều dược phân loại khá chi tiết.

Trong 7.000 bài hiện nay có trên Thi Viện thì có 2.500 bài thơ chữ Hán, 3.500 là thơ mới của Việt Nam (số còn lại là thơ Nôm và một số thơ của nước ngoài). Khác với thơ hiện đại, có thể đưa bài lên một cách nhanh chóng và dễ dàng, việc đưa một bài thơ chữ Hán vào Thi Viện đòi hỏi khá nhiều công đoạn: bản Hán văn, phiên âm, dịch nghĩa và tìm các bản dịch thơ, cộng thêm những thông tin liên quan đến bài thơ đó cũng không dễ dàng chút nào.

Những điều đó đòi hỏi người sưu tầm phải có một niềm say mê thực sự. Người yêu cổ thi sẽ tìm thấy ở đó những bài thơ chữ Hán, Nôm, Việt và các dị bản của các tác giả như: Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Huyền Quang thiền sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ… đến những bài thơ Pháp, Nga, Anh… và thơ đương đại Việt Nam.
 
Chia sẻ là cho và sẽ được nhận

Trước kia, khi các từ điển tiếng Hán online chỉ đếm trên đầu ngón tay thì chính hắn đã là một trong những người đầu tiên tung Từ điển Hán Việt lên mạng tại địa chỉ http://annonymous.online.fr/HVDic/ do chính tay hắn nhập hơn 15.000 từ vào từ điển, chỉ với mong muốn sẽ giúp cho mọi người dễ dàng hơn trong việc tiếp cận chữ Hán.

Sau rồi do quá bận, hắn không thể làm tiếp nữa nhưng đã cung cấp dữ liệu cho một số người muốn làm tiếp.

Hắn lại một mình theo đuổi xây dựng Thi Viện. Giờ đây, Thi Viện không phải chỉ của riêng hắn mà nó còn là địa chỉ thân thuộc của hàng trăm thành viên thường xuyên truy cập.

Có lần hắn tranh thủ giờ nghỉ 5 phút trong lớp học, hý hoáy gõ bài thơ của Văn Cao: “Thời gian/ qua kẽ tay /làm khô những chiếc lá/ kỷ niệm trong tôi/ rơi /như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn”. Hắn chợt thấy như có người đang theo dõi mình, giật mình quay lại phía sau, hoá ra là thầy giáo đang đứng xem hắn làm gì.

Với hắn, net chỉ là một mặt phản chiếu của xã hội, phản ánh những gì xã hội đang có, chỉ có điều, những thứ nó phản ánh rõ nét và gay gắt hơn những thứ khác. Một người lên mạng không dễ để biến thành người hoàn toàn khác như nhiều người vẫn chỉ trích.

Chính quá trình quen biết và tìm hiểu lâu dài sẽ làm cho không ai có thể giấu được mình. Mọi thứ đều nên nhìn theo hai chiều. Và ngay cả chia sẻ, cũng phải mang nghĩa hai chiều: nếu bạn cho đi, không mưu cầu gì hết, nhưng chắc chắn, trong thời điểm nào đó, bạn sẽ được nhận lại những thứ có thể là hữu hình, và có thể là vô hình ở một mức độ nào đó.

Các diễn đàn và blog mọc lên như nấm sau mưa chính là những hình thức, phương tiện hữu hiệu cho mọi người chia sẻ ý kiến, kiến thức và cập nhật thông tin xã hội, chia sẻ tâm tư tình cảm với nhau.
 
Chả rỗi hơi đâu!

Tên Trung Kiên, rõ là “manly”, nhưng nick của hắn thì nhộn nhộn nhạo nhạo nào là Annonymous trên TTVN, nào là Umbala trên Wikipedia, nào là Điệp luyến hoa. Ái dà, cái nick nghe sến đặc. Hắn tự phân trần: đó là cái tên của một điệu Từ cổ.

Giao diện blog của hắn, sao loè loẹt thế, bướm và hoa, thì đó, Điệp luyến hoa mà! Miễn sao mình chả sến đặc là được. Chứ cứ suốt ngày sin với cos, nào thì lý thuyết Control+FLC+GA vào đầu, khéo đầu mình thành máy mất, hắn lại xả hơi bằng cách chăm chút cho Thi Viện, đọc bài của các thành viên gửi lên, sửa chữa từng dấu chấm dấu phẩy, từng sự chính xác của nội dung, tìm tòi các tư liệu, dữ kiện xung quanh một bài thơ cổ và post lên website.

Hắn cũng chả giàu có gì cho cam. Cũng kiết xác ra đấy như mấy người bạn học. Có hôm mấy anh em góp tiền đi chơi, đến thành phố ở Đài Loan nơi hắn trọ học chả thấy gì lại góp tiền nhảy xe về, chỉ mang theo được một chai Mao Đài 45 độ.

Bảo hắn rỗi hơi ư? Bảo hắn là rỗi việc và vạch áo cho người xem lưng ư? Hắn chả nghĩ gì đâu. Với hắn, thơ ca cũng là một hình thức giải trí, tương tự như văn học, phim, hay hội họa và âm nhạc, sách báo. Đó là một phần tri thức mà nhân loại đã tạo ra, mỗi người có những gu riêng thích hợp với mình.

Hắn cũng chẳng mấy khi chỉ trích những gì hắn không thích. Cái gì nếu muốn người ta không biết, thì hãy không nên làm, còn đã làm, thì không sợ người ta biết, yêu ghét là quyền cá nhân.

Chưa đủ đâu, hắn – tay Kiên ấy, còn kêu rằng: chính thơ ca lại phải chia sẻ sự quan tâm của hắn với những thứ khác nữa chứ hắn không chỉ suốt ngày “thi” với lại “viện”, nhưng, chắc chắn, hắn sẽ theo đuổi Thi Viện đến tận cùng của cuộc đời và rất mong Thi Viện ngày càng có nhiều thành viên xây dựng chia sẻ những bài thơ, những tư liệu quý giá./. 

Thực hiện: depweb

28/11/2006, 12:13