Điện ảnh thời… tôi muốn: Đạo diễn chỉ GẬT và LẮC cũng ra tiền - Tạp chí Đẹp

Điện ảnh thời… tôi muốn: Đạo diễn chỉ GẬT và LẮC cũng ra tiền

Giải Trí

Tương lai là ngày mai, là 5 năm, 10 năm, 20 hoặc 100 năm nữa. Ai cũng biết tương lai… ở đó, nhưng phác thảo về nó, không hề đơn giản. Bởi song hành cùng những háo hức, thú vị về tương lai, người ta không tránh khỏi  trăn trở.

Nhưng tại sao cứ phải nghĩ về tương lai? Vì có lẽ A.Einstein nói đúng:“Đôi khi tưởng tượng còn quan trọng hơn cả hiểu biết” (Imagination is more important than knowledge). Chính sự tưởng tượng sẽ tạo nên tương lai!

Đó là lý do, đầu năm mới, Đẹp mời bạn đọc cùng du hành trên những chuyến tàu đến tương lai.

Đọc thêm:

“Thì tương lai” của nhạc đại chúng: Tha hồ mà “nghịch nhạc”!

“Thì tương lai” của điện ảnh: Nhà nhà là phim trường…

Sách và tương lai – Ebook biến mất trước?

Đạo diễn trong tương lai sẽ chẳng cần chạy theo máy quay, cũng không phải lăn lê ngoài phim trường nữa, mà chỉ cần gật và lắc, bởi có cả một ê kíp trợ lý hùng hậu hỗ trợ. Anh ấy nhiều thời gian rảnh, nên nếu phải chạy theo, chắc chỉ chạy theo nhà sản xuất, và rủ ông ấy đi tập thể hình, vào các tiệm spa. Thảm đỏ của tương lai, vì thế, không còn những đạo diễn thô ráp và nhếch nhác. Khi ấy, tất cả chúng ta đều đẹp.

Điện ảnh có khi chẳng còn trên màn ảnh

Tương lai điện ảnh có khi chẳng ở trên màn ảnh nữa. Nếu như cuộc sống này quả thật là một bộ phim của thượng đế. Vậy nên tôi nghĩ đến một bộ phim mà ở đó, đạo diễn có thể “thả” nhân vật của mình vào một cộng đồng nào đó, đưa cho nhân vật những tính cách nhất định, hoặc một số phận biết trước để họ sống và phát triển. Khi ấy, camera phải đủ lớn để tạo ra những đại cảnh, thậm chí, nó phải quay 24/24 giờ.

Cảnh quay trong phim “Siêu nhân X”

Tất cả khán giả có thể xem bộ phim từ khi nó bắt đầu, cùng đạo diễn theo dõi nó mỗi ngày. Người giàu có sẽ bỏ tiền thuê, xem những nhân vật hay, giống như hiện tại mấy cái “farm” (nông trại) ở trong game, nếu có tiền thì nuôi con mạnh, nếu ít tiền phải chấp nhận nuôi cái dở hơn. 

Đạo diễn lúc đó chỉ là người đưa ra format, còn khán giả có khả năng tương tác với nhân vật, với cốt truyện nhiều hơn. Thậm chí, họ tham gia mà không biết mình đang tham gia vào tiến trình chung của câu chuyện. Ở thời điểm đó, tưởng như mỗi người đều có thể tạo ra một bộ phim cho riêng mình, nhưng đạo diễn vẫn có vai trò rất lớn. Sự dõi theo nhân vật và sự phát triển của nhân vật phải nhiều hơn cách làm phim truyền thống. Bởi bạn biết đấy, khi tạo ra một tính cách, đồng thời phải tạo ra một sự kiện và để chúng tương tác, sự phát triển ấy luôn là tùy ý. 

Nhưng khán giả khi ấy giỏi hơn hiện tại rất nhiều. Cách làm phim của tương lai sẽ tạo cho khán giả nhiều quyền tương tác hơn, họ thậm chí sẽ cùng sáng tạo, nhưng không đoán được câu chuyện sẽ xảy ra theo hướng nào. Họ tự đặt các góc nhìn của mình để dõi theo câu chuyện chứ không cần người quay đặt máy cho họ nữa. Đạo diễn giữ vai trò chủ đạo, nhưng với khán giả, tất cả cùng sáng tạo để tạo ra một bộ phim chung. 

Đạo diễn ở tương lai cũng có thể không phải chạy ra trường quay hay chạy theo máy quay như hiện tại, mà chỉ ngồi bán những chi tiết, tình huống và tư vấn cho khán giả về một bộ phim họ muốn. Đạo diễn càng ngày càng bị đòi hỏi làm việc tinh vi hơn, đến mức, người xem không biết bàn tay đạo diễn là ở đâu nữa. Một nền điện ảnh đầy bất ngờ thú vị!

Mọi chuẩn mực sẽ bị xóa bỏ

Mọi điều ở tương lai đều có thể xảy ra, đặc biệt phim ảnh là thứ phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Nên tương lai, chẳng cần xa, chỉ cần 5, 7 năm nữa đã khác xa bây giờ. Phòng chiếu tại gia hiện nay đã có. Sẽ có những phòng chiếu trên internet, các khán giả có thể xem chung một bộ phim trên đó, nhưng có cơ hội nắm bắt rõ cảm xúc của nhau, có thể trò chuyện cùng nhau ngay sau bộ phim. Tương lai gần, chuyện thu tiền ở từng địa điểm riêng lẻ không phải là sự tưởng tượng nữa.

Khán giả sẽ ngày càng có nhiều thái cực, vì con người tự do hơn, nên có những khán giả cực kỳ khó tính, cũng có những khán giả rất dễ tính. Một ngày nào đó, những clip như của Kenny Sang cũng có thể “đốn gục” một lớp khán giả, bởi cuộc sống ngày càng căng thẳng, người xem đơn giản cần một thứ để cười. Nhưng cũng có những khán giả cực khó tính, đòi hỏi những bộ phim nhiều suy tưởng, nhiều điều khác biệt. Khi xã hội ngày càng tôn trọng sự cá nhân hóa hơn, các chuẩn mực đều bị xóa bỏ, con người sẽ được sống với những điều họ thực sự muốn. Mọi câu chuyện của giải trí hay nghệ thuật vì thế cũng đi theo xu hướng phục vụ những mong muốn riêng tư của con người.

Các ngôi sao hiện tại đang bán những giờ làm việc và sức sáng tạo của từng giờ làm việc ấy, nhưng tương lai, họ sẽ bán hình ảnh hay “license” như môi, mắt, miệng của mình. Chẳng hạn, Angelina Jolie sẽ bán cái miệng, bán tính cách hay giọng nói của cô ấy cho một dự án nào đó. Các nhà sản xuất sẽ phát triển từng “option” (phương án) để kiếm tiền từ những thứ rất riêng, rất nhỏ như vậy. Ngôi sao khi ấy sẽ có “đời sống” (danh tiếng) dài hơi hơn, được sống bằng nghề lâu hơn. Thay vì hiện tại chỉ đóng phim, đóng quảng cáo, sau này, họ có thể sống sung túc bằng một câu thoại độc, nếu bán được cho các thiết bị điện tử như nhạc chuông, nhạc chờ. Các ngôi sao sẽ được tận thu nhiều hơn.

Đồng nghĩa, các đạo diễn cũng được sung sướng hơn. Các hiệp hội được ra đời, sự sáng tạo của nghệ sĩ nói chung và đạo diễn nói riêng sẽ được thừa hưởng thành quả sáng tạo dài lâu chứ không kiểu “chớp nhoáng” như hiện tại. Đạo diễn, nhạc công, nhạc sĩ không lo “đói” khi “về hưu” nữa. Khi đó, có thể nhiều người sẽ dùng tiền xây dựng một cái gì đó bất tử, chẳng hạn một ngôi trường đào tạo tài năng, những quỹ giáo dục và buổi tiệc nghề nghiệp thực sự hữu ích, mà không cần tiền tài trợ.

Cảnh quay trong phim “Siêu nhân X”

Dũng “khùng” sẽ điệu hơn, và ai cũng đều long lanh hết cả

Còn riêng tôi (Dũng “khùng”), 30 – 40 năm nữa có thể sẽ điệu hơn bây giờ nhiều lắm. Hòa chung nhịp sống của loài người ngày càng biết yêu bản thân và ý thức cho mình nhiều hơn, tôi, từ một người không biết mặc vest, giờ đã sắm những bộ vest riêng cho mình. Nên tương lai, việc Dũng “khùng” có stylist riêng có khi chẳng lạ, thậm chí một dịp nào đó còn xuất hiện với bikini để giải tỏa năng lượng cho chính mình. 50 năm nữa, sẽ có những đạo diễn giỏi chả làm gì cả, chỉ cần ngồi một chỗ gật và lắc, vì có vô số trợ lý. 

Nhóm trợ lý thì ngồi suy nghĩ và đưa ra các phương án, căn cứ theo cái gật hay lắc của đạo diễn mà quyết định. Còn có một số ông đạo diễn cái gì cũng phải làm, từ nấu cơm, đóng phim, cho đến quay phim. Sự tự do của tương lai không còn giới hạn ai muốn sáng tạo. Nhưng sự phân chia sẽ ngày càng rõ ràng hơn, khoảng cách giữa các tầng bậc ngày càng rộng hơn. Ngược lại, sự nỗ lực của người làm sáng tạo được yêu cầu cao hơn gấp nhiều lần.

“Cả xã hội sẽ là một thảm đỏ lộng lẫy, trên đó toàn ngôi sao. Và showbiz như vậy, kể cũng là lành mạnh lắm! Lúc đó, đạo diễn đẹp, tuyển diễn viên cũng đẹp. Cuộc sống xem ra, chẳng còn lo lắng nào!…”
Khi đạo diễn không phải dành toàn bộ thời gian sau máy quay, ông ấy chỉ cần xem xét các chọn lựa để quyết định đặt bộ phim nào. Ông đạo diễn rảnh rỗi, khi ấy, nếu phải chạy theo, chỉ phải chạy theo các nhà sản xuất. Nhưng cứ tưởng tượng xem, khi công nghệ làm thay con người nhiều việc, thì cả hai ông ấy (đạo diễn và nhà sản xuất) đều rất rảnh. Họ sẽ dắt tay nhau cùng đi tập thể dục, vào các spa. Thế rồi họ đều đẹp long lanh chứ không sần sùi, thô ráp như hiện tại.

Có câu: “thằng” thông minh chế tạo ra các công nghệ ngày càng cao chỉ để phục vụ những kẻ lười biếng và ngu dốt. Nhưng tôi lại nghĩ, người bình thường trong tương lai sẽ không lười biếng và ngu dốt, họ sẽ có thời gian rảnh do máy móc trợ giúp, cùng dắt nhau đến các trung tâm thể dục, spa như ông đạo diễn và sản xuất nọ. Họ đều đẹp lên, và cả xã hội sẽ là một thảm đỏ lộng lẫy, trên đó toàn ngôi sao. Và showbiz như vậy, kể cũng là lành mạnh lắm! Lúc đó, đạo diễn đẹp, tuyển diễn viên cũng đẹp. Cuộc sống xem ra, chẳng còn lo lắng nào!

 
Bài: Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

logo

Thực hiện: depweb

30/12/2014, 11:36