Đi trong mộng - Tạp chí Đẹp

Đi trong mộng

DELETED

Có một chứng bệnh không hiếm hoi lắm nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, chưa có cách chữa nhưng gây ra bao chuyện khóc – cười. Ấy là bệnh mộng du.

Đêm sâu dần. Những chú dế đã vào hang, thôi ca bài ca nỉ non gọi bạn tình. Cả nhà đã ngủ say. Cô gái lẳng lặng ngồi dậy, vén màn, lấy chìa khoá treo trên cột, lách cách mở cửa, bước ra ngoài.

Tiếng động làm ông bố thức giấc. Ông bấm tay bà mẹ rồi cả hai nhón chân, len lén theo cô ra sân, ra cổng. Cô vụng trộm hẹn hò một chàng trai nào chăng? Hai ông bà hồi hộp đến đứng tim theo dõi từng động tác của cô.

Nhưng không. Cô đi lòng vòng một hồi quanh sân rồi quay lại giường, chui vào màn ngủ, quên cả khóa cửa. Hai ông bà chẳng nói năng gì, chỉ lắc đầu và cũng lại lên giường ngủ tiếp. Họ đã quá quen với hành động của cô vào ban đêm như thế, tuy mỗi lần “lộ trình” của cô không giống nhau.

Cô mắc một chứng bệnh rối loạn giấc ngủ, gọi là bệnh mộng du. Ngôn ngữ các nước đặt tên cho chứng bệnh này khá giống nhau. Ngoài từ “mộng du” (chơi trong mộng), người Trung Quốc còn gọi là bệnh “miên hành” (đi khi ngủ), người Anh gọi là “sleepwalking” với cách ghép từ hoàn toàn có nghĩa như thế.

Diễn biến của mộng du

Trường hợp “đi trong mộng” của cô gái nói trên là trường hợp đơn giản nhất. Hành động của người mộng du đa dạng và kỳ quái hơn nhiều. Tuy nhiên, mộng du có những nét chung. Nó hay xảy ra vào khoảng 1/3 đầu tiên của thời gian ngủ trong đêm, khi ai nấy đều rơi vào giấc ngủ sâu nhất.

Người mộng du về thực chất là vẫn đang ngủ, vì họ thực hiện hành vi trong trạng thái vô thức, hoàn toàn không hiểu và cũng chẳng nhớ được mình đã làm những điều gì. Chẳng hạn một chàng trai độc thân mộng du có thể đang đêm dậy quét lia lịa ngôi nhà của mình đến bóng loáng, sáng ra thấy nhà cửa sạch sẽ cứ băn khoăn mãi và đâm tương tư một cô Tấm nào đó giấu mặt, chắc thầm yêu trộm nhớ mình mới tận tụy thế.

Nét mặt bệnh nhân (tạm gọi như vậy) khi mộng du đờ đẫn, ánh mắt vô hồn, không để ý gì đến người xung quanh vì chỉ hành động theo những gì đầu óc đang chỉ huy mình. Bệnh nhân kết thúc hành động khi tỉnh lại sau vài phút rối loạn ý thức, nằm xuống lại ngủ ngay được.

Một “cơn” mộng du kéo dài từ vài ba phút đến nửa giờ. Người ta có thể làm đủ mọi chuyện trong lúc mộng du: trèo lên cây, đi trên mái nhà, la lối om sòm, ngâm thơ, lái ôtô, ăn và nấu ăn, cởi và mặc quần áo, quan hệ tình dục và cả… gây án nữa.

Thời @, người mộng du còn văn minh đến mức biết bật máy tính, lướt mạng, “meo” cho bạn một bức thư vô nghĩa, đầy những ngôn từ lạ không ai hiểu nổi như trường hợp của một phụ nữ ở Mỹ.

Tuy nhiên, làm gì thì làm, dù đơn giản hay phức tạp, người mộng du không ý thức được việc mình làm.

Mộng du vướng chân ai

Là một bệnh không hiếm lắm, ai cũng từng mộng du một lần trong đời mà bản thân không biết. Nhưng lặp đi lặp lại là bệnh. Xưa chẳng giải thích được, người ta đổ thừa mộng du là do “ma làm”, “quỷ ám” bởi người bệnh có thể làm được những việc phi thường mà khi tỉnh táo chính họ không thể làm được.

Dường như họ bị điều khiển bởi một sức mạnh vô hình. Là “ma quỷ” – người mê tín nghĩ vậy – nên nó dễ dàng bắt nạt bọn trẻ con “yếu bóng vía”. Quả vậy, trẻ em rất hay bị mộng du. Có tới 40% trẻ em bị mộng du vào một thời gian nào đó, kể từ lúc mới biết đi và nặng nhất là từ 3 đến 7 tuổi. Con trai hay bị hơn con gái.

Thời thơ ấu qua đi, nó cũng biến mất dần theo tuổi tác của chúng. Đến tuổi teen, chỉ còn chừng 10%. Lớn lên, chắc hẳn “cứng bóng vía” hơn, ma quỷ cũng “ngại” nên tỷ lệ mộng du ở người lớn chỉ còn chừng 1,5 đến 2%.

Bản thân người mộng du không thể biết là mình mắc bệnh này. Khi được người khác kể lại mình đã làm gì lúc mộng du, họ chối đây đẩy và không tin, vì một việc làm trong cơn mộng du xảy ra trong sự vô thức của họ và không được ghi lại trong bộ não. Chính vì thế, trong một số vụ án, kể cả án giết người mà hung thủ được tha bổng khi các luật sư chứng minh anh ta thực hiện tội ác ấy trong lúc mộng du.

Vì sao mộng du?

Đây vẫn là điều khoa học chưa giải thích, chỉ quy cho “tội danh” là giấc ngủ bị rối loạn. Song người ta cũng tìm được những sự kiện liên quan đến mộng du. Do gen? Cũng có thể vì bộ gen của 50% số người mộng du có chứa một đoạn các nhà di truyền học gọi là HLADQB1*05, nhưng gen này lại không di truyền mà là gen đột biến.

Có thể hoạt động của nó làm tê liệt hệ thống thần kinh khiến lúc mộng du người ta khó tỉnh lại. Do nguyên nhân tâm lý từ những bất ổn trong đời sống? Có lý lắm vì cơn mộng du thường xuất hiện khi người ta bị những sang chấn tâm lý, lo âu, buồn bực, mất ngủ, stress.

Vì những lý do thực thể? Không loại trừ, vì người mộng du trong khẩu phần ăn thường thiếu magiê, bị nôn trào thực phẩm sau khi ăn hoặc bị phản ứng với những thuốc an thần, đi ngủ khi bàng quang đầy nước tiểu, bị thiếu máu thoáng qua.

Y học hiện đại không đưa mặt trăng vào diện “nghi can”, nhưng thực tế người ta mộng du nhiều vào những đêm trời quang, trăng tỏ.Khi đã nêu đến bấy nhiêu nguyên nhân thì có nghĩa là chẳng nguyên nhân nào chắc chắn. Người mộng du vẫn cứ mộng du.

Mộng du – lợi

Mộng du về bản chất không có gì nguy hiểm, nói lợi và hại chẳng qua chỉ là hậu quả của các hành động khi mộng du. Tất nhiên chẳng ai đặt vấn đề khai thác cái lợi của mộng du dù đôi khi cũng có.

Chẳng hạn anh y tá Lee Hadwin sống ở North Wales (Anh Quốc) nay 34 tuổi, mắc bệnh này từ năm lên 4, bình thường chẳng hiểu gì về mỹ thuật và chưa từng học vẽ nhưng lại là một họa sĩ khi mộng du, được tường thuật trên một đoạn phim của YouTube và trở thành đối tượng của Viện nghiên cứu rối loạn giấc ngủ Edinburg.

Anh vẽ được những bức tranh trong phút xuất thần của cơn mộng du (thường kéo dài từ 20 phút đến 1 tiếng) mà khi tỉnh táo anh vô cùng sửng sốt vì loay hoay đến mấy anh cũng không sao vẽ nổi chúng. Đặc biệt, anh chỉ vẽ tranh đen trắng chứ không bao giờ vẽ tranh màu. Tranh của anh được bán với giá 4.000 đến 5.000 bảng Anh.

Mộng du và sáng tạo, đó là một điều kỳ lạ. Dường như khi Lee Hadwin ngủ, một trung tâm nào đó trên bộ não lại thức dậy và hoạt động.

Và mộng du – hại

Cái hại của bệnh mộng du là chủ yếu vì hành động trong mộng du là vô thức. Trèo lên và đi trên mái nhà, leo lên cây cao… nhiều người trong lúc mộng du đã gặp những tai nạn nghiêm trọng…

Năm 2007, một thiếu niên trèo ra ngoài cửa sổ tầng 4 của một căn hộ ở thị trấn Demmin (Anh) đã rơi từ độ cao 10m nhưng trời thương, không chết, chỉ gãy tay chân và vẫn… ngủ ngon lành. Năm 2005, người ta phát hiện một thiếu nữ ở phía nam London đang ngủ say trên cần câèu cao 40m.

Sợ đánh thức, cô sẽ hốt hoảng mà rơi, lính cứu hỏa phải “bò” lên, lén bỏ ĐTDĐ của cô vào túi để mẹ cô nháy máy gọi cô dậy, rồi người ta hạ cần cẩu tiếp đất để cô xuống cho an toàn. Năm 2004, một phụ nữ Úc trong cơn mộng du đã mò vào giường ông hàng xóm, quan hệ tình dục với ông ta rồi về ngủ tiếp như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Năm 2003, một người đàn ông Pháp mộng du đã vào gara lấy xe phóng ra xa lộ, tông xe vào chướng ngại vật, nhưng may không chết. Mấy trường hợp như thế đủ thấy mộng du là có hại (còn ông hàng xóm kia hơi bị… lợi vì không phải là người mộng du).

Tai nạn chết người cũng không hiếm. Chẳng hạn tháng 5/2009, cô sinh viên Rachel Wark khi mộng du đã nhảy từ cửa sổ phòng ngủ cao 7,5m xuống đất và đã tử vong. Ông già Tarek ở Wisconsin (Mỹ) chết cóng vì đang đêm, cơn mộng du lôi ông ra phố, để ông tiếp tục ngủ trong đống tuyết lạnh.

Một án mạng mang “thương hiệu mộng du”

Cách đây hơn 20 năm, người ta vẫn nhắc đến vụ án Kenneth Parks như một thí dụ về vận dụng pháp luật. Kenneth sống ở Toronto (Canada) bị chứng mộng du và càng nặng thêm khi anh bị mất vệc làm, lại nợ nần vì cờ bạc. Rạng sáng ngày 23/5/1987, trong cơn mộng du, anh lái xe băng qua 23 km đến nhà bố mẹ vợ ở Scarborough, đâm chết mẹ vợ và rượt đuổi cha vợ nhưng may ông chạy thoát.

Kenneth lái xe về, giữa đường tỉnh giấc, rất ngạc nhiên chẳng hiểu vì sao tay mình đầy máu. Anh tâæp xe vào đồn cảnh sát nhờ điều tra hộ lý do. Và anh lập tức bị bắt. Trong phiên xử án, một nhóm chuyên gia gồm các bác sĩ tâm thần, các nhà thần kinh học, tâm lý học… khẳng định Kenneth phạm tội khi đang ngủ nên không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Anh được xử trắng án.

Chăm sóc người mộng du

Nếu trong nhà có người mộng du, bạn đừng để những đồ vật gì có thể gây nguy hiểm trong phòng vì hứng lên, anh ta chẳng cần biết bạn là ai có thể dùng dao kéo để “nghiên cứu” bạn. Đừng mở cửa sổ bởi anh ta có thể khoái chí xuất thần, muốn bay lên làm bạn với trăng sao. Treo chuông ở cửa ra vào để biết khi nào người bệnh muốn lên đường đi… mộng du mà theo dõi.

Trong cơn mộng du, bạn đừng đánh thức người bệnh vì làm họ bối rối, mất phương hướng, bị kích động và lúc đó, họ chẳng biết nể nang bạn đâu. Cứ để họ “phiêu du” dưới sự hướng dẫn nhẹ nhàng của bạn, dìu họ trở lại giường, dỗ cho họ nằm xuống ngủ yên.

Nếu “mộng du viên” là trẻ nhỏ, hãy theo dõi hết sức cẩn thận. Ghi lại giờ trẻ thường mộng du để đánh thức trẻ dậy trước 15 phút, cho trẻ thức chừng 5 phút rồi ngủ lại để xóa “chương trình mộng du” cài đặt trong đầu óc chúng. Nếu trẻ bắt đầu cơn mộng du, bạn hướng dẫn chúng vào toilet, đi vệ sinh chẳng hạn rồi quay trở lại giường yên giấc.

Hầu như chưa có loại thuốc nào chữa mộng du, nhưng các bác sĩ khuyên có thể dùng vài loại thuốc an thần nhóm benzodiazepin hoặc thuốc chống trầm cảm cũng được. Việc thư giãn và trị liệu tâm lý có hiệu quả hơn cả. Bản thân người mộng du cần biết tự sắp xếp cho mình một chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Trước khi đi ngủ tránh dùng đồ uống kích thích, nên xoa bóp, tắm nước ấm, nghe nhạc, thả lỏng cơ.

Bảo Châu

Thực hiện: depweb

18/07/2009, 16:08