“Đi học”: Đẳng cấp hay phá nát? - Tạp chí Đẹp

“Đi học”: Đẳng cấp hay phá nát?

DELETED
Với sự cho phép của các tác giả, Đẹp Online gửi tới độc giả tổng hợp các status hay trên mạng xã hội về sự kiện văn hóa – giải trí đang nóng nhất hiện nay: Tiết mục “Đi học” trong chương trình “Giai điệu tự hào” do nhạc sĩ Quốc Trung dàn dựng và ca sĩ Hải Bột trình bày vấp phải sự chỉ trích gay gắt của khán giả.

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh: 

Cảm giác lần này… anh Trung đang làm gì đó vượt quá việc hỗ trợ một tài năng phát triển tự nhiên. Hải Bột tự nhiên đi giày của người khác làm gì, hát bài mình tự sáng tác, quanh quẩn trái đất tròn, cạn chén rượu kia bằng chất giọng quê quê gần gũi, trọn vẹn với lối sống của mình, hiểu âm nhạc của mình còn hợp…. 

Bản này phối khí cũng không tệ, khá êm dịu, mênh mang. Vấn đề là phần soạn giọng không có gì thú vị và hát không chuẩn (dù giọng Hải Bột luôn hay) thì thành không thuyết phục thôi. 

Việc thử sức đó ok, so với các nội dung âm nhạc… trên truyền hình trung ương hiện nay thì đâu đáng để ầm ĩ. Truyền hình bao cấp sản xuất ra chương trình có không gian cho thử nghiệm vậy là đang trên đà tiến bộ rồi. Đừng thiêng liêng hóa truyền hình bao cấp, làm như trên đó là không gian trang trọng nhất của đời người. Lên đó chỉ là đối diện với thêm nhiều người thích phán xét hơn thôi, chứ không phải đối diện với nhiều người tinh tế hơn… 

Đây là chỉ quan điểm về sự lạm dụng của anh Trung với hình ảnh Hải Bột và cá nhân mỗi người đối diện với tự do lựa chọn của mình thế nào.

Nhạc sĩ Quốc Trung 

Nhạc sĩ Trần Thanh Phương: 

Hòa thanh là phần tạo không gian, mầu sắc cho giai điệu… Và bản phối bài “Đi học” hấp dẫn và rất đẳng cấp chính là vì được thể hiện ở phần hòa thanh. Thú vị nhất là phần giai điệu đã “phải” rất khéo léo luồn lách qua những khe rất hẹp của tuyến hòa thanh này. Chắc chắn các nhạc sĩ làm nghề thấy rất rõ điều này. Cảm xúc khi nghe nhạc, cảm giác vui buồn 80% là được hòa thanh dẫn lối. Không có ý kiến gì về Hải Bột

Về nhịp thì: 2/4 bạn đập vào “hôm”, 3/4 thì bạn đập vào “qua”, vậy thôi. Cảm xúc mỗi người khác nhau khi nghe nhạc, đừng ép kiểu bầy đàn. 

Trong một diễn biến khác: Thời cổ đại người ta ăn thịt sống, xã hội văn minh hơn, người ta nướng chín và có thêm cả trăm loại nước sốt khác nhau. Hòa thanh theo tôi chính là nước sốt. Giai điệu luôn là miếng thịt, có thể ngon, có thể dai, nhưng thường thì không ăn sống được đâu. 

Dũng Joon (nhóm nhạc rock Re-cycle):

Vì sao lại xuất hiện những “nghệ sĩ” sáng tạo kiểu đạo 80% bài của người khác như Sơn Tùng MTP, hay “Anh không đòi quà” của Only C…  bởi vì nhiều khán giả có tôn trọng sự sáng tạo đâu, nhiều khán giả chỉ thích những cái quen tai và cảm tính, và thích được thưởng thức miễn phí.

Cái này cũng như hôi của vậy. Nếu người ta biết doanh nghiệp vất vả thế nào mới tạo ra được số của cải đó và đặt bản thân mình vào vị trí đó, thì chắc đã không xảy ra mấy chuyện hôi của trắng trợn như thế.

Và vì cứ được nuông chiều miễn phí như thế, thì những nghệ sĩ đầu tư công sức cẩn thận cho tác phẩm chắc có gồng hết cả lên cũng không thể nào chạy đua được với tốc độ ra sản phẩm của mấy ông em chuyên đạo nhạc kia. Nó có tốn công nghĩ cái gì đâu ngoài việc ngồi viết ba cái lời nhảm nhí chớp với giai điệu cũ, xong đi nhuộm tóc và tập vũ đạo.

À, trên mạng bây giờ có trò mua beat, mình nghĩ cũng không sao, thay vì đặt hàng riêng một nhạc sĩ phối khí, thì bạn mua cái người ta bán sẵn, cũng vậy. Ít nhất thì vẫn trả tiền minh bạch cho người sáng tạo, nhưng mà dùng nguyên si ý tưởng của người khác thì còn là vấn đề pháp luật nữa.

Chưa kể sáng tạo hay nhưng lạ tai quá còn ăn gạch đá, tất nhiên khán giả có quyền không thích (có lí do hoặc chả có lí do gì), nhưng tỏ ra không tôn trọng và bình luận ném đá cảm tính thì lại là việc khác.

Tại sao à? Tại vì học sinh chỉ được học nhạc qua loa đến lớp 7 thì dừng, giờ học nhạc cũng không có tác dụng giáo dục gì về nhạc lý lẫn cảm thụ âm nhạc, dân mình đa phần lại hay được cái ưu điểm là cái gì biết bằng cái đầu móng tay thì lại hay phẩy tay, ôi giời tôi lạ cái gì, tôi lại chả biết quá… Khẽ nhìn qua tôi đã biết hết rồi thì tôi coi mấy thằng nghệ sĩ học hành tử tế ra cái gì, toàn bọn cần cù bù thông minh công nhân nghệ thuật, sáng tạo dễ thế mà làm gì phải ngồi phòng thu mấy tháng, tôi đi hát karaoke cứ 3-5 phút là xong một bài, không thu lại thì thôi chứ thu lại chả hay.

Vì không biết nên khán giả hay nâng mấy ông em như Yasuy lên hâm mộ vì hát có cảm xúc mà chả cần đầu tư học hành gì. Vì nói thật, ai cũng thích chả cần đầu tư gì cũng được thành công như thế.

Nhìn chung chuyện này cãi nhau chả bao giờ dứt, vì người có lí không thể thuyết phục được cái người không bao giờ thèm quan tâm đến lý. 

L.H (tổng hợp) 

logo

>> Có thể bạn quan tâm: Bột (Nguyễn Công Hải) là người được vị nhạc sĩ vốn được xem là người khó tính, kỹ càng trong âm nhạc và phong cách làm việc Quốc Trung nói rằng: “Tôi không mời Hải Bột vào ê kíp của tôi mà hợp tác với anh chàng nghệ sĩ trẻ này. Tôi muốn là thành viên ê kíp của Bột, chứ không phải muốn anh là thành viên ê kíp của tôi.”

Nhạc sĩ Quốc Trung 

Nhạc sĩ Quốc Trung 

Nhạc sĩ Quốc Trung 

Thực hiện: depweb

04/06/2014, 16:30