Sự xuất hiện của 6 khách mời: nhà thơ Vi Thùy Linh, họa sỹ Đào Anh Khánh, ca sỹ Tùng Dương, liền chị quan họ Thúy Hường, NSND Đàm Liên và họa sỹ Đức "nhà sàn" với những trạng thái tột cùng, những ẩn ức và thăng hoa của "nghiệp", thực sự là một món quà đặc biệt của DFS dành cho khán giả và những người yêu thích nghệ thuật. Nói như đạo diễn Phạm Hoàng Nam: "Họ là những người mẫu “đẳng cấp” nhất mà chúng tôi có được!"…
1- Vi Thùy Linh cho biết, mười ngày tập trung cao độ chuẩn bị tập, diễn ở DFS làm Linh out hẳn khỏi thế giới thông tin.
Đi theo giúp Linh có 5 trợ lý, cô đã mất 1,3 triệu cho khuyên tai, vòng, nhẫn, giày, tất… mới tinh để dành diễn DFS.
Nhà thiết kế Hà Linh Thư dành cho Linh chiếc váy trắng trong bộ sưu tập “Thiếu nữ mong manh”. Không mong manh, Linh luôn thích dấn thân, khám phá mình ở những “sự đầu tiên”. Lần đầu tiên trên thế giới, một thi sỹ trình diễn trên sàn catwalk. Điều đó khiến Linh xung động ngay từ khi được mời tham gia DFS 5.
Mái tóc xù, mặt được hóa trang rất liêu trai, Linh xuất hiện mãnh liệt với váy trắng, tất đen, vòng đỏ, khi tiếng thơ vang lên những lời tình say đắm- "Ngày Linh". Hiệu quả âm thanh khuếch tán giọng đọc “dẫn ra” một nàng cô đơn, khát khao sáng tạo trong viết và yêu.
Linh bắt đầu làm động tác đưa hai tay lên thái dương, vào trái tim rồi “nở” tung những ngón tay ra bốn phía như muốn dâng hiến ngôn ngữ, vẻ đẹp tinh thần từ toàn bộ con người mình cho người yêu, cho công chúng đón tình yêu thi ca – cuộc tình tự của số phận.
Thời trang và thi ca đều tìm kiếm, sáng tạo trên chất liệu của mình để tạo ra vẻ đẹp vì con người. Những người thực hiện DFS cực kỳ thông minh, biết tận dụng tài năng và thương hiệu của các nghệ sỹ. DFS 5 chính là món quà sinh nhật sang trọng nhất, dấu ấn khác lạ nhất trong đời tôi từ trước đến nay.
Tháng 4 mùa anh đào loa kèn nở, tháng 4 của Linh in love, tháng của những bầy cá, kiến sinh sôi, tháng mà W. Shakespear sinh ra và để lại những kiệt tác tình yêu bất hủ. Không bao giờ diễn, tôi truyền tới mọi người xúc cảm đắm say, dữ dội theo cấp số nhân sau 12 năm cầm bút, bùng nổ vào tháng của DFS 5!
2- Sau Đáo xuân 5 tại Gia Lâm trang, Đào Anh Khánh lại tái xuất tại DFS 5.
Vì mỗi buổi tập DFS mà anh lại chạy ô tô hơn 50km từ Hòa Bình về Hà Nội, vội đến mức chiếc Suzuki đen bị nổ lốp vào chiều 5/4. Đào Anh Khánh tập luyện rất kỹ lưỡng, thêm vào đó, phần hóa trang của anh rất công phu. Họa sỹ Đinh Quân phải giúp phụ quét sơn trắng lên toàn bộ thân thể của Đào Anh Khánh.
Mái tóc được xịt keo dựng đứng, mặc underwear màu đỏ, Khánh lao ra với chiếc khăn choàng vàng náo động. Vốn sở trường về các động tác múa biểu diễn hình thể rất chuyên nghiệp, anh truyền tới khán giả cảm giác hoang dại, sự bí ẩn, trong bản năng tột cùng của loài người.
Tôi chưa bao giờ có cảm giác thành công trong buổi diễn của mình nói chung. Vì những gì làm ra, không bao giờ có cảm giác hoàn hảo. Ở DFS lần này, không phải bởi vì như người ta nói là tôi là phải gắn với lửa và ánh sáng đâu, mà sự thực điều đáng nói đến là ánh sáng sân khấu không được hợp lý lắm, cho dù đã có sự cố gắng đầu tư.
3- Dọc hành lang tối om, tình cờ gặp 3 "ma" đeo mặt nạ, mặc đồ trắng toát, nhưng lại ngồi vắt chân chữ ngũ với vẻ rất… thư giãn. Chàng ca sỹ Tùng Dương đang đứng trong bóng tối, nhìn 3 ma với vẻ rất "ngưỡng mộ".
Kêu: Dương ơi, phiêu đi! Ngay lập tức, Tùng Dương dựa ngay vào thang máy, phiêu luôn suýt nữa thì… thăng! Khi hỏi về DFS 5, Tùng Dương hồ hởi khen không tiếc lời, rằng đây quả là một chương trình quá hoành tráng, đầu tư kỹ lưỡng, trang phục gần sát với nội dung của chương trình, ý tưởng táo bạo. Nếu có thời gian nhiều hơn nữa, sẽ chắc chắn không dừng lại ở đó!
Khi Tùng Dương diễn, gương mặt được hóa trang đậm nét, nhấn mạnh yếu tố tâm linh, thần bí, hơi ma quái, và cực kỳ hứng khởi với vai trò mới của mình. Ấy nhưng, sau đêm diễn, người ta lại bảo Tùng Dương cầm một tờ giấy, miệng hát thì thầm nom như một chàng thi sỹ hơn là ca sỹ, nhưng được cái, khuôn mặt thì biểu cảm một cách quá…"phê"!
Tôi muốn diễn với tất cả tâm hồn mình, những lúc thăng hoa trên sân khấu như thế nào, thì ở đây cũng vậy. Bản nhạc tôi cầm trên tay như một biểu thị của nghề nghiệp, rồi đóng vai một bóng ma ca sỹ lờn vờn, vật vờ thốt ra những tiếng hát không lời.
Tôi rất khoái khi nhận được vai diễn này, cho dù chỉ xuất hiện có vài phút, nhưng trên một sân khấu đặc biệt: Sân khấu thời trang!"
4- Liền chị quan họ Thúy Hường thong thả với yếm thắm, nào là lụa đào, nào là đôi dép hài mũi cong cong, nào là khăn mỏ quạ, nào là nón quai thao… Cơ mà chả phải để cất tiếng hát "người ơi người ở đừng về" giao duyên với liền anh nào, mà là để bước những bước chân đủng đỉnh, khoan thai trên sàn catwalk.
Sự xuất hiện của nhân vật liền chị Thúy Hường rất đằm thắm, dịu dàng, nhưng sâu đậm, như vốn bản chất của khúc dân ca quan họ, thể hiện đúng ý đồ của đạo diễn muốn các nhân vật nghệ sỹ đang chơi vơi trong miền âm vọng.
Cho dù chiều cao hoàn toàn không phải quá quan trọng với các nghệ sỹ khách mời này, nhưng cũng phải công nhận thêm rằng, với đôi hài mũi vểnh khoảng 20 phân nữa, thì số đo 1m64 của Thúy Hường cũng trở nên quá ổn.
Không như NSND Đàm Liên có xe Ford của BTC đưa đón, Thúy Hường không có trợ lý, tự hóa trang và tài xế riêng là người em trai đưa đón bằng chiếc xe Ford của chị, đi 80km/ngày từ Bắc Ninh- Hà Nội, trong 4 ngày tập, diễn.
Tôi vẫn là tôi như trước, và tôi tự hào bởi mình đã đem lại phong cách quan họ trong DFS 5- nó không lẫn được vào đâu, nó là bộ trang phục đặc sắc của văn minh sông Hồng, lãng mạn và tình tứ không chỉ nhằm mục đích diễn thời trang, mà còn nhằm diễn tả nội tâm người Kinh Bắc.
Hơn nữa, qua DFS lần này, tôi nghĩ sự tự tin của mình tăng lên rất nhiều, còn hỏi vì sao mà DFS chọn tôi, có thể là do tôi có hình thể cân đối đấy!
5- Sự xuất hiện của NSND Đàm Liên, người mà cả cuộc đời gắn với môn nghệ thuật tuồng của dân tộc làm cho không ít người ngạc nhiên và tò mò, không biết bà sẽ diễn vai gì trong một show thời trang. Cũng không ít người cảm thấy bâng khuâng khi được nhìn thấy một nhân vật của kịch hát dân tộc tưởng như "quá xa xưa" với lớp người được gọi là hiện đại.
Trong DFS lần này, NSND Đàm Liên với tiếng cười khanh khách hoang vắng, man dại, tiếng cười như xé con tim, rồi bà chạy kiểu phi vó ngựa, và cuối cùng là vứt tung ông già ra khỏi người mình.
Sự giằng xé nội tâm qua tiếng cười của người nghệ sỹ quá nhập thần bỗng như làm toàn bộ khán đài im phăng phắc, rồi mọi người như chợt bừng tỉnh cơn mê và cảm nhận được nỗi đau của người nghệ sỹ.
Tôi không dám nói thành công hay thất bại, nhưng tôi muốn bạn thử nghĩ xem, tột cùng đau khổ của con người là gì? Sau tiếng khóc, sau tận cùng của nỗi cô đơn của một người nghệ sỹ nói riêng và của con người nói chung, phải chăng là tiếng cười?
Cảm ơn DFS đã cho chúng tôi có cơ hội để biểu diễn những khoảnh khắc, phút giây thăng hoa tột đỉnh trên sân khấu thời trang, một sân khấu thật đặc biệt.
6- Họa sỹ Đức "nhà sàn" lần đầu tiên biết diễn là như thế nào. Anh bẽn lẽn đến nỗi không dám mời người nhà đi xem, vì "ngượng", sợ người thân nhìn thấy lại không diễn được. Trong DFS, Đức đóng vai linh hồn của một họa sỹ, ngồi lên một chiếc ghế cổ tượng trưng cho sự ổn định, vững chắc.
Anh tự bôi vệt sơn đỏ trên trán, mặc một bộ quần áo thời trang màu đen tuyền, khuôn mặt biểu lộ sự chán nản, băn khoăn, day dứt và suy tư đến mức kinh sợ rồi quyết định rời bỏ cái ghế đó trong tâm trạng đau đớn.
Điều mà Đức muốn thể hiện qua vai diễn thời trang của mình đó là sự dứt bỏ những thứ đã già cỗi, xơ hóa trong lòng mình, để vươn tới một sự tìm tòi mới mẻ ở nơi chốn vĩnh cửu.
Thời gian dành cho các nghệ sỹ hơi ít, giá dài thêm vài phút nữa thì sự nhận thức của khán giả về màn diễn này sẽ rõ ràng hơn.
Dù sao, DFS đã làm được một việc đó là ý tưởng rất hay: một nghệ sỹ thực sự, không phải là làm cho đối tượng đến xem thỏa mãn mà là thực hiện được ý tưởng của chính mình, xây dựng một quan niệm, một hình ảnh độc đáo của riêng mình và để cho người xem toàn quyền đánh giá thích hay không thích.