Devon Nguyễn là cái tên được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây, nhất là đối với những ai quan tâm đến giới thời trang Việt. Hiện tại, Devon đang lang thang ở Hà Nội, dành thời gian bên gia đình và chuẩn bị cho một dự án nóng hổi: Mở cửa “đại bản doanh” của thương hiệu Devon London.
Chúng tôi gặp nhau ăn sáng, uống cà phê vỉa hè, lang thang phố phường, đến khu trung tâm mua sắm, vào những cửa hàng bán đồ Trung Quốc, đến thăm những cửa hàng hiệu và cuối cùng “đóng quân” tại một quán cà phê yên tĩnh tránh nắng nóng và buôn chuyện. Devon không có khiếu dẫn chuyện nhưng có tài lắng nghe và góp chuyện.
Sau
Đẹp Fashion Show năm ngoái, chương trình mà cô bị xem là “lính mới”, Devon có thêm nhiều kinh nghiệm về làm thời trang ở Việt Nam. Cô quay trở lại Anh ngay sau khi show diễn kết thúc và cũng là thời điểm cô thật sự biết mình muốn gì.
“Đứng sau cánh gà xem người mẫu diễn bộ sưu tập của mình không phải là mới đối với tôi. Nhưng cũng cùng một sự kiện như vậy mà ở Việt Nam, tôi cảm thấy những bộ quần áo người mẫu đang mặc và đi lại trên sàn diễn kia mang nhiều áp lực đến cho mình hơn, những áp lực bắt nguồn từ sự tiếp nhận của khán giả. Những áp lực này làm mất đi tính tự do và cái “ngang nhiên tung hoành” của nhà thiết kế, đâm ra những sản phẩm thời trang cứ đánh đố và mang kiểu suy nghĩ “tùy thời”, ít nhất là ở phương diện làm show. Nhưng đồng thời, sự khó khăn từ phía khán giả khiến nhà thiết kế hiểu thị trường hơn.”
“Tôi cho rằng khán giả chờ đợi những thiết kế mang tính thời trang nhưng lại không thực sự hiểu thời trang là gì, thậm chí tôi đoán có khán giả không biết mình thuộc phong cách và thích phong cách thời trang gì. Khán giả mong muốn và tìm mọi cách để xem nếu nhà thiết kế mắc lỗi và làm thế nào để đánh một đòn chí mạng vào họ. Trong khi, tôi nhận thấy ở Anh chẳng hạn, môi trường hoạt động rộng hơn và chắc chắn khắc nghiệt hơn nhưng khán giả bày tỏ sự tiếp nhận những sáng tạo của nhà thiết kế trên phương diện tôn trọng và khách quan. Tôi nghĩ khó nhất là định hình vị trí, chức năng và giá trị của sự sáng tạo. Khán giả nên đề cao tính sáng tạo của nhà thiết kế, dù mức độ sáng tạo đến đâu.”
“Tôi quyết định về Việt Nam làm show lần thứ hai với một mục đích khác nữa là tiếp cận thị trường. Tôi nghĩ một cách đơn giản thế này: Một người hiểu thời trang sẽ không mặc một cái váy quá rộng vì nó sẽ làm mất đi những đường cong cơ thể, nhưng sẽ không mặc một cái váy quá chật vì nó sẽ làm trầm trọng thêm những nhược điểm của vóc dáng. Khi nhà thiết kế và khán giả gặp nhau ở cùng một điểm, tôi nghĩ lúc đó thời trang sẽ thực sự thăng hoa. Nhà thiết kế tôn trọng khán giả trong những thiết kế của họ, không đánh giá thấp khả năng am hiểu thời trang của họ và khán giả tiếp nhận những sáng tạo của nhà thiết kế một cách khách quan và bao dung. Tôi thực sự muốn nhìn thấy sự cân bằng trên hai phương diện này.”
Chúng tôi dạo quanh rất nhiều cửa hàng mà chẳng mua gì. Devon thích ngắm những sản phẩm được làm ra từ những hãng thời trang đại chúng và giá rẻ. Chúng tôi tấp vào một cửa hàng nhỏ ven đường chuyên bán đồ Trung Quốc may sẵn và xem những món hàng hiệu “đểu” rẻ đến bất ngờ. Cô cầm một chiếc áo “nhái” y hệt Chloé và bảo tôi “Cái này chắc chỉ mất 5 phút để cắt và tiền vải không quá 50 ngàn.” Cô mua vài món phụ kiện lặt vặt cho em gái nhỏ trong khi tôi tậu một tá áo phông ba lỗ để đi tập gym.
“Tôi thích thiết kế các mẫu vải và thích nhất khâu chọn vải. Tôi nghĩ vải là linh hồn của một sản phẩm. Cũng cắt cúp như vậy, đường may như vậy nhưng với chất liệu vải đẹp, tốt và phù hợp, thần thái của thiết kế thay đổi hoàn toàn. Hiện tại tôi đang thực hiện một loạt vải in hoa mới và tôi thực sự rất hồi hộp khi xem sản phẩm thực tế.” Devon nói khi chúng tôi dừng chân uống cà phê trên một con phố sang trọng của Hà thành, nơi tập trung của rất nhiều hàng hiệu.
Devon đặc biệt thích Burberry và tôi mặc nhiên cho rằng cô gái này chịu ảnh hưởng và muốn chứng tỏ phong cách thời trang mang hình ảnh của xứ sở sương mù.
“Một trong những điều tôi ngại nhất khi trở về Việt Nam làm thời trang là cái cách mọi người gán cho mình những chi tiết rất Anh quốc. Kiến thức có được từ nước Anh là một nền tảng không thể bỏ qua và tôi xem nó như cái móng nhà vững chắc để tôi có thể xây nhà cao hay thấp tùy ý. Nhưng, ngoài kiến thức cơ bản, nhà thiết kế còn cần rất nhiều những cái khác nữa để có thể thể hiện cá tính thời trang của riêng mình. Những sản phẩm thời trang của tôi rõ là có hơi hướng nước Anh, nhưng phần nhiều là mang tiếng nói cá nhân tôi, tính cách tôi. Tôi muốn làm sản phẩm dành cho những người phụ nữ tự tin, mạnh mẽ, khỏe khoắn nhưng phải độc đáo và muốn thể hiện. Chính xác là muốn thể hiện bản thân, muốn mọi người biết đến sự thể hiện đó, không ngại ngần, không xấu hổ. Kể cả khi tôi làm đồ dạ hội thì chắc chắn cũng không mang tính thướt tha, điệu đà mà sẽ nghiêng về tính cá thể và được thể hiện bằng những đường cắt mạnh mẽ.”
Chúng tôi ngồi ở quán cà phê này khá lâu bởi trời Hà Nội nắng nóng đến ngạt thở. Không khí hầm hập ngoài đường khiến dân Hà thành một mực tránh nắng làm cho phố xá vắng tanh. Câu chuyện của chúng tôi xoay nhiều đến vấn đề Devon mở cửa hàng và những lí do xung quanh quyết định đó.
“Tôi trở lại Hà Nội và dành rất nhiều thời gian bên gia đình. Tôi nhận thấy Hà Nội là thị trường mà các nhà thiết kế trong nước chưa chú tâm đến. Các nhà thiết kế nổi tiếng của Việt Nam thường mở showroom ở Sài Gòn và những nhà thiết kế ở Hà Nội phần nhiều không kinh doanh thời trang mạnh mẽ như các hãng may sẵn nước ngoài, ngoại trừ Kelly Bùi. Quyết định mở cửa hàng đến với tôi rất đột ngột và cũng tiến triển rất nhanh. Tôi muốn bắt đầu một cách hơi khác, ở một thị trường hơi trầm hơn, tiếp cận những khách hàng khó tính, giàu có và yêu hàng hiệu. Tôi nghĩ đây sẽ là một thử thách mới cho bản thân, cũng là một sự khẳng định cái tôi cá nhân: Tôi bắt đầu ở Việt Nam nhưng sẽ không chỉ dừng lại ở Việt Nam. Hiện tại, ngay lúc này, tôi có rất nhiều ý định không diễn tả được thành lời và nhiều mong muốn không thể sắp xếp theo thứ tự.”
Tôi hỏi cô về việc làm thế nào cô sắp xếp phân bổ thời gian ở cả London và Hà Nội. Nhưng lo ngại của nhà thiết kế trẻ không phải về vấn đề thời gian mà về những khó khăn cô gặp ở Việt Nam khi làm việc.
“Môi trường làm việc nào cũng có những cái phức tạp riêng, và ở Việt Nam sự phức tạp phần nhiều bắt nguồn từ các mối quan hệ. Tôi nhận thấy người Việt chúng ta hay thay đổi quyết định mà không báo trước và vì ngại nói thẳng nên nhiều khi dẫn đến hiểu lầm. Tôi gặp rất nhiều khó khăn khi tổ chức sự kiện triển lãm thời trang mấy tuần trước vì những quyết định bị thay đổi không lường trước như thế và tôi cũng học được một số điều quan trọng trong mối tương tác làm ăn ở Việt Nam. Có những điều nhỏ nhặt nhưng vì sự cạnh tranh, nhiều khi mọi người đẩy nó lên một nấc thang mới. Tôi may mắn vì nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ bạn bè và người thân. Họ là những người trong giới, hiểu biết, có kiến thức và tài năng. Xét về mặt tính cách, tôi không phải là người khéo léo nên hay mất lòng người khác; nhưng họ hiểu và cho tôi những lời khuyên rất chân thành. Tôi gia nhập làng thời trang Việt Nam với rất nhiều những mộng tưởng và bây giờ, có một số những mộng tưởng đó đã vỡ tan tành. Nhưng vì có những người bạn tốt mà tôi cảm thấy an toàn để đi tiếp.”
Ngoài những dự định thực hiện một showroom với ý tưởng khá đặc biệt mà cô chưa thể chia sẻ, Devon cũng bật mí một trong những quyết định hết sức nóng hổi: Cô sẽ là một trong những nhà thiết kế tham gia Đẹp Fashion Show năm 2012.
“Khi được giám đốc sáng tạo Hà Đỗ mời, tôi rất vui và nhận lời ngay. Đẹp là nơi đầu tiên đưa tôi đến với khán giả Việt Nam và tôi trân trọng điều này. Tôi cũng rất thích ý tưởng của DFS năm nay và đang nhen nhóm trong đầu những ý tưởng để thực hiện nó rồi. Devon London chắc chắn sẽ mang đến cho khán giả của DFS một bộ sưu tập chín chắn hơn, tự tin hơn và thể hiện rõ nét phong cách của nhãn hiệu.”
Chúng tôi nói thêm nhiều nữa về những mộng tưởng và mong muốn, chủ đề “ảo tung chảo” nhưng thú vị. Devon trẻ và trẻ con khiến cho câu chuyện thêm phần hài hước, dễ cười. Thỉnh thoảng giữa những khoảng lặng, tôi nhìn thẳng Devon và thấy cô rất xinh xắn. Cô hẳn là người biết cách trang điểm vì những hình khối rõ ràng, đậm nhạt hài hòa trên gương mặt. Cô mặc một trong những bộ trang phục đã diễn trong nước và cô làm tôi liên tưởng đến Victoria Beckham. Tôi vẫn nhớ nhà thiết kế Hà Linh Thư có lần nói: “Victoria Beckham sinh ra để mặc thiết kế của chính mình và chẳng có ai mặc thiết kế của cô đẹp hơn cô.” Có lẽ Devon cũng thế!
Cô mặc quần shorts ngắn in họa tiết Baroque, hình ảnh chủ đạo của bộ sưu tập, áo trắng lệch vai và mang kính Prada. Cô đi giày búp bê Burberry thoải mái. Có cái gì “rất posh” toát lên từ cô mà tôi không lí giải được. Cô chỉ cho tôi những bức ảnh chụp các bộ sưu tập và kể cho tôi nghe một câu chuyện vui trước khi chào nhau ra về. Cô đã từng học một khóa make up chuyên nghiệp, cô tự make up cho mình trước mỗi sự kiện và tất nhiên là hàng ngày, nhưng có lúc cô kiêm luôn cả việc make up cho người mẫu trong một số các photoshoot. “Nếu ai đó nhìn caption của bộ ảnh sẽ thấy rất buồn cười vì sau tên nhiếp ảnh gia và stylist sẽ thấy tên nhà thiết kế Devon Nguyễn và make up artist Tú Diệp. Mà Tú Diệp là tên thật của tôi.” Khi đó, tôi nghĩ: Cô gái có cá tính thật đặc biệt, rất thực tế, rất tối giản, rất khôn ngoan, khá kì quặc, rất khéo léo và thật sự biết cách truyền cảm hứng.
Bài: Liu Trần
Ảnh: Đình Phạm
Chuyên đề “Trở về”
Họ ra đi rồi trở về, mang theo những kiến thức, kinh nghiệm cọ xát, những ấp ủ và cả sự tự tin. Trong số họ có người mới chập chững, người thành công, và cả những kẻ thất bại. Cũng không sai khi nói rằng “đừng tưởng cứ Tây về là tốt”. Nhưng không có họ, chẳng phải không ít người vẫn mãi quẩn quanh tự hào trong cái ao nhà hay sao?
Các bài viết trong chuyên đề:
>> Nhất Lý: ông-bản-sắc cao giá
>> Đạo diễn Việt kiều: Công và… tội
>> Devon Nguyễn và những mộng tưởng
Tổ chức chuyên đề: Vũ Thủy
|