Đến bao giờ ta thành thật cùng con? - Tạp chí Đẹp

Đến bao giờ ta thành thật cùng con?

ĐẸP KIDS

Tôi đã nghĩ về câu chuyện “Những cây cầu ở quận Madison”, không phải ở chi tiết bà Francessca và ông Robert – hai con người, với sự đồng điệu kỳ lạ của tâm hồn đã tìm được nhau. Mà tôi suy nghĩ về chi tiết Francessca sau khi qua đời, đã viết thư nói chuyện với con mình về những gì đã có giữa bà và người đàn ông ấy. Để rồi những đứa con đã khóc, chúng thương xót cho người mẹ vô cùng tận, chúng hiểu được rằng mẹ đã ở lại với bố là vì chúng, vì mẹ mong giữ gìn một gia đình trọn vẹn, và mong được ở bên các con của mình. Mẹ chúng mong được dùng bàn tay và tình thương của mình để nuôi dưỡng những đứa trẻ lớn lên từ một vùng thôn quê, chúng cần sự sẻ chia và sự tinh tế của một người phụ nữ có tâm hồn. Không một lời trách móc, thành kiến về chuyện ngoài chồng ngoài vợ, chúng hiểu được rằng chúng đã lớn lên trong sự nén chịu, cam phận từ người mẹ. Lớn lên trong lúc những ước mơ và khát khao của mẹ đang ngày một xa vời. Tình cảm giữa mẹ chúng và người đàn ông mang tên Robert là một tình yêu lớn, đủ để Robert Kincaid và Francessca sống nốt phần đời còn lại trong hoài niệm, vậy nhưng bà Francessca đã ở lại thị trấn, đau đớn nhìn ông Robert ra đi… Những lời thành thật của người mẹ ấy khiến tôi suy nghĩ mãi: đến bao giờ những người cha, người mẹ có thể thành thật với con? Và nghe con mình thành thật?

bố mẹ và con, thành thật với con, cuộc sống gia đình

“Không phải việc của con” là câu nói được nghe phổ biến từ bố mẹ, suốt một thời tuổi thơ của tôi và của nhiều bạn bè cùng trang lứa. Chúng tôi gần như đứng ra ngoài hoàn toàn, khỏi những lựa chọn, thu xếp của bố mẹ, bởi vì chúng tôi chỉ là “trẻ con”. Tôi nhớ, khoảng thời gian học lớp 4,5, trong bộ môn liên quan đến khoa học, cô giáo có nói về việc thiết kế một bữa ăn hợp lý, cân bằng dinh dưỡng. Tôi đã nghĩ, mình học những điều này để làm gì, vì làm sao có thể nói với bố mẹ được, về việc xây dựng thực đơn cho gia đình, trong khi bố mẹ là người quyết định toàn quyền?

Rất nhiều năm sau đó, ngay cả khi đã lớn, tôi cũng không bao giờ được nghe chia sẻ về những gì đang thực sự diễn ra trong gia đình mình. Liệu rằng cuộc hôn nhân của bố mẹ đang như thế nào, tại sao họ lại cãi cọ nhau trước mặt con cái thế? Liệu rằng họ có thực sự vui và an toàn không, cho lựa chọn của mình? Liệu rằng con cái lớn lên sẽ lựa chọn cuộc sống và những gì sắp tới ra sao khi chúng chưa từng được chia sẻ gì?

Chúng tôi tự lớn, tự yêu, tự học hành và sống. Bố mẹ không ai kể cho con cái nghe về những trải nghiệm của mình. Không ai nói rằng ngày bằng tuổi chúng tôi bây giờ họ đã yêu và đã sống ra sao, đã có những khi ngông cuồng, dại dột thế nào, đã có những vui buồn theo cách nào và chịu áp lực gì. Không ai nói thật thà về những sai lầm hay lý do để bố mẹ lựa chọn và xây dựng nên những gì đã có của ngày hôm nay. Mọi thứ đều giấu biến, nó giống như kiểu cha mẹ được đặt vào một khu vườn có sẵn và cứ thể thản nhiên gieo cấy, nuôi trồng nên không biết gì để chia sẻ vậy. Hay họ sợ bị “bóc mẽ” khi ta thành thật với con của mình? Như cách người ta rũ sạch những điều không tốt? Hay là bởi những đứa trẻ không đáng để người ta chia sẻ?

Có một người bạn của tôi tâm sự rằng, bạn đã không biết chuyện gì xảy ra. Bỗng một ngày cha mẹ không còn ăn cơm cùng nhau, và một người ra đi. Tiếp sau đó thì nghe tin ngôi nhà này sẽ bán. Rồi một trong hai người đến và sống cùng người khác. Bạn ấy nói rằng khi ấy bạn đã 15 tuổi rồi, nhưng ngoài câu nói gọn lỏn rằng cha mẹ sẽ chia tay, thì không ai trong cả hai phía có một cuộc nói chuyện với bạn cho rõ ràng, cắt nghĩa cho hợp lý. Không thể nói rằng họ tránh nói chuyện vì không muốn bạn buồn, bởi lẽ những sự thật đang xảy ra đã quả đủ để làm cho bạn ấy cảm thấy vô cùng đau đớn. Không thể vì sự im lặng từ cả cha và mẹ sẽ làm cho bạn vui lên được. Bạn đến sống cùng ông bà ngoại, và lẩn tránh cả cha và mẹ. Bởi vì bạn thấy cần một lời chia sẻ, giải thích xứng đáng từ hai phía. Không phải là bạn muốn can thiệp vào quyết định của hai con người không còn chịu nổi nhau. Mà bạn cảm thấy mình như không được thừa nhận là một thành viên trong gia đình mình. Mọi thứ đều trôi qua mắt mình một cách thản nhiên, không nhận được ít nhất một lời chia sẻ!

bố mẹ và con, thành thật với con, cuộc sống gia đình

Một cô bạn khác của tôi cũng từng nói rằng mẹ bạn luôn cảm thấy bạn còn bé, cho nên mọi điều trong gia đình đều không hề chia sẻ gì với con cái cả. Bạn không hiểu vì sao, không biết ứng xử như thế nào cho phải khi gặp những lời lẽ cay độc từ phía họ hàng bên nội. Bạn không biết làm gì. Đôi lúc muốn phản ứng, muốn đáp trả những lời cay độc, nhưng mẹ chỉ luôn nói một điều là “trẻ con không được hỗn” nên bạn không biết mình nên làm gì và suy nghĩ ra sao. Mãi về sau này, bạn mới nghe người ngoài kể cho mình nghe về mâu thuẫn giữa bà nội và mẹ đẻ, vì sao họ lại ghét mẹ và ghét luôn cả bạn. Bạn thương xót những điều mà mẹ mình chịu đựng, bạn cũng không cần những người cay độc ấy phải chia tài sản cho mình. Nhưng bạn ước gì mẹ san sẻ với bạn sớm hơn, thành thật hơn về những gì mà mẹ đang gặp phải, về những gì mà mẹ đã trải qua. Bạn muốn được làm nguồn động viên tinh thần cho mẹ, cũng mong mẹ làm chỗ dựa tinh thần cho mình, và mong có thêm những điều ngẫm nghĩ để lựa chọn và quyết định cho tương lai. Nhưng cha mẹ, dường như vì những rào cản quá lớn của định kiến, đã vô tình đẩy con mình ra xa.

Giữa đám bạn bè của chúng tôi, có người đã muốn khuyên mẹ mình đừng nạo phá thai, có người đã từng mong mẹ và bố ra tòa ly dị, bởi vì sống trong cuộc hôn nhân hạnh phúc giả vờ ấy, bạn chưa một ngày cảm thấy yên ổn, khi biết mẹ đang cắn răng vì mình! Có người lại muốn khuyên mẹ hãy cứ gạt bỏ thành kiến mà đến với người tình ít tuổi hơn của mẹ, vì chú ấy tốt, mẹ và chú ấy yêu nhau… Bao nhiêu là điều mà những đứa trẻ đã cảm nhận rõ ràng, chỉ mong một sự thành thật và sẵn sàng lắng nghe của những người làm cha mẹ nữa là rất đủ. Vậy nhưng đa số những người làm cha mẹ vẫn coi con cái là “vùng cấm kị”… Coi chúng như chưa bao giờ đủ lớn để lắng nghe mình.

Đến bao giờ, ta thành thật cùng con?

Thực hiện: depweb

17/08/2015, 14:39