Đau để đẹp - Tạp chí Đẹp

Đau để đẹp

DELETED

Để được đẹp – mà cái đẹp này không hề là chuẩn mực chung – nhiều thiếu nữ đã phải chịu những khổ hình, không chỉ trong quá trình làm đẹp mà thường kéo dài cả cuộc đời. Thế mới biết, đối với một người phụ nữ, cái đẹp là vô giá và các nàng sẵn sàng bất chấp nỗi đau để trở thành mỹ nhân trong cộng đồng của mình.

 
Ảnh một cô gái trẻ được chụp vào những năm 30 tại châu Phi.

Loài người từ khi hình thành luôn luôn vươn tới cái đẹp và vẻ đẹp của người phụ nữ xưa nay đều được tôn vinh. Nhưng quan niệm thế nào là một người phụ nữ đẹp dường như không có một tiêu chuẩn chung mà tùy thuộc vào từng thời đại, từng dân tộc. “Tứ đại mỹ nhân” Trung Quốc thời xưa, với thân hình yểu điệu, mảnh mai và đôi gót sen ba tấc của cặp chân bó chắc chắn xa lạ với vẻ đẹp ta thường hình dung hôm nay.

Cô hoa hậu Miss World 2008 nhất định bị thiếu nữ những bộ lạc châu Phi, đeo đĩa căng môi và hằn những vết sẹo nổi ngang dọc trên mặt, bĩu môi xem như “ma chê quỷ hờn”. Thời cả nhân loại còn thiếu ăn, thì “no đủ” là một mơ ước lớn, nên một thân hình phốp pháp là chuẩn của vẻ đẹp trong những bức tranh nổi tiếng thời Phục hưng. Ngày nay hầu như chẳng ai thấy như vậy là đẹp nữa.

Sự hội nhập toàn cầu kéo gần lại quan niệm về vẻ đẹp của các dân tộc trên thế giới, nhưng nếu nói cho công bằng, người ta đang bị áp đặt bởi các chuẩn mực của vẻ đẹp phương Tây. Các số đo về chiều cao, ba vòng được xem là chuẩn mực để chọn hoa hậu thế giới còn lâu người châu Á, châu Phi mới đạt được.

Nếu như tìm người có chiều cao 1,75 – 1,80m ở các phụ nữ da trắng, trong số 1.000 người, có thể chọn được 100-200 người thì ở Việt Nam chẳng hạn, chúng ta chỉ chọn được 5-7 người, chẳng lẽ vì thế mà nói các thiếu nữ Việt Nam không đẹp? Đã có những người lên tiếng báo động về nguy cơ cái đẹp thế giới bị “đồng phục hóa”.

Quan niệm về vẻ đẹp của người phụ nữ biến đổi theo thời đại. Khi đã có những tiêu chuẩn của cái đẹp thì người ta sẽ phấn đấu theo các tiêu chuẩn đó. Và không ít trường hợp người ta phải trả giá bằng sự đau đớn như một cực hình để có vẻ đẹp… “lý tưởng”.

Chiếc lưng ong

Đừng tưởng chuẩn mực “thế nào là đẹp” của phụ nữ châu Âu lúc nào cũng “văn minh”. Vào thế kỷ thứ 18, người châu Âu cho rằng phụ nữ phải có chiếc lưng ong (eo cực nhỏ, thót lại như con ong) mới thật tuyệt vời. Nhà phẫu thuật Ambroise Pare khi tiến hành phẫu thuật cơ thể một phụ nữ duyên dáng nhất thời bấy giờ đã nói đến “những cái xương sườn đè lên nhau” do cơ thể của họ bị ép lại để có được vẻ đẹp lý tưởng.

Nhưng chiếc corset có lõi thép giống như chiếc cùm ngày đêm bó chặt, đúc khuôn cho cơ thể họ. Chúng gây nhiều tác hại đến nỗi vua Henry Đệ tam cũng như Charles IX trước đó đã phải “truy tố” cái dụng cụ hành hình này bằng nhiều chỉ dụ mà cũng không thể dẹp nổi “phong trào”.

Năm 1770, Bonard đã viết một cuốn sách lên án “việc hủy hoại phụ nữ bằng cách sử dụng corset để làm biến dạng thân hình… Loài người sẽ thoái hoá khi bắt người phụ nữ phải chịu cực hình ngay những tháng đầu tiên khi bước vào đời”. Bởi từ khi mới sinh ra, các bé gái đã phải mang những chiếc corset định mệnh của cuộc đời mình. Một bác sĩ thời ấy đã viết rằng “4/5 phụ nữ Paris đã chết về bệnh ho lao là họ đã tự giết chết mình khi muốn có thân hình lưng ong thanh mảnh”.

Những khối mỡ đông

Ngược với tiêu chuẩn đẹp nói trên, phụ nữ Mauritani và Touareg quan niệm khác hẳn. Một nhà lãnh đạo nước này từng tâm sự: “Chúng tôi chỉ thích những phụ nữ to béo, mềm mại. Vẻ đẹp trên gương mặt là thứ yếu. Đừng nên quên chúng tôi ngủ trên chiếu. Phụ nữ phải êm ái như một cái đệm”.

Các bé gái, nhất là thuộc tầng lớp thượng lưu thường được một nữ nô chăm sóc việc ăn uống mà thực chất là nhồi nhét đến mức tối đa. Các cô bé xác nhận chúng phải uống 20 lít sữa/ngày, chưa kể phần sữa và nước phải “ních” vào bụng ban đêm để giãn dạ dày.

Lớn lên chút nữa, sữa được thay bằng thịt nấu bơ gọi là gnaoura. Một nữ nô khoe đã vỗ béo cho bầy con gái của một tộc trưởng cả một con cừu trong 2 ngày. Lớn lên, những “người đẹp” này trở thành những đống mỡ không có cơ bắp, dấu hiệu của sự nhàn rỗi. Cuộc thi trẻ em béo được diễn ra thường xuyên để kích thích sự ganh đua của những gia đình quý tộc.

Mãi đến những năm 1980, khi dân trí phát triển, hiểu rõ nhưng nguy cơ về sức khỏe đi kèm với bệnh béo phì, đồng thời với lệnh bãi bỏ chế độ nữ nô của Chính phủ, người ta mới không “vỗ béo từ thuở còn thơ” nữa. Tuy nhiên, trước một lễ hội hay trước khi lấy chồng chừng hai tháng, các cô gái vẫn đua nhau làm đẹp bằng cách ép cho cơ thể tăng cân.

Họ tự “nhồi” cho mình bột đậu khô, bơ, lạc, couscou (món ăn Bắc Phi) tập trung vào việc ăn và ngủ, bất kể ngày đêm. Từ tuần thứ hai kể từ ngày ăn uống thả phanh, họ lại trở thành những chiếc bồ sứt cạp nần nẫn những mỡ. Và họ rất tự hào về điều này.

Gót sen ba tấc

Nhiều dân tộc có tục sùng bái hai bàn chân, nhưng chăm chút đến nó quá mức chỉ có người Trung Quốc. Bàn chân nhỏ được coi là một biểu tượng của vẻ đẹp và sự quý phái, gọi là “gót sen vàng ba tấc” (tam thốn kim liên). Để đạt được điều đó phải trải qua một quá trình “rèn luyện” đau khổ chẳng khác nào cực hình.

Từ khi 3-4 tuổi, 4 ngón chân của bé gái bị tách riêng, bẻ quặt về phía lòng bàn chân, đặt thuốc cho da thịt co rút và tránh sưng phù. Sau đó dùng vải cuốn quanh và thít lại. Tiếp đó, suốt một thời gian dài, theo định kỳ cứ tháo vải ra rồi bó vào, lần sau chặt hơn lần trước để định hình cho xương cong lại.

“Kẻ xấu số” bị đau đớn khủng khiếp, máu không lưu thông, có khi thối rữa cả các ngón chân, đi lại khó khăn, thường xuyên phải được người khác cõng trên lưng khi di chuyển.

Do ngày càng bị gập lại vào trong, các ngón chân gần như không còn nhúc nhích được nữa. Và để giữ cho đôi chân càng nhỏ càng tốt, đôi khi người ta chèn một ống kim loại dưới gan bàn chân để tăng độ cong của bàn chân. Kết quả là mu bàn chân bị gồ lên hình vòng cung. Độ dài bàn chân chỉ còn chừng 10cm (tương đương 3 tấc Trung Quốc).

Sau thời gian chịu cực hình như vậy, cứ 3 ngày một lần bàn chân được mở ra, rửa sạch và bó lại. Đây là thời kỳ luyện tập đi đứng để khi bước đi, người thiếu nữ có dáng dấp ẻo lả và… lảo đảo, như múa trên mặt đất, nhưng khác với người múa balê đi trên đầu ngón chân, họ lại đi bằng gót chân. Việc luyện tập phải rất thường xuyên, mỗi ngày phải cố chịu đau, đi chừng 5km. Cô gái đã trở thành người đẹp và hội đủ tư cách để lấy chồng.

Tục bó chân khởi đầu từ thế kỷ thứ 10, lúc đầu chỉ ở giới vũ công cung đình, muốn có bàn chân nhỏ bé, xoè lên trên như các bông sen, sau trở thành một quan niệm về thẩm mỹ của tất cả mọi người. Có ý kiến cho rằng ở người phụ nữ, việc bó chân khiến hông nở ra, làm tăng khoái cảm cho người đàn ông trong hoạt động tình dục, trong thời đại mà người phụ nữ bị coi là một thứ đồ chơi cho giới quý tộc phong kiến Trung Hoa thuở xưa.

Tục này chính thức bị cấm vào năm 1911, sau một nghìn năm tồn tại, tuy nhiên ở những vùng quê hẻo lánh, hiện nay vẫn lác đác xảy ra.

 
Mỗi năm, chiếc đĩa nhỏ được thay băìng chiếc đĩa lớn hơn, nặng hơn. Kích cỡ đĩa xác định của hồi môn mà gia đình thiếu nữ có quyền đòi hỏi ở người cầu hôn.

Đĩa để… căng môi

Ở Tây Nam Ethiopia, người Surma và Mursi là hai sắc tộc cuối cùng trên thế giới vẫn duy trì tục lệ căng môi. Đối với họ, cơ thể là nguồn gốc đầy tự hào, cần phải bỏ công chăm chút, mà quan trọng hơn hết là việc căng môi. Từ nhỏ, các cô bé bị bố mẹ xuyên thủng môi dưới rồi lồng vào đó một chiếc đĩa xinh xinh, trước thường bằng gỗ, nay được làm bằng đất nung, có vẽ những hoa văn.

Rồi mỗi năm, chiếc đĩa nhỏ được thay thế bằng chiếc đĩa lớn hơn, nặng hơn, khiến các cô rất khó chịu, khi ăn, khi ngủ. Chẳng những các bộ tộc này coi cách trang điểm đó vì mục đích thẩm mỹ, mà còn có cả mục đích… kinh tế. Kích cỡ đĩa xác định của hồi môn mà gia đình thiếu nữ có quyền đòi hỏi ở người cầu hôn.

Đĩa càng lớn – nghĩa là cô gái càng đẹp, và càng đẹp thì càng cao giá – số súc vật (bò và dê) phía nhà trai phải nộp càng nhiều. Những chiếc đĩa lớn nhất có giá trị tương đương với 30 con bò cộng thêm 1 khẩu súng. Những cô gái mang bầu trước khi cưới bị cấm mang đĩa và không đeo đĩa bị coi là một điều ô nhục.

Khi không có mặt đàn ông, các cô gái thường tháo đĩa ra để… “buôn dưa lê” cho thoải mái hơn, vì chiếc đĩa nặng kéo trễ môi dưới xuống với khối lượng vài lạng, khiến việc phát âm và nhất là cười đùa chẳng dễ dàng chút nào.

Không chỉ trên môi, đối với một vài bộ lạc, hai dái tai cũng là nơi căng đĩa. Có điều, đĩa này nhỏ hơn, lúc lắc vướng víu mỗi khi đầu chuyển động. Phụ nữ một vài bộ tộc ở Inđônêxia cũng lấy dái tai làm nơi trang điểm, nhưng thay vì chiếc hoa tai thông thường, từ nhỏ họ đã đeo những cục chì nặng với trọng lượng tăng dần theo tuổi tác, kéo mảnh thịt ở dái tai giãn dài ra mãi, nhiều người, dái tai dài đến ngực.
Chưa có nhà dân tộc học hoặc nhân loại học nào giải thích được nguồn gốc của tục lệ này.

Hoa sẹo

Vết sẹo để lại trên da sau khi một vết thương đã lành làm bạn khó chịu biết bao nhưng đối với một số cô thiếu nữ châu Phi, châu Á lại là vẻ đẹp vô giá đến mức họ phải chịu bao đau đớn mới có được. Sẹo trên mặt, sẹo trên ngực, trên lưng, trên cánh tay, sẹo sắp xếp thành những hoa văn đối xứng được phô bày một cách tự hào.

Tạo sẹo trên da đau đớn vô cùng. Mỗi dân tộc có một kỹ thuật riêng để tạo những vết thương trên da, như lấy dao rạch hoặc dùng con dấu bằng sắt (có chạm khắc hoa văn) nung đỏ lên rồi áp trên da thành những vết bỏng, giống như cách người chăn nuôi gia súc đóng số trên lưng đàn bò của mình.

Người ta còn áp dụng các kỹ thuật mới để tạo vết thương như dùng axit, đốt da bằng dao điện và gần đây bằng cả tia lazer nữa. Sau khi tạo vết thương trên da thịt, còn có kỹ thuật xử lý để làm vết thương lan rộng thêm hoặc giữ không để chúng lan rộng, rồi lên da non.

 
 Và những biến tấu mới của hoa sẹo…

Quá trình lên da non được điều trị bằng thuốc “gia truyền”, bằng cách kích thích vết sẹo, bằng cách ăn uống… và thời gian càng kéo dài, vết sẹo càng lồi ra trên da thịt. Thông thường phải mất nhiều tháng vết thương mới lành. Có lẽ đây là một cách làm đẹp đau đớn nhất, khác nào một sự tra tấn dã man.

Ở mức độ “nhẹ nhàng”, vết thương nhỏ hơn, nông hơn, người ta lấy kim chích để tạo những hình xăm trên da thịt, kết hợp với sự bôi màu làm thành những “tác phẩm” hội họa.

Tuy nhiên, làm đẹp bằng cách tạo sẹo trên da không phải lúc nào cũng thành công, đôi khi cực kỳ nguy hiểm do vết thương bị nhiễm trùng mà dẫn đến tử vong.

Cổ càng dài càng đẹp

Các cô thiếu nữ bộ tộc Ndebéa tại châu Phi và bộ tộc Padaung sống dọc theo biên giới Myanmar – Thái Lan chẳng quan hệ gì với nhau nhưng lại cùng thống nhất là tiêu chuẩn duy nhất và khắc nghiệt nhất là cổ càng cao thì càng đẹp. Mới lên 5, các cô gái đã phải trải qua nhiều nghi lễ rắc rối.

Trong một buổi lễ long trọng của cả họ, cô bé được một bà già đầy kinh nghiệm uốn đoạn dây đồng to bằng ngón tay và nặng chừng 2 kg thành những chiếc vòng quấn quanh cổ. Từ đó cuộc sống của cô thay đổi, ăn và ngủ khó khăn vô cùng. Chiếc cổ luôn luôn phải gồng lên để giữ chuỗi vòng đó, buộc nó cứ phải dài ra.

Tới năm cô lên 7, vừa quen dần với cuộc sống “gông cùm”, thì “lễ thay vòng” lại đến: chiếc vòng cũ được tháo ra để lồng vào những chiếc vòng mới, cao hơn, nặng hơn. Cổ lại vươn lên để thích nghi. Cứ thế nhiều lần… cho đến khi cô lớn lên thành thiếu nữ, thì quanh cổ cô, 20 đến 25 chiếc vòng, nặng 8-9 kg vĩnh viễn theo cô suốt cả cuộc đời, và chúng đã kéo được cổ cô dài thêm ít nhất 15cm nữa.

Những cô gái nhà giàu còn cực hơn nữa, bởi còn phải đeo vòng quanh cổ chân, cổ tay, khiến họ luôn luôn phải mang trên mình một khối kim loại nặng đến 15 kg. Việc đi lại, sinh hoạt, ăn uống, nói năng chẳng lúc nào thoải mái.

Bộ tộc Padaung thỉnh thoảng tổ chức thi… cổ với tiêu chuẩn là chiều dài của chúng. Từ năm 1994 đến nay, chưa ai phá được kỷ lục của cô Murtu Praya với chiếc cổ dài những 60 cm, trên đó ngự trị 42 chiếc vòng đủ loại: đồng, bạc, mạ vàng.

Chiều chiều, hàng đoàn phụ nữ Padaung lũ lượt kéo nhau ra suối, lấy những bó cỏ non nhúng nước, kỳ cọ vòng thật sạch, thật bóng. Vòng của ai đen xỉn bị coi là “mất nết” và bị cộng đồng ghẻ lạnh.

 
Hai cô gái trẻ Muko và Amy ở làng Huay Pu Keng (biên giới Thái Lan – Myanmar) – cổ càng “cao” càng đẹp.

Chẳng hiểu những cách làm đẹp “đau đớn” ấy còn tồn tại bao lâu nữa nhưng quả thật, chúng làm cho bao nhiêu cô gái phải chịu đựng những cực hình kéo dài từ thời thơ ấu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Quan niệm về vẻ đẹp phải được thay đổi, bảo đảm được sự hội nhập với thế giới đồng thời duy trì được bản sắc của dân tộc mình.

Song dù thế nào đi nữa, nhất thiết vẻ đẹp không thể song hành với nỗi đau thể xác. Những vẻ đẹp “kỳ quái” như trên rút cuộc chỉ có tác dụng làm thỏa mãn sự tò mò của du khách phương Tây.

Bảo Châu – Ảnh: AFP

Thực hiện: depweb

14/04/2009, 15:25