Đạo diễn Trương Nghệ Mưu nhận 'đồ đệ' - Tạp chí Đẹp

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu nhận ‘đồ đệ’

DELETED
Chương trình Sáng kiến Nghệ thuật Rolex (“The Rolex Mentor and Protégé Arts Initiative”) bắt đầu thực hiện từ năm 2002, với mục tiêu giúp bảo tồn những kiệt tác văn hóa lâu đời và giúp phát triển những tài năng nghệ thuật trẻ tuổi trên khắp thế giới. Chưa bao giờ nhận một học trò nào, nhưng mới đây trong chương trình này, lần đầu tiên trong đời đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã tiếp nhận một tài năng nghệ thuật trẻ là học trò của mình và làm việc cùng cô trong suốt một năm dài để chia sẻ kinh nghiệm cũng như truyền kiến thức điện ảnh.

Đã bước sang tuổi 60, nhưng đạo diễn nổi tiếng nhất của Trung Quốc vẫn tràn đầy năng lượng trên con đường nghệ thuật của mình. Sau vai trò Tổng đạo diễn Lễ khai mạc và bế mạc Olympic Bắc Kinh 2008, ông đã kịp hoàn thành thêm hai bộ phim và hiện đang hoàn thiện bộ phim thứ 3, một dự án khổng lồ có kinh phí tới 90 triệu USD và sẽ ra mắt trong năm 2012. “The 13 Women of Nanjing” là một bản anh hùng ca đau thương kể về vụ thảm sát Nam Kinh gây chấn động vào năm 1937.

Là một đạo diễn lừng danh thế giới về tài năng, về những tác phẩm điện ảnh kiệt xuất lẫn việc… chưa bao giờ nhận “học trò”, sao bây giờ ông lại nhận?

Đó là số phận. Ban đầu, tôi chỉ có mối quan hệ với Cai Gue-Qiang. Cai là một nghệ sĩ pháo bông nổi tiếng, từng làm việc với tôi hồi tôi giữ vai trò tổng đạo diễn lễ khai mạc và bế mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Cai Gue-Qiang tham gia vào chương trình Sáng kiến Nghệ thuật Rolex với tư cách là thành viên hội đồng tư vấn. Tôi nghĩ đó là một chương trình nghiêm túc và có tầm nhìn xa nhằm hỗ trợ nuôi dưỡng những tài năng trẻ nên cuối cùng đã nhận lời tham gia.

Tại sao ông chọn Annemarie Jacir làm “học trò” trong chương trình này?

Theo chương trình của Rolex, tôi sẽ đóng vai trò là một người thầy và chọn một tài năng trẻ (trên phạm vi toàn thế giới) để cùng làm việc, hỗ trợ cho cô ấy hoặc cậu ấy phát triển. Tôi đã chọn Annemarie, một cô gái Palestine vì những tác phẩm và kiến thức của cô ấy. Những người Trung Quốc chúng tôi có một mối quan hệ đặc biệt với các nước thuộc thế giới thứ ba như Palestine. Về cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ những người từ các quốc gia đang phát triển làm phim trên đất nước mình.

Nhà làm phim nổi tiếng người Trung Quốc có thể dạy gì cho một nữ đạo diễn trẻ đến từ đất nước Palestine bị chiến tranh tàn phá?

Nói thật, tôi đã từng trải qua những hoàn cảnh như vậy trước kia và hiểu được chuyện khó khăn khi làm phim với ngân sách thấp. Khi còn là sinh viên tôi hấp thụ những gì tôi thấy và thể hiện theo phong cách của riêng mình. Vì thế tôi tin rằng những suy nghĩ tự thân là phần giá trị nhất của người đạo diễn.

Nhận học trò, nhưng trong mối quan hệ thầy – trò này, không nhất thiết trò cứ phải học theo từng bước chân người thầy. Những suy nghĩ tự thân không thể nào dạy được.

Cổ ngữ Trung Quốc có nói về chuyện phải tự mình trải nghiệm cuộc sống: “Đi 10.000 dặm và đọc 10.000 quyển sách”. Có nghĩa là phải đi nhiều, thấy nhiều, đọc nhiều để có kiến thức cho riêng mình. Vì thế tôi nghĩ cách dạy tốt nhất là thông qua quy trình làm phim thực tế. Annemarie không phải là người mới vào nghề. Cô ấy đã có kinh nghiệm.  Cô ấy sẽ học được nhiều hơn từ việc quan sát nhóm làm phim hơn là chỉ nói lý thuyết suông.

Ngoài việc nhận học trò lần này, thú thật là tôi có một mong muốn tha thiết được xem những người đạo diễn tài ba như Martin Scorsese đang làm việc tại phim trường. Có lẽ Rolex cũng nên tìm cho tôi một người thầy!

Nhiều người tự hỏi làm cách nào mà ông có nhiều năng lượng như thế. Liệu ông có thể truyền trao cho học trò của mình chính những niềm đam mê, nhiệt huyết, những năng lượng vô tận dành cho điện ảnh này?

(Cười) Vâng, nhiều người hỏi tôi ăn gì mà năng lượng nhiều thế. Tôi không biết. Tôi chỉ biết là mình rất yêu công việc. Mặc dù cực nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc bởi vì tôi yêu phim. Làm phim cũng giống như thuật luyện đan, đun sôi hỗn hợp thuốc từ từ, ngày này qua ngày khác, để có những viên thuốc nho nhỏ cho đời. Nhưng với người đạo diễn, thì họ phải đun chính thịt của mình, máu của mình, xương của mình, và ngay cả quả tim của mình để có được một bộ phim tròn đầy.
Chia sẻ một điều tận đáy lòng là với mỗi phim tôi làm ra, tôi đều sợ rằng tôi sẽ phải thất vọng một điều gì đó khi nó hoàn thành. Sau đó, tôi lại mơ: lần sau tôi sẽ tìm lời thoại hay hơn, lần sau tôi sẽ làm bộ phim hay hơn.

Ông sẽ khuyên Annemarie điều gì khi cô ấy mới đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp của mình?

“Đừng bao giờ bỏ cuộc. Đừng nản lòng. Lúc nào cũng có những trở ngại trong suốt cuộc đời của mình. Quan trọng là biết chờ thời điểm tốt hơn!”.

Thử tưởng tượng, một ngày ông không còn nổi tiếng nữa… Ông sẽ về nghỉ hưu trên núi Nga Mi như là một ẩn sĩ. Ông sẽ nói gì với người học trò duy nhất của mình?

Tôi sẽ nói: “Rồi một ngày nào đó, cô cũng sẽ về hưu!”. Tuổi trẻ đầy ắp năng lượng và tham vọng cho sự danh tiếng, giàu sang, và thành công. Song những thứ này Đức Phật đều cho là cát bụi phù du. Một ngày nào đó bạn sẽ hiểu thấu được cát bụi và bỏ lại sau lưng những tham vọng của mình. Cuộc sống là như thế. Tôi sẽ tiếp tục làm phim cho đến khi nào tôi không làm nổi. Nhưng dẫu sao thì cũng không nên nói những điều vô bổ này với Annemarie. Cô ấy hãy còn trẻ lắm!

Theo TTVH &ĐÔ

Thực hiện: depweb

05/07/2011, 14:26