Đã yêu, đã hận, hãy trả thù - Tạp chí Đẹp

Đã yêu, đã hận, hãy trả thù

Sống

Trong số những bộ phim tình cảm hài của nữ diên viên Meg Ryan, tôi nhớ nhất là Addicted to Love. Hai nhân vật trong phim, Maggie và Sam, quen nhau vì người yêu cũ của hai người giờ trở thành tình nhân. Ôm lòng hận thù với những kẻ đã yêu hết mình, họ trở thành đồng minh và cùng nghĩ kế hoạch phá hoại cuộc đời của hai người kia. Tuy nhiên, việc trả thù bỗng vô nghĩa khi họ nhận ra trái tim đã mở cửa cho tình yêu mới.

Bộ phim kết thúc với cả nụ cười lẫn nước mắt và đã đi tới kết thúc có hậu. Thế nhưng trong đời thực, không phải lúc nào người ta cũng có thể mau chóng tìm được một người tốt đẹp để thay thế cho mối tình đã qua. Vậy nên, có thể bạn cứ sống mãi trong sự thù hận.

 

Khi hận, bạn muốn tìm cách trả thù. Tới lúc đó, việc mắng nhiếc, xỉ vả trước mặt nhau hẵng còn là nhẹ. Nhiều người vì sự giận dữ mà chọn cả những cách tồi tệ nhất.

Nữ diễn viên Đài Loan Phan Sương Sương từng tải lên mạng hình ảnh thân mật của mình với “ex”. Lý do là cô cay cú người yêu đã không vượt qua áp lực gia đình để công khai tình cảm với cô. Hoàng Anh và Huy Khánh sau khi chia tay đã lên mặt báo kể tội nhau. Chẳng riêng người nổi tiếng, ngay cả cuộc sống thường ngày cũng đầy việc tương tự. Vào Facebook, tôi vẫn hay đọc được những dòng status đầy hận thù của bạn bè dành cho người cũ. Họ thể hiện bằng nhiều cách: kể những tính xấu của người kia trong quá khứ, nói xấu người cũ trong hiện tại, oán trách bằng lời cay độc…

Hạnh Như, một cô bạn thân của tôi còn phải hứng chịu một đòn trả thù độc ác hơn nhiều. Hơn ba năm trước, khi đã chuẩn bị lên kế hoạch đám cưới, Như bỗng thấy… hết muốn cưới, một kiểu của hội chứng tiền hôn nhân. Như muốn hoãn đám cưới nhưng vị hôn phu đã quỳ xuống van xin cô đừng hoãn. Thấy chàng nài nỉ, buồn khổ, Như đã đồng ý làm đám cưới mà không biết mình vừa trở thành nạn nhân của một âm mưu thâm hiểm.

Đêm tân hôn đã không xảy ra. Đêm đó, Như ôm gối nằm một mình còn chồng lăn ra ngủ. Những ngày sau đó, anh ấy vẫn không thèm đụng đến Như. Khi gia đình thúc ép chuyện có con, anh làm “chuyện ấy” vài lần. Như có thai và chuỗi ngày tiếp theo, cô ấy vẫn không được chồng đáp ứng chuyện ái ân. Mới đây, Như đề nghị chồng có thêm một đứa con nữa thì nhận được câu trả lời: “Để xem đã”.

Tôi thật sự không hiểu, việc gì người ta phải làm khổ mình bằng cách trả thù hèn hạ như thế nhỉ? Tôi chẳng phản đối họ trả thù. Đã yêu, đã hận, việc trả thù là một cách giải tỏa thay vì dồn nén trong lòng, để rồi mồm thì nói tha thứ nhưng trong lòng vẫn bị hận thù hành hạ.

Thế nhưng, trả thù thế nào để mình được giải thoát mà đối phương cũng tâm phục khẩu phục mới là cao tay.

Yêu và hận, lằn ranh mong manh

Phải chăng thù hận là chuyện thường đi sau tình yêu bị tổn thương hoặc tan vỡ? Và chúng không có cách nào hóa giải được? Điều ấy thực ra cũng dễ hiểu, có điều gì dễ tổn thương hơn một trái tim đang yêu.

Bạn càng yêu thì càng dễ cảm thấy thất vọng, càng đau đớn khi tình yêu của mình bị đáp lại bằng những hành động phũ phàng. Chẳng phải chỉ là chuyện bị phản bội, có khi đó chỉ là một lời nói dối hay một sự vô tâm kéo dài… Tình yêu đã trở thành thù hận.

Ngoài ra, nhìn từ góc độ tâm lý khác, cảm giác hận thù nảy sinh khi lòng tự trọng, cái “tôi” bị tổn thương: Một người càng có ý thức mạnh mẽ về cá nhân, càng tự đề cao mình thì nỗi hận thù khi bị người yêu bỏ càng lớn. Câu hỏi: “Sao anh/cô dám làm thế với tôi?” là câu hỏi thường trực sau chia tay và đẩy họ vào vòng xoáy giận dữ. Khi ấy, tình yêu dành cho người còn lại không mạnh bằng tình yêu dành cho chính bản thân mình.

Dưới con mắt của các nhà khoa học, ranh giới giữa hai xúc cảm này thực ra rất mong manh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng bộ não con người có chung cách hoạt động với cảm xúc thù hận và yêu đương, dù hai trạng thái cảm xúc này hoàn toàn đối lập nhau.

Giáo sư Semir Zeki tại University College London, Anh, đã cho thực hiện một nghiên cứu với 17 người. Ông cho họ lựa chọn một người họ ghét nhất, đa số chọn người yêu cũ và đồng nghiệp.

Một kết quả thú vị khác: Khi dùng máy quét não quan sát các mạch thần kinh hoạt động lúc những người tình nguyện nhìn vào chân dung người họ ghét, các nhà khoa học thấy mạch thần kinh phản ứng với cảm giác ghét cũng giống như phản ứng với tình yêu. Kết quả nghiên cứu có lẽ đã phần nào giải thích được tại sao ngay từ trạng thái lãng mạn của tình yêu, người ta đã ngay lập tức chuyển thành nỗi thù hận. Đơn giản là bộ não có chung một cơ chế với hai trạng thái trái ngược này.

Như vậy đấy, chỉ trong phút chốc, tình yêu thương dạt dào đã trở thành những xúc cảm tiêu cực. Sự dịu dàng, trìu mến hoàn toàn tan biến và thay vào đó, người ta chỉ còn nhu cầu làm tổn thương, trả thù người kia. Tình yêu sâu sắc mà cũng rất mong manh.

Cách trả thù cao tay là sống tốt hơn

Có một nghịch lý là khi bạn tiếp tục giữ bằng được những hận thù thì người kia vẫn đang sống cuộc đời của họ một cách bình thường. Không những thế, càng nhìn thấy người từng làm mình đau khổ đang hạnh phúc, bạn lại càng thêm giận dữ. Vậy thì, sao bạn không đặt mình vào thế chủ động.

Bạn còn nhớ bộ phim Cuộc chiến tình yêu (This Means War) không? Có một tiểu tiết khiến tôi phải phì cười là khi gặp tình cũ, cô nàng Lauren vít ngay lấy cổ chàng Tuck mà hôn say đắm dù chẳng yêu thích gì chàng. Lý do? Để chứng mình cho “ex” thấy cô đang hạnh phúc với tình mới, rằng cô chẳng phải kẻ thiếu thốn tình yêu kể từ khi bị “ex” bỏ.

Nếu là Lauren, hẳn bạn cũng làm thế thôi. Chỉ có điều, đôi khi vì giận dữ mà bạn chẳng nhận ra nếu biến sự giả vờ ấy thành hiện thực, bạn không những chạm vào hạnh phúc mới mà còn làm người cũ luyến tiếc hơn nữa đấy. Vì người đang yêu luôn tỏ ra quyến rũ. Điều này càng làm “ex” thấy mình đã sai lầm khi đã rời bỏ bạn.

Bật mí với bạn một câu chuyện có thật của tôi nhé. Tôi từng rơi vào một tình huống lùm xùm với một anh chàng. Anh ấy thành đạt, lịch lãm và đào hoa. Trong cuộc chiến đánh úp trái tim chàng, Tôi giành chiến thắng trước một đối thủ chẳng mấy nặng ký.

Cô ấy đẹp nhưng khá yếu đuối, lại tỏ ra con nhà lành trên mức cần thiết. Trong khi nhóm bạn rủ nhau đi bar xả tress, nàng ở nhà đóng vai con ngoan. Cô ấy thể hiện mình mong manh, dễ vỡ và cần chỗ dựa.

Ban đầu, chàng chẳng bận tâm tính cách của nàng. Anh ra sức tấn công trong nhiều ngày liền. Khi cô ấy ngã vào lưới tình, chàng bỗng thấy mình sai lầm. Anh không nhận ra điểm chung giữa mình và cô ấy. Thế rồi, chàng nói lời xin lỗi.

Với cá tính của mình, tôi nhanh chóng chinh phục được chàng trai đào hoa ấy. Cô gái kia khá sốc khi bị chàng làm tổn thương. Tôi vẫn nghĩ nàng sẽ chẳng bao giờ nhìn mặt chàng nữa.

Thế mà, cô ấy đã làm tôi thật sự ngạc nhiên. Bản thân chàng trai cũng khâm phục không kém. Sau biến cố thất tình, cô ấy quyến rũ hẳn ra với mái tóc được cắt cầu kỳ và chăm chút cẩn thận. Cách ăn mặc cũng sành điệu hơn trước. Lối ăn nói táo bạo nhưng lôi cuốn khiến đàn ông mê mệt.

Chưa hết, nàng đã biết tận hưởng cuộc sống hơn. Nàng đi bar, quán cà phê với bạn bè trong những dịp họp mặt thay vì ru rú ở nhà như trước. Mối quan hệ của nàng giờ đây rất rộng rãi. Nàng chớp được cơ hội thăng tiến khi đạt suất học bổng ngắn hạn ở Úc. Về nước, nàng được thăng chức. Nàng còn đang hạnh phúc với một chàng đẹp trai.

Quả thật, cách trả thù của nàng thật ngọt ngào. Và giờ đây, dù mỗi khi gặp lại “ex”, nàng cũng có đôi chút bối rối nhưng tự tin nhiều hơn. Tôi chỉ nhìn thấy trong mắt cô ấy sự tự hào, mặc nhiên chẳng còn chút thù hận.

 

Ích gì nếu không có lòng bao dung

Bạn khoan đưa ra kết luận rằng chỉ cần khẳng định bản thân là bạn đã trả xong mối hận thù. Đời không thiếu những cô gái đã thực hiện rất tốt bước này nhưng vẫn ngùn ngụt lửa thù. Chìa khóa chính vẫn là sự tha thứ và biết chấp nhận thực tế.

Việc quá chìm đắm vào một cảm xúc tiêu cực từ quá khứ khiến nhiều người không nhận ra xung quanh đáng có những người khác có thể mang lại cho mình niềm vui mới. Tha thứ cho một người tức là bạn tự tạo cơ hội cho mình được sống hạnh phúc hơn. Qúa khứ là chuyện bạn không thay đổi được, nhưng hiện tại và tương lai lại do bạn tự quyết định.

Pamela D. Blair, nhà tư vấn và tâm lý trị liệu nổi tiếng ở New York, Mỹ, đã đưa ra một lời khuyên hữu ích: “Một bí quyết để quá khứ đau buồn ra đi là tập trung vào nhu cầu của riêng bạn trong hiện tại. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng tha thứ là mùi hương bông hoa violet để lại trên gót giày kẻ đã giẫm nát nó”.

Yêu và hận, mỗi người có câu chuyện riêng. Thế nhưng, đích đến của chúng ta là hạnh phúc. Sống với hiện tại, mở rộng trái tim, chấp nhận quá khứ là điều bạn cần làm để vượt qua hận thù và tìm niềm vui cho cuộc đời.

 Khi các sao trả thù tình

Shania Twain

Năm 2008, Shania Twain ly dị chồng là Robert Mutt Lange vì anh ta ngoại tình với Marie-Anne, bạn thân của Shania. Cuối năm 2010, cô được nhiều người cho là cao tay khi kết hôn với chồng cũ của tình địch là tỷ phú Frederic Thiebaud.

Mary Harvey

Sau khi li dị, Mary đã tung lên YouTube đoạn video nhằm làm giảm uy tín và hình ảnh của Steve Harvey, diễn viên hài nổi tiếng đồng thời là chồng Mary. Trong đó, cô khẳng định chồng cũ là kẻ lừa đảo và không chia tài sản công bằng cho cô.

Taylor Swift

Sau khi bị Joe Jonas “đá” một cách đau đớn, Taylor mắng người tình cũ và kẻ thứ ba bằng ca khúc Forever and AlwaysBetter than Revenge. Trước đó, John Mayer cũng phải “rát tai” với bài hát Dear John sau khi “dám” chơi cút bằng tình yêu với Taylor Swift.

Satsuki Mitchell

Trong một lần tức giận vì cho rằng Daniel Craig đang trong vòng tay của tình địch Rachel Weisz, Satsuki đã dùng thẻ phụ ngân hàng của hôn phu để “xóa sổ” cả triệu đôla Mỹ. Bị vố đau nhưng Daniel chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.

Theo Cosmopolitan

Thực hiện: depweb

11/06/2012, 16:43