Công chúng Việt trước cú sốc "Nghi lễ mùa xuân" - Tạp chí Đẹp

Công chúng Việt trước cú sốc “Nghi lễ mùa xuân”

DELETED

“Nghi lễ Mùa xuân” được coi là một trong những vở múa ba lê có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20, đã truyền cảm hứng cho rất nhiều biên đạo múa sau này như Maurice Béjart, Pina Bausch, Jean-Claude Gallotta,…

Lần này, người mang “Nghi lễ mùa xuân” tới với khán giả Việt Nam là biên đạo múa Jean Claude Gallotta. Ông là Giám đốc Trung tâm Vũ kịch Quốc gia Grenoble (CCN) và từ đầu những năm 1980 đã được coi là một trong những đại diện ưu tú nhất của nghệ thuật múa đương đại Pháp.

Một cảnh ấn tượng trong vở diễn

Khi dựng lại vở ba lê được sáng tác ở Paris cách đây đúng 100 năm, Gallotta vẫn giữ nguyên nền nhạc gốc của Stravinsky, phần nhạc do đích thân nhà soạn nhạc chỉ huy và ghi âm, nhưng lần này 7 nữ diễn viên múa thay phiên lần lượt vào vai Thánh Nữ. “Nghi lễ mùa xuân” rộn ràng, đầy nhiệt huyết được bắt đầu bằng hai chương ngắn: Tumulte để lắng nghe sự tĩnh lặng mộc mạc của điệu múa, và Pour Igor, múa đơn tưởng nhớ nhà soạn nhạc.

Vở diễn với những phần biểu diễn tuyệt vời

Nhưng nếu công chúng thế giới nói chung và người xem Việt Nam nói riêng vô cùng háo hức với “Nghi lễ mùa xuân”, thì ngược dòng lịch sử về mốc 100 năm trước, vở diễn đã bị phản ứng dữ dội ngay lần đầu ra mắt vào ngày 18/5/1913 tại nhà hát Champs-Élysées (Paris). “Nghi lễ mùa xuân” đã tạo nên một cơn “scandal” trong giới nghệ thuật phương Tây lúc bấy giờ. Vở diễn được coi đã đi ngược lại với toàn bộ những khuôn mẫu về nghệ thuật múa ba lê trước đó.

Từ kinh nghiệm trong hai vở ba lê trước của mình là “L’oiseau de feu – Con chim lửa” và “Petrouchka”, Stravinsky đã tiếp tục đào sâu khám phá và áp dụng vào vở “Nghi lễ Mùa xuân”. Trong đêm biểu diễn đó có mặt hai nhà soạn nhạc nổi tiếng là Claude Debussy và Maurice Ravel cùng nhiều tri thức góp mặt. Tuy rằng những người này đã bị cuốn hút bởi giai điệu cũng như cách thể hiện độc đáo của vở múa, nhưng đa số những người có mặt lại cảm thấy bị xúc phạm và nổi giận, chẳng mấy chốc khán phòng trở thành một nơi ẩu đả. Các nhà phê bình đã gọi tên vở múa này là “Massacre du Printemps – cuộc thảm sát mùa xuân” như một lời mỉa mai cho những cách tân của Stravinsky.

Các nghệ sĩ vui mừng trước sự chào đón của công chúng Việt

Chính những chỉ trích và chế diễu đó đã làm nhà soạn nhạc người Nga suy sụp và đổ bệnh, ông đã phải dành 6 tuần trong một nhà thương tại Neuilly-sur-Seine. Phải đến tận năm 1914, tác phẩm mới nhận được sự ủng hộ của khán giả, sau một đêm diễn tại Paris.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 13/2/1913, Stravinsky cho biết vở ba lê này là một loạt các nghi lễ cổ xưa của người Nga. Nội dung được chia làm hai phần chính bao gồm phần đầu tiên mang tên “L’Adoration de la terre – Sự tôn thờ trái đất” và phần tiếp có tên là “Le Sacrifice – Sự hiến tế”.

“Nghi lễ Mùa xuân” là một địa chỉ chính xác cho những ai đang muốn đi tìm khai sinh cho âm nhạc đương đại, bản nhạc đã  trở thành một tác phẩm nền tảng của nền âm nhạc hiện đại. Có người đã nói rằng, không khó để hình dung niềm kinh ngạc trong một thế giới mà nền mĩ học văn minh hóa đang cạn kiệt và hấp hối. Tác phẩm như một dòng máu tươi mới, một cú sốc cho một cơ thể âm nhạc đã úa vàng.

Nhà hát Bến Thành tối qua chặt kín khán giả

“Nghi lễ mùa xuân” sẽ công diễn tại Hà Nội ngày 29/6/2013 sắp tới, sau khi đã chinh phục người xem tại Tp. HCM tối qua. Vở diễn nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm hai nước Pháp và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.

PV

 

Thực hiện: depweb

28/06/2013, 11:09