Cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ tại châu Á - Tạp chí Đẹp

Cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ tại châu Á

DELETED

Ở châu Á, ngày càng có nhiều cô gái muốn bỏ tiền ra mua một đôi mắt tròn xoe, chiếc mũi cao chót vót để đồng bộ với chiếc xe, điện thoại và bộ cánh đắt tiền của mình.

Tại "thánh địa thẩm mỹ" của Hàn Quốc

You Mi-jeong có làn da trắng mịn màng và các đường nét nhỏ nhắn, trông trẻ hơn so với tuổi 31 của mình. Cô tiết lộ rằng mới sửa mũi 2 tháng trước đây, tại chính bệnh viện mà cô đang làm việc. Mi-jeong là y tá tại Viện Thẩm mỹ BK, nằm trong khu Nonhyun-dong, Kangnam-gu, thành phố Seoul.

Hầu như tất cả các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ của thành phố Seoul đều tập trung tại khu Kangnam-gu. Có thể nhận ra "thánh địa" ngay khi đặt chân xuống ga tàu điện ngầm. Nếu các ga tàu điện ngầm của Seoul thường ngập tràn biển quảng cáo điện thoại, mỹ phẩm, phim ảnh, thời trang thì tại 3 ga trong khu vực này lại thấy nhan nhản biển quảng cáo lớn nhỏ của các bệnh viện, trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ.

Mi-jeong chỉ lên tường, nơi có treo rất nhiều bản sao chứng chỉ, bằng cấp của các bác sĩ đang làm việc tại đây, và khoe rằng viện của mình là nơi có uy tín vào loại hàng đầu, tuy giá cả có hơi đắt một chút. Số tiền 800USD cho một lần cắt mỡ mắt, 3.000 USD cho một lần nâng mũi cũng khiến không ít người Hàn Quốc phải suy nghĩ.

Trào lưu nào dấy lên rồi cũng có lúc chìm xuống. Nhưng chạy theo cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ không đơn giản như khi bạn bỏ tiền ra mua một chiếc áo mốt nhất. Khi chiếc áo lỗi mốt, bạn có thể vứt xó kèm theo chút tiếc rẻ. Còn khi đã thay đổi một phần gương mặt hay cơ thể của mình, bạn sẽ không bao giờ có thể trở về như trước được nữa.

Nhưng với các cô gái từ đất nước Nhật Bản láng giềng thì giá cả như vậy là quá dễ chịu. Chính vì vậy, trong số khách nước ngoài đến đây từ nhiều nơi như Đài Loan, Hồng Kông, Mỹ… thì khách Nhật chiếm đa số. Mi-jeong có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Anh nên được giao nhiệm vụ tiếp khách hàng ngoại quốc.

Một nửa số y tá ở đây có thể nói tiếng Anh, tuy nhiên cũng như Mi-jeong, họ không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện bằng tiếng nước ngoài. Viện trưởng Buyng Gun-kim thì có thể giải thích cặn kẽ bằng tiếng Anh cho khách hàng mọi vấn đề liên quan đến ca phẫu thuật. Ông cũng có thế nói tiếng Trung và một chút… tiếng Việt (năm ngoái, bác sĩ đã từng đến Viện Nhi Trung ương trong chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ em Việt Nam của đoàn bác sĩ Hàn Quốc).
 
Mi-jeong có nhiệm vụ lấy thông tin cơ bản của khách hàng để lưu vào hồ sơ bệnh viện, rồi tìm hiểu nhu cầu của họ. Tất nhiên sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ nói cụ thể hơn về hiện trạng của khách hàng, cách tiến hành phẫu thuật, vật liệu sử dụng, thời gian phục hồi… Còn Mi-jeong thì chỉ nói sơ qua những điều cơ bản nhất để khách hàng có thể hình dung được con đường biến giấc mơ thành hiện thực của mình sẽ ra sao. Cô hóm hỉnh miêu tả: "Bạn sẽ ngủ một giấc, và khi thức dậy, nhìn trong gương thì… boom… gương mặt bạn đã khác hoàn toàn rồi". Nếu khách hàng thích, cô sẽ đưa họ đến phòng chụp ảnh rồi xử lý qua máy tính để đưa ra bức ảnh trước và sau phẫu thuật. Tôi cũng chụp thử một bức ảnh, nhưng thật tình thì không thích "gương mặt mới" của mình chút nào. Mi-jeong an ủi: "Đây chỉ là ví dụ thôi, phẫu thuật sẽ hoàn toàn khác cơ".
 
Trong lúc ngồi đợi Mi-jeong, tôi gặp 2 người ở phòng chờ. Ngồi cạnh tôi là người phụ nữ 45 tuổi, ở nhà nội trợ. Bà đến đây để cắt mỡ mắt nhưng bác sĩ khuyên nên nâng cả sống mũi. Bà đang lưỡng lự với cái hoá đơn 3.500USD. "Cô thấy mũi tôi thế nào, có nên đi nâng không?", bà cứ băn khoăn hỏi tôi như vậy.

Người còn lại trong phòng chờ là một cô nhân viên văn phòng 30 tuổi. Cô muốn đến đây để giã biệt đôi mắt một mí đặc trưng của người Hàn Quốc. Bạn bè của cô ai cũng đã từng sửa chữa một nét nào đó trên gương mặt.
 
Bùng nổ ở châu Á

Ngành phẫu thuật thẩm mỹ có tuổi đời nhiều hơn chúng ta vẫn tưởng. Người ta đã tìm thấy những tài liệu về phương pháp chỉnh sửa gương mặt bị thương tổn, có niên đại cách đây 4.000 năm. Các bác sĩ Ấn Độ biết đến công nghệ cấy ghép da từ năm 800 trước công nguyên. Cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, cùng với công việc chữa lành những vết thương chiến tranh, ngành phẫu thuật thẩm mỹ đã có bước tiến đáng kể. Những bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thời bấy giờ tập trung ở Anh, Pháp, Đức, Nga, Áo, Hungari. Sang thế kỷ 19, 20, phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến ở châu Âu và Mỹ.

Trong hơn 10 năm trở lại đây, làn sóng mê hoặc của phẫu thuật thẩm mỹ lan đến châu Á và nhanh chóng tạo thành cơn sốt rộng khắp. Nhật Bản lọt vào Top 5 quốc gia có số người phẫu thuật thẩm mỹ nhiều nhất (chỉ đứng sau Mỹ, Mêhicô, Braxin).

Theo chân Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ lần lượt được điểm danh. Số người chấp nhận phẫu thuật để làm đẹp ở Đài Loan trong năm 2004 đã tăng gấp đôi so với con số của 5 năm trước. Chính phủ Thái Lan thì không bỏ lỡ cơ hội chào mời du khách nước ngoài với những tour du lịch kết hợp phẫu thuật thẩm mỹ. Còn ở Nhật Bản, làn sóng đam mê vẻ đẹp hoàn hảo tạo cơ hội cho các bệnh viện, trung tâm thẩm mỹ có tiếng ở đây kiếm được 100 triệu USD mỗi năm.

Ở Hàn Quốc, cứ 10 người lớn thì có 1 người đã từng "thay hình đổi dạng". Thậm chí ở đây còn có trào lưu coi phẫu thuật thẩm mỹ là quà tặng tốt nghiệp phổ thông cho con gái, tất nhiên là với những ông bố, bà mẹ lắm tiền.
 
Tại những thành phố lớn của Việt Nam, không khó nhận ra ảnh hưởng của trào lưu này. Không chỉ các bà, các cô tìm lại tuổi thanh xuân, những ca sĩ, diễn viên, người mẫu muốn hoàn hảo khi xuất hiện trước công chúng, mà ngay cả những cô gái tuổi mười chín đôi mươi cũng nghĩ đến phẫu thuật để có một gương mặt xinh đẹp như thần tượng của mình.
 
Sẽ có người thắc mắc: "Chẳng phải cái đẹp vẫn được ca tụng khắp nơi đó sao, vậy tôi muốn đẹp hơn thì có gì sai?". Đúng, nhu cầu ấy không chỉ của riêng ai.

Tuy vậy, không ít người nghĩ tới phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản như việc tẩy một nét bút hỏng. Có người cứ mơ tưởng rằng con dao mổ là chiếc đũa thần, khiến gương mặt họ trở nên mỹ miều, nhưng không biết rằng khả năng của phẫu thuật thẩm mỹ cũng chỉ có giới hạn. Có người lại "nghe nói" bác sĩ này làm đẹp lắm, "nghe nói" chỗ kia rất đông khách…

Vậy là yên tâm trao mặt gửi vàng mà không cần biết người đang cầm dao mổ bằng cấp ra sao, kinh nghiệm thế nào. Những người nhiều tiền thì nghĩ tới một chuyến du lịch tới các "cường quốc thẩm mỹ" trong khu vực. Nhưng họ cũng đành hoàn toàn tin tưởng vào lời giới thiệu của các trung tâm môi giới mà không biết bệnh viện mình tới nằm ở đâu trong bảng bình chọn chất lượng các bệnh viện của nước đó.
 
Trào lưu nào dấy lên rồi cũng có lúc chìm xuống. Nhưng chạy theo cơn sốt phẫu thuật thẩm mỹ không đơn giản như khi bạn bỏ tiền ra mua một chiếc áo mốt nhất. Khi chiếc áo lỗi mốt, bạn có thể vứt xó kèm theo chút tiếc rẻ. Còn khi đã thay đổi một phần gương mặt hay cơ thể của mình, bạn sẽ không bao giờ có thể trở về như trước được nữa./.

Thực hiện: depweb

13/10/2005, 14:19