Con đường mới… - Tạp chí Đẹp

Con đường mới…

DELETED

Không có giới hạn nào cho sự sáng tạo cho nên con đường kết hợp giữa cái tinh
túy của truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại mà các nghệ sĩ mới đang
bước vào là một con đường rộng thênh thang.

“Không có âm nhạc, cuộc sống là một sai lầm – FrieDrich nieTzsche.”


*Trích Tuyên ngôn về vẻ đẹp bền vững của DAVINES.


Của người nghệ sĩ

Từ bốn mươi năm trước, chúng ta đã có Nguyễn Xuân Khoát với những thể nghiệm
viết cho bộ gõ, trước đó Trần Dần với thơ ngắn và tiểu thuyết, Nguyễn Tư Nghiêm,
Lê Công Thành trong nghệ thuật tạo hình. Bằng việc kết hợp giữa cái tinh túy của
truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại, những bậc thầy ấy đã mở con đường
mới cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam.

Ở một mức độ thấp hơn, thế hệ tôi
cũng mon men trên con đường ấy: Phó Đức Phương, Nguyễn Cường hình thành lối tư
duy âm nhạc đương đại trên cơ sở hấp thụ những tinh hoa của tuồng, chèo cổ, ca
trù, chầu văn và âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Tôi hấp thụ cái cấu trúc đơn giản
của điệu thức ba âm, những quãng đặc thù và cách đảo quãng rất riêng biệt của
người Việt và đặc biệt lối đảo phách nhẹ nhàng, duyên dáng của chầu văn, chèo cổ
để hình thành cho riêng mình một thứ âm nhạc có tiết tấu nhưng không bị phương Tây hóa

Rồi quá trình đổi mới và hội nhập đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện thế hệ cách
tân mới trẻ hơn bọn tôi nhiều và đội ngũ này ngày một đông đảo. Tiên phong vẫn
là các họa sĩ trẻ. Âm nhạc muộn hơn, vào những năm đầu của thế kỷ 21với những
thể nghiệm của Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, các tác phẩm viết cho giao hưởng của Trần
Mạnh hùng (giao hưởng thơ Lệ Chi Viên), cho thính phòng của Đỗ Kiên Cường (“Trống
cơm” – Tứ tấu dây), Đinh Lăng (“Độc thoại”, hòa tấu ba nhạc cụ: đàn tranh, oboe,
cello) và gần đây là của Tuệ Nguyên – Phó An My với “Thốt”, “Bóng” (viết cho
piano theo hình thức đối thoại với âm nhạc cổ truyền), Quốc Trung với “Đường xa
vạn dặm”, Lưu hà An với “Sáng nay”, “Con cò”, “Giăng tơ”.

Ở họ, dù là nhạc thể nghiệm hay giao hưởng – thính phòng hay nhạc nhẹ đều có sự
pha trộn, hòa quyện giữa chất liệu âm nhạc dân gian với âm nhạc hiện đại, đều
tiếp thu rất nhanh những thành quả của nhạc đương đại thế giới. Trên con đường
này, các nghệ sĩ thuộc thế hệ hội nhập (tạm tính từ đầu thế kỷ 21) đã bắt đầu
tạo ra được những dấu ấn riêng cho mình.

Không có giới hạn nào cho sự sáng
tạo nên con đường kết hợp giữa cái tinh túy của truyền thống và ngôn ngữ nghệ
thuật hiện đại mà các nghệ sĩ mới đang bước vào là một con đường rộng thênh
thang.


Và của người–nghe-nhạc


Âm nhạc sinh ra không để lấp chỗ trống và cũng không chỉ để vui tai. Nó là thứ “thực phẩm” bổ dưỡng cần thiết cho nội tâm. Nhưng “thực phẩm” này nếu
bị nhiễm bẩn, nội tâm sẽ sinh bệnh.




“Nhạc sến” là cách gọi của tầng lớp trung lưu văn hóa đối với nhạc bình dân.
Thực chất đây là loại nhạc “dân gian đô thị” xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ 20 ở
nước ta (chủ yếu ở các đô thị miền Nam), tuy có pha trộn những yếu tố Tây phương
về mặt tiết tấu nhưng giai điệu rất gần gũi với dân ca còn nội dung ca từ thể
hiện cách cảm, cách nghĩ về tình yêu, tình đời về thân phận của người nghèo, lớp
người bị thiệt thòi về trình độ văn hóa.

Loại nhạc này có công chúng rất đông đảo, hiện nó đang được nâng cấp về mặt biểu
diễn để phục vụ một bộ phận giới nhà giàu mới. Chúng ta cần có cách nhìn đúng và
sự tôn trọng cần thiết.



Nhạc cổ điển gắn liền với việc hình thành tri thức, các kỹ năng tư duy và việc
cảm nhận cái đẹp, góp phần quan trọng trong việc tạo thành văn hóa nền cho một
con người. Cho nên nghe nhạc cổ điển ngoài việc thỏa mãn sự thích thú (tính giải
trí), bồi bổ tâm hồn nó còn “nghe để học”. Nhưng dù nghe loại nhạc nào cũng cần
một cái tai tốt
.

Hiện nay, rất nhiều người mắc bệnh “điếc thời đại” bởi phải sống trong môi
trường ô nhiễm âm thanh. Tiếng ồn đô thị cộng với việc thái quá trong việc sử
dụng âm thanh điện tử trong các hoạt động giải trí đã ảnh hưởng nhiều đến việc
thẩm âm. Nhiều người đánh mất khả năng nghe những âm thanh có sắc thái nhỏ, tất
cả phải từ mạnh vừa (mf) trở lên mới đủ để có cảm xúc.





Đấy là lý do vì sao ca sĩ cứ phải hát to và tìm chỗ để có thể gào lên trong một
bài hát trữ tình. Âm nhạc một

khi trở thành “lễ hội” của sự to tiếng nó không còn là âm nhạc nữa. Hay nói đúng hơn nó là thứ “âm nhạc của những người điếc”. “Điếc” dẫn đến việc đánh
mất khả năng cảm âm tinh tế. Đấy có thể cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh vô
cảm của một số bạn trẻ hiện nay và là nguyên nhân chủ yếu khiến các bạn này dị
ứng với nhạc cổ điển và chưa ưa chuộng những
loại nhạc không có âm thanh điện tử (aucoustic) “vì nghe nó không đã”.



Để có “tai nghe nhạc tốt”, tai cũng
cần phải được “đào tạo”. Âm nhạc, muốn hiểu nó thật sự không chỉ bằng cách thu
nhận kiến thức thông qua việc đọc sách mà phải “sống” với nó (nghe và thực hành
âm nhạc {thông qua việc học và chơi một nhạc cụ đó}). hiện nay các phương tiện
nghe rất dễ kiếm và giá rẻ. Nhạc cụ cũng thế. Còn internet là một công cụ tìm
kiếm âm nhạc tuyệt vời. Bạn có thể học nhạc mà không cần phải đến trường.


Có nghĩa là muốn có cái tai nghe nhạc tốt chúng ta có thể tự đào tạo được.



Bài: Nhạc sĩ Dương Thụ


Thực hiện: depweb

12/10/2011, 17:20