Colette Paris: Cái nôi của “concept store” - Tạp chí Đẹp

Colette Paris: Cái nôi của “concept store”

DELETED

Concept Store

Mua sắm cũng có thể xem là nghệ thuật, và “concept store” (tạm dịch là cửa hàng của ý tưởng) là khái niệm tiến bộ nhất của nghệ thuật kinh doanh thời trang hiện nay. “Concept store” đã xóa bỏ quan niệm cửa hàng thời trang chỉ đơn giản là nơi bán quần áo. Bước vào một “concept store”, khách hàng như lạc vào thế giới sắp đặt đầy sáng tạo. Trang phục ở đây không chỉ là thứ để mặc lên người mà trở thành tác phẩm của nhà thiết kế được tuyển lựa theo ý tưởng nhất định, bày biện trong không gian tựa như một phòng tranh nghệ thuật.


Nhận định này dành cho Colette Paris quả thật không ngoa. Đi tiên phong trong trào lưu “concept store” tại Paris nói riêng và châu Âu nói chung, Colette Paris trở thành một biểu tượng thời trang nước Pháp.

 

Trong bài báo đăng trên tờ New York Times, Stefano Pilati, cựu Giám đốc Sáng tạo nhà mốt Yves Saint Laurent, đã không tiếc lời ca ngợi Colette đã “góp phần đưa tất cả mọi ngóc ngách của Paris lên bản đồ thời trang thế giới”, bởi lẽ, các món hàng tại Colette không chỉ đến từ thương hiệu danh giá, mà còn chọn lọc từ nhiều nhà tạo mẫu trẻ tài năng.

Cửa hàng Colette trong dịp Giáng sinh

Bệ phóng tuyệt vời cho ý tưởng

Cũng giống như việc điều hành và phát triển một phòng tranh nghệ thuật, người đứng đầu “concept store” phải có con mắt tinh tường để phát hiện và lăng xê tài năng mới thành kiện tướng. Và Sarah Lerfel – người nắm giữ linh hồn của Colette – là một trong những người như vậy, thậm chí là người giỏi nhất trong số đó.

Năm 2009, nhóm KNOTORYUS chuyên biên tập, xuất bản sách về thời trang – nhiếp ảnh – tranh vẽ, đến từ Brussels, đã được Sarah chú ý. Ngay lập tức, ấn phẩm đầu tiên của nhóm này là “Face Everyone and Rule” (Đối mặt với tất cả và thống trị) đã xuất hiện tại Colette. Đây là điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng với một nhóm nghệ sĩ nhỏ đến từ Brussels. Những nhân vật hàng đầu của giới sáng tạo và giải trí, từ Karl Lagerfeld, Kate Moss tới Paris Hilton hay Pharrell Williams, đều sẽ nhìn thấy tác phẩm của họ khi ghé thăm Colette. Ba tháng sau, KONTORYUS được Louis Vuitton mời tới xưởng thiết kế để chứng kiến quá trình cộng tác thiết kế giày và phụ kiện giữa nhà mốt và siêu sao hiphop Kanye West.

 

Kate Moss xuất hiện tại Colette trong buổi ký tặng cuốn sách “Kate: The Kate Moss book”


Mỗi tuần Colette thay đổi hình ảnh trang trí ở cửa kính một lần. Đây không chỉ là một động thái “fast-fashion” mà bao hàm những ý tưởng sáng tạo liên tục. Cách bày biện ở Colette không theo xu hướng nào cả, chúng đơn thuần là những ý tưởng được thực hiện thông qua bộ tuyển tập gồm thời trang, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, ẩm thực… Khách hàng không ùa ngay vào những chồng quần áo, họ sẽ phải dừng lại để thưởng lãm cuộc trưng bày thời trang và những tổ hợp ý tưởng sáng tạo khác nhau trong “concept store”. Và với những ý tưởng mới lạ và độc đáo, Colette chưa bao giờ khiến các vị khách của mình phải thất vọng.

Không gian trưng bày của cửa hàng Colette


Sáng tạo vị sáng tạo

Sáng tạo có thể phân ra rất nhiều nhánh khác nhau: sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo vì cộng đồng xã hội, sáng tạo để kinh doanh, v.v… Còn Colette tiêu biểu cho “sáng tạo vị sáng tạo”. Nghĩa là sự sáng tạo đó được hỗ trợ tối đa vì bản thân công việc đó góp phần cho một mục đích chung: làm ra điều mới lạ, hay ho.

 

“Chiếc hộp bất ngờ” của Colette 


Sarah Lerfel, Giám đốc Sáng tạo và đồng sáng lập Colette, được mệnh danh là cô gái “cool” nhất Paris. Hiếm khi nghe thấy ai gọi cô là một fashionista, dù Sarah làm chủ thánh đường thời trang Colette. Sarah Lerfel đặc trưng cho tính cách Pháp, sành điệu, có trình độ thẩm mỹ cao, hóm hỉnh nhưng không thích phô trương trên báo chí. Người ta chẳng biết gì nhiều về cô ngoại trừ những thành quả ngoạn mục từ Colette. Thậm chí, mẹ cô, bà Colette Rousseaux, người sở hữu nửa còn lại của Colette, chưa bao giờ trả lời phỏng vấn báo chí, ngoại trừ một lần duy nhất trên tờ Le Figaro Madame.

 

Bà Sarah Lerfel (trái) – Giám đốc Sáng tạo của Colette 


Năm 1997, vừa tốt nghiệp ngành lịch sử nghệ thuật và thực tập tại tạp chí thời trang cách tân Purple của Olivier Zahm, Sarah cùng mẹ đi tìm một địa điểm cho ý tưởng cửa tiệm thời trang phong cách mới. Tháng ba năm đó, Colette ra đời tại mặt bằng ba tầng rộng gần 700m2 trên con phố Rue Saint-Honoré. Hơn 12 năm tồn tại, tôn chỉ sáng tạo của Colette không bao giờ thay đổi. Ở đó, sự sáng tạo không chia phân bậc. Thương hiệu xa xỉ Lanvin, Prada, Yves Saint Laurent đứng cạnh kệ trưng bày các nhãn mác trẻ trung, đường phố: giày thể thao Nike, giày vải Vans, dưới một nhà hàng và quầy bar với một trăm loại nước uống đóng chai. Colette trở thành một thương hiệu ưa chuộng của giới thời trang, bởi họ tìm thấy những món hàng độc nhất, kết quả của quá trình thúc đẩy sáng tạo của Sarah và nhiều thương hiệu, nhãn hàng hay các nhân vật khác nhau. Dấu “x” là kí hiệu xuất hiện thường xuyên nhất tại Colette – biểu trưng cho sự hợp tác bất ngờ.

Cửa sổ Colette với BST Stella McCartney

Cửa sổ Colette với các thiết kế của Christopher Kane và Mary Katrantzou


Tháng 3/2011, một sự kiện lớn mang tên “Chanel x Colette” được tổ chức và thu hút sự chú ý của đông đảo giới mộ điệu tại Paris và các quốc gia khác. Các thiết kế Chanel mùa Xuân Hè 2011 được trưng bày chung với các nhà thiết kế trẻ tại Colette, một điều “tối kị” không phải ai cũng dám thực hiện. Karl Lagerfeld đã thiết kế những cô nàng búp bê Chanel rất đáng yêu dành cho Colette. Một năm trước đó, Colette đã mời nhiếp ảnh gia nổi tiếng Todd Selby (người chuyên chụp ảnh nhà ở và phỏng vấn những nhân vật quan trọng nhất trong làng sáng tạo) thực hiện một dự án độc đáo. Đó là chụp ảnh 20 căn hộ của các nhà thiết kế, nghệ sĩ, kiến trúc sư… vỏn vẹn trong một tuần, đúng bằng thời gian tồn tại của một khung cửa sổ trang trí tại Colette. Sáu tháng sau, Colette lại chứng kiến một cuộc hội ngộ thú vị với huyền thoại Hermès. “Mối tình” mang một cái tên lãng mạn rất Pháp “Colette x Hermès J’aime mon Carré” này đã tái hiện lại những mẫu in cổ xưa trên khăn lụa với màu sắc rực rỡ, vui nhộn chưa từng thấy trên thị trường.

Bản sketch của Karl Lagerfeld nhân dịp Chanel hợp tác với Colette.


Đầu tháng 12 vừa rồi, cũng tại Colette, Pierre Le-Tan – một họa sĩ vẽ tranh minh họa nổi tiếng tại phương Tây (chính là con trai của họa sĩ Lê Phổ lừng danh một thời ở trường Mỹ thuật Đông Dương) đã ra mắt quyển sách “Les Aventures de Ralph & Wulfran” (Chuyến du hành của Ralph & Wulfran). Cuốn sách được chào đón bởi giới thời trang và mỹ thuật Paris, trong đó tất nhiên không thể thiếu cô con gái rượu của tác giả – Olympia Le-Tan, người đã thiết kế những chiếc túi cầm tay với hình bìa các cuốn tiểu thuyết kinh điển làm đảo điên các tín đồ thời trang.

Cửa sổ Colette với những chiếc khăn Hermès.

Diễn đàn Dân chủ

Colette thực sự đã tạo một diễn đàn dân chủ cho thị trường thời trang, nơi cấp bậc hay quyền lực tài chính không phải điều chính yếu. Muốn đăng đàn trên đó, không cách nào khác, người sáng tạo phải nỗ lực hết mình, dù ở bất cứ lãnh vực nào, thời trang, nhiếp ảnh, âm nhạc, báo chí, hội họa, ẩm thực,… Khách hàng cũng không thể lười biếng lựa chọn sản phẩm một cách bâng quơ, họ thật sự trân trọng thành quả lao động của những con người sáng tạo. Cuộc đối thoại giữa người sáng tạo và người mua hàng chính là luồng sinh khí mãnh liệt nhất của Colette.

 

Không gian trưng bày của Colette

 

Cửa sổ Colette với các thiết kế của Chanel. 

Câu chuyện Concept Store

Bài viết đã đăng:

>> Colette Paris: Cái nôi của “concept store”

Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo trong chuyên đề:

>> Xa xỉ & Avant Garde

>> Oukan “vương miện” giữa lòng Berlin

Thực hiện: Arlette Quỳnh Anh










Thực hiện: depweb

08/01/2013, 14:11