Cơ hội tỏ tình - Tạp chí Đẹp

Cơ hội tỏ tình

DELETED

Tôi đi bên anh mà vô cùng xa cách trên con đường dẫn về làng. Đây là lần đầu tiên tôi đi công tác cùng anh. Thú thật ở thành phố chẳng mấy khi tôi nghĩ đến điều này. Có lẽ cuộc sống huyên náo, ồn ào làm cho tôi không định vị được chính mình. Tôi thích cái khoảng cách thanh bình này hơn cả sự gần gũi nơi tôi và anh cùng làm việc.

Một cánh én chao lượn như rơi từ trên bầu trời, rồi lại vút lên khi chỉ cách mặt đất gang tấc. Nơi rìa làng mây trời lả lơi trên những hàng tre. Tôi muốn lắm lấy tay anh, ngả đầu trên vai anh để tận hưởng cảnh đồng quê mộc mạc, quyến rũ và nói với anh một điều: “Em yêu anh”. Nhưng tôi không thể, anh đã có vợ. Tôi không thể như chú én kia bay lên được khi khoảng cách còn quá ngắn. Hay tôi cũng chỉ như những áng mây chiều bảng lảng bên anh. Tôi tự mỉm cười bâng quơ với chính mình. Tiếng bước chân hai người vẫn đều đều nhẹ bước trên con đường đất đỏ mịn màng.

– Mệt không? Chiến hỏi và nắm lấy quai chiếc túi mà tôi đang xách.
– Thôi anh nặng rồi, tôi ái ngại liếc nhìn chiếc ba lô đang trễ trên vai anh.
– Nặng nhưng cân bằng, như vậy lại dễ đi hơn. Cuộc đời bao giờ cũng cần có đối trọng phải không Vân.

Chiến nhường lối nhỏ, anh bước trên thảm cỏ ven đường. Hồi nhỏ ngày nào anh cũng tới trường trên những con đường như thế này. Anh rất thích những chuyến công tác về nông thôn. Mỗi dịp trở về là một lần anh lại được sống với những ký ức tuổi thơ.

– Trông kìa em!

Tôi quay về hướng anh chỉ. Cánh đồng lúa chín trải dài trước mắt tôi một màu vàng hươm. Sóng lúa dập dờn đuổi nhau rồi tan biến dần phía xa xa, một vài cụm khói bàng bạc bốc lên từ mái bếp nhà ai lan toả một cảm giác ấm cúng. Chiều dần buông.

– Anh Chiến biết không. Những lần đi xa em luôn muốn trở về vào buổi chiều thật muộn. Thích được tận hưởng cái cảm giác mọi người đang mong đợi mình. Thật khủng khiếp khi ra đi mà phía sau không có ai mong chờ mình.
– Đúng. Buổi chiều bao giờ cũng là thời gian của sự đợi chờ. Anh đã thấm cả nỗi đau lẫn niềm hy vọng. Em biết không, trong những năm tháng ở chiến trường, chiều nào yên tiếng súng là lúc anh lại nhớ mẹ. Hình ảnh bà ngồi bên ngưỡng cửa ngóng chờ con sau buổi làm đồng luôn hằn sâu trong trái tim anh. Vân ạ, điều này nó thôi thúc người lính lao lên phía trước để mau chóng tới ngày trở về. Cuộc sống thật có nhiều nghịch lý, để quay lại người ta lại phải lao lên phía trước.
– Rồi sao hả anh?
– Chẳng sao cả, anh về được thì muộn.

Chúng tôi đổi tay, bây giờ cái đối trọng nằm hẳn trong tay anh, vết hằn trong tay tôi được buông thả dịu dần. Tôi vốn là một cô gái lãng mạn từ nhỏ. Mọi người bảo thế. Là con một, tôi sống với mẹ, bố Nam tiến. Hà Nội thuở ấy đối với tôi là mẹ, rạp chiếu phim và một nhúm bạn bè. Mỗi lần từ nơi sơ tán đạp xe về thăm mẹ, tôi đều tranh thủ ít nhất xem phim được một lần.

Lần ấy, một ngày giáp Tết, tôi đến hơi trễ, rạp đã kín người. Tôi vội vã nép người lách qua hai người lính to lớn đến chỗ mình. Đẩy tấm lật ngồi xuống, tôi rơi ngay xuống sàn. Không đau nhưng giật mình, tôi quờ tay túm chặt lấy anh lính ngồi bên cạnh. Anh đỡ tôi dậy, nhường chỗ rồi hý hoáy lắp lại chốt quay của ghế. Bây giờ thì tôi ngồi giữa hai người. Ngó lên phù hiệu trên vai áo, tôi nhận ra họ là những người lính không quân. Chúng tôi quen nhau rất nhanh, các anh vốn là những đề tài hàng ngày trên giảng đường và đôi lúc cả trong những ước vọng mơ hồ của các cô cậu học trò sắp tốt nghiệp phổ thông thời chiến.

Đèn tắt dần, ai nấy trở về với câu chuyện trong phim. Thời gian lặng lẽ trôi. Khi màn hình hiện lên chữ “Hết”, dòng người đổ nhanh ra cửa. Trong chiến tranh ai cũng có vẻ suy tư và vội vã. Còi báo động bỗng vang lên, mọi người tản về hầm trú ẩn sẵn có ngay dưới lòng đường. Người lính đi phía bên phải giúi vào tay tôi mảnh giấy ghi địa chỉ mà không kịp nhận lại. Họ không tìm nơi trú ẩn, hai người chìm vào trong bóng đêm của thành phố đã tắt ngấm ánh đèn.

Tôi cứ nghĩ: những người lính là những người không biết lẩn trốn. Bóng đêm xoá đi cái khoảng cách giữa tôi và họ. Không hiểu sao lúc này nước mắt tôi cứ trào ra không cầm lại được. Tôi trở về nhà với đôi mắt mọng đỏ. Mẹ ngạc nhiên nhìn tôi hỏi.

– Có chuyện gì đó con?
– Có – tôi ngập ngừng – mà cũng không có chuyện gì mẹ ạ. Con ngồi xem phim cùng hai anh bộ đội, quen nhau vì chiếc ghế gãy. Con cứ nghĩ con sẽ không bao giờ gặp lại những người lính ấy nữa.
– Có thể như vậy. Chiến tranh mà con – mẹ bình thản nói.

Tôi sững sờ nhìn mẹ. Có lẽ vì thế mà mẹ mới sống nổi hàng chục năm xa chồng mà thỉnh thoảng lắm mới có những dòng tin ít ỏi về ông.

Thời gian trôi. Thấm thoát đã mấy tháng, mặt trời mọc rồi lại lặn. Hồi đó trường tôi tổ chức một đợt sáng tác “Viết về anh bộ đội”. Giải nhất thuộc về tôi. Tôi lén giấu mẹ và bạn bè gửi bức thư cho một người, đây là lần đầu tiên tôi gửi thư cho một người con trai. Nội dung chính là câu chuyện nhỏ của tôi vừa được giải, gấp cẩn thận bỏ trong phong bì bằng giấy học trò theo địa chỉ: Mạnh Hùng HT – 68 … L cùng với lời đề tặng. Và cũng là một bức thư không có hồi âm.

Bảy năm sau.

Cầm chiếc bằng tốt nghiệp từ Nga về, tôi đến nhận công tác ở một toà soạn báo. Người đầu tiên tôi gặp là anh. Hôm ấy tôi mặc bộ đồ cũ của mẹ, vì thời đó mọi người đánh giá rất khắt khe về cách ăn mặc. Tôi xúng xính trong bộ quần áo không phải của mình. Quay sang bên tôi bắt gặp một ánh mắt soi mói, nụ cười nhếch một bên ngạo mạn trên khuôn mặt từng trải và không đẹp. Tôi đâu phải đứa nhút nhát. Tôi nhìn anh và mạnh dạn hỏi.

– Bác Tung ngồi đâu anh?

Anh hơi bất ngờ, bởi gặp khuôn mặt ấy phần nhiều những cô gái chưa quen đều lẩn tránh. Anh chỉ vào một cánh cửa khép kín, bên ngoài khoá bằng một chiếc khoá rất to, có chiếc biển đề: “Phòng tổ chức”.

– Em có thể gặp bác ấy ở đâu được? – Tôi không lùi.
– Cách đây 70 cây số về hướng Sơn Tây.

Một thoáng im lặng rồi tiếng nói đó lại vang lên.|

– Ngày mai cũng được chứ sao. Ngày mai bác ấy sẽ có mặt tại đây.
– Nhưng trong giấy báo có ghi phải tới gặp bác Tung đúng hẹn.
– Cô vừa ở nước ngoài về?
– Vâng.

Anh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nhếch mép cười. Tôi cũng cười theo, vô tình.

– Thôi thế này, cô đưa giấy tờ cho tôi, tôi đằng nào cũng trở về nơi sơ tán cũ ngay đêm nay để chở nốt đồ. Tôi sẽ chuyển giấy cho ông ta, minh chứng là cô tới đúng hẹn là được.

Không hiểu sao tôi lại tin anh ta, và chúng tôi quen nhau như vậy đấy.

Sau chuyến công tác về chúng tôi lại xa nhau. Tôi được đi nghiên cứu ở nước ngoài. Hôm tiễn tôi có đông bạn bè và người thân. Ai cũng tránh nói đến thời gian với một cô gái hai tám tuổi chưa chồng. Sắp đến giờ lên máy bay, tôi đến bên anh.

– Nói với em điều gì đi chứ!
– Khi về nhớ xách va li sang thẳng 41 Quán Sứ nhé – anh ghé sát tai tôi. Tôi bật cười giơ nắm đấm.
– Em sẽ kéo theo cả anh nữa đấy.

Ba năm sau trở về, bạn bè thưa dần, nhưng trong số người ít ỏi đón tôi trên sân ga vẫn có anh.

Mùa xoài năm sau anh đi công tác Sài Gòn. Được gần một tháng thì nghe tin anh bị tai nạn ô tô trên đường. Nhân có việc phải vào trong đó, trong tổ tôi không ai muốn đi, mà ở cái đất Sài Gòn này, giá cả lại đắt đỏ kinh người. Tôi tình nguyện đi vì muốn thăm anh. Từ sân bay tôi đi xích lô thẳng về nơi anh đang ở. Ngày chủ nhật nhà khách vắng tanh chỉ có một bà già đã ngoài sáu mươi trông coi, quét dọn. Trong sân, mấy cây xoài già thả những chiếc lá vàng trên nền xi măng loang lổ.

Đi về phía căn phòng hé mở theo sự chỉ dẫn của bà cụ. Ánh nắng buổi chiều chiếu qua khuôn cửa sổ thẳng vào chỗ anh nằm. Anh lặng im và cô độc. Tôi khẽ gọi:

– Anh Chiến.

Anh bật dậy, lập bập.

– Em đấy à? – nét mặt anh lộ vẻ xúc động và bối rối.
– Anh khoẻ chưa, ngoài kia người ta nói vì anh muốn đi tìm hiểu mát- xa ở tận Cần Thơ nên mới gặp tai nạn đấy, phải không?
– Xem ra lời đồn bao giờ cũng cay nghiệt, còn lời hứa thì bao giờ cũng khó thực hiện phải không Vân? Nhiều năm tháng trôi qua người ta đã nhiễm vào thói quen chỉ nhìn hiện tượng mà bỏ qua bản chất của sự việc. Với cái nhìn như vây, người ta nói tốt, nói xấu cho ai như thế nào mà chẳng được.

Câu nói vui của tôi vô tình lại làm anh buồn.

– Xin lỗi anh, em đùa đấy, bao giờ em cũng tin anh.
– Ở đây không phải là lòng tin, mà còn là tình thương cùng với trách nhiệm của con người hôm qua và cả ngày hôm nay nữa.
Hình như cảm thấy mình vô lý anh nên dịu giọng.
– Em vào khi nào mà đã tới thăm anh? Những ngày qua anh hay nghĩ đến em.
– Thế chị đâu rồi? – Tôi hỏi một câu bâng quơ vô nghĩa.
– Chị ấy có gửi thư và mọi thứ chu cấp cho anh. Chị ấy bận lắm, mỗi người có một niềm say mê riêng cần tôn trọng. Vả lại, em thấy đấy, anh vẫn mạnh, có sao đâu.

Vâng, anh vẫn mạnh, tôi nghĩ thầm chua xót. Buổi tối chúng tôi đi ăn kem Sài Gòn và dạo với nhau bên dòng sông cửa biển. Không hiểu sao tôi lại liên tưởng và ao ước được sánh vai anh trên những con đường rợp bóng bạch dương vào những chiều Matxcơva thơ mộng. Nhưng cuộc sống có bao giờ chiều theo ý con người. Tôi có cảm giác đã quen anh từ lâu lắm, cái cảm giác làm tôi không xác định được thời gian.

Sau khi hoàn tất công việc tại Đà Lạt, tôi trở về thành phố. Anh khoẻ hơn và tươi tỉnh hẳn. Trên bàn có nhiều hoa quả và đặc biệt là một lọ hoa tươi cắm rất khéo. Chiều ở cái thành phố cửa sông này tuyệt đẹp, nắng vàng trải mênh mông trên mặt đường. Tôi khoác tay anh hoà vào dòng người đi dạo. Phố xá lên đèn từ lúc nào, chúng tôi đi bên nhau lặng im không nói. Rẽ vào một quán bar bắt gặp trên đường để uống cà phê, quán có cả nhạc sống. Tiếng nhạc dịu êm, nhiều đôi trai gái ăn mặc thật đẹp ôm nhau nhảy.

– Sao không nhảy cùng em?
– Anh thích nói chuyện cùng em, hơn nữa chân hãy còn hơi gượng. Hôm anh đi Cần Thơ…
– Anh định thanh minh với em à?
– Không, chẳng có điều gì phải thanh minh. Anh chỉ muốn kể em nghe một câu chuyện cũ. Trước đây anh có một người bạn thân trong cùng đơn vị. Sau vì lý do sức khoẻ, anh ta phải chuyển qua đơn vị pháo phòng không. Chia tay nhau được ba tháng, anh nhận được thư. Anh ấy nhờ anh nếu hết chiến tranh, anh ấy không còn nữa thì hãy cố tìm lại đứa em gái tên Hạnh cho anh. Kèm theo là một lời nhắn gửi với lá thư của một người con gái. Em tin là có linh cảm không, bốn tuần sau thì anh ấy hy sinh. Vừa rồi tranh thủ chuyến đi, anh tìm về quê, nhưng chẳng ai biết được em gái anh ấy giờ ở đâu. Mãi sau ở làng bên có một người cho biết đã có lần gặp Hạnh làm cho một nhà hàng ở Cần Thơ. Thế là anh lại tất tả bổ tới đây, nhưng cô ta chán cảnh này đã bỏ đi rồi. Quay lại thành phố thì xe gặp tai nạn. Lời nhắn nhủ của người đã khuất vẫn chưa thực hiện được.
-Thế anh bạn tên gì?
– Mạnh Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng, còn em gái là Nguyễn Kim Hạnh.
Tôi giật mình, bóng tối, thời gian và tuổi tác che lấp nỗi xúc động trong tôi.
– Anh Chiến!

Chúng tôi quay lại phía tiếng gọi. Một cô gái đang bụm miệng chạy lại, khúc khích cười ngượng ngùng vì tiếng gọi hơi to trong phòng vũ hội.
– Quỳnh, Hương Quỳnh, cơn gió nào đưa em tới đây, sao biết anh ở đây mà tìm – Chiến cũng vui ra mặt.
– Anh liệu chừng, anh trốn vào xó xỉnh nào em cũng lôi anh ra được. Mà lại đi với chị Vân thì chỉ có vào phòng vũ hội thôi chứ còn đi đâu nữa, ngoài chỗ này.

Sau đợt đi học quay trở về cơ quan tôi biết họ rất thân nhau, và bây giờ vẫn thân nhau, bỏ ngoài tai những lời dị nghị. Chiến thì chẳng nói làm gì, còn Quỳnh thì vẫn tỉnh bơ với bao lời đàm tiếu. Cô sống vô tư và chẳng hề biết sợ. Tôi biết Quỳnh thực sự hồn nhiên, nhiều lúc tôi phát ghen lên vì sự hồn nhiên của Quỳnh.
Quỳnh đến mang theo sự ồn ào vui vẻ, chẳng ai có thể suy nghĩ được điều gì nghiêm túc khi có cô bên cạnh. Quỳnh kể và hỏi đủ thứ chuyện. Cô đã khóc khi nghe tin anh bị tai nạn, nhưng bây giờ thì hình như lại chẳng có gì nghiêm trọng cả. Quỳnh kể:

– Em vào đây cùng cả nhà, đón bố từ Đà Lạt xuống rồi đi Vũng Tàu nghỉ. Em nán lại tìm anh. Bà già nơi anh ở nói anh vừa đi chơi với một chị cũng từ Hà Nội vào, xinh lắm. Em đoán ngay ra là ai, lại đi bộ nữa, chị Vân lại thích nhảy nên em tạt vào đây, mai cả ba đi Vũng Tàu nhé, em mời…

Quỳnh kéo Chiến hoà bước vào đám nhảy, tôi biết Chiến chẳng thể từ chối…

– Chị Vân cho phép nhé.

Quỳnh quay lại phía tôi mỉm cười. Tôi hơi ngượng với cách ăn nói của Quỳnh, nhưng không thể giận cô vì sự hồn nhiên đã trở thành cá tính.

Những ngày làm việc đều đều ở cơ quan vẫn diễn ra như thường lệ. Hàng ngày vẫn những bộ mặt: thật, giả, thông minh có, làm ra vẻ thông minh có, ngu đần có…, và ai cũng hối hả chẳng biết với những công việc gì.

Rồi một buổi tối Chiến rủ tôi đi uống cà phê. Tôi nghĩ chắc anh buồn vì chuyện gia đình, nghe nói họ sắp chia tay nhau. Tôi nhận lời. Đêm thu, trời trong veo, chúng tôi ngồi trên sân thượng một ngôi nhà hai tầng rưỡi được trang trí khá hấp dẫn ngắm Tây Hồ. Thấy anh trầm tư tôi chủ động nói chuyện để phá tan đi cái không khí im lặng giữa hai người.

– Anh Chiến có biết hôm ở Sài Gòn ra, bà Trưởng ban phụ nữ gặp em nói gì không?
Anh ngước nhìn tôi trìu mến như khích lệ.
– Bà ấy biết em thân với anh và cả anh Quỳnh nữa nên khuyên em góp ý với Quỳnh.
– Em định nhắc lại điều đó với anh – Chiến ngắt lời tôi.
– Không – tôi cười bẽn lẽn – Đúng ra em phải nói với bà ấy, người đáng góp ý là em chứ không phải Hương Quỳnh.

Anh xúc động nắm lấy tay tôi. Một lúc sau anh lặng lẽ đặt vào tay tôi lá thư của Hùng:

… “Chiến ơi, cách đây mấy tuần tao có nhận được một lá thư. Mày có biết là thư ai không, của một người con gái đấy. Chắc rằng mày không thể nghĩ ra được đâu, cũng không thể ngờ tới. Mày biết rằng hai đứa mình đã có đứa nào có bạn gái đâu. Nhớ hôm xem phim “Thằng ngốc” ở rạp Tháng Tám chứ? Bức thư là của người con gái mà chính mày đã sửa cái ghế gãy cho cô ấy. Gần đây tao linh cảm sắp có một cuộc đi xa. Vậy là tao với mày sẽ còn lâu mới gặp nhau, và cũng không mong ngày đó đến sớm. Tao chuyển cho mày lá thư mà tao vừa kể, bởi nó là lá thư chung của hai đứa mình, mày hãy giữ lấy nó làm kỷ niệm. Bây giờ tao có hai việc muốn đề nghị với mày: Một là sau chiến tranh trở về mày nhớ tìm cái Hạnh em tao và nói với nó một điều là tao rất thương nó. Thứ hai là mày hãy cố gắng tìm lại người con gái đã gửi thư cho chúng mình, người bạn gái duy nhất của chúng ta cho đến lúc này. Mày cứ quanh quẩn mấy cái rạp chiếu phim ở Hà Nội là thế nào cũng được gặp. Thôi tao cứ cầu chúc cho cả hai người! Mày nhớ nhé, trong cuộc chiến này có nhiều điều kỳ lạ lắm”.

Trong tay tôi còn có cả lá thư của chính mình. Tôi gục đầu trên vai anh, cứ thế thật lâu và im lặng. Anh xiết chặt tay tôi, bàn tay anh run run, không hiểu do sương lạnh hay do những giọt nước mắt tôi rơi trên vai anh./.

Thực hiện: depweb

21/08/2006, 10:37