Cô gái "tỉ đô" Trần Uyên Phương: Triết lý của ba tôi là "Muốn con biết bơi phải ném nó xuống sông" - Tạp chí Đẹp

Cô gái “tỉ đô” Trần Uyên Phương: Triết lý của ba tôi là “Muốn con biết bơi phải ném nó xuống sông”

Women Empower Women

Người ta thường gọi Trần Uyên Phương là “công chúa”, “cô Hai”. Ai cũng nghĩ, được sinh ra trong cái nôi dát vàng thì cuộc sống của cô gái này hẳn nhiên là sung sướng, muốn làm gì tùy thích, được học ở những trường danh giá nhất thế giới mà không phải lo nghĩ đến tiền…

Nhưng sự thực, chỉ có người trong cuộc mới hiểu cảm giác đứng dưới một cây đại thụ quá lớn, thì sự vươn lên và trưởng thành của một cây non buộc phải đi qua những bài học khắt khe đến mức nào.

tran-uyen-phuong-tan-hiep-phat-3

Cuộc sống “kim cương ra đời dưới áp lực”

– Chúc mừng chị đã xuất bản cuốn sách đầu tiên và ngay lập tức tạo ra cơn sốt. Trước khi đọc cuốn sách này, tôi đã có một hình dung khác về cuộc sống của chị, về gia đình chị!

– Tôi không biết cuộc sống của những người khác thế nào cho đến khi tôi phỏng vấn ứng viên và làm việc với nhân viên. Tôi thấy các bạn có tư duy và sống tự lập tốt thường là những bạn sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, phải bươn chải từ sớm. Còn các bạn được bảo bọc, được bố mẹ che chở, lo lắng thì thường suy nghĩ ỉ lại, đòi hỏi và làm việc nhóm kém. Gần như những người này không tạo kết quả làm việc cao, nhưng luôn cho rằng người khác không biết dùng mình hay mình không được hỗ trợ.

Chỉ ở độ tuổi này, tôi mới hiểu và quý trọng sự hà khắc mà ba tôi dành cho các con. Chính sự hà khắc đó mà chúng tôi dù sống trong nhung lụa vẫn phải lao động, vẫn phải chứng minh năng lực và cố gắng đạt được niềm tin từ bố mẹ.

– Những năm tháng đi học xa nhà đã giúp ba chị em chị trưởng thành như thế nào?

– Ba má tôi bận lắm. Trong nhà, tôi là sướng nhất, vì đi du học ở Singapore, gần Việt Nam, nên tôi là đứa duy nhất trong mấy anh chị em được ba dẫn sang nhập học. Và đó cũng là lần đầu tiên tôi ngủ qua đêm ở một nơi khác không có má.

Tôi có kể trong tự truyện: “Lúc Bích (Trần Ngọc Bích – em gái thứ hai của Uyên Phương – PV)nhập học ở Anh, ba má quá bận nên chỉ có tôi dẫn em sang trường. Tôi rất ngỡ ngàng vì cuộc sống ở Singapore và Anh khác xa nhau. Thời tiết ở Anh rất khắc nghiệt, lạnh cắt da cắt thịt, không khí ẩm ướt kinh khủng. Bạn bè tôi cũng nhiều người sang Anh rồi không sống nổi lại phải quay về. Nhưng thật mừng là em Bích đã thích ứng rất nhanh và vượt qua mọi thử thách ở Anh.”

tran-uyen-phuong-tan-hiep-phat-2

Những năm 2002, tỉ giá tiền bảng Anh cao gần gấp đôi so với đô la Mỹ, nên em Bích càng phải tiết kiệm hơn tôi và em Dũng (Trần Quốc Dũng – em thứ ba của Uyên Phương – PV). Nghe em Bích điện thoại tâm sự, mỗi cuối tuần em mới đi chợ một lần, mua chuối giảm giá cho cả nhóm, 1 bảng Anh/thùng, chứ mua chuối đầu tuần đắt lắm… Rồi sinh viên Việt Nam ốm, đau bệnh về Việt Nam chữa sẽ rẻ hơn. Hoặc Bích cứ để tóc dài vậy, chờ về Việt Nam nghỉ hè mới cắt cho đỡ tốn tiền. Chẳng có ba má ở bên nhưng chúng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ làm phiền ba má vì cuộc sống của mình.

Hay ký ức về quãng thời gian em Dũng đi du học Mỹ cũng nhiều kỷ niệm. Dũng sang Mỹ vừa đi học vừa đi làm thêm để phụ gia đình, em còn tiết kiệm tiền mua quà cho mẹ và các chị. Trước khi đón tôi sang dự lễ tốt nghiệp, Dũng đi bảo tàng đến mấy lần để thuộc hết các ngóc ngách rồi dẫn tôi đi chơi trong những ngày ít ỏi tôi ở Mỹ. Để tiết kiệm chi phí, Dũng đặt phòng khách sạn, vé xem hòa nhạc trước cả sáu tháng…

– Bố mẹ chị dạy con có gì đặc biệt so với những người khác?

– Ba tôi rất khắc nghiệt. Triết lý của ba vô cùng đơn giản: “Muốn con biết bơi thì phải ném nó xuống sông”.

Ba coi việc biến con cái thành “cái rốn của vũ trụ” là cách làm con cái mau hư hỏng nhất. Ba hay nói với má: “Mình nuôi con đừng như gà nuôi con. Suốt đời cung cúc kiếm ăn cho con, động chuyện gì thì xòe cánh ra che chở. Đừng nghĩ đó là yêu con, chính là đang hại con đó”.

Ba nhiều lần nhắc nhở chúng tôi: “Không ai phục vụ các con hết, tự các con phải phục vụ bản thân và phục vụ người khác”. Và “học là để đi làm chứ không phải để có nhiều học vị. Mục tiêu cuối cùng và thước đo của mỗi người chính là giá trị mà người đó tạo ra cho xã hội”.

Trên con thuyền ra biển lớn

– Ba chị có khi nào giục các con học xong trở về làm cho Tân Hiệp Phát không?

– Ông chưa bao giờ nói muốn tôi về làm cho Tân Hiệp Phát. Nhưng ông chia sẻ với tôi nhiều kí ức, những triết lý sống và kinh doanh của mình. Có lẽ, chính những điều đó đã thôi thúc tôi gia nhập Tân Hiệp Phát.

Trong truyện tôi có viết: “Tốt nghiệp đại học ở Singapore trở về buộc tôi phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: Đi làm cho một tập đoàn lớn khác hay quay trở về doanh nghiệp gia đình? Liệu đi ra ngoài và tự thân lập nghiệp thì có tốt hơn không?”

tran-uyen-phuong-tan-hiep-phat-1
Stylist: Huyền Coco – Trang điểm: Phùng Thanh Phương – Địa điểm: Bo Concept Crescent Mall

Sau rất nhiều trăn trở, tôi đã quyết định thử sức với chính việc kinh doanh của gia đình mình, bởi đúng vào giai đoạn đó, ở Tân Hiệp Phát có một “cuộc cách mạng” lớn. Hồi đó, dự án Enterprise Resource Planning (ERP) đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam được triển khai ở Tân Hiệp Phát. Đây là một dự án lớn mà nhiều người cho rằng nhờ nó Tân Hiệp Phát thay đổi “từ xe đạp lên thành tên lửa”. Trong vòng một năm, tôi có cơ hội học hỏi toàn bộ quy trình vận hành doanh nghiệp, tham gia nhóm làm việc với hơn chục chuyên gia nước ngoài, và cùng họ viết lại toàn bộ quy trình cho Tân Hiệp Phát.

– Làm việc dưới cái bóng quá lớn của ba mình, chị có chịu nhiều áp lực không?

– Là con gái của ba, không có nghĩa tôi được ưu ái hơn, mà ngược lại tôi phải cố gắng hơn gấp nhiều lần so với những nhân sự khác. Tôi làm việc liên tục 16 tiếng mỗi ngày, có ngày còn nhiều hơn. Công việc lúc nào cũng ngập đầu. Nhiều hôm, mở mắt ra từ 5 giờ sáng, đã bắt tay vào việc. Bữa trưa của cả nhà thường bắt đầu lúc 2 – 3 giờ chiều, bữa tối nhiều lúc kéo dài đến tận nửa đêm, thậm chí đến sáng, nếu hai ba con còn ngồi bàn tính công việc. Đôi khi thời gian ngủ của tôi là ở trên máy bay, giữa các chuyến công tác, bất kể ngày hay đêm.

Khi biết tôi có ý định xuất bản cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh”, ba đã nói chuyện với tôi rất nhiều, thậm chí có lúc rất gay gắt, vì ba ngại mọi người sẽ nghĩ tôi tự đánh bóng tên tuổi gia tộc. Nhưng tôi luôn tin vào những điều tốt đẹp. Có thể mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau khi tiếp xúc với những góc khuất của gia đình Dr. Thanh, xin nhường quyền đánh giá khách quan cho độc giả. Tận đáy lòng, cuốn sách này là món quà tôi muốn dành tặng ba má, như một cách thể hiện lòng kính trọng và niềm yêu thương với cha mẹ mình.

– Bước vào thương trường ngay thời điểm tập đoàn Tân Hiệp Phát đứng trước nhiều sóng gió lớn. Cùng ba má bước qua những con sóng đó, chị đã học được điều gì?

– Tôi học được nghị lực sống mạnh mẽ của ba. Ba tôi sẵn sàng hứng chịu tất cả khó khăn với thái độ bình tĩnh và che chở, chấp nhận nhìn ra sai lầm của mình mà không đổ lỗi hay oán trách bất kì ai. Tôi nghĩ chính nhờ sự từng trải và dự cảm cho một tương lai dài, mà ba rất vững vàng, tỉnh táo và rất quyết liệt.

Tôi nhớ, rất nhiều đêm hai cha con trăn trở, không ngủ được trước những bước ngoặt lớn của doanh nghiệp, chuyện trò tới gần sáng, nhất là giai đoạn quyết định xây dựng ba nhà máy mới ở Hà Nam, Chu Lai và Hậu Giang. Tôi có chia sẻ trong sách câu nói của ba: “Đây là dự án mà nếu ba đầu tư thì các con sẽ là người phải trả, chứ ba không thể trả được nữa. Đặt cược ‘ván bài’ này sẽ là một số tiền rất lớn. Đó sẽ là một kế hoạch dài hơi, nâng tầm Tân Hiệp Phát, đưa công ty ra biển lớn, nhưng đó là kế hoạch của đời sau chứ ba chưa chắc đã có thể hoàn thành…”

Giữa thời điểm nền kinh tế còn chưa thể gượng dậy sau khủng hoảng, nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận đơn thuần, doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất vì sức mua giảm sút nặng. Nhưng đây lại chính là lúc chúng tôi quyết định lội ngược dòng, mở rộng sản xuất, cam kết phát triển bền vững, mang lại việc làm cho hàng ngàn lao động mới, bình ổn giá cả và tiếp tục nâng cấp chất lượng sản phẩm.

– Khi quyết định viết cuốn hồi ký này, với nhiều câu chuyện gây sốc về ba mình, chị có gặp phải phản đối của ông không?

– Ba tôi cũng không biết tôi viết gì trong toàn bộ cuốn sách. Mãi đến trước ngày ra mắt sách, ba tôi mới đọc hết và thốt lên: “Đọc thấy mình thép với các con quá”. Với mỗi nhân vật, tôi chỉ đưa cho họ đọc đúng phần của mình, để giữ tính bất ngờ. Và tôi mời những người biên tập, phản biện là những người đã làm việc với Tân Hiệp Phát, cả lâu năm và mới vào. Tôi nhận được nhiều sự đồng tình nhưng cũng có không ít sự phản đối vì họ sợ cuốn sách sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh ba tôi. Có những lúc, chính ba tôi cũng nói tôi nên xem lại và suy nghĩ kĩ quyết định của mình.

Nhưng điều duy nhất thúc đẩy tôi là sự kính trọng và yêu thương của tôi dành cho ba má. Dù thế nào thì tình yêu của bố mẹ dành cho con cái cũng luôn là vô điều kiện. Với cuốn sách này, tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ đó với độc giả.

 

TRẦN UYÊN PHƯƠNG

– Con gái đầu của ông Trần Quí Thanh. Hiện nay đang giữ vị trí Phó tổng Giám đốc của công ty Tân Hiệp Phát và Giám đốc công ty Number 1 Chu Lai

– Lãnh sự danh dự của nước Cộng hòa Sudan tại Tp. Hồ Chí Minh từ 2011

– Là thành viên Hội Doanh nhân trẻ thế giới (YPO) từ năm 2008

– Tốt nghiệp đại học tại Singapore. Được đào tạo quản trị doanh nghiệp tại trường Đại học Harvard (Mỹ). Được đào tạo quản lý doanh nghiệp gia đình tại trường đại học IMD, Thụy Sĩ

 

Thực hiện: depweb

08/07/2017, 16:07