Có cần cho con học sớm? - Tạp chí Đẹp

Có cần cho con học sớm?

DELETED

Chiều đi đón cu Minh, 4 tuổi rưỡi ở lớp mẫu giáo về, bà ngoại “nhắc nhở” bố mẹ Minh: “Các con xem thế nào dành thời gian kèm cặp cho cu Minh tập tô, tập viết chữ đi. Cùng lớp có nhiều bạn viết đẹp lắm rồi mà cu Minh cứ ù ù cạc cạc, tô chữ thì xấu, học trước quên sau”. Mẹ Minh thì cười, kệ cháu bà ạ, cháu còn bé, học được đến đâu thì được. Bà không hài lòng về sự “chủ quan” của mẹ Minh, không dạy đến khi đi học, nó lại học dốt nhất lớp à?

Ai cũng biết là không nên bắt trẻ học quá sớm nhưng không bố mẹ nào thoát khỏi “cuộc đua” chữ nghĩa của trẻ. Tâm lý chung, bố mẹ nào cũng lo con học chậm hơn các bạn, sợ con học dốt. Một phần, các bậc cha mẹ quen với việc đòi hỏi, con mình dứt khoát phải đạt danh hiệu học sinh giỏi chứ nhất quyết không thể chấp nhận được suy nghĩ, con mình là một học sinh xếp giữa lớp hoặc cuối lớp.

Phần khác, bố mẹ sợ con bị cô giáo chê, sợ trẻ học chậm hơn trẻ khác sẽ sinh ra chán nản, tự ti vì tại sao các bạn biết hết rồi mà mình chưa biết? Do đó, cuộc chạy đua học sớm dứt khoát không có điểm dừng.

Theo quan điểm của nhà tâm lý người Mỹ A. Gesell thì đứa trẻ sinh ra cũng như cây cỏ, có thời, có lúc, ta không thể đảo ngược thứ tự tiến trình phát triển của chúng. Sớm chậm tùy trẻ, nhưng thứ tự phát triển sẽ kế tiếp nhau. Muốn cho trẻ nhảy qua trình độ trưởng thành tự nhiên của nó, chẳng khác gì quả còn xanh lấy nung cho chín sớm.

Ông Gesell làm thử nghiệm với hai trẻ sinh đôi cùng trứng nghĩa là sinh ra với một căn bản y hệt nhau, một trẻ tập cho nhiều cử động khó khăn nhiều tuần trước, một trẻ chỉ cho tập ít hôm. Rút cục, đứa thứ hai chẳng bao lâu đuổi kịp đứa đầu. Người ta đã nhận ra rằng, cho trẻ con tập đọc lúc 5 tuổi, kết quả không nhanh chóng gì hơn tập cho chúng lúc lên 6 tuổi. Trong ít tuần, đứa trẻ 6 tuổi có trí thông minh ngang bằng với trẻ 5 tuổi kia, cũng đọc không kém gì đứa kia.

Vì vậy, vấn đề là ở chỗ cha mẹ phải có hiểu biết và phát hiện được đúng năng lực của con mình vào đúng thời điểm phát triển của chúng để có phương pháp dạy dỗ thích hợp. Còn gì khổ bằng một trẻ 4 – 5 tuổi thích khám phá cây cỏ, thích được trở thành nhà thám hiểm cuộc sống với những việc như bới cát làm hang cho chuồn chuồn lại bị bố mẹ bắt ngồi vào bàn gò lưng viết chữ và làm tính.

Một đứa trẻ 7 tuổi muốn được vẽ những thứ em nhìn thấy, khiến em thích thú lại bị bố bắt đi học võ cho cứng xương cốt thì làm sao khiến trẻ có thể phát triển đúng với năng lực và thích thú với sự thay đổi của bản thân?

Khi cha mẹ ép buộc con rèn luyện những năng lực không phù hợp với lứa tuổi hoặc tâm lý của chúng sẽ khiến trẻ chán nản. Một đứa trẻ phải sống với mong muốn của cha mẹ, luôn bị cha mẹ can thiệp vào sự phát triển thì khó có sự trưởng thành hoàn hảo. Tất nhiên, việc thả cho trẻ phát triển tự do cũng không phải là giải pháp tốt. Nếu cha mẹ bỏ qua một năng lực mới phát sinh, không giúp trẻ trưởng thành là phí một dịp dạy dỗ và phát hiện khả năng tự nhiên.

Điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là để cho trẻ con tự ý hoạt động, rồi chú ý quan sát chúng từng ngày, từng lứa tuổi, sống và chơi cùng chúng, học tập cùng trẻ, giúp trẻ luyện tập những năng lực mới phát sinh. Đó là cách tốt nhất mà những người làm cha làm mẹ hiểu biết nên làm cho con mình, đem đến cho con một cuộc sống tự do và tự chủ – cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã đúc kết như vậy.

Chung Nhi – Photo: Trọng Tùng (Nghiêng studio) – Model: Bé Nguyễn Hà Anh

Thực hiện: depweb

11/05/2009, 14:48