Chuyên mục Văn hoá giễu nhại: Marcel Proust nhại

Khi còn trẻ, Marcel Proust nảy ra ý định dùng một cốt truyện rất đơn giản nhưng được kể và bình luận bởi giọng văn của những bậc đại thụ trong lịch sử văn học Pháp: Balzac, Flaubert, Sainte-Beuve, Henri de Régnier, Goncourt, Michelet, Émile Faguet, Ernest Renan, Saint-Simon. Những tác phẩm nhỏ này mãi tới năm 1919 ông mới cho in, trong một tập sách mang tên “Pastiches et mélanges”; năm ấy, Proust không còn là một “nhà văn tập sự” nữa mà đã là tác giả của một số tiểu thuyết, và cũng năm này ông giành giải Goncourt cho tác phẩm “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa”, một tập trong bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” cho đến nay vẫn được coi là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của thế kỷ XX.

Marcel Proust giải thích về lựa chọn của mình: “Vụ việc cỏn con này (vụ việc Lemoine, một kẻ lừa đảo, tự nhận là mình phát hiện cách tạo ra kim cương để lừa tiền, sau đó bị tống vào tù; đây cũng là một việc có thật) đã được tôi lựa chọn vào một buổi tối, hoàn toàn theo cách ngẫu nhiên, làm đề tài duy nhất của các mẩu viết, trong đó tôi sẽ tìm cách bắt chước cách thức của một số nhà văn”. Ông đã chứng tỏ mình điêu luyện về văn phong và giỏi bắt chước đến thế nào trong những bài viết ngắn ấy; tài năng của Proust không chỉ thể hiện trong văn hư cấu mà cả trong nghệ thuật nhại bậc thầy này.

Sau này cũng có không ít nhà văn học theo người trước bằng cách nhại, chẳng hạn như Raymond Queneau: năm 1947, ông xuất bản cuốn sách “Exercices de style” (Các bài tập phong cách) kể cùng một câu chuyện theo 99 cách khác nhau; cuốn sách trở nên vô cùng nổi tiếng. Sau đó khoảng hai mươi năm, nhà văn người Anh, David Lodge, viết cuốn tiểu thuyết “The British museum is falling down” (Bảo tàng Anh đang sụp đổ) nhại tác phẩm của James Joyce, Kafka và Virginia Woolf. Nhại là một cách thức nhìn lại quá khứ của không ít nhà văn.

 Nhại (pastiche) và giễu bằng nhại (parody) là hai thủ pháp đặc biệt của việc sử dụng chất liệu của quá khứ, và nó không hề liên quan đến ăn cắp, đạo (plagiat). Đây là một “mỏ vàng” cho những người sáng tạo. Các nghệ sĩ lớn, đặc biệt các nghệ sĩ hài, vô cùng thích sử dụng những cách thức này. Nhưng nhại không nhất thiết có mục đích chế giễu. Những cuộc thi tìm người giống Elvis Presley chẳng hạn, tiếng cười mà chúng mang tới có sự hào hứng, sôi nổi, chứ không phải là tính chất mỉa mai, châm chích.

Nhại còn có thể là để học. Ca sĩ nào từng chẳng có thời cầm đàn cố chơi và hát sao cho thật giống một thần tượng âm nhạc nào đó. Xem một bộ phim, người giàu kiến thức điện ảnh có thể nhận ra cảnh này, cảnh kia là dùng để “vinh danh” (homage, cũng là một hình thức nhại) một đạo diễn hay một diễn viên tài ba nào đó trong lịch sử.

Ở Việt Nam, giễu nhại là thủ pháp đã được sử dụng lâu dài trong các hình thức nghệ thuật dân gian. Ví dụ trong nghệ thuật chèo, người ta thường phân ra các vai hài theo nhóm “hề áo ngắn” (là cách người dân tự trào về bản thân qua các nhân vật thằng hầu, anh lính, v.v.. với những câu nói ngây thơ, ngờ nghệch); và “hề áo dài” (là hình tượng mỉa mai châm biếm giới quan lại tham lam ngu dốt).

Dài dòng như vậy, để thấy rằng nhại và giễu nhại thực chất là những hình thức rất quen thuộc trong đời sống, nhưng tiếc rằng hiện nay rất nhiều người đánh đồng các tác phẩm nhại/giễu nhại với rẻ tiền hoặc ngây ngô.

Bài đã đăng: Chuyên đề Văn hoá giễu nhại: Ở độ thứ 2


 Bài N.L


From the same category