Chu Thị Hồng Anh: "Tôi là kẻ ham chơi" - Tạp chí Đẹp

Chu Thị Hồng Anh: “Tôi là kẻ ham chơi”

DELETED

Có thể nói, chính sự ham chơi là nguyên nhân ra đời cuốn sách ảnh “Ăn vặt Sài Gòn” không?

– Cũng không sai! Vì khi bắt tay thực hiện cuốn sách này, tôi không hề làm bài toán kinh tế như một người kinh doanh. Tôi chỉ đơn giản muốn lưu lại những hình ảnh, thông tin thú vị về người bán, xuất xứ của một món ăn hay câu chuyện thân thương ẩn đằng sau những món ngon dân dã. Tôi nghĩ, sẽ có rất nhiều người muốn được chia sẻ một góc trái tim mình, nơi lưu giữ những kỉ niệm đẹp, phút giây ta được nghỉ ngơi thoải mái, vui vẻ như tôi. Mà đúng vậy! Từ một diễn viên nổi tiếng đến nhà thiết kế thành danh hay doanh nhân thành đạt, đều có những chia sẻ thú vị xoay quanh những món ăn yêu thích. Nhiều bạn bè đã nhiệt tình hỗ trợ chúng tôi thực hiện cuốn sách này, nhà phát hành mua 2/3 số lượng in (1.500 cuốn), có lẽ một phần vì họ biết tôi ham chơi, không đặt mục tiêu thương mại với cuốn sách này.

Sách được tổ chức tốt cả nội dung lẫn hình thức nhưng nếu chỉ có bản tiếng Việt thì e đã mất một lượng độc giả lớn?

– Tôi may mắn cộng tác cùng đội ngũ biên tập viên giỏi nghề nên nhận được nhiều lời khen sau khi sách ra. Như đã nói, làm cuốn sách này tôi không tính chuyện kinh doanh mà làm cho đã nên mới có khổ giấy chẳng giống ai! (cười). Nhưng tôi cũng nghĩ rồi, nếu để song ngữ thì sách nhiều chữ quá sẽ làm khó người đọc nên thôi. Bản tiếng Anh của “Ăn vặt Sài Gòn” tháng 6 tới mới ra. Tôi sẽ làm tương tự như vậy với bộ sưu tập món ngon quà vặt Hà Nội.

 

Với một người ưa dịch chuyển như chị, hẳn chị đã thử qua không ít món ngon trên đời, vậy tại sao lại “tương tư” những món ăn giản đơn này?

– Tôi được đi nhiều nơi trên thế giới, được thưởng thức không ít món ngon của các nước, nhưng càng đi càng nếm thử ẩm thực xứ người tôi càng thương những món ăn vỉa hè của nước mình. Chúng gợi nhớ tuổi thần tiên của tôi, thời tôi trốn ba mẹ, len lén đạp xe đi ăn chè, bánh canh… cùng bạn bè. Yêu không phải vì ngon thôi mà còn vì kỷ niệm tôi đã thoát khỏi những kìm kẹp, cản ngăn của gia đình thành công. Ba mẹ tôi lúc ấy nghiêm khắc lắm, con cái không được ăn hàng, chỉ biết đến cơm nhà nên mỗi lần vượt rào thành công là một lần khó quên. (Cười) Lại thêm, kể từ khi lập gia đình cho đến lúc làm sếp, tôi cũng không có cơ hội được kéo một chiếc ghế đẩu, ngồi ké cái bàn con vừa ăn vừa tám chuyện với bạn bè. Tôi đã không được trở về thời ăn hàng mấy chục năm. Đến nay khi con cái lớn khôn và việc giao đãi không phải lúc nào cũng chọn nơi sang trọng, tôi mới được thỏa nỗi nhớ nhà dù vẫn đang sống ở nhà bấy lâu bằng những món quà vặt.

Xem ra thời khi-người-ta-trẻ của chị gặp nhiều trở ngại từ gia đình và nay chị muốn thực hiện tất cả mọi thứ đã từng bỏ lỡ?

– Thời thiếu nữ, tôi thích vẽ, tham gia viết báo tường, biết đánh đàn ghi ta, chơi cờ tướng giỏi, ca hát cũng chẳng tồi nhưng gia đình không cho phép tôi theo đuổi bất cứ thứ gì. Ngay cả khi là sinh viên, tôi phải trích thù lao dạy thêm và nhận thêm “viện trợ” của người yêu để có tiền mua giấy, màu, cọ vẽ. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được giáo dục phải đặt sự nghiệp lên hàng đầu, phải làm vừa lòng cha mẹ và xã hội mà không được cân nhắc đến nhu cầu bản thân. Tôi nghĩ, được chăm sóc hoặc làm cho người thân vui, tìm được đam mê trong công việc cũng là niềm vui nhưng chắc gì điều đó đã làm ta hạnh phúc? Tôi bây giờ, ngoài công việc, chăm sóc người thân, không thể thiếu thú vui mà khi còn trẻ phải tạm gác sang một bên để tập trung vào học hành, tạo dựng sự nghiệp, lập gia đình như nấu nướng, ca hát, vẽ tranh, cắm hoa… Cũng nhờ đó, tôi càng có nhiều ý tưởng thú vị đưa vào các chương trình chia sẻ với mọi người hơn.

 

Rút kinh nghiệm từ bản thân, chị tạo điều kiện cho con phát triển tự do chứ?

– Với các con, tôi là người bạn thân thiết, chúng có thể kể cho tôi nghe mọi việc xảy ra trong cuộc sống. Hiện nay con gái lớn đang du học ở Úc, tuy chúng tôi không thường xuyên gặp nhau nhưng có chuyện gì bé cũng tâm sự với tôi. Tôi thường nhắc cho các con biết chúng là những người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Là mẹ, tôi luôn khuyến khích hai bé khám phá và đào sâu khả năng của mình, người trẻ cần nhiều cơ hội để tìm hiểu bản thân, biết mình là ai. Như với bạn bè, tôi khuyên các con chỉ làm những điều mình cảm thấy vui, có ích và muốn làm.

Nhưng quan trọng hơn, từ nhỏ tôi đã tập cho con tính độc lập, học cách tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Tôi còn nhớ, đứa con gái 5 tuổi của tôi không thích đi học, nằng nặc đòi ở nhà, mẹ cho ở nhà hẳn 1 tháng. Nhiều ngày trôi qua, khi bạn bè trong xóm đi học hết, chẳng có ai chơi cùng, lủi thủi một mình, bé quyết định đi học trở lại. Nói vậy để thấy, tôi không cấm cản con, chỉ đưa ra lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, nếu bé vẫn cương quyết làm theo ý mình thì không còn cách nào khác phải để thực tế giúp con trưởng thành.

Ai cũng từng trải qua một thời thích làm người lớn nhưng chẳng phải bậc phụ huynh nào cũng nhớ ngày đó mình cư xử thế nào để thông cảm, chia sẻ và tìm ra cách uốn nắn thích hợp!

– Tôi thường nhắc các con, tuổi thần tiên chỉ có vài ba năm để tận hưởng nên hãy sống đúng tuổi, đừng cố làm người lớn bởi ta sẽ sống với vai trò một người trưởng thành đến hết đời. Còn với cha mẹ, đúng là hơi khó thực hiện vì cha mẹ luôn bị tình thương yêu làm cho quên đi mình cũng từng như vậy. Giới trẻ cần được người lớn chia sẻ kinh nghiệm sống, biết cách hưởng thụ cuộc sống. Chính vì đây là lứa tuổi phức tạp nên cha mẹ cần quan tâm nhiều, đừng vì bận bịu với công việc mà quên con cái đang cần mình đưa tay ra, lắng nghe.

Cảm ơn chị, chúc cuộc sống của chị ngày càng tròn đầy hạnh phúc.

Bài: An Hội
Ảnh: TangTang


Thực hiện: depweb

12/03/2013, 09:53