– Giới đầu tư và doanh nghiệp hiện rất quan tâm đến một báo cáo mới đây của HSBC, trong đó nhận định CPI của Việt Nam năm nay sẽ lên trên 10%, lãi suất cơ bản tăng lên 12%. Ông đánh giá như thế nào về dự báo của HSBC?
– Tôi cho rằng họ có lý do để đưa ra nhận định như vậy và đây cũng không phải là cơ quan duy nhất đưa ra dự báo khác với chỉ tiêu của Việt Nam. Có thể dự báo của họ căn cứ vào độ trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa trong năm 2009, khiến lạm phát năm nay có thể tăng lên. Mặt khác, họ cũng dựa vào kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam, bởi khi đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2010, thì chính sách tài khóa, tiền tệ không thể thắt chặt quá mức. Đây chính là mặt trái của chính sách.
Nhưng dù sao dự báo vẫn là dự báo. Vấn đề ở đây là cách xử lý của Chính phủ trước tình hình. Khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng này, Chính phủ cũng đã cân nhắc về chính sách tài khóa, cung tiền trong năm 2010 và nói chung các chính sách sẽ được sử dụng rất linh hoạt.
– Khái niệm "linh hoạt" nên được hiểu như thế nào trong tình hình năm nay?
– Linh hoạt có nghĩa là có thể thay đổi, nhưng việc thay đổi phải dựa vào các yếu tố khách quan, do yêu cầu của tình hình kinh tế, đồng thời đáp ứng mục tiêu của Chính phủ. Chính sách về dài hạn có thể không thay đổi, nhưng trong từng giai đoạn thì có thể thay đổi, ví dụ chính sách tiền tệ phải đáp ứng 2 yêu cầu trong năm nay là tăng trưởng kinh tế và kìm chế lạm phát.
– Theo ông, mức độ điều chỉnh liều lượng các chính sách trong năm nay như thế nào là hợp lý?
– Trong bối cảnh hiện nay, để kiềm chế lạm phát thì cả chính sách tiền tệ và tài khóa đều cần thắt chặt ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, để phát triển được kinh tế thì mức độ thắt chặt với doanh nghiệp chỉ ở mức vừa phải. Trong khi đó, để đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế, thì cần sử dụng các chính sách tài khóa. Đó cũng là cách Chính phủ đang điều hành để giữ cân bằng.
Một chính sách khác không thể không nhắc đến là thương mại. Nếu chính sách thương mại và tiền tệ, tài khóa kết hợp tốt, thì sẽ hạn chế được sự mất cân đối trong cán cân thương mại.
– Thông thường, doanh nghiệp và giới đầu tư rất sợ những rủi ro chính sách. Theo ông, làm thế nào để họ không bị xáo trộn khi chính sách trong năm nay có thể liên tục được điều chỉnh?
– Tôi cho rằng cần tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách. Mặt khác, khi các cơ quan này nghiên cứu và hoạch định, cần tính toán mức độ ảnh hưởng của nó đó đến các chính sách khác. Thứ ba, là khi chuẩn bị ban hành chính sách mới, cần có thông tin trước, mang tính cảnh báo, như là dự lệnh để khi ban hành sẽ không đột ngột.
– Thực tế trên thị trường tài chính, có những tin đồn chỉ là tin đồn, trong khi những tin đồn khác trở thành tin chính thức. Làm thế nào để nhà đầu tư và doanh nghiệp nhận biết dự lệnh từ cơ quan điều hành chính sách?
– Tin đồn là một thực thể của nền kinh tế thị trường, vì thế đầu tiên nhà đầu tư cần tỉnh táo để phân tích tính hợp lý của tin đồn. Thứ hai là cần có sự trao đổi giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, trong đó các cơ quan cần có thông tin kịp thời. Thứ ba là nếu cơ quan nhà nước điều hành chính sách theo đúng tín hiệu thị trường có sự điều tiết của nhà nước, thì cơ bản doanh nghiệp và nhà đầu tư có thể phần nào tiên liệu các bước tiếp theo.
– Mới đây lãi suất liên ngân hàng qua đêm gia tăng, khiến Ngân hàng Nhà nước phải có biện pháp can thiệp. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này, ngay sau khi hỗ trợ lãi suất ngắn hạn kết thúc?
– Tôi cho rằng cần xem xét hiện tượng này có mang tính bản chất hay không, như có phải do tính thanh khoản hay vốn của ngân hàng có vấn đề, để tiên liệu diễn biến của thị trường. Nếu đó là hiện tượng đột biến trong một thời gian nào đó, thì có thể yên tâm là tình hình sẽ ổn định trở lại. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có cách xử lý, và thời gian qua họ cũng có biện pháp, bởi hơn ai hết, họ là cơ quan có trách nhiệm về vấn đề này.
Ngọc Châu thực hiện