Chất tạo nạc: công, tội và scandal - Tạp chí Đẹp

Chất tạo nạc: công, tội và scandal

DELETED

Đến bây giờ, trong từng góc phố, thôn xóm, hiếm người nội trợ nào lại không biết đến chất tạo nạc, một loại chất độc hại đang tồn tại trong thực phẩm. Nhưng hỏi chất tạo nạc là gì, hẳn không nhiều người rõ (kể cả những người có học vấn cao). Bởi thế, bạn hẳn ngạc nhiên khi biết rằng, loại hóa chất đang khiến bạn lo sợ lại được dùng trong y khoa để trị nhiều bệnh nguy hiểm.

Những chị em đang nuôi giấc mơ thon gọn, từng học hỏi cách giảm cân của sao Hollywood – Kate Bosworth có giật mình không khi biết rằng cô nàng đã sử dụng thuốc có chất tạo nạc? Vậy là ba từ “chất tạo nạc” thực chất là gì, công – tội ra sao?

Từng được dùng trong y khoa

Riêng ractopamine là hoạt chất không được dùng trong y khoa còn sabutamol và clenbuterol từng được dùng để điều trị và cấp cứu cho bệnh nhân hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim cấp, dọa đẻ non… Từ năm 1968, sutamol được bán trên thị trường với tên thương hiệu Ventolin để giãn phế quản, trị cơn hen cấp. Còn clenbuterol được lưu hành dưới dạng biệt dược Spiropent, Ventipulmin. Nhưng sau khi bộc lộ những tác dụng phụ, đặc biệt ở dạng ngộ độc cấp, “chất tạo nạc” đã khiến nhiều nước ra lệnh cấm.

Năm 1968, tại châu Âu, clenbuterol bị cấm. Năm 1991, Mỹ cũng ra lệnh cấm không được sử dụng trong y khoa và thực phẩm chăn nuôi nhưng cho phép chúng tồn tại dưới dạng thuốc thú y dành riêng cho ngựa. Hiện nay, ngành y tế Việt Nam cũng như nhiều nước khác vẫn sử dụng hai hoạt chất trên trong điều trị với điều kiện bắt buộc ghi toa. Sabutamol an toàn hơn nên đến nay nó vẫn là thuốc đứng đầu bảng trong điều trị hen phế quản.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thế giới có khoảng 150 nước, trong đó có Việt Nam. Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… cấm tuyệt đối cả 3 hoạt chất tạo nạc trên. Nhưng có khoảng 20 nước trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Thái Lan chỉ cấm sabutamol, clenbuterol còn vẫn sử dụng ractopamine dưới tên thương hiệu Paylean được FDA cấp giấy lưu hành từ năm 1999. Các nước này cho rằng ractopamine giúp giảm chi phí chăn nuôi và không nguy hại khi có quy trình đảm bảo.

Bạn có thể đặt ra câu hỏi: Phải chăng người Việt Nam quá lo xa khi một quốc gia quản lý thực phẩm chặt chẽ như Mỹ cũng không mấy “kỳ thị” chất tạo nạc? Thực tế, khâu kiểm nghiệm tồn dư hóa chất ở Mỹ được thực hiện rất nghiêm ngặt. Tại Mỹ, Canada, họ ngừng cho vật nuôi ăn thực phẩm chứa chất tạo nạc khoảng 15 ngày trước khi xuất chuồng. Khâu kiểm tra xét nghiệm của các cơ quan chức năng cũng vô cùng nghiêm ngặt: Nếu nước tiểu của con vật bị dương tính với chất này thì chúng ngay lập tức bị đánh dấu để theo dõi suốt lộ trình tới lò mổ. Tại lò mổ, mẫu gan, thịt tiếp tục được gửi đi xét nghiệm, kết quả âm tính mới được cho đưa ra thị trường. Thế nên, với quy trình kiểm nghiệm hiện tại, Việt Nam khó có thể đảm bảo an toàn nếu đồng ý cho ractopamine lưu hành?!


 

Khởi nguồn của những vụ án tai tiếng

Bị tử hình vì… chất tạo nạc

Mặc dù các Chi cục quản lý thị trường Việt Nam thời gian qua đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất có tàng trữ chất tạo nạc như Công ty TNHH dịch vụ Nông nghiệp Thiên Hương Phát (ấp Tân Thành, xã Thanh Bình, H. Trảng Bom, Đồng Nai) chứa 220kg, công ty TNHH Nhân Lộc (thuộc ấp Bình Lợi, H. Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có 2,5 tấn hàng chủ yếu chất tạo nạc… nhưng đến nay chưa thấy đối tượng nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia, chất tạo nạc đã khiến những tổ chức, cá nhân bị truy tố hình sự với tai tiếng động trời.

Năm 2011, nhiều hãng thông tấn thế giới đã vào cuộc để theo dõi tòa án Tiêu Tác (Hà Nam, Trung Quốc) xét xử hình sự với 113 bị can, trong đó có 77 quan chức nhà nước liên quan tới việc sản xuất lưu hành chất tạo nạc clenbuterol. Trong vụ này, bị cáo Lưu Tường bị tử hình vì đã sản xuất lưu thông 2,7 tấn hóa chất này kể từ năm 2007. Tòng phạm Hề Trung Kiệt bị mức chung thân, các bị cáo khác phạt tù 9-15 năm.

5 năm tù và 500.000 đô la tiền phạt

Trước đó, tại Mỹ, ngày 6/12/1996, Tòa án Liên bang Milwaukee đã cáo buộc tổng giám đốc Jannes Doppenberg của công ty Vitek về tội sản xuất phân phối thực phẩm chăn nuôi có 3 chất cấm, nguy hiểm nhất là có clenbuterol. Theo bản báo trạng, Doppenberg phải đối mặt với 5 năm tù giam và số tiền phạt lên tới 500.000 đô la cho mỗi tội danh trong số 6 tội danh do tòa án luận tội.

Còn Liên Minh châu Âu, Đài Loan cấm tuyệt đối ba chất tạo nạc trên nên không chấp nhận ngưỡng tồn dư của chúng trong thực phẩm, vì vậy đã có những lần họ cấm tuyệt đối sản phẩm thịt bò Mỹ vì có liên quan tới ractopamine khiến cho quan hệ song phương căng thẳng.

Doping hay nỗi oan nhiễm bẩn từ thịt

Mặc dù bị cấm nhưng giới chợ đen và nhiều web rao vặt trên thế giới vẫn rao bán nhiều sản phẩm chứa clenbutarol và sabutamol với lời quảng cáo tăng nhanh cơ bắp, giảm mỡ, giảm trọng lượng. Với vận động viên, chất tạo nạc giúp họ giãn nở phế quản, thu được lượng oxy lớn trong luyện tập, thi đấu nên giữ được độ dẻo dai. Với vận động viên thể hình, chất tạo nạc vừa tạo khối cơ vừa giúp họ giảm hạng cân thi đấu. Chính vì thế, clenbutarol, sabutamol đã nằm trong danh sách cấm của Tổ chức chống Dopping thế giới (WADA). Trong lịch sử thể thao, đã nhiều vận động viên “dính doping” liên quan tới chất tạo nạc. Điển hình như tay vợt người Pháp Anthony Dupuis năm 2006 do sử dụng sabutamol đã bị cấm thi đấu 2,5 tháng. Cũng trong năm này, vận động viên trượt băng Anzhelika Gavrilov người Kazakhstan bị cấm thi đấu một năm vì dương tính với clenbuterol.

 

Nhưng WADA cũng có lúc phải giật mình vì vận động viên dương tính với các chất cấm có thể không phải cố tình mà là do thịt siêu nạc! Từ đây, câu chuyện dopping trở thành vấn đề sức khỏe nhân loại. Ngày 22/9/2010, vận động viên bóng bàn người Đức Dimitrij Ovtcharov đã bị cấm thi đấu vì phán quyết doping với cenbuterol nhưng anh kiên quyết kháng án vì không hề dùng thành phần này. Anh cho rằng mình bị nhiễm bởi thực phẩm và yêu cầu kiểm tra qua mẫu tóc. Kết quả: án phạt đã phải xóa.

Còn tại Vòng chung kết World cup U17 năm 2011, 109 trong số 208 mẫu thử của các cầu thủ đều dương tính với clenbuterol nhưng WADA không đưa ra hình phạt vì xác định được họ bị nhiễm do ăn thịt lợn. Trong năm 2011, Liên đoàn bóng đá Mexico phát hiện 5 cầu thủ của họ trong giải Gold của Mỹ đã dương tính với clebuterol và không được thi đấu. Các cầu thủ này cũng thanh minh họ bị nhiễm bẩn từ thịt bò và kết quả xét nghiệm lần 2 cho thấy họ trắng án.

Nhưng trường hợp của tay đua xe đạp thế giới Alberto Contador thì lời thanh minh nhiễm chất tạo nạc từ thực phẩm lại trở nên gian nan, khó thuyết phục. Năm 2010, anh bị dương tính với clenbuterol và bị tước anh hiệu Tour de France năm đó, đồng thời bị cám thi đấu đến tháng 8/2012. Từ khi bị kỷ luật, Contador liên tiếp đệ đơn kêu oan, anh thanh minh rằng mình dương tính với clenbuterol là do ăn thịt nhiễm độc. Liên đoàn xe đạp Tây Ban Nha xóa án vì chấp nhận lời giải thích của anh nhưng Liên đoàn xe đạp quốc tế và WADA thì vẫn không chấp nhận điều này. Contador vẫn tiếp tục đi kiện nhưng sự nghiệp và tiền tài của anh đã chênh vênh hao tổn nhiều vì chất tạo nạc.

Không chỉ là một chất

Không phải đến bây giờ, cụm từ “chất tạo nạc” mới gây xôn xao dư luận. Từ năm 2007, thông tin về lợn siêu tăng trưởng, siêu nạc đã từng làm nhiều gia đình hoang mang, cắt bỏ phần thịt trong bữa cơm. Nhưng các chuyên gia lúc đó chỉ nhắc đến clenbuterol và sabutamol (hai trong số nhóm chất tạo nạc). Cho đến năm 2012 này, ractopamine, mới được nhắc đến nhiều hơn.

“Chất tạo nạc” chính là tên gọi nôm na dành cho nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Các chất này nằm trong nhóm chất có tên khoa học là beta2-agonist gồm khoảng 30 chất, chúng có tính năng cơ bản là làm giãn cơ trơn phổi, phế quản, điều trị co thắt phế quản, hen suyễn (với liều nhỏ hơn 60mcg mỗi ngày). Ba chất có tính tạo nạc nổi bật có mặt trên thị trường là sabutamol, ractopamine, clenbuterol, trong đó clenbuterol là chất có công năng mạnh nhất.

Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1000-6000mg/ ngày, nhóm chất này kích thích tuyến thượng thận sản sinh corticoid (làm béo) và làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm cho da bóng mượt. Thực chất, các chất tạo nạc không làm tăng trọng lượng thật, chỉ tạo vẻ ngoài cho lợn trông “ngon” hơn.

Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol và clenbuterol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, vòng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. Cũng chính vì thế mà các trường hợp ngộ độc được báo cáo thường do ăn nội tạng động vật.

Riêng chất ractopamine được đảo thải nhanh hơn qua đường phân và nước tiểu nên sau khoảng 15 ngày, vật nuôi không được dùng chất này thì nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng rất thấp.

Nhưng chẳng nói thì ai cũng thấy, thói quen chăn nuôi của nông dân Việt Nam là cho lợn ăn sản phẩm tăng trọng đến ngày cuối cùng (khâu kiểm tra thành phẩm ở lò mổ cũng nhiều sơ hở nên thịt bẩn càng dễ ra thị trường). Đặc biệt nếu cho dùng clenbuterol với hàm lượng cao trong quá nửa tháng mà chưa giết mổ thì động vật sẽ bị rối loạn chuyển hóa, bị chết. Nếu người chăn nuôi cố tình cho vật nuôi dùng trong một vài ngày cận kề ngày xuất chuồng thì nguy hiểm càng tăng hơn.

Theo SKGĐ

Thực hiện: depweb

08/06/2012, 15:44