Chất quê - Tạp chí Đẹp

Chất quê

DELETED

Một người nếu có quá nhiều việc phải làm, thì cái việc quê/thành thị, cũng đâu phải là vấn đề quan trọng? Cái chính, đó là những việc xảy ra với bản thân họ, đã từng làm họ tổn thương, vì cái sự vô tình, trêu đùa, giễu cợt nhau chứ người ta sang tây thì cũng có khác gì người ở quê lên… tỉnh!

Một người có thể không biết cách đi toilet hiện đại như thế nào, họ có thể ngồi chổm hổm lên bồn cầu, hoặc cậy cái nắp cống lên để đi vệ sinh, nhưng chắc họ chưa bao giờ phải chờ hàng tiếng đồng hồ để đến lượt mình đi xả… “nỗi buồn” như những nơi đất phố chật hẹp.



Âm hưởng quê

Một người nếu có quá nhiều việc phải làm, thì cái việc quê/ thành thị, cũng đâu phải là vấn đề quan trọng? Cái chính, đó là những việc xảy ra với bản thân họ, đã từng làm họ tổn thương, vì cái sự vô tình, trêu đùa, giễu cợt nhau chứ người ta sang tây thì cũng có khác gì người ở quê lên… tỉnh!

Một số người khác, vì nhiều lý do mà lấy chồng lấy vợ ở quê, hoặc gốc quê. Trong số đó, hẳn là có tiếng ì xèo: “Lại là lấy vợ quê, gái Hà Nội đầy không lấy, lấy vợ quê, xa chết thôi”. Hoặc “cứ tưởng gái quê là ngoan à, lên dăm ba bữa xem, thay hình đổi dạng, thay tâm đổi nết ngay!”.

Nhiều bà mẹ chồng, khi vui thì không sao, lúc nào trái gió trở trời, bực vợ thằng con quá, lại thõng cho một câu: “Đúng là con nhà quê!”. Câu ấy nghe mới phũ phàng làm sao. Thi thoảng, nàng dâu chưa quen nấu những món ăn thành phố, lỡ làm không ngon, bữa cơm nhỡ chót ai vô tình thả một câu chê. Tức thì cô dâu quê đêm nằm cạnh chồng cũng buông tiếng thở dài. Sự xuất hiện của các thành viên đó cũng là nguyên nhân của lời bàn tán rằng lấy nhau vì tình hay vì nhập tịch vào cuốn hộ khẩu thành phố.

Nhiều đôi vợ chồng trẻ đón mẹ ở dưới quê lên ở cùng. Các bà vì con cái mà chịu khó xa rời quê hương bản quán, nhưng nhiều lúc mâu thuẫn cũng xảy ra ngấm ngầm bởi tâm lý của người già lại ở tại nơi không thích ứng. Nhiều người cho rằng, càng là người già, thì càng phải năng hòa nhập cộng đồng, thiên nhiên, vui thú với con cháu, và quan trọng nhất là có sự giao lưu. Nhà ở thành thị thì khác với nhà ở nông thôn.

Ở các khu chung cư, có lẽ, người già bị hạn chế giao tiếp nhiều nhất. Cửa nhà nào nhà ấy mấy tầng khóa, đi thang máy thì chóng mặt. Chợ là siêu thị, chứ không còn chợ quê mua mớ tép con cua. Tuy rằng việc chăm sóc các cháu giữa hai thế hệ là khác nhau. Bọn nhóc lúc ẵm ngửa thì đỡ, nhưng lúc lớn thì chúng lại mải mê phim hoạt hình truyền hình cáp, lúc ấy, các bà già ở quê ra càng ngày càng thấy cô đơn hơn.  

Nhà văn Hồ Anh Thái đã có một tác phẩm “Bến Osin” nói về những người giúp việc từ nông thôn lên thành phố. Những mảnh đời ấy thực ra lại gây cho chúng ta những cảm thông hơn hết. Họ lên thành phố khi tuổi mới lớn, còn rất nhiều ngỡ ngàng và háo hức nhưng cũng đặc biệt nhạy cảm với thân phận của mình. Ở một góc cạnh nào đó, chính những người dân quê cũng hay chê nhau, người ra (thành phố) trước, chê người ra sau. Người tiếp nhận làn gió thị thành chê người đang ngỡ ngàng.

Con người thường phải thích hợp với môi trường, sự thay đổi của một người rất rõ ràng khi họ vừa bước chân từ quê lên. Nguyễn Bính chẳng đã có câu thơ: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Hoặc phũ hơn là: “Dân quê mà đua đòi”, cũng chỉ vì cái dấu ấn đẹp đẽ của những nét quê chất phác giản dị, thô sơ mà chân tình đã bay đi… quá nhiều.

Họ khoác lên mình những tấm áo đẹp đẽ mà không có sự chọn lựa xem nó có phù hợp với mình không. Quá trình tiếp giao giữa chất quê và thị thành cũng là sự chuyển biến về tâm lý và tính cách của họ. Chính một phần cuộc sống nơi đô thị, mà họ trở nên khó chấp nhận trở về nơi làng quê mộc mạc và chán nản. Họ đã muốn “dứt áo ra đi, thoát khỏi bùn lầy nước đọng”, nên họ chịu chấp nhận mọi hình thức sống nơi thành thị.

Mặc cảm

Dân gian đã truyền câu: “Chửi cha không bằng pha tiếng”. Người ta cho đó là xúc phạm danh dự, đến cả miền quê hương nơi chôn rau cắt rốn của người ta. Nhiều người nhận thấy được những lời nói địa phương của mình khó nghe không dễ dàng trong giao tiếp. Từ đó dẫn đến chuyện: “đổi tiếng”.

Nhiều gia đình có con nhỏ đang trong quá trình học nói, giao phó con cái cho những người giúp việc vốn là dân quê chính gốc. Chính vì vậy, xảy ra những “hài kịch” nho nhỏ khi một ngày, bố mẹ đứa nhỏ bỗng phát hiện ra con cái mình nói rặt những giọng… của vùng nào đó. Hoặc sự ảnh hưởng giọng khi một trong hai người bố hoặc mẹ đứa trẻ là người có giọng… “quê”, vô tình dạy con nhỏ, thành ra chúng cũng nói giọng của… quê hương.

Dĩ nhiên, điều ấy là không sao, đôi khi còn là tự hào. Nhưng vì những đứa trẻ đó sống trong môi trường của những đứa trẻ thành thị, nên đôi khi giọng nói khác của chúng, lại là một cản trở, khiến trẻ không được tự nhiên khi nói. Nên nhiều cha mẹ đã “nắn, chỉnh” lại giọng ngay khi phát hiện ra giọng nói của con mình không được chuẩn.

Một số người gốc miền Trung, nói rằng: “Phải vào Sài Gòn, mới là thực sự sống. Cuộc sống ở đây tập trung nhiều dân tứ xứ, nói đủ thứ giọng, và ít bị phân biệt một cách quá mức, bởi chính sự trộn lẫn ấy”. Điều này, nếu họ sống ở Hà Nội, sẽ khó có thể tìm được một sự thoải mái.

Trường hợp một người khác, khi vào một quán cafe, mâu thuẫn “nhìn nhau” giữa bàn nọ và bàn kia gây đến xích mích. Bàn kia “chơi” bằng cách hò nhau nói chuyện rôm rả về “rau má, đường tầu”, làm cho anh bạn này tím mặt, hục hặc đòi chạy sang đánh nhau.

Những người đó đã dùng lời rất cạnh khóe với giọng khinh miệt tiếng địa phương của anh. Hoặc, hàng năm trời nay, tôi chứng kiến một cuộc xung đột về đất đai giữa ông anh và vợ chồng người em. Để hạ nhục một cách hèn mạt vợ của người em (cô là người có học đàng hoàng), ông anh chồng đã tìm ra một cách: Nhổ nước bọt và lẩm bẩm “đồ nhà quê” mỗi lần nhìn thấy cô. Mặc dù rất điềm tĩnh và không làm điều gì sai trái, và luôn tự tin, nhưng thực ra trong tâm khảm, cô rất buồn trước hành động đó của anh chồng và chịu bó tay không cách gì giải quyết.



Quê – thành thị

Nói gốc quê thôi, chứ Hà Nội còn mấy ai dám xưng là Hà Nội xịn. Người ta cứ thích Hà Nội ngày Tết, bởi lúc đó, Hà Nội vắng vẻ như những năm đầu giải phóng, đất rộng, người thưa. Rồi sau đó, lượng người đổ dồn về lại đông đặc. Người dân quê lên thành phố buôn bán làm ăn kiếm sống. Trừ một số đã thực sự khá giả và ổn định, an cư ở thành phố luôn. Một số khác vẫn sống đời lầm lụi với cảnh làm thuê làm mướn theo vụ mùa.

Họ nhẫn nại chịu khó mấy chục người rúc trong một gian nhà sơ sài. Tất cả các chi tiêu, nhu cầu, bị cắt giảm đến tối thiểu. Bởi họ chỉ nhằm mục đích kiếm từng đồng lẻ, chắt chiu gửi về quê. Một số miền nông thôn, khi đàn ông trong làng, đã bỏ làng, lên thành phố kiếm sống, ở quê, chỉ còn phụ nữ trẻ em và người già. Rồi thì bọn trẻ con cũng bỏ quê đi thành phố, phụ nữ đi bán hàng rong…

Nhà quê trở nên vắng vẻ quạnh hiu, và buồn hơn bao giờ hết. Người dân quê chấp nhận vất vả ở thành phố, nhưng kiếm ra tiền, và cũng thú thật rằng, ánh đèn đô thị bao giờ cũng quyến rũ lung linh nhiều đèn mầu. Sự quyến rũ với những gì ở thành thị có mà nông thôn không có, cũng là một sức hút mãnh liệt. Bỏ quê ra phố, nhiều khi đã trở thành bi kịch của những người nông dân.

Nhiều người thành phố thường hay đặt câu hỏi: “Tại sao những người gốc quê học hành thành đạt không trở về quê hương giúp đỡ quê hương phát triển”. Điều này, có lẽ chỉ thành phố Đ.N mới là thành phố tốt nhất thực hiện phương pháp khuyến khích nhân tài. Không ít những thủ khoa mới ra trường, dù ở địa phương khác, nghe theo tiếng gọi mời đã về với Đ.N.

Và nói gì thì nói, khi so sánh về quê với thành thị, hãy nghĩ kỹ mà xem. Tại sao dân sống các khu đô thị lại thường muốn tìm về những miền quê có không gian yên tĩnh, thoáng mát, có những món ăn ngon, chưa bị sự gian dối của con người tác động, nơi có những ngọn gió mát và những cơn mưa trong lành. Nơi tình thân chân thực vẫn tồn tại như những niềm an ủi của những sự vấp váp tinh thần.

Chính vì vậy, quê, vẫn ngọt, và dịu dàng. Còn thành thị, chốn phồn hoa đô hội, nhưng cũng là nơi mà dân phố cổ đang phải sống nhiều thế hệ trong những con ngõ, những ngôi nhà chật chội và thậm chí hàng trăm người đi chung một toilet như ở phố Đ.D.T. Thế nhưng, đã sống ở thành phố lâu, khi về ở một miền quê nào đó, hẳn bạn cũng sẽ rất nhớ những ánh đèn mầu thành thị, ở đó là những cuộc sống sôi động.

Bạn muốn gì? Quê hay thành thị? Tôi đoán, chắc bạn cũng như tôi, muốn cân bằng cả hai!

Tuệ Thư

Thực hiện: depweb

14/10/2008, 15:42