Chàng trai có tên "Phuc Dat Bich" thừa nhận lừa dối truyền thông - Tạp chí Đẹp

Chàng trai có tên “Phuc Dat Bich” thừa nhận lừa dối truyền thông

Hậu Trường

Hộ chiếu mang tên Phuc Dat Bich là sản phẩm Photoshop (Nguồn: theguardian.com)
Vào tháng Một năm nay, một người đàn ông đã đăng lên trang Facebook của mình bức ảnh chụp một tấm hộ chiếu của Australia, trong đó ghi tên đầy đủ hợp pháp của anh này là Ph​uc ​Dạt B​ich, và khẳng định rằng mình đã bị buộc tội “dùng tên giả và gây hiểu lầm” và rằng anh này đã bị khóa tài khoản nhiều lần.
Bức ảnh đã trở nên nổi tiếng và lan truyền trên mạng Internet vào giữa tháng 11. Các phương tiện truyền thông như tờ Sydney Morning Herald, news.com.au, SBS, BBC.com, tờ Herald Sun và 9news.com.au đều đã đưa tin này, mặc dù Ph​uc ​Dạt Bich chưa từng trả lời bất kỳ bài phỏng vấn nào.
Trong một lời xin lỗi được đăng trên Facebook vẫn với cái tên Ph​uc ​Dạt B​ich, vào chiều 25/11, người đàn ông 23 tuổi đến từ Melbourne này đã thừa nhận rằng việc đổi tên và bức ảnh được xử lý chỉ được dựng nên với mục đích trêu đùa các phương tiện truyền thông đưa tin và nêu bật những hạn chế của chính sách “chỉ dùng tên thật” của Facebook.
Trong một bài đăng được ký tên là Joe Carr (được hiểu là một cách nói trại của “joker” – kẻ thích đùa), anh viết: “Facebook cần phải hiểu rằng thực sự không thể chính thống hóa một nơi luôn đầy rẫy những người thích đùa và thích trêu chọc được. Vốn chỉ là một trò đùa giữa bạn bè với nhau, giờ việc này đã trở thành một trò đùa lớn khiến các phương tiện truyền thông trở thành kẻ ngốc và nêu bật những điều tốt đẹp ở những người đã tìm đến và chia sẻ với tôi. Câu chuyện không khơi gợi sự bực tức và đen tối thường thấy trên mạng Internet, mà lại nêu bật sự hài hước nhẹ nhàng và tính nhân văn trong thời điểm chúng ta cần những điều đó nhất. Sau vụ việc này, tôi đã kết luận rằng mình không nên tin vào các phương tiện truyền thông, những thông tin trên đó đã bị xuyên tạc bởi những nhà báo ‘khát’ tin bài và biết cách che dấu sự thật… Điều này đã cho thấy rằng một người bình thường như tôi cũng có thể dễ dàng lừa những nguồn tin lớn nhất một cách dễ dàng.”
Anh chia sẻ với tờ Guardian Australia rằng tên mình là Tin Le, anh 23 tuổi và hiện đang sống tại Melbourne, nhưng từ chối đề nghị xác nhận thông tin. “Các bạn chỉ có thể tin tưởng vào tôi và dựa vào những gì các bạn có,” anh nói. “Tôi đã quá mệt mỏi với mọi chuyện rồi. Hãy gọi tôi là anh T.”
Một trong số những người bạn trên Facebook của anh đã xác nhận rằng tên anh đúng là Tin Le.
Mặc dù Ph​uc ​Dat B​ich được cho là làm việc tại Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB), song Le từ chối không nêu tên nơi làm việc của mình. Một phát ngôn viên của NAB cho biết chị không được phép đưa ra bình luận nào về vấn đề nhân sự.
Le nói rằng anh “muốn nói lên điều gì đó, muốn làm mọi người vui vẻ” với trò đùa này. Anh vẫn chưa quyết định có nên thay đổi tên của trang Facebook của mình hay không. Cho tới tối thứ Tư, trang này vẫn được giữ nguyên tên Ph​uc ​Dat B​ich.
Không một nhà báo nào tiến hành xác nhận xem Ph​uc ​Dat B​ich có thực sự là tên của người đàn ông này hay không.
Tiêu đề bài báo trên trang Fairfax vào thứ Bảy vừa qua là “Phúc Đạt Bích – người đàn ông Australia với cái tên gây khó xử đến mức không ai tin nổi.”
Trong bài báo có dòng chữ “The Age đã tiếp cận Ph​uc ​Dat B​ich để phỏng vấn” nhưng nhà báo đưa tin vẫn không hề đưa ra bằng chứng nào cho thấy thông tin trong câu chuyện này là chính xác.
Những nghi ngờ đã được gợi lên bởi nhà báo Trevor Long, người trước đó đã viết bài đăng trên trang web EFTM của mình để xem xét bằng chứng và kết luận rằng câu chuyện này có thể là giả.
“Bằng chứng của anh này là gì?” Long đặt câu hỏi. “Hộ chiếu. Không có nhà báo nào thuộc bất kỳ tổ chức nào nói trên từng nhìn thấy hộ chiếu của anh ta – anh ấy chỉ đăng một bức ảnh chụp hộ chiếu lên Facebook mà thôi.
“Quan điểm của tôi là bức ảnh trên Facebook ít nhất cũng đáng ngờ. Ý tôi là hãy nhìn vào tên anh ấy xem, độ dày kiểu chữ trên trang hộ chiếu hoàn toàn khác so với cả trang.”
Cuối cùng, lập luận của Long đúng là chính xác.
Trước khi xuất hiện lời thừa nhận rằng cái tên là giả, Huy Lưu – một giáo viên người Việt Nam và là thành viên cấp cao thuộc Hiệp hội Phụ nữ Việt Nam-Australia đã chia sẻ với tờ Guardian Australia rằng: “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy có một người Việt Nam có họ là Bích.” 

“Tôi không nghĩ là chúng ta nên đánh giá anh ta mà không tìm hiểu về anh ta trước. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng anh ta sẽ rất ngốc nếu đổi tên mình trên hộ chiếu, bởi theo tôi được biết thì điều này vi phạm pháp luật” – anh nói./.

Theo VietnamPlus

Thực hiện: Đặng Trung Hiếu

26/11/2015, 09:19