Câu chuyện "viết lại lịch sử đời mình" của cô gái nhỏ 13 tuổi làm giúp việc, 22 tuổi đi du học - Tạp chí Đẹp

Câu chuyện “viết lại lịch sử đời mình” của cô gái nhỏ 13 tuổi làm giúp việc, 22 tuổi đi du học

Sống

Cuộc sống mỗi ngày thêm áp lực, trong chúng ta, những cảm xúc uất ức, bất mãn với đủ mọi thứ trong cuộc sống dường như mỗi ngày một dày lên. Thế nên, câu chuyện cô gái nhỏ mà kiên cường của It’s Happened to be Vietnam thật sự đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người:

“Công việc đầu tiên của chị là làm osin kiêm giữ em cho một gia đình ở Hà Nội.

Lúc đó 13 tuổi nhỏ như một viên kẹo, có 27kg và cao 1m30 lương được 150.000 một tháng, từ 6h sáng tới 12h đêm. Mình là một đứa trẻ mà phải đi nuôi một đứa trẻ khác thì còn dư dả thời gian gì để nghĩ cách đối nhân xử thế hay làm người này người kia hài lòng? Chị nhớ là làm được gần 4 năm, cứ đứa trẻ này lớn thì chị lại đổi nhà với một đứa trẻ mới. Tới một lúc quá chán cuộc sống tù đọng kiểu vậy rồi nên chị quyết… giả hồ sơ để được đi học bổ túc. Phải giả hồ sơ vì lúc đó không có hộ khẩu Hà Nội đố em xin được vào trường nào. Gia đình mà chị đang làm thuê không hài lòng với quyết định, dù chị đã dành phần lớn thời gian cuộc đời chị cho họ rồi.

Vậy là chị bị đuổi ra ngoài.

Nếu chị về quê, thì phải lấy chồng liền rồi đó. Ở tỉnh Vĩnh Phúc quê chị có cái văn hóa con gái trên 17 là gái ế nên tụi nó rủ nhau lập gia đình hết. Chị thì không biết gì nhiều hơn một đứa 17 tuổi lúc đó cần phải biết, nhưng chị biết là sự lựa chọn đó không dành cho mình. Chị nhìn mẹ của chị: là vợ sau của ba chỉ vì vợ trước của ông không đẻ cho ông được một đứa con trai nào cả, cho nên tới bây giờ chị vẫn chưa thấy mẹ chị sướng một ngày nào trong đời. Bà vừa là một hình ảnh truyền rất nhiều nghị lực, nhưng cùng lúc, chị không muốn trở thành bà.

1

Chị thuê được cái gầm cầu thang cỡ hai mét vuông để đủ nằm, sau đó là chuỗi ngày đi làm tất cả những thứ gì mà em có thể nghĩ ra: từ lau chùi toilet, bán xôi, bán bánh dạo ngoài đường, bưng bê phục vụ, bán hàng ở hội chợ… cho đến thợ sơn trong sở thú chị cũng làm nốt, miễn sao đảm bảo được chuyện chị đi học là được.

Chị nhớ một đêm mùa đông, chị và một người bạn cùng lớp đi học về, khoảng 11h khuya, chị ý bảo em thử đi đến xem chỗ này như thế nào, nó tên là KOTO, nhận đào tạo các trường hợp như tụi mình và dạy cả anh văn nữa. Lúc đó nghe 2 chữ “anh văn” là mê tít thò lò. Ngày đầu tiên tới, chị suýt khóc ở cách người ta giao tiếp với nhau sao mà quá ấm áp, từ ngôn ngữ lẫn thái độ, họ không xem mình là trẻ em đường phố, mà họ xem mình như một tiềm năng mà mình sẽ trở thành.

Tối đó chị gọi cho mẹ, bảo rằng mẹ ơi cuối cùng cuộc đời con đã có thể thay đổi rồi. Hai mẹ con khóc rất nhiều, chị khóc vì vui sướng, mẹ chị khóc vì sợ chị bị bắt cóc đem bán sang Trung Quốc, haha.

Mà đúng 5 năm sau thì chị bị “bắt cóc” thật, nhưng là được công ty gởi sang Úc du học.

Và phần còn lại trở thành lịch sử.”

2

Rất nhiều kí ức thời còn khốn khó của những người trẻ cũng được chia sẻ: “Ôi chị lại làm em nhớ tới mình quá. Em cũng 13t vào SG làm đủ thứ. Em nhớ nhất là 3 tháng buổi sáng em ăn 2 cái bánh mì 1k5. Trưa về pha gói mì tôm lấy nước ăn với cơm nguội, tối cũng thế. Nhiều lúc đi qua mấy tiệm đồ ăn khói phả thơm phức mà cứ dặn lòng: “Nhất định lấy lương mình cũng sẽ mua ăn cho bõ thèm”… Rồi có đôi giày vá nữa. Nhưng cứ đến lấy lương nghĩ lại thôi, lúc ý còn bao thứ phải lo. Thế là đành phải gói gém lại… Sau thì bòn nhặt mãi em cũng sắm cho mình đc 1 em way tàu cũ. Mà nó hỏng suốt thôi.

Giờ cuộc sống có đầy đủ hơn nhưng em rất nhớ quãng thời gian đó. Bao ước mơ hoài bão đã làm mình trưởng thành hơn.”

Thế mới biết, cuộc sống không công bằng cho tất cả, nhưng luôn cố gắng trả lại “trái ngọt” cho những mồ hôi nước mắt, cho nghị lực và cả niềm tin vào ngày mai. Chúng tôi đang cố gắng liên hệ với “nhân vật chính” trong câu chuyện này, để truyền tải kĩ hơn về cuộc đời và con đường cô đã đi qua.

Thực hiện: depweb

13/09/2017, 08:00