Cánh giác khi mua voucher

Mỹ Ngọc (nhân viên văn phòng, Q8, TP.HCM) vẫn còn tức vì nghĩ mình đã mua voucher dỏm. Tuần trước, thấy shop V bán voucher siêu giảm giá 70% trên mạng, vốn là tín đồ mua sắm, Ngọc vội vã đăng ký mua liền 3 phiếu. Cứ tưởng phen này mặc sức diện đồ mới, nào ngờ đến nơi Ngọc mới… té ngửa. Nhân viên shop V chỉ tay về phía đống đồ “tạp nham” trong góc: “Đó, hàng giảm giá đó, chị vui lòng lựa nhé!”. Hóa ra, voucher không áp dụng cho tất cả mặt hàng mà chỉ dành cho những trang phục đã… lỗi mốt của cửa hàng.

 

Nhận diện “chiêu trò”

Không ít các nhà cung cấp voucher tận dụng tối đa những “chiêu” nhằm thu hút nhiều khách hàng vì mục đích lợi nhuận. Một số điều dưới đây bạn nên biết:

– Nâng khống giá trị thực: Nhiều sản phẩm có mức giảm giá đến 90% nhưng thực chất giá gốc đã được nâng khống lên tận mây xanh. Khi đó, voucher có giảm giá thật mà thực ra chẳng giảm bao nhiêu.

– Treo đầu dê, bán thịt chó: Nhiều cửa hàng, quán ăn… đăng thông tin trên voucher kiểu mập mờ, khiến người mua mắc bẫy do thiếu cảnh giác hoặc không đọc kỹ điều kiện.

 – Bù thêm tiền: Có các gói dịch vụ, voucher chỉ áp dụng cho một vài dịch vụ nhất định chứ không phải trọn gói. Hoặc dù mua voucher thì bạn phải mua 5-10 sản phẩm mới được giảm giá theo mức in trên voucher. Do đó, muốn mua được hàng rẻ thì bạn phải… bù thêm tiền.

– Thời hạn sử dụng ngắn: Không ít bạn gái “ham” mua quá nhiều voucher mà không xem kỹ hạn dùng. Hoặc, bạn cũng có thể mua phải voucher của những mặt hàng… sắp hết hạn sử dụng, nhất là mỹ phẩm.

– Cháy hàng: Đây là chiêu trò mà các chủ voucher “trời ơi” thường giăng ra. Hàng hết, buộc lòng người mua phải mua mặt hàng khác, có khi không vừa lòng mà còn bị “chặt chém” không thương tiếc.

 

Tiêu dùng tỉnh táo

Nhiều đơn vị kinh doanh muốn giới thiệu thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng nên mua voucher cũng là hình thức giúp bạn tiết kiệm bởi họ đang dành cho bạn những ưu đãi. Tuy nhiên, tâm lý muốn tiết kiệm của người tiêu dùng đôi khi bị một số nhà cung cấp hàng hóa lợi dụng để “tống khứ” hàng kém chất lượng, hàng lỗi mốt… nên bạn cần lưu ý.

– Nhiều cửa hàng, quán ăn… nâng giá bán trước khi tung voucher. Nếu có điều kiện, tốt nhất nên tới cửa hàng để xem các mặt hàng giảm giá có phù hợp và giá cả có bị nâng khống lên hay không.

– Đọc kỹ các điều kiện sử dụng phiếu, được dùng vào những ngày nào, thời gian dùng phiếu ra sao, hạn dùng, liệu voucher có bị giới hạn sản phẩm mua không… Với những phiếu giảm giá tại các chuỗi cửa hàng, hãy xem nó có được áp dụng cho mọi cửa hàng trong hệ thống hay chỉ tại một vài địa chỉ nhất định.

– Đặc biệt với các voucher du lịch, bạn cần đọc kỹ nội dung xem phiếu có bao gồm vé tàu xe, máy bay, phí dịch vụ lưu trú hay không… Với các mặt hàng mỹ phẩm, cần tìm hiểu hạn dùng của sản phẩm trước khi mua voucher.

– Bạn có thể vào các diễn đàn xem ý kiến từ những người đã sử dụng dịch vụ giống mình, những kinh nghiệm mà họ chia sẻ sẽ là những thông tin hữu ích cho bạn.

Theo Thế giới Gia đình


From the same category