Cẩn trọng với hoa quả đội lốt nhập ngoại - Tạp chí Đẹp

Cẩn trọng với hoa quả đội lốt nhập ngoại

DELETED

“Nhập nhèm đánh lận con đen”

Tại đầu đường Láng, chị bán hàng “quảng cáo” nho được bán là nho Mỹ bởi trái chín mong, đều, quả to, có màu sậm hơn bình thường và được “hét” giá 450 nghìn đồng/kg, còn quýt vàng suộm, bọc cẩn thận trong bao xốp cũng được cho là “hàng của Thái Lan”. Sau một hồi quan sát kỹ và “soi” thì chúng tôi mới biết thùng quýt và thùng nho để phía sau sạp hàng vẫn còn nguyên chữ TQ.

Tìm hiểu một số nơi khác như khu Bạch Mai, Trương Định hoặc Phố Huế đều cho thấy, các chủ sạp bán hoa quả đều khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng “toàn hàng chất lượng có xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ, NewZealand”… Chính những chủ sạp này còn ra rả rằng, “thời đại này ai còn ăn hoa quả TQ, rất độc bởi được bảo quản bằng hóa chất liều cao”.

Đứng giữa :ma trận” trái cây nhập nhằng đó, người tiêu dùng dường như đang “bất lực” không biết phân biệt thật-giả ra sao. Một người mua hàng tại đường Cầu Giấy cho biết, thấy trái to, màu sắc đẹp và được bọc cẩn thận rồi dán tem “made in USA” thì cứ tin là trái cây của Mỹ chứ không biết và cũng  không nghĩ đó là trái cây của TQ.

Thế nhưng, thực tế, ít ai ngờ rằng, phần lớn các loại hoa quả có xuất xứ không rõ nguồn gốc trên được gắn mác các nước có uy tín đều là hàng của TQ, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc không rõ ràng… đã và đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng hàng ngày. Hơn nữa, việc “hô biến” hoa quả TQ thành hoa quả của các nước có uy tín khác nhằm đánh lừa tâm lý khách hàng để lừa bán với giá cắt cổ, chẳng hạn như táo, lê TQ được phù phép biến thành táo Mỹ, lê Úc với giá lên tới 200-300 nghìn đồng/kg tùy loại.

Việt Nam cũng “bị nhái”

Trước tình hình hoa quả TQ tràn vào Việt Nam ồ ạt trong những năm qua nhưng chất lượng không đảm bảo, gây nguy hại đối với sức khỏe, người tiêu dùng đang dần có thói quen chuyển sang lựa chọn hoa quả nội địa. Nhưng oái oăm thay, hoa quả của Việt Nam cũng bị “làm hàng” một cách trắng trợn, đánh lừa “mục sở thị” của người tiêu dùng.

Mít, xoài, chôm chôm, nhãn, vải thiều, chuối, dừa… là những loại quả trong nước có suốt bốn mùa nhưng giữa “ma trận” hoa quả hiện nay, các chủ sạp, chủ kiot, thậm chí có cả một số công ty ngang nhiên nhập hoa quả lậu của TQ rồi “gắn mác” Việt Nam.

Chị Thu Hằng – nhân viên thời trang của một công ty, cho rằng: “Giữa rừng trái cây tràn ngập tại các khu chợ, kiot chả biết đường nào mà lần, tôi chỉ mua hoa quả theo mùa của nước ta”.

Như vậy, vấn đề cốt lõi ở đây là lương tâm của những chủ sạp, tiểu thương vì hám lợi mà ngang nhiên “hô biến” hoa quả của TQ thành hoa quả của các nước có uy tín, kể cả Việt Nam. Đây cũng là một bài toán khó, nan giải đối với các cơ quan chức năng trong nước.


Đột nhập “thánh địa” của hoa quả TQ

Trái cây các nước như Mỹ, Úc, NewZeland… nói chung và trái cây của TQ nói riêng nhập khẩu bằng đường chính ngạch được cơ quan chức năng nước ta kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu phân tích và tính dư lượng chất bảo quản. Như vậy trái cây phải trải qua nhiều giai đoạn kiểm tra, kiểm soát và trên hết phải đạt hàng loạt tiêu chuẩn khác nhau.

Để tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi đã có mặt tại chợ đầu mối Long Biên, nơi mỗi đêm có cả hàng trăm chuyến xe lớn nhỏ ùn ùn kéo đến, chở hàng đi phân phối khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tại đây, hầu hết các loại hoa quả nhập đều được đựng trong các thùng carton in toàn chữ TQ. Một chủ kiot tại đây khẳng định: 90% hoa quả tại đây đều là nhập từ TQ.

Tại đây, các chủ kiot tiến hành phân “hàng” gồm 3 loại: loại 1 (hàng đẹp); loại 2 (hàng bình thường); loại 3 (hàng xấu). Một chị chủ hàng bật mí: “Loại 1 hầu hết được các sạp hoa quả lớn trong nội thành mua về, rồi gắn mác các nước trên thế giới nhằm đẩy giá lên gấp 3 gấp 4 lần, còn loại 2 và loại 3 thì còn tùy”.

“Do tâm lý của người dân thích chuộng đồ ngoại, đặc biệt là những loại hoa quả có nguồn gốc từ các nước có uy tín thôi. Nếu không đẩy giá cao như thế, liệu có bán được hàng? Nhiều khi các chủ sạp cũng đâu có muốn làm điều đó”, anh Vinh – chủ một kiot tại chợ đầu mối Long Biên cho hay.

PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc trung tâm dị ứng – miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết: “Hoa quả có chất bảo quản sẽ làm tăng phản ứng dị ứng nhiễm độc nhiều hơn. Đã là hóa chất bảo quản thì rất nguy hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên tác dụng của chất bảo quản đến dị ứng và nhiễm độc ở mức độ nào là vấn đề lớn cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn”.

Theo Cẩm nang mua sắm

Thực hiện: depweb

27/07/2012, 15:49