Cân bằng tài chính mùa mua sắm cuối năm

Mùa lễ tết khuyến mại

Cứ đến cuối năm với nhiều ngày lễ, ngày Tết, ai cũng có nhu cầu mua sắm đồ dùng, quần áo, giày dép… cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Hơn nữa, cuối năm cũng là lúc mọi người nghĩ tới việc cần phải tân trang lại nhà cửa, loại bỏ một số thứ cũ, sắm sửa thêm một số vật dụng mới cho không gian sống nhà mình. Đây cũng là thời gian người ta cần mua quà cáp biếu tặng người thân, cấp trên…

Nắm bắt nhu cầu đó, từ khoảng cuối tháng 11 trở đi, các nhà cung cấp, các siêu thị, cửa hàng cửa hiệu thời trang, đồ gia dụng, nội thất và cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày lại thi nhau giảm giá, khuyến mại “khủng” với những ưu đãi vô cùng hấp dẫn khiến những tín đồ mua sắm khó lòng cưỡng lại được. Thời gian Giáng Sinh, Tết Dương lịch và đặc biệt là Tết nguyên đán, hầu hết mặt hàng nào cũng có những ưu đãi rất lớn, vừa để kích cầu tăng doanh số, vừa giải quyết hàng tồn kho.

 

Bản thân có nhu cầu mua sắm, chi tiêu rất nhiều, trong khi nhiều mặt hàng lại đua nhau giảm giá, có nơi tới 50 – 70%, vậy thì làm sao bạn có thể “ngoảnh mặt làm ngơ” đây? Không phải ai cũng có đủ tiềm lực tài chính dành ra một khoản để thỏa mãn nhu cầu mua sắm trong thời gian này. Nguồn thu thì không tăng, tiền thưởng nhiều khi cũng không đủ cho nhu cầu chi tiêu của nhiều gia đình, câu hỏi đặt ra là “Làm thế nào để có thể cân bằng được tài chính trong mùa mua sắm cuối năm này?”.

Luôn tỉnh táo khi quyết định chi tiền!

Các chuyên gia tài chính đưa ra một số lời khuyên giúp bạn không phải quá khó khăn, tính toán với bài toán tài chính của cá nhân và gia đình, không phải lâm vào tình trạng chi tiêu không kiểm soát.

Tính toán tài chính và đưa ra một khoản tiền nhất định mà bạn có thể dùng cho mua sắm.

– Không ai lại dành toàn bộ tiền bạc cho một dịp mua sắm. Vì vậy, cách khôn ngoan là bạn định ra số tiền sẽ tiêu trong dịp này sau khi đã trừ các khoản phí sinh hoạt trong tháng. Hãy tổng hợp khoản thu nhập hàng tháng của mình, phân chia cho những nhu cầu thiết yếu trước rồi quyết định bạn có thể chi bao nhiêu cho việc mua sắm. Ngoài ra, bạn nên học thói quen ghi lại các khoản chi để dễ dàng biết được nếu mình đang chi tiêu vượt mức, tránh lâm vào khó khăn tài chính không đáng có.

– So sánh giá cả giữa các cửa hàng: Khi lựa chọn một mặt hàng mình thích, đừng vội mua ngay. Bạn hãy chịu khó tham khảo giá tại các cửa hàng khác để tìm được nơi có giá thành rẻ nhất. Biết đâu sẽ mua được món đồ mình ưng ý với giá chỉ bằng 80 – 90% giá bạn thấy ban đầu.

 

– Tập thói quen thu thập những coupon giảm giá cho những mặt hàng vừa ý: Đa phần mọi người đều cho rằng giảm giá thực ra chỉ là một cách bán tống bán tháo những mặt hàng lỗi mốt hoặc chất lượng kém. Tuy nhiên, một số nhãn hàng thực sự coi phương pháp giảm giá là một cách chăm sóc khách hàng và quảng bá thương hiệu nên bạn hoàn toàn có thể được lợi khi tham gia. Vì vậy, hãy chú ý đến những phiếu coupon của các mặt hàng khi bạn đọc báo, tạp chí…

– Không mua sắm quá mức cần thiết. Phân biệt giữa một món đồ bạn cần và một món đồ bạn muốn. Hãy đặt những câu hỏi: “Thật sự, mình có cần món hàng này hay không?”. “Sau vài ngày, mình còn cần món hàng này nữa hay không?”, “Mua món hàng đó, mình sẽ mất bao nhiêu phần trăm tháng lương?”. Những câu hỏi này sẽ giúp bạn cân – đong – đo – đếm trước khi mua một món hàng nào đó…

– Không mua hàng chỉ vì tham rẻ. Đừng thấy mọi người đổ xô đi mua hàng sale mà nóng vội, sợ hết nên nhanh nhảu đi mua mà không cân nhắc kỹ, đến lúc về nhà thử lại mới nhận ra món đồ đó không cần thiết, không thích, bị lỗi trong khâu sản xuất, quá hạn sử dụng… Tóm lại, bạn tưởng rẻ mà hóa đắt vì mua mà không dùng được. Không nên chọn mua 1 món đồ không phù hợp với mình chỉ vì được giảm giá 75%. Bạn sẽ nghĩ đến chuyện phải tặng nó cho ai đó một cách không cần thiết. Hãy nhớ rằng giá rẻ nhưng không có giá trị sử dụng thì cũng trở thành lãng phí.

Theo CNMS

From the same category