Nhập viện do… uống nước
Cái nắng chói chang như thiêu như đốt. Tạt vào lề đường làm cốc giải khát như là một giải pháp làm đã cơn khát mùa hè. Chỉ một loáng, cái khát tan biến đi đâu hết. Nhưng để lại đằng sau nó là những nguy cơ sức khỏe nhiều khi chúng ta không thể lường và không thể biết. Thậm chí đã có trường hợp nhập viện vì kiểu giải khát này.
Anh Vũ Đức Vượng, 25 tuổi (quận Hà Đông, Hà Nội) đã phải đi khám vì hệ lụy từ giải khát vỉa hè. Anh vốn là dân giao hàng của một siêu thị điện máy ở Hà Nội. Giao hàng cho khách hàng dưới cái nắng 40 độ C làm cơ thể anh như bốc cháy. Anh tạt vào lề đường làm một cốc nước sấu đá. Cốc nước sấu chua chua, ngọt ngọt, mát mát thật ngon. Miếng sấu giòn và ngọt lạ thường. Anh cũng chẳng biết đây là sấu chín hay sấu xanh vì chỉ biết ăn rất ngon và rất dễ ăn.
Cái khát vừa tan. Nhưng chưa được bao lâu thì ngay chiều hôm đó anh đã lên cơn đau bụng dữ dội. Buồn nôn và sốt cao. Sau đau bụng chừng non nửa tiếng, anh bị đi tiêu chảy như tháo. Không hiểu chuyện gì xảy ra, anh vội vàng đến phòng khám gần nhà. Tại đây anh được các bác sĩ chẩn đoán là nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm do uống nước sấu đá vỉa hè không sạch. Bệnh tuy không nặng và đã được xử lý ngay sau đó nhưng anh thực sự không ngờ uống nước giải khát vỉa hè lại có hệ lụy đến thế.
Ảnh minh họa
Điều đáng nói, vấn đề nguy cơ từ nước giải khát vỉa hè cả người bán và người mua đều không nhận thức được. Trong vai một người khách qua đường, chúng tôi dừng chân vào một quán nước ven đường trước cổng Bệnh viện đa khoa Hà Đông (quận Hà Đông, Hà Nội). Hỏi về nguy cơ gây bệnh và độ an toàn nước giải khát, chị bán hàng cho biết không vấn đề gì. “Làm sao mà bệnh được, chỉ có mỗi một cốc nước ấy mà”. Theo chị, bao nhiêu người uống có sao đâu! Chả thế mà nhìn đồ nghề quán nước của chị có mỗi một xô nước rửa cốc với 1 cái khăn lau cái bẩn, tôi đã thấy lo.
Hà Nội hiện đang có hàng loạt phố chuyên trà chanh – chém gió vỉa hè, như khu vực Nhà Thờ, sân vận động Mỹ Đình, đường ven các hồ, rồi các hàng chè tự chọn cũng chuyên bán trên vỉa hè. Gần đây, báo chí nêu “gương” vài triệu phú mới nổi bằng nghề bán trà chanh, chè tự chọn. Chỉ với số vốn nhỏ, vài bình trà cám, chút hương liệu, đường, đá hay ít đường hóa học, thạch rau câu đựng trong những túi nilon không hề có hạn sử dụng, ngày sản xuất, nhà nhập khẩu… chắc chắn, chất lượng của những loại đồ uống này cần được xem lại. Tuy nhiên, giới trẻ giờ đã nghiền trà chanh chém gió, chè tự chọn, thậm chí họ còn coi đây là một thú vị tao nhã hợp túi tiền mà không hề biết những độc chất từ hương liệu, đường, thạch… đang được nạp vào người nguy hiểm đến mức nào.
Cũng không ít người có hiểu biết, có kiến thức nhưng cũng đành tặc lười “sống ở đâu phải thích nghi với môi trường ở đó, cũng nên bắt cơ thể của mình thích nghi với đồ uống đó, dẫn dần sẽ miễn nhiễm”.
Công nghệ thị trường
Nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe từ nước giải khát vỉa hè có quá nhiều. Tựu trung lại chúng có hai loại nguy cơ chính: nguy cơ hóa học và nguy cơ sinh học. Đừng tưởng mầm bệnh không thể tồn tại trong nước đá, trái lại cốc nước đá ngay bên đường hoàn toàn có thể gây bệnh cho chúng ta. Đó là chưa kể nguy cơ sinh học (đó là sự nhiễm các vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh) đến từ rất nhiều nguồn như bụi đường, có thể là từ khâu chế biến, có thể là dụng cụ chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Nếu như bạn nghĩ rằng bụi đường và bụi vỉa hè chỉ đơn thuần gây bệnh hô hấp thì bạn đã nhầm. Trong thành phần bụi đường có rất nhiều nha bào vi khuẩn (dạng ngủ) và trứng giun. Nồng độ những dạng mầm bệnh tiềm ẩn này nhiều hay ít tùy thuộc vào nguồn gốc sinh bụi. Nếu như bụi bắt nguồn từ cống rãnh khô hay vùng nước đọng khô bốc lên thì số lượng trứng giun sẽ rất nhiều. Đa phần chúng là trứng giun đũa và giun tóc. Mà những dạng bủi kiểu này thì vô cùng phong phú, nhất là các khu vực đang làm đường, gần khu họp chợ, gần các bãi rác thải.
Nguy cơ mầm bệnh còn đến từ kỹ thuật chế biến mất vệ sinh. Đơn cử như làm nước sấu ngâm, món đồ uống khoái khẩu của các bà các chị mỗi mùa hè. Lẽ ra sấu sẽ phải rửa sạch và ngâm trong đường để sấu “tự chín”. Nhưng làm như vậy miếng sấu sẽ dai và không giòn, lại lâu. Người bán hàng liền “chữa” bằng một mẹo nhanh và đơn giản hơn. Sấu đem về cạo vỏ, rửa qua rồi chần qua nước nóng. Bỏ toàn bộ sấu này vào dung dịch nước đường, sấu thì không tự chín được và cứ bị hủy hoại dần. Chỉ cần một quả bị hủy hoại thì cả lọ sấu nhiễm bệnh.
Dụng cụ là cốc uống nước thì được vệ sinh rất “vỉa hè”. Chỉ cần nhúng cốc vào một cái xô là coi như sạch. Mà xô nước này thì một ngày chỉ thay một lần, nhúng cho đến trên 100 cái cốc, đồng nghĩa với việc nhúng cho trên 100 cái miệng khác nhau. Đó là chưa kể hàng tá ruồi bâu vào máy ép nước mía. Mỗi một lần bâu, ruồi lại “nôn” ra một lần, thải ra cỡ trên 100 mầm bệnh khác nhau. Ruồi bậu vào đống rác thải rồi lại bậu lên cốc nước mía. Sẽ có hàng trăm lần “nôn ọe” như thế diễn ra và nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi.
Một nguy cơ lớn nữa đến từ chính nước đá. Do nhu cầu thị trường lớn cho nên nước để làm đá là nuuwocs máy, giếng khoan. Nước được phun qua giàn mưa trong không trung để khử sắt rồi đi xuống bể, có lúc thì qua bể lọc nhưng có lúc thì không qua. Do dư lượng can xi và magie trong nước cao hơn mức cho phép, (nước kiểu này được gọi là “nước cứng”), khi làm đá, các chất hóa học dư thừa này còn nguyên và chúng ta sẽ uống hết vào cơ thể. Uống quá nhiều nước cứng gây ra vấn đề cặn thận, sỏi thận và ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế cho nên, nhiều người thắc mắc là tại sao ăn uống ở nhà giữ gìn, lại hay vận động mà vẫn mắc sỏi thận. Lý do nhiều khi lại đến từ những sự cố đơn giản như trên.
Theo bác sĩ Phúc Hưng, Học viện Quân y, nếu như bạn không là tín đồ của nếp sống vỉa hè thì khuyên bạn không nên gia nhập. Còn nếu bạn đang là người nghiền vỉa hè thì khuyên bạn nên hạn chế và sớm bỏ.
Nguy cơ sức khỏe tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người và mỗi vị trí bán hàng. Nguy cơ sức khỏe từ giải khát vỉa hè là có thật. Nhưng khả năng tiến triển thành bệnh nhiều khi lại không diễn ra ngay lập tức. Chính vì sự không cấp diễn này mà gây ra tâm lý chủ quan.
Lời khuyên của các bác sĩ là không nên ngồi uống nước hàng quán vỉa hè. Các quán nước tại các khu thiếu vệ sinh như chợ, gần hàng thịt, gần hàng ăn, trong bến xe, dọc bên đường, cạnh bãi rác là những khu nhiều mầm bệnh nhất. Đừng chủ quan là nước đá thì không có bệnh. Coi chừng, cốc nước của bạn đang bị nhiễm trứng giun và sẽ nở ra khi vào trong ruột.
Khi uống nước bạn nên yêu cầu nơi bạn uống cho một khăn giấy ăn để lau tay. Có khăn ướt thì càng tốt. Lau sạch miệng và tay trước khi uống. Vì bạn nên nhớ, đường đi có rất nhiều bụi và nhiều mầm bệnh.
Cũng khuyên bạn không nên tranh thủ đứng ăn ở ven đường (như bánh mỳ chẳng hạn) và làm một cốc nước vỉa hè cho tiện. Vì rất có thể, sáng bạn ăn, trưa bạn đã vào bệnh viện.
Theo Sức khỏe