Danh hiệu Đại sứ pha cà phê ngon nhất sẽ được vinh danh vào Đêm vinh danh Nữ Hoàng Cà Phê diễn ra lúc 19 giờ ngày 10 tháng 3 tại Đại học Tây Nguyên.
Các Đại sứ hướng dẫn chi tiết từ phần chuẩn bị nguyên vật liệu đến cách thức thực hiện và đặc biệt là rất sáng tạo trong cách giới thiệu về cà phê song song phần pha chế, gây hứng thú cho người nghe. Trong 30 giây chờ ủ cà phê, các Đại sứ còn hát một vài câu hát về cà phê, ngâm vài câu thơ ngẫu hứng hoặc chia sẻ một số kỷ niệm gắn liền với cà phê,…
Một ly cà phê ngon cần những điều thấy thì đơn giản nhưng rất tinh tế: từ chất liệu, cách chế biến, phục vụ, khung cảnh và đồng bạn.
Các Đại sứ đang cùng nhau tìm hiểu, học hỏi văn hóa cà phê và quy trình sản xuất, chế biến cà phê để tạo được thành phẩm tốt nhất
Chất liệu cà phê chính là loại bột thành phẩm – kết quả của một quá trình từ cây trồng trên cánh đồng cà phê tới quá trình thu hái, phân loại, chế biến, rang, nghiền,… Giống cà phê tốt phải là thứ cây được trồng tại vùng có khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới, trên cao nguyên từ 500 m đến 2000m so với mực nước biển, thích hợp nhất là đất đỏ bazan. Hạt giống cà phê tốt phải là thứ hạt của trái đã chín đủ thời gian trưởng thành trên cây, tức là 5 tháng, mỗi năm một vụ thu hoạch, có lượng ánh sáng mặt trời, lượng nước mưa và sương mù cần thiết để hấp thụ đầy đủ khoáng chất trong lòng đất, không bị ô nhiễm bởi những hóa chất và chất thải nhân tạo độc hại. Hạt cà phê xanh phải được phơi khô và tách khỏi vỏ kịp thời để tránh lên men sinh học hoặc ẩm mốc khi bảo quản, giữ nguyên được những chất liệu nguyên thủy về sinh học, thành phần hương vị và tinh dầu đặc trưng.
Nước pha cà phê phải là thứ nước tự nhiên, không bị ô nhiễm, không tạp chất, được đun sôi đến độ bốc hơi (100oC) và tùy theo sở thích có thể lọc qua hoặc ngâm nhúng một liều lượng cà phê hạt đã rang và nghiền để chiết xuất hết tinh dầu và hương vị cà phê trong thời gian thích hợp nhất (từ 3 đến 5 phút). Tùy thị hiếu của người thưởng thức dung dịch cà phê đã pha chế này có thể dùng nguyên chất, pha thêm nước sôi, sữa, sô cô la, đường, ca cao hoặc bơ hay những thứ hương liệu khác để tăng sự phức hợp muôn màu muôn vẻ.
Cà phê có thể tự phục vụ tại nhà hay ngoài quán. Dù ở đâu, sự phục vụ đều cần phải nhịp nhàng, thận trọng để không gây phiền hà, khó chịu cho người thưởng thức. Sự phục vụ tối ưu là không thiếu không thừa đối với tất cả mọi nhu cầu.
Không gian của việc thưởng thức cà phê có thể cũng đa dạng như cá tính của người thưởng thức nhưng có thể phân loại thành 2 dạng chính cho hai nhu cầu tưởng mâu thuẫn nhưng lại bổ túc cho nhau: nhu cầu tĩnh tâm và hội nhập. Với nhu cầu tĩnh tâm, quán nên tĩnh lặng, màu sắc và âm thanh làm nền cho bối cảnh phải là tối thiểu để không gây sự rối trí và lạc lõng. Dạng quán này nên gần với khung cảnh tự nhiên, mọi tiện nghi hiện đại nên để khuất lấp, chứ không lộ liễu, tránh lạm dụng về ánh sáng, màu sắc, âm thanh, thiết kế… Đối với nhu cầu hội nhập, người thưởng thức cà phê có nhu cầu giao lưu nên quán có thể mở trên vỉa hè tại trung tâm thành phố để người thưởng thức có thể quan sát sinh hoạt xung quanh hoặc có thể thiết kế những tấm kính lớn trong suốt để nhìn thấy cả hai chiều, hoặc những tấm kính có thể nhìn thấy một chiều từ trong ra để tránh sự tò mò.
Cà phê có đủ những điều kiện trên nhưng thiếu đồng điệu tri kỷ cùng uống thì cũng mất đi hơn nửa phần thú vị. Vì vậy trong bạn hữu, chúng ta có thể có những người bạn chỉ uống nước với nhau mới hào hứng, đồng thời cũng có những người bạn – cả nam và nữ – tâm đắc nhất khi chia sẻ với nhau mọi điều bên cốc cà phê.
Hoàng Diệp Anh – một trong các Đại sứ Cà phê Việt Nam xúc động chia sẻ: “Em không ngờ cà phê lại đặc biệt như vậy. Đó không đơn giản là cà phê mà khi đi vào khám phá, là cả một thế giới. Càng tìm hiểu em càng bị hút chặt vào và rất tự hào vì đất nước mình có thể làm chủ được di sản văn hóa quý báu này.”
Đại sứ Diệp Anh
Thói quen uống cà phê đậm đặc, thơm ngon từ các ly cà phê pha phin đã được thế giới biết đến và thường xuyên nhắc nhớ khi nói đến cà phê Việt Nam. Cà phê Việt Nam có sự phân cấp rõ rệt giữa thức uống bình dân như một thứ giải khát (cà phê đá trong cốc to) không phải chờ đợi và không có thú thưởng thức khoan thai – với cà phê lọc hay phin. Cà phê lọc có một bộ phận ép chặt hạt cà phê đã nghiền sau khi được rang, có thể thêm bơ cho có thêm hương vị và giữ nóng lâu hơn. Mỗi tách cà phê phục vụ riêng cho sở thích từng cá nhân và nước cà phê qua màn lọc chảy từng giọt sánh và thời gian đủ lâu để người thưởng thức có thể trầm lắng cùng không gian.
Không chỉ các Đại sứ Cà phê bị cuốn hút hoàn toàn vào thế giới cà phê, mà các thành viên của Hội đồng tuyển chọn Hành trình 2 cũng không khỏi thích thú khi được lắng nghe, quan sát và trải nghiệm cùng Hành trình: “Gia đình Hương là một fan cuồng của cà phê, từ bé Hương đã được làm quen với cà phê và chỉ cần nghe hương thơm cà phê thôi là Hương đã thấy tỉnh táo cả người. Thế nhưng chưa bao giờ Hương được tận mắt nhìn thấy cây cà phê, được nghe và khám phá rất nhiều điều thú vị về cà phê như bây giờ. Nhờ Hành trình trải nghiệm này mà Hương được biết đến cả một thế giới cà phê muôn màu độc đáo, và thêm tự hào về văn hóa cà phê Việt Nam. Theo Hương, ly cà phê sữa đá pha phin của Việt Nam mình vẫn là ngon nhất”, hoa hậu Thế giới người Việt – Diễm Hương chia sẻ.
Điểm ấn tượng hơn cả là các Đại sứ Cà phê đều tỏ ra rất thành thạo khi pha chế một ly cà phê đúng chuẩn và ngon theo văn hóa Việt Nam, rất tự tin và sáng tạo qua cách dẫn dắt câu chuyện khi hướng dẫn, tăng thêm hiệu ứng cộng cho ly cà phê tuyệt hảo. Trải qua 2 ngày tham gia các hoạt động trải nghiệm của Hành trình Đi tìm Đại sứ Cà phê Việt Nam, các Đại sứ cà phê đang dần hoàn thiện cả về kiến thức lẫn khả năng quảng bá văn hóa cà phê trên cả nước và toàn thế giới.
Cùng ngắm lại hình ảnh các hoạt động diễn ra trong ngày thứ 2 của Hành trình trải nghiệm “Đi tìm Đại sứ Cà phê Việt Nam”:
Các đại sứ hướng dẫn cách pha chế cà phê
Tập pha cà phê kiểu Việt Nam
Tập pha cà phê kiểu Ý
… và chia sẻ cảm xúc sau khi thực hành xong
PV